Friday, May 27, 2011

BÃO LỐC (TORNADO) - MỘT "ĐẶC SẢN" HOA KỲ (Hà Tường Cát, Người Việt)


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Wednesday, May 25, 2011 4:50:33 PM

Lúc 5 giờ 40 chiều Chủ Nhật, 22 Tháng Năm, một trận bão lốc cực mạnh quét ngang thành phố Joplin, tiểu bang Missouri. Vùng gió xoáy chiều ngang 0.75 dặm, có lúc lên gần 1 dặm, chạy dài 7 dặm với sức gió mạnh nhất lên tới 198 dặm/giờ.

Trận bão lốc khủng khiếp ở Joplin, Missouri, hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Năm. Ánh sáng dưới chân cột mây là những tia sét liên tục. (Hình từ video của AP)

Hậu quả trong vòng ít phút: 125 người thiệt mạng, hơn 500 bị thương, 75% kiến trúc ở thành phố bị hư hại trong số đó 2,000 căn nhà bị hủy diệt hoàn toàn.
Ðây là trận bão lốc gây tổn thất nhân mạng cao nhất kể từ năm 1947 và hạng 8 trong suốt lịch sử Hoa Kỳ. Một tháng trước, ngày 25 Tháng Tư, trận bão lốc ở Alabama làm chết 61 người. Trận bão lốc khủng khiếp nhất tại Hoa Kỳ là “Tri-State Tornado” xảy ra ngày 18 Tháng Ba, 1925, kỷ lục về thời gian kéo dài 3 giờ rưỡi, kỷ lục về đi xa 219 dặm qua ba tiểu bang Missouri, Illinois, Indiana, kỷ lục về di chuyển nhanh 73 dặm/giờ, và làm chết 695 người.
Nhưng trận bão lốc chết người nhiều nhất thế giới là ở Daultipur-Salturia, Bangadesh, ngày 26 Tháng Tư, 1989, với 1,300 người thiệt mạng.

Bão lốc là gì?
Bão lốc (tornado) là một cột gió xoáy tròn phát xuất từ một đám mây và xuống tới mặt đất, trung bình sức gió có thể từ khoảng 40 dặm/giờ trở lên tới khoảng trên dưới 100 dặm/giờ, đường kính chừng 100 mét và di chuyển đi xa ít dặm rồi tan biến sau năm hoặc mười phút. Bão lốc cực mạnh có sức gió xoáy lên tới 300 dặm/giờ trong một vùng rộng trên 2 dặm và di chuyển xa hàng chục hay hàng trăm dặm.
Một hình ảnh gần giống như bão lốc là những cơn gió lốc, còn gọi là con chốt, xuất hiện rất nhiều trong mùa Hè ở khắp mọi nơi, nhất là ngoài cánh đồng trống, có tầm cỡ nhỏ, tan biến nhanh và thường không gây tổn hại gì đáng kể. Tuy nhiên, đây không phải là bão lốc vì gió lốc này do từ không khí nóng gần mặt đất và cột gió không nối liền giữa mặt đất với một đám mây.
Bão lốc có nhiều hình thái và tầm cỡ khác nhau, nhưng căn bản hình thành là sự xuất hiện cột mây với hơi nước đã ngưng đọng thành những hạt nước hay tinh thể nước đá nhỏ. Nước bốc hơi thu nhiệt và hơi nước ngưng tụ thải ra nhiệt nên xung quanh cột mây là một vùng không khí nóng bốc lên cao và tạo thành chuyển động xoay tròn. Thật ra, người ta chưa thể biết rõ trong những điều kiện nào có sự bộc phát bão lốc, nhưng điều chắc chắn là phải từ một hệ thống bão tố, nhiễu loạn của những khối không khí chứa nhiều hơi nước. Cột mây hay “vòi rồng” như tên dân gian thường gọi, từ đám mây nếu không hạ xuống đến gần mặt đất thì không thành bão lốc.
Một hệ thống mưa bão có thể tạo nên nhiều vòi cùng lúc hay kế tiếp nhau trong vài ngày và di chuyển gây nên một đợt bão lốc qua nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.

Sức mạnh của bão lốc
Giống như thang Beaufort diễn tả sức gió hay thang Saffir-Simpson định cấp của các trận bão (hurricane), sức mạnh của một cơn bão lốc được tính theo thang Fujita do nhà khí tượng học Mỹ gốc Nhật Tetsuya Fujita đặt ra năm 1951.
Theo thang bậc này, bão lốc được phân thành 6 hạng từ F-0, yếu nhất, sức gió xoáy 40-72 dặm/giờ, đến F-5, mạnh nhất, sức gió xoáy 261-318 dặm/giờ hay hơn nữa.
Tới năm 2007, cơ quan thời tiết quốc gia Hoa Kỳ sử dụng một thang bậc Fujita cải tiến (Enhanced Fujita Scale), ấn định EF-0, sức gió 65-85 dặm/giờ, EF-1, 86-110 dặm/giờ, ..., EF-5, trên 200 dặm/giờ.
Trận bão lốc Toocaloosa ở Alabama ngày 27 Tháng Tư được xếp bậc F-5 và trận bão lốc thổi qua Jopplin ở Missouri ngày 22 Tháng Năm có sức mạnh từ EF-4 cao đến EF-5 thấp.

Vì sao Mỹ có nhiều bão lốc nhất thế giới?
Bão lốc có thể xảy ra trên khắp thế giới, tại đất liền hay trên biển, tuy nhiên, nhiều ít và mạnh yếu khác nhau tùy theo nơi, do những yếu tố về địa lý. California rất ít khi có bão lốc, hoặc nếu có cũng chỉ là nhỏ, nhưng miền Trung và Nam Hoa Kỳ bão lốc xảy ra thường xuyên, nhiều nhất từ cuối mùa Xuân đến đầu mùa Hè.
Trung bình mỗi năm ở Hoa Kỳ có 1,200 trận bão lốc lớn nhỏ và năm nay chưa hẳn là năm có nhiều bão lốc hơn các năm khác. Tuy nhiên, tổn thất nhân mạng và tài sản vừa qua là nặng nề vì những trận bão lốc này đi ngang qua thành phố, nơi có dân cư đông đúc.
Hoa Kỳ chiếm gần phân nửa số bão lốc xảy ra trên thế giới và vùng đại bình nguyên phía Ðông rặng núi Rockies Mountains cho đến duyên hải Ðông Nam Ðại Tây Dương là vùng đất của bão lốc. Nguyên nhân của tình trạng này ở chỗ Bắc Mỹ có địa hình đặc biệt khác hẳn lục địa Á-Âu. Trải dài từ vùng tiếp nhiệt đới lên tới ôn và hàn đới, Bắc Mỹ không có những rặng núi nằm ngang theo hướng Tây-Ðông nên các khối không khí nóng và lạnh dễ dàng tiếp xúc pha trộn với nhau. Trong khi đó rặng Rockies hướng Bắc-Nam chặn không khí ẩm từ Thái Bình Dương và tạo ra một vùng không khí khô, áp suất thấp trên đại bình nguyên, thu hút đồng thời không khí ẩm từ vịnh Mexico đi vào và không khí lạnh từ Canada đi xuống.
Mùa Ðông, không khí lạnh có áp suất cao chiếm vị trí của không khí nóng ẩm từ phía Nam đi lên nhưng mùa Hè và Thu là thời gian những va chạm xáo trộn giữa các khối không khí diễn ra thường xuyên nhất. Thêm ảnh hưởng của luồng gió Jet Stream biến động vào thời gian này tạo nên những hệ thống giông bão kéo dài và là điều kiện tiên khởi cho sự hình thành bão lốc sau đó.
Cho đến nay, người ta chưa thể quyết đoán rằng sự biến đổi của khí hậu, thuyết địa cầu ấm dần, có một tác động gì đến sự hình thành các trận bão lốc hay không.

Phòng chống bão lốc
So với thời gian tiền bán thế kỷ 20, ngày nay số trung bình các nạn nhân của bão lốc giảm xuống tới hơn 80%. Ðó là nhờ tiến bộ về khoa học và khả năng dự báo thời tiết cũng như hệ thống báo động kịp thời do radar phát hiện được sớm. Tuy vậy, nếu bão lốc quét ngang thành phố hay khu dân cư đông đúc, người ta vẫn khó tránh tổn thất. Quỹ đạo của bão lốc khó tiên đoán, bão đi nhanh, có thể đổi hướng bất ngờ, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Khi bão lốc tới, nếu không thể kịp chạy tới những kiến trúc kiên cố thì nơi trú ẩn tốt nhất là dưới tầng hầm (basement). Nhà có thể sụp đổ, nhưng ở tầng hầm hy vọng có thể không bị cuốn bay đi và sống sót dù bị thương vì bị đè dưới đống vật liệu.
Trước kia người ta tưởng rằng trú ẩn dưới hầm cầu vượt của các đường đi ngang là tốt, nhưng sau này nhận ra là cầu hang như vậy có thể tạo ra tác dụng gió hút, rất nguy hiểm vì gió mạnh cũng như các vật liệu bị cuốn theo. Lái xe giữa đồng trống, nếu không thể chạy kịp về một hướng khác thì không có cách nào khác hơn là ra khỏi xe nằm ép sát mặt đất bên cạnh một bờ đường.
Hầu hết bão lốc xảy ra vào buổi chiều, nhưng cũng có trường hợp ngay buổi sáng. Nguy hiểm hơn nữa là bão lốc đến vào đêm tối và chúng ta không nhận được thông báo trước. (HC)
.
.
.

No comments:

Post a Comment