Tuesday, May 31, 2011

GIỚI BLOGGER PHẪN NỘ TRƯỚC HÀNH ĐỘNG CỦA TRUNG QUỐC (Thanh Quang, RFA)


Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-05-31

Mấy ngày qua, người dân Việt Nam yêu nước sôi sục phẫn nộ khi Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Hàng triệu triệu người dân Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, đều phẫn nộ, rồi lại băn khoăn cho vận nước, rồi dạt dào lòng ái quốc, thậm chí yêu cầu mở ngay “Hội Nghị Diên Hồng”, sau khi Trung Quốc – thêm một lần nữa sau rất nhiều lần trước đó – đã ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ngay trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam– tại nơi cách mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý.

Được đằng chân lấn đằng đầu

Hành động ngang ngược của 3 tàu hải giám TQ tấn công tàu dân sự Bình Minh 02 của PetroVietnam và phá hủy trang thiết bị của tàu Việt Nam khiến blogger Anhbasàm cho rằng đây có thể là khởi đầu cho một loạt hành động khiêu khích, cho tới khi Bắc Kinh “lấy cớ để phát động hành động quân sự xâm chiếm Trường Sa”.

Theo ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự VN tại Quảng Châu, “nếu chúng ta không chặn ngay từ đầu thì họ sẽ lấn tới, cần cảnh giác được đằng chân lấn đằng đầu”.
Nhưng câu hỏi được nêu lên là Việt Nam ngăn chận nguy cơ – thực ra xem chừng như đã thành hiện thực rồi - “được đằng chân lấn đằng đầu đó” ra sao ?

Qua bài tựa đề “Đừng xem Tổ Quốc mình như một phép thử ngoại giao”, blogger Mẹ Nấm trích dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao VN, bà Nguyễn Phương Nga, lại lên tiếng phản đối TQ vi phạm chủ quyền Việt Nam và lưu ý rằng “Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do TQ quản lý. Phía TQ đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp”.
Blogger Mẹ Nấm nhận xét:
 “Tôi đặc biệt chú ý đến câu nhấn mạnh của bà Nga "Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp". Vậy hải quân, và biên phòng Việt Nam ở đâu làm gì lúc ấy? Tôi và nhiều người khác đã mong đợi ông Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh xuất hiện với uy thế mạnh mẽ như ông đã từng tuyên bố "Phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền" hơn là những phát ngôn mang tính "thuộc lòng" của bà Nguyễn Phương Nga.
Liệu tôi có đòi hỏi quá đáng đối với chính phủ nước mình không nhỉ? Bị xâm phạm quyền lợi ngay trên chính vùng biển của quê hương mình, thì không còn gọi là Trung Quốc đang cố tình gây hấn hay ngang ngược nữa. Hãy gọi đúng tên bản chất sự việc đó là: xâm lược.”

Blogger Nguyễn Thông cũng “rất buồn” khi các lực lượng hữu trách của VN “biền biệt” để mặc cho – theo lời Blogger Nguyễn Thông – “bọn cướp biển cướp nước hoành hành”:
“Vụ này rõ ràng là một kiểu khiêu khích, một "sự kiện vịnh Bắc Bộ mới". Chỉ có điều chúng ta có đủ các lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, không quân, vậy họ làm gì trong suốt thời gian dài như thế mặc cho bọn cướp biển cướp nước hoành hành, mặc cho chiếc tàu dân sự đơn độc chống chọi? Rất buồn. Tàu ngầm lớp Kilo hiện đại đâu, sĩ quan sang Nga học đâu, nếu chưa về thì mau mau đưa về, kẻo đến hồi chả còn biển mà giữ nữa. Bây giờ mà không biết dựa vào sức mạnh toàn dân thì sẽ không bao giờ nữa.”

Tàu lạ hay nhà nước lạ?

Nhiều trang mạng nhật ký, kể cả Dân chủ-Nhân quyền cho Việt Nam, phổ biến bài tựa đề “Tàu lạ hay nhà nước lạ?” của tác giả Võ Long Triều cũng nêu lên nghi vấn nhân diễn biến này:
 “Vấn đề ngư thuyền Việt Nam thường xuyên bị đụng chìm, bị cướp tài sản, đòi tiền chuộc mạng, nhà nước biết quá rõ thủ phạm là ai? Thế mà tại sao nhà cầm quyền không có những biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ ngư phủ của mình?
Hải quân Việt Nam không tuần tra khu vực ngư phủ đánh cá để canh chừng tàu lạ cướp bóc? Nếu nhà nước cho rằng tàu lạ, thuộc loại cuớp biển, thì cũng nên trang bị vũ khí cho các ngư thuyền, tổ chức từng đoàn đánh bắt cá trong hải phận của mình để có thể tiếp cứu nhau khi gặp cướp. Phải chăng thái độ của nhà nước còn lạ hơn những tàu lạ!
Nếu thật sự nhà cầm quyền Việt Nam bị ràng buộc vì công hàm của Phạm văn Đồng và 16 chữ vàng hay 4 cái tốt, được các nhà lãnh đạo của hai nước thường xuyên xác nhận, trong trường hợp đó nhà nước nên ra thông cáo khuyên ngư dân của mình giải nghệ, hoặc chỉ nên đánh bắt cá sát bờ biển chừng vài ba trăm thước mà thôi.
Nếu các vị đầy tớ của dân biết bổn phận của mình là phải bảo vệ tài sản và mạng sống của dân, thì khi biết trước họ sẽ đi đến chỗ chết hay mất tài sản mà cứ để mặc kệ, vậy nhà nước không phải là đầy tớ của dân mà là kẻ thù hại dân!”

Và tác giả Võ Long Triều nhân tiện bày tỏ quan ngại về nguy cơ quê hương Việt Nam một ngày nào đó bị biến thành lãnh thổ Trung Quốc “một cách êm ấm”:
 “Tại Lạng Sơn đã có khu gọi là China Town một loại Little China hay là Chợ Lớn ngày xưa. Bây giờ tỉnh Bình Dương cho phép khởi công bắt đầu từ ngày 22/5/2011 thành lập China Town gọi là Đông Đô Đại Phố. Khu thương mại dành cho người Hoa. Hiện tại thống kê tỉnh Bình Dương xác nhận có khoảng 120.000 người Hoa lập nghiệp. Lần lượt các tỉnh miền Tây sẽ có China Town và người Hoa tự do đi lại không cần giấy tờ theo sự thỏa thuận của hai nước, họ sẽ di cư sinh sống trên đất Việt, kết hôn với gái Việt, biến đất nước Việt Nam thành lãnh thổ Trung Quốc một cách êm ấm mà không cần vũ khí để xâm lăng.”

Không biết có phải vì cũng đồng điệu với nỗi khắc khoải đó chăng mà Blogger Trần Mạnh Hảo lo ngại một ngày nào đó, không biết Việt Nam có lâm vào tình cảnh:
“Bên kia biên giới là nhà,
Bên đây biên giới cũng là quê hương!””
Bài thơ “Tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo mang một tâm sự khá u uất, rằng:
“Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
Tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt!
Tổ Quốc yêu Người phải lấy máu mà yêu!”

Dấy lên làn sóng yêu nước

Nói đến “Tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt” có lẽ nhiều người liên tưởng đến Blogger Điếu Cày vì dám lên án hành động ngang ngược của Bắc Kinh mà đang lâm cảnh đoạ đày khiến vợ anh – chị Dương Thị Tân - lên tiếng với công luận về tình trạng “không rõ sống chết” của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.

Nhiều trang mạng nhật ký phổ biến bài “Biển Đông nổi sóng lừng” của tác giả Nguyễn Hoàng Hà, nhận xét:
 “Người ta nay càng ca ngợi hình ảnh và tiếng nói mạnh mẽ của nhân vật “Điếu Cày” người đã lớn tiếng phản đối Trung quốc xâm phạm lãnh hải, đảo biển của Việt nam, đã bị công an Việt nam bắt và bị truy tố “vì hành động yêu nước” là dám lên án Trung quốc, làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị thắm thiết Việt-Trung.
Nay các việc bắt người biểu tình hay biểu hiện lên án Trung quốc cần phải được xem xét lại trước các nguy cơ hiện hữu về sự xâm lược đảo biển của bành trướng Trung quốc đối với Việt nam. Nhiều người cho rằng nhà nước Việt nam nên thả tự do ngay cho những người này cùng với việc phải tặng hoa, xin lỗi và phong họ là những người yêu nước, người anh hùng đã có nhãn quan nhìn xa trông rộng, tỏ thái độ dứt khoát bảo vệ chủ quyền đất nước Việt nam.
Có như thế mới có hy vọng khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân nhằm tập trung vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đảo biển và lãnh thổ thiêng liêng của đất nước này. Nếu không sẽ làm thui chột đi tài sản quý giá của lòng yêu nước trước các thách thức đe dọa của ông bạn bất hảo anh em Trung quốc đang mài dao kiếm kề cổ mình.”

Qua Blog BoxitVN, tác giả Mạnh Cường có bài “Tàu lạ, người không lạ” cũng nhận xét rằng “Khi biển đảo quê hương đang đứng trước mối họa ăn cướp rình rập, ngay lúc này, chúng ta cần sự đồng tâm hiệp lực, cần tình yêu nước trong trái tim tất cả những người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Chúng ta tin rằng, làn sóng yêu nước ấy dư sức nhấn chìm bất cứ con tàu lạ nào âm mưu xâm phạm nước ta”.

Blogger Mẹ Nấm cũng lưu ý giới cầm quyền VN về làn sóng yêu nước ấy của người dân, về sự sẵn sàng đoàn kết của nhân dân trước nguy cơ xâm lăng từ phương Bắc. Blogger Mẹ Nấm nhận xét:
“Nhà nước Việt Nam hãy có động thái, chí ít là ghi nhận sự thức tỉnh của người dân nếu không muốn ru ngủ họ nữa. Hãy nhìn sự đoàn kết của nhân dân mà lấy làm hổ thẹn cho các bậc lương đống triều đình. Không nhất thiết là cứ ăn miếng trả miếng nhưng nhịn mãi rồi thành quen, thành bản chất ươn hèn, đến lúc có muốn cũng chả vực lên được.
Cũng cần nói thêm rằng, khi người ta xâm phạm mình, không có nghĩa chỉ đóng cửa ra biển cãi nhau hay đưa nhau ra quốc tế kiện cáo. Sẽ không có nước nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam khi chính Việt Nam chưa có động thái tích cực bảo vệ chủ quyền của mình!
Bên cạnh đó, chúng ta không nên quên việc phải từng ngày từng giờ đối phó với giặc nội xâm cũng không kém phần nguy hiểm như tham nhũng, lộng quyền, làm trái pháp luật...”.

Bài “Biển Đông nổi sóng lừng” trên nhiều trang mạng nhật ký cũng nhận xét rằng “Đất nước đang có hai đợt sóng lớn đó là sóng lừng phương Bắc từ biển Đông tràn bờ và sóng lòng dân đang chơi vơi và nghiêng ngả bởi nhiều lẽ, bão giá cũng đang tràn đến chưa qua. Phải làm gì bây giờ, đó là câu trả lời của những vị lãnh đạo tài giỏi Việt Nam hôm nay và mai sau”.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.


.
.
.

No comments:

Post a Comment