Saturday, April 2, 2011

VIỆT NAM : NHỮNG VỤ TẤN CÔNG BÁO CHÍ NĂM 2010 (Tạp Chí PHÍA TRƯỚC số 44)

Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC Số 44
Posted on Tháng Tư 1, 2011 by phiatruoc

- Đông A chuyển ngữ -
Theo Ủy ban bảo vệ báo chí – Committee to Protect Journalists

Những điểm chính
• Nhà chức trách thắt chặt kiểm duyệt Internet trong thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc.
• Những trang blog trọng điểm đều bị tin tặc tấn công, có thể nhìn thấy sự đồng lõa của chính quyền đằng sau đó.

Những con số cơ bản
5: Là con số những nhà báo mạng bị bắt bỏ tù ngày 1 tháng 12 vừa rồi, phản ánh những phản ứng đáp trả các bình luận trên Internet.
Việt Nam đưa vào tầm ngắm các nhà báo mạng trong nỗ lực trấn áp những người bất đồng chính kiến trước kỳ Đại hội Đảng đầu năm 2011. Đây là thời điểm xác định lại những vị trí chủ chốt trong chính phủ cũng như định hướng các chính sách. Ít nhất đã có 5 nhà báo viết blog trong số khoảng hơn một chục người theo hoạt động này đã bị bắt với các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia, như “tuyên truyền chống phá nhà nước” hay “lạm dụng quyền tự do dân chủ”. Chính phủ tiếp tục duy trì chặt chẽ kiểm duyệt Internet, bao gồm việc chặn truy nhập vào mạng Facebook cũng như vô số website bằng tiếng Việt khác. Các trang này được duy trì bởi những người Việt ở nước ngoài, và các tổ chức nhân quyền chỉ trích chính sách của chính phủ. Các nhà phân tích độc lập cũng tìm thấy bằng chứng liên đới của chính quyền đằng sau các vụ tin tặc tấn công lên các blogs và các website.

Theo Hiệp hội Báo chí (Associated Press) và Hãng thông tấn Pháp (AFP), hai trang web có xu hướng chính trị là BlogosinBauxite Vietnam đã phải hứng chịu những cuộc tấn công đặc biệt. Theo báo cáo của các tổ chức này, Bauxite Vietnam, một trang web được thành lập nhằm chống đối dự án khai khoáng bauxite ở cao nguyên Trung bộ đã hứng chịu các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDOS – distributed denial-of-service) từ đầu tháng 12 năm 2009. Tấn công DDOS là một dạng kiểm duyệt (của chính phủ) bằng cách làm tràn bộ nhớ các server chứa website, theo đó hàng trăm hoặc hàng ngàn máy tính sẽ cùng phối hợp để gửi yêu cầu truy cập thông tin lên một website duy nhất, làm cho kết nối của website với Internet bị ngắt quãng, hoặc làm sập máy chủ chứa chúng (vì quá tải). Sau một số nỗ lực phục hồi những blog phổ biến nhất, những người quản trị các website đã tìm cách chuyển chúng sang các máy chủ quốc tế như Blogspot hoặc WordPress.

Các chủ đề liên quan đến bauxite bị xem là nhạy cảm vì đề cập đến việc nhiều công nhân Trung Quốc đang làm việc trong các mỏ khoáng sản nằm tại một vị trí chiến lược của Việt Nam, cũng như có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Những chỉ trích chính phủ cùng khắc họa một thỏa thuận quỳ gối nhượng bộ các quyền lợi của Trung Quốc.
Sau khi blog Osin bị tấn công vào tháng 2 năm 2010, người viết blog này – ông Trương Huy San – với bút danh Huy Đức đã đăng một bản tin nói rằng ông sẽ ngừng viết để quan tâm đến những việc cá nhân khác. Là một ký giả của tờ báo nhà nước Sài Gòn Tiếp Thị, ông San đã bị thôi việc từ tháng 8 năm 2009 sau khi đăng các bài chỉ trích chính sách của chính phủ lên trang blog cá nhân của mình.

Vào tháng 3 năm 2010, trong nỗ lực hỗ trợ khách hàng phát hiện các mã phần mềm xấu, các chuyên gia của Google và công ty phần mềm bảo hiểm máy tính McAfee đã thông báo rằng một số đoạn mã xấu đã được cài để theo dõi những người bất đồng chính kiến, cũng như để vô hiệu hóa các trang web của họ thông qua việc tấn công DDOS.

Ông Neel Mehta viết trong một entry trên blog Google Online Security ngày 30 tháng 3: “Đặc biệt, những cuộc tấn công này nhằm nghiền nát những tiếng nói đối lập với dự án bauxite ở Việt Nam, một vấn đề quan trọng và có ảnh hưởng tâm lý rất lớn ở Việt nam“. Các cuộc điều tra của McAfee cũng vạch ra sự đồng lõa của chính phủ đằng sau những vụ tấn công này. ” George Kurtz, giám đốc điều hành công nghệ của McAfee, cho biết trên blog của công ty vào tháng 3, “Chúng tôi tin rằng những kẻ thâm nhập phải có động cơ chính trị và phải có liên quan đến chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam.

Những nhà nghiên cứu độc lập đã tìm thấy trong phần mềm gõ tiếng Việt VPSKeys – một trong những bộ gõ phổ biến nhất – đã bị cài mã phần mềm xấu cho phép một số phần từ điều khiển từ xa theo dõi các phím gõ của người sử dụng. Mã này cũng sẽ đột nhập vào máy tính và biến chúng thành một dạng “botnet” – tù binh bị điều khiển từ xa – theo McAffee.

Nhà chức trách vẫn luôn phủ nhận mối liên hệ giữa chính phủ và các mã xấu này, cũng như với các cuộc tấn công trên mạng. Vào tháng 6 năm 2010, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thành phố – đã ra lệnh cài đặt một phần mềm quản lý lên các máy tính công cộng tại các quán café Internet trên toàn diện địa bàn thủ đô. Rất ít chi tiết được tiết lộ – nhưng Hà Nội – nơi bị kiểm soát gắt gao nhất, hiển nhiên là địa điểm tất yếu để đưa ra chương trình kiểm duyệt. Lệnh này được ban bố sau một chương trình thử nghiệm của chính phủ từ năm 2009 cài đặt các chương trình theo dõi lên 300 quán café Internet tại Hà Nội.

Bản điều tra thường niên của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) về các nhà báo bị cầm tù cũng đã xác định được 5 bloggers Việt Nam bị bắt vì các hoạt động báo chí của họ. Cô Phạm Thanh Nghiên, một cây bút trên mạng đã bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm tù treo vào tháng 1/2010, bởi tội tuyên truyền tài liệu chống nhà nước. Phiên tòa nhắm đến một bài báo trong đó cô phê phán chính quyền biển thủ số tiền vốn định dành bồi thường các ngư dân bị tàu tuần tra trên biển Trung Quốc giết hại năm 2007.

Nhà chức trách cũng đã tống giam ông Phạm Minh Hoàng với tội danh chống nhà nước. Ông là giảng viên đại học quốc tịch Pháp làm việc tại Sài Gòn và cũng là một người viết blog chính trị. Ông Hoàng bị bắt ngày 13 tháng 8 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhà chức trách nói tại buổi họp báo rằng ông Hoàng bị bắt theo điều 79 bộ luật hình sự bởi những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Trong bản cáo trạng còn bị hoãn từ năm ngoái, người ta trích dẫn 24 bài viết mà ông sử dụng bút danh Phan Kiến Quốc. Ông Hoàng thường xuyên đăng blog những chủ đề liên quan đến tham nhũng, môi trường, và các chính sách của chính phủ đối với Trung Quốc.

Ngày 18 tháng 10, ông Phan Thanh Hải, một blogger chính trị với bút danh Anh Ba Sài Gòn bị bắt và bị giam giữ tạm thời tới tận 4 tháng – thời gian mà chính quyền tiến hành điều tra. Blog của ông Hải thường xuyên động chạm đến các vấn đề được chính quyền coi là nhạy cảm, ví dụ như vụ scandal liên quan đến tổng công ty đóng tàu Vinashin, các tranh chấp trên biển và trên bộ với Trung Quốc, cũng như dự án mỏ bauxite đầy tranh cãi trên cao nguyên Trung bộ của Việt nam.

Lê Nguyễn Hương Trà, một blogger khác với bút danh Cô gái Đồ Long, cũng đã bị bắt tạm giam tại Thành Phố Hồ Chí Minh vào ngày 23 tháng 10. Blog của cô pha lẫn biếm họa và các phân tích chính trị. Việc bắt giữ cô Trà đến sau những bài viết chì trích Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Khánh Toàn. Cô đang phải đối mặt với tội danh xuyên tạc mang tính hình sự, với mức án có thể lên đến 7 năm tù.

Blogger Nguyễn Văn Hải, còn được biết đến với tên Điếu cày, vẫn còn nằm sau chấn song nhà lao khi CPJ tiến hành bản điều tra vào ngày 1 tháng 12, bất chấp việc án tù của ông đã mãn hạn từ tháng 10/2010. Ông Hải bị bắt vì một tội danh vu vạ là tội trốn thuế, tuyên án từ tháng 4 năm 2008 với án 2 năm rưỡi tù. Blog của ông được rất nhiều quần chúng biết đến bởi ông thường xuyên nhắc đến các chính sách của chính phủ với Trung Quốc. Bản điều tra cho biết các quan chức nói họ sẽ tiếp tục giam ông Hải để tiến hành điều tra tội danh tuyền truyền chống chính phủ.

Cuộc trấn áp của chính phủ với những nhà bất đồng chính kiến trên mạng đến vào thời điểm mà con số người sử dụng Internet tại Việt Nam đã lên đến 24,2 triệu người, tương đương với 28% tổng số dân theo Hiệp hội Viễn thông Quốc tế. Việt Nam cũng ở trong một tình trạng tương tự với Trung Quốc: để thúc đẩy phát triển kinh tế, chính phủ cam kết cải thiện chất lượng truy nhập Internet dù buộc phải duy trì kiểm duyệt chặt chẽ nội dung. Chính quyền sử dụng ba kỹ thuật chính để kiểm soát: chặn và lọc một số nội dung, sử dụng tin tặc tấn công một số trang web trong đó có tấn công DDOS, và cuối cùng là bắt giam và đe dọa những công dân nhà báo và blogger.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, nói bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN rằng Washington rất quan ngại đến những hành động như vậy. Tuy nhiên, câu nói của bà không được người phiên dịch chính thức dịch lại, nên không được chương trình vô tuyến hay truyền thông nào của Việt Nam chuyển tải chúng.

Các báo chí và phương tiên truyền thông trong nước đều nằm trong bàn tay giám sát của nhà nước và bị cấm không được đưa tin về các vấn đề chính trị nhạy cảm, ví dụ như các đấu tranh phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản trước kỳ Đại hội Đảng tháng 1/2011. Đại hội này là một vấn đề đau đầu bởi phe bảo thủ và quan tâm đến các vấn đề an ninh đang tranh đấu cật lực với phe của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các vị trí trọng trách trong khâu biên tập tại các báo đài và kênh truyền hình đều được các cơ quan chính phủ tài trợ và nắm giữ. Tất cả các báo in và chương trình tin tức được phát đều nằm dưới dự kiểm duyệt của Bộ Thông tin và Viễn thông. Một số cơ sở thông tin khác được thắt chặt quan hệ với các phe của Đảng Cộng sản và thường xuyên đưa tin để đánh bóng những nhân vật thân cận với mình.

Ngày 15 tháng 2 năm 2011
Theo Ủy ban bảo vệ báo chí – Committee to Protect Journalists

Download TCPT44 – Mạng xã hội & Xã hội dân sự
Download TCPT44 – Bản HD (5.6MB)
Download TCPT44 – Bản thường (3.1MB)
Download TCPT44 – Bản Mini (2 MB)


.
.
.

No comments:

Post a Comment