Monday, May 2, 2011

BẤT THƯỜNG, TẦM THƯỜNG và PHI THƯỜNG (Nguyễn Đại)


Nguyễn Đại
Thứ Hai, 02/05/2011

Đọc bài viết này của BBT Dân Luận, tôi không khỏi thắc mắc. Đồng ý với Dân Luận rằng anh Vũ là một công dân bình thường ư? Sao lại “bình thường” được khi rõ ràng anh có trí tuệ hơn người, can đảm hơn người, yêu nước hơn người? Nhưng Dân Luận cũng có lý khi cho rằng cất tiếng nói của sự thật, của lương tâm là điều bình thường. Rồi đến vụ Giáo sư Ngô Bảo Châu. Anh Châu bày tỏ trên blog quan điểm của anh về Cù Huy Hà Vũ và gặp khá nhiều rắc rối đến độ phải “khóa cửa cài then”.

Muốn viết một cái gì đó nhưng lại chưa đủ động lực, thì nay lại có sự kiện hết sức bất ngờ: bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn với “đơn tự thú” gửi VKS, http://danluan.org/node/8631. Như một lẽ thường trong thế giới thông tin đa chiều, anh bạn trẻ của chúng ta nhận được cả những lời khen ngợi lẫn chê bai. Có thể coi hành động của Tuấn là “bình thường” hay không? Đó có thể là hành động “phi thường” đối với những người yêu mến tự do dân chủ, nhưng đối với những tay bảo thủ, giáo điều thì đó lại là hành động “bất thường”.

Như vậy BẤT THƯỜNG, TẦM THƯỜNG, BÌNH THƯỜNG, PHI THƯỜNG đều là tương đối. Tương đối theo cách nhìn của mỗi cá nhân, tương đối theo thời gian, và tương đối theo hoàn cảnh xã hội.

Bài viết này thể hiện quan điểm cúa cá nhân tôi về các khái niệm nêu trên.

* * *

Chúng ta bắt đầu bằng khái niệm tầm thường. Theo tự điển thì thì tầm thường là “hết sức thường, không có gì đặc sắc (hàm ý chê)”. Với tôi, những kẻ giấu tên, giấu mặt, giấu tung tích và lên tiếng chê bai hành động của người khác (ngay cả khi hành động đó sai) là “tầm thường”. Loại này trên mạng thì nhiều vô kể. Không chỉ tầm thường về tư cách, họ còn tầm thường về lý luận. Họ nói “tự do phải có khuôn khổ” mà không hiểu được rằng không có cái khuôn khổ nào ra ngoài được luật pháp. Họ đi theo cái lề đã vạch sẵn mà không bao giờ đặt câu hỏi, không bao giờ biết thắc mắc. Đây là tầm thường “kiểu cừu” (1).

Bên cạnh “kiểu cừu” là tầm thường “kiểu vẹt”. Có một câu chuyện ngụ ngôn rất thú vị về con vẹt. khi Thượng Đế hỏi “hai cộng hai là mấy?”, thì các con vật đều trả lời sai trừ… con vẹt bởi vì nó không trả lời mà chỉ lặp đi lặp lại “hai cộng hai là mấy”. Con vẹt cũng không bao giờ suy nghĩ, không dám bày tỏ chính kiến, chỉ thích lặp lại. Khi các tổ chức nhân quyền chất vấn thì người tầm thường “kiểu vẹt“ đọc câu “Việt Nam không có tù nhân chính trị”. Khi cảm thấy nhân dân bức xúc về việc ngoại bang xâm chiếm biển đảo thì “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…”.

Ngoài ra còn một kiểu tầm thường là những người có tên tuổi đàng hoàng, do quyền lợi cá nhân, viết bài chế giễu những người tranh đấu cho tự do, dân chủ bằng những lời lẽ chanh chua, cay cú, hằn học và ít nhiều lưu manh. Đây là tầm thường “kiểu sói”. (2). Ví dụ cụ thể trường hợp anh Vũ. Cái chính của sự tầm thường là họ không bao giờ dám có ý kiến phản biện đàng hoàng khi anh Vũ còn ở ngoài. Chỉ chờ đến lúc anh Vũ bị bắt, họ thể hiện sự khoái trá trên blog cá nhân mà không cho ai comment cả (?). Thừa gió bẻ măng, họ không thèm viết đúng tên anh Cù Huy Hà Vũ mà cố tình dùng chữ “Kù” một cách rất “hàng tôm hàng cá”.

* * *
Tuy nhiên, cũng phải nói thẳng với nhau là những người “tầm thường” không hại đến ai cả. Tư cách, lời nói hành động của họ chỉ nhàn nhạt, chỉ “hết sức thường” đến độ nhàm tai chứ không gây tai họa. Gây tai họa phải là những hành động, lời nói bất thường.

Kiểu bất thường dễ nhận thấy là những kẻ ngang nhiên sống bằng mồ hôi nước mắt của người khác: giết người cướp của, bài bạc, buôn lậu, tham ô, hối lộ… Liên quan đến chúng là những kẻ tiếp tay bao che cho các lại tội phạm trên.

Bất thường là khi nhà báo phanh phui tham nhũng thì đi tù, kẻ tham nhũng thì nhởn nhơ ngoài pháp luật.
Bất thường là Vinashin gây thất thoát tầm 80 ngàn tỷ nhưng “chưa đến mức kỷ luật”.
Bất thường là khi công an đánh chết công dân Trịnh Xuân Tùng vì cho rằng người này không đội nón bảo hiểm.
Bất thường là khi công dân Nguyễn Văn Khương phải đi cấp cứu (và chết sau đó) khi đang làm việc với công an.
Bất thường là công dân Trần Văn Dữ ở Sóc Trăng bị chết sau khi làm việc tại công an thị trấn Ngã Năm.
Bất thường là điện, xăng, nước… vừa độc quyền kinh doanh, vừa điều chỉnh giá cho bằng với thị trường.
Bất thường là ở đất nước mà giai cấp công nhân, nông dân là đội quân tiên phong thì bị bóc lột nhiều nhất. Bất thường hơn nữa là những người đấu tranh cho quyền lợi công nhân thay vì được tuyên dương thì bị bắt giam (anh Đoàn Huy Chương) hoặc “mời đi làm việc” (anh Lê Thanh Tùng).

Đặc biệt bất thường là những phiên tòa mà chánh án vi phạm luật tố tụng, luật sư phản đối bỏ về.
Vấn đề là những gì bất thường nhất đã trở nên bình thường ở xã hội ta.

* * *

Ở một cực khác của bất thường là phi thường. Phi thường là khác bình thường theo hướng tốt hơn. Để làm được việc phi thường phải có trí tuệ, có trách nhiệm, đặc biệt là phải có lòng can đảm nữa.

Những gì anh Vũ đã viết có cần trí tuệ không? Có.
Anh Vũ có trách nhiệm với dân tộc, với nhân dân khi viết không? Có.
Anh Vũ có can đảm khi viết và phổ biến tài liệu không? Có.

Vậy anh Vũ chính là người phi thường. Nếu anh Vũ “chẳng may” sống trong một đất nước tự do dân chủ thì những gì anh Vũ viết và phổ biến không cần lòng can đảm. Khi đó, đúng như BBT Dân Luạn nhận xét, anh Vũ chỉ là một công dân bình thường.

Một công dân bình thường “được” sống trong một xã hội bất thường đã trở nên phi thường. Và trong một phiên toàn bất thường, bị can mới có thể tuyên bố một câu phi thường “nhân dân và Tổ quốc Việt Nam sẽ phá án cho tôi”.

Quay trở lại câu chuyện bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn. Chúng ta kính trọng sự can đảm của Tuấn. Đồng thời, lần đầu tiên tôi đồng ý với nick NiMarxNiJesus, không nên có những lời lẽ quá đao to búa lớn đưa Tuấn lên làm anh hùng, so sánh Tuấn với… Thích Quảng Đức, Kinh Kha. Điều này chỉ có hại cho Tuấn chứ chẳng ích gì. Tôi cũng mạo muội gửi vài lời đến Tuấn cũng như Huỳnh Thục Vy, cô gái trẻ xứ Quảng. Lương tâm, trí tuệ của các bạn thì không có gì phải bàn, hết sức đáng quý. Nhưng hãy hoàn tất việc học để đảm bảo nghề nghiệp sau này. Còn với những comment như “thằng này dở hơi”, “dại dột quá, tội nghiệp” thì… ôi chao, những kẻ tầm thường.

* * *

Tôi và các bạn hầu hết đều muốn được sống như một người bình thường. Đó là được đảm bảo nhu cầu sinh lý (ăn, ngủ, mặc), nhu cầu học hành, phát triển, nhu cầu về tư duy, được tôn trọng các quyền con người. Nhưng cuộc sống luôn có những kẻ bất thường tìm cách ngăn cản hoặc hạn chế ước muốn này (với sự cổ động của những kẻ tầm thường). May mắn là có những người phi thường đứng ra tranh đấu “dùm” chúng ta.

Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu không cần những người phi thường như vậy. Tất cả đều được sống và làm việc trong một xã hội dân chủ, tự do, tôn trọng pháp quyền.
_________________

(1) "Đi theo lề là việc của đàn cừu" – Ngô Bảo Châu
(2) Lòng lang dạ sói
.
.
.

No comments:

Post a Comment