Tuesday, May 31, 2011

CHUYÊN GIA NGA NÓI VỀ TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG (Vietinfo.vn)


Huy Linh (Tổng hợp)
Thứ ba, 31/05/2011, 09:32(GMT+7)

VIT – Đài phát thanh Tiếng nói nước Nga (Ruvr) dẫn lời ông Vasily Mikheev Phó Giám đốc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế cho rằng, cuộc tranh chấp xung quanh các quần đảo trên biển Đông cần và có thể giải quyết bằng nỗ lực của tất cả các thành viên hữu quan.

Ruvr viết, vấn đề các đảo tranh chấp ở biển Đông vẫn là yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng trong khu vực Đông Nam Á. Cách đây chưa lâu, Philippines và sau đó là Việt Nam đã gửi Liên Hợp Quốc công hàm chính thức, khẳng định chủ quyền của nước mình đối với quần đảo Trường Sa. Đó là phản ứng đối với hành động của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh công bố vùng lợi ích của họ bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ vùng biển Nam-Trung Hoa có trữ lượng dầu khí dồi dào và tài nguyên sinh vật biển rất phong phú. Manila đưa ra tuyên bố do thực tế là các tàu hải quân Trung Quốc đã lấn át tàu của Philippines đang tiến hành thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp. Chính quyền Trung Quốc không tỏ thái độ gì với phản đối chính thức của Philippines. Còn mấy ngày sau Bắc Kinh công bố lệnh cấm đánh cá tại một số khu vực vùng biển có những quần đảo tranh chấp. Hà Nội không chấp nhận lệnh cấm này và xem văn bản như là sự vi phạm trắng trợn tới toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền chủ quyền của quốc gia trên các quần đảo và đặc khu kinh tế biển độc quyền xung quanh.

Đồng thời, các nước trong khu vực đang cố gắng giảm độ gay gắt của vấn đề. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử trong vùng biển Đông. Trong văn kiện quy định về sự sẵn sàng từ bỏ đối đầu và giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuần túy bằng con đường ngoại giao. Đã qui nhận sự cần thiết hoạch định một cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ, để quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các vùng biển xung quanh trở thành “khu vực của hòa bình và hợp tác”.

Chuyên gia Nga nhận định: “Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có thỏa thuận cơ bản về cùng chung sử dụng các quần đảo này, về việc tại đây là khu vực phi hạt nhân, khu vực hòa bình và v.v… Đó là Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông. Nhưng thỏa thuận này mang tính chất văn kiện khung, chỉ xác định những nguyên tắc quan hệ cơ bản. Nhiệm vụ giờ đây là ở chỗ, làm thế nào để biến thỏa thuận này thành cơ chế hành động thực tiễn, không chia rẽ mà liên kết các quốc gia lại với nhau. Dưới tác động tiêu cực thể hiện qua tất cả các động thái ngoại giao thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo các nước tuyên bố tham vọng chủ quyền với các quần đảo này cần thêm một lần nữa suy nghĩ kỹ lưỡng, có thái độ tiếp cận nghiêm túc hơn với vấn đề, làm thế nào để biến thỏa thuận khung thành những bước đi thực tế”.

Tuy nhiên hiện thời Trung Quốc tỏ ra không vội gì tuân thủ tinh thần và văn bản của Tuyên bố. Các tàu hải giám Trung Quốc tiến hành tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa, chiếm tàu đánh cá của Việt Nam và lấy đi các thiết bị đánh bắt hải sản của ngư dân Việt.

Và theo Đài phát thanh tiếng nói nước Nga, bằng hành động cứng rắn công khai của mình, Trung Quốc thực sự đang buộc các láng giềng phải tìm kiếm một đối trọng để cân bằng với thế lực ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. “Hôm nay, trong cuộc tìm kiếm đó, các nước ASEAN đang thể hiện sự quan tâm rằng Hoa Kỳ không chỉ duy trì mà còn tăng thêm sự hiện diện tại khu vực. Nguyện vọng đó hiển nhiên được Washington hoan nghênh. Năm ngoái trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng nước Mỹ có “lợi ích quốc gia tới tự do hàng hải và sự tôn trọng pháp quyền quốc tế trong khu vực biển Đông””, Ruvr viết rõ.

ASEAN hy vọng rằng đến 2012 – mốc đánh dấu 45 năm thành lập tổ chức – sẽ ký kết Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Luật phải mang tính bắt buộc đối với tất cả các quốc gia trong khu vực. Ruvr cho hay, nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, thì biển Đông sẽ có thể trở thành một khu vực của hòa bình và hợp tác.

Sự việc các tàu hải giám Trung Quốc hôm 26/5 đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý đã thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế.

Thông tấn xã Itar-Tass của Nga cũng đưa tin, Hà Nội đưa ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ đối với Bắc Kinh về vụ việc các tàu tuần tra của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam trong vùng biển Đông.

Còn báo Financial Times dẫn lời chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, ông Carl Thayer, cho rằng, sự việc nói trên thể hiện sự gây hấn ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc trên Biển Đông.

Hãng tin Reuters cũng đưa tin về vụ việc nêu trên, theo đó 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã thách thức một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, phá hoại trang thiết bị và còn lên tiếng đe dọa tàu Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg cũng dẫn lại nguồn tin Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu về việc 3 tàu Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò của con tàu thuộc sở hữu của Tập đoàn này.

Hãng tin BBC
thì viết: Trước đây Trung Quốc từng có nhiều hành động cản trở Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nước này đã gây áp lực, trực tiếp hoặc gián tiếp, lên các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam tại đây như BP hay ExxonMobil. Tuy nhiên, đây là lần đầu tàu Trung Quốc vào sâu và có hành động mạnh bạo như vậy trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Trên thực tế, hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh đã được diễn ra một cách bình thường từ năm 2010 không có tranh chấp.

Huy Linh (Tổng hợp)
Tin tổng hợp
Nguồn tin: Baodatviet - Ruvr
.
.
.

No comments:

Post a Comment