Tuesday, April 26, 2011

ĐỪNG ĐỂ CHÂN TRỜI GỌI MÃI (Đinh Tấn Lực)

Đinh Tấn Lực
Đăng ngày 25/04/2011 lúc 21:08:54 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5877

Cổ lai thức tự đa ưu hoạn – Pha lão tầng vân, ngả diệc vân”(Xưa nay người biết chữ thường gặp nỗi lo âu và hoạn nạn – Cụ Tô Đông Pha bảo vậy và tôi cũng nói như vậy) - Nguyễn Trãi

Cho tới nay, vẫn chưa ai xác định rõ lý lịch của người phát minh ra kỹ thuật “pha chè” trong ngành quản trị đất nước và chủ nghĩa Makeno lẽo đẽo bám đuôi theo nó. Cũng chẳng ai biết từ đâu phát sinh ra phong trào tôn vinh trang trọng một chữ “Nhẫn” thư pháp viết bằng bút lông thời thượng lả lơi chớt nhả nhảy múa dập dìu chật kín các phòng khách, các công sở, và cả các quán cà phê. Nhưng mọi người đều rõ do đâu và từ khi nào Việt Nam ta đã rộ lên một chiến dịch Bàn Về Trí Thức cực kỳ rôm rả, cả trong lẫn ngoài đảng, cả trong lẫn ngoài nước, cả trong lẫn ngoài bàn nhậu. Lắm người váng tai hoa mắt, cứ ngỡ thời ưu hoạn của trí thức ta đang qua.

Họ nói: “Lần này chúng tôi khá”

Quả thật bất ngờ!

Đùng một cái, trí thức được liên tục đưa vào giấy mực, vào sơ đồ, vào thống kê, vào báo cáo, vào hội thảo của đỉnh chóp hội đồng lý luận, vào hội nghị cấp trung ương (kỳ 7 khoá X), vào đề tài cấp nhà nước (mã số KX.04.16/06-10), vào nghị quyết (7)…

Đùng một cái, trí thức được nâng lên để nắm chặt lấy đuôi hai giai cấp búa liềm, được đưa lên khẩu hiệu (công-nông-trí), lên trang nhất báo chí, lên thời sự truyền hình, lên các trang mạng cả web lẫn blog… Thậm chí, lên cả bàn cân lò mỗ.

Đùng một cái, trí thức đã được lùng sục và đưa ra ánh sáng từ mọi ngóc ngách, thông qua các nỗ lực phân tích, phân loại, xếp hạng, chia chiếu, trang điểm, đánh giá và tái đánh giá vị trí lẫn vai trò, phân định và tái phân định các lằn ranh giữa nghiên cứu với quản trị, giữa khu vực công với khu vực tư, giữa cá nhân với tập hợp… thậm chí cả những lằn ranh giữa thông minh với láu cá, giữa thực năng với bằng cấp, giữa tự trọng với ký sinh, v.v.

Đùng một cái, Việt Nam ta đã xuất kỳ bất ý vượt qua nền kinh tế lúa nước (vườn-ao-chuồng) và tiểu thủ công nghệ (tre-mây-song-cói-lá) của giai đoạn xoá đói giảm nghèo 531 rồi chăng? Chúng ta đã bất chợt bỏ rơi vãi lại đàng sau một nền công nghiệp gia công (da-giày-túi-dép) hào nhoáng đó rồi chăng? Cái đuôi định hướng ngo ngoe của nền kinh tế thị trường nòng nọc đặc thù của ta đã trong chớp mắt đứt rụng rồi chăng? Cơn sóng thần tsunami kinh tế tri thức theo mô hình Bill Gates và các ngọn triều của luật chơi sòng phẳng đã bất thình lình ập vào lãnh thổ Việt Nam ta rồi chăng? Có lẽ nào, lãnh đạo ta đang cật lực chuẩn-bị-sắp-xếp-để-sửa-soạn-khởi-động-quy-trình-diễn-tập-cho-sự-sẵn-sàng-bắt-đầu trước đòi hỏi của WTO và trong cơn lốc toàn cầu hoá đây chăng? Có thật đảng ta đang thực thi đường lối mới là chỉ bịt mồm, nhưng khởi sự tháo còng trí thức? Hoặc giả, đây mới là chính sách mở còng tay cá thể, nhưng xích xâu tập thể trí thức thành đội ngũ chỉnh tề?

Gì thì gì. Phải nói thời kỳ này xứng đáng cho những hả hê gấp bội cái đận các giáo sư, tiến sĩ âm thầm phủi bỏ niềm “tủi phận” ngước nhìn những bà cán bộ công nhân viên các cửa hàng thực phẩm dò đọc từng sổ gạo, tem phiếu… Phải thừa nhận là chưa bao giờ trí thức Việt Nam được trống chiêng cả nước khua động, nhắc đến họ, cọ đến tên, tới sát sườn như vậy. Khiến lắm kẻ choàng tỉnh mò mẫm cái công tắc đèn vào nửa đêm tối mịt, lặng ngắm thinh không cả buổi, rít tám bi thuốc lào, cạn bốn bình trà đặc, mà vẫn chẳng rõ đầu đuôi cái vốn nguyên khí hiền tài trí thức của nước nhà đã thực sự quý báu đến bật sáng rỡ ràng tự lúc nào? Từ thời Lộc Tục-An Tiêm của vài ngàn năm trước công nguyên? Từ bài văn bia của Thân Nhân Trung năm 1442? Hay từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá X năm 2008?

Gì thì gì. Hãy bàn cái đã!

Chỗ nào Tư Mã cũng bơ vơ

Đường đi đã sẵn. Người ta đã quen hỏi Triết học là gì, và nhất thiết phải dựa vào định nghĩa của Hội đồng Lý luận Trung ương trước khi đâm sâu thọc sát vào triết học Mác-Lênin.

Cứ thế! Ở đây cũng vậy. Phải trả lời lôgích câu hỏi Trí thức là ai, trước khi tìm hiểu ngọn ngành Trí thức ở đâu, để làm gì, đang làm gì, ưu hoạn thế nào, khí phách ra sao, muốn làm gì, định làm gì, sẽ làm gì, và đi đâu về đâu? v.v.

Cứ thế! Đã có người chuyên chú định nghĩa và phân loại rạch ròi Trí thức, Khoa bảng, Chuyên viên, và Sĩ phu. Lại có người rỗi hơi tự hỏi: so với kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo máy kéo tháng Tám, thì “thần đèn” Nguyễn Cẩm Luỹ và nông dân chân đất Hai Lúa chế trực thăng có được xếp cùng chiếu trí thức có khả năng đóng góp không?

Cứ thế! Lại có ngay công trình đã được chuẩn chi ngân sách để sửa soạn lên khung thành dự án nghiên cứu có hệ thống và được đánh số hẳn hoi: 1) Khái niệm về trí thức; 2) C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh bàn về trí thức; 3) Quá trình phát sinh, phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam; 4) Cách tiếp cận và phương pháp luận đánh giá đội ngũ trí thức Việt Nam; 5) Vai trò, vị trí, đặc điểm của trí thức Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; 6)…; 7)…; 8)…; v.v.

Cứ thế! Đã có người nhắc nhớ lại chuyện cũ hoặc nhẫn nha nhận định, và lắm lúc tô đậm các đặc tính của trí thức Việt Nam, xuyên qua nhiều lăng kính ngắm nhìn hay tự hoạ khác nhau: Ích kỷ và khôn vặt (Nguyễn Đỗ Mục). Vụng nói chuyện (Nguyễn Văn Vĩnh). Học để kiếm gạo (Phan Bội Châu). Cục phân (Mao Trạch Đông). Sống sót nhờ biết sợ (Nguyễn Tuân). Hèn đại nhân (Lê Đạt). Gà nuốt dây thun (Đào Hiếu). Phò chính thống (Nguyễn Kiến Giang). Phẩm cách quan văn, cung cách học mót (Phạm Thị Hoài). Dương vật buồn thiu (Đỗ Minh Tuấn). “Tùy thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” (Chu Hảo). Trí thức bị lưu manh hoá/Trí thức ăn theo (Trần Ngọc Thành). Đứa con hoang mất nết (Đông Dương). Khen trước mặt, chê sau lưng, và sẵn sàng thoả hiệp khi có lợi ích cá nhân (Thái Nam Thắng). Học: chọc bát cơm, đơm miếng cháy, nháy miếng thịt (Nguyễn Hoàng Đức). Trí thức phải vừa có Trí dục vừa phải có Đức dục (Phạm Song). “Đi tìm cái tôi đã mất” (Nguyễn Khải). Âm thầm chịu đựng là một sai lầm (Hoàng Xuân Sính). Vân vân.

Cứ thế! Người ta tô hồng chuốt lục rồi đánh xâu xỏ mũi Trí thức Việt Nam một cách rất đỗi trịch thượng: Trí thức Việt Nam là những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có truyền thống cách mạng, bản lĩnh vững vàng, có hào khí dân tộc, dũng cảm, kiên cường; thông minh, có năng lực tri thức tốt, có thể làm chủ kỹ thuật mới; cần cù, chăm chỉ; muốn được làm việc, được cống hiến; muốn có điều kiện để nghiên cứu, sáng tạo, phát huy tốt vai trò của mình. Với những điểm mạnh đó, đội ngũ trí thức Việt Nam sẽ phát huy tốt năng lực của mình nếu tiếp tục được quan tâm hơn nữa (Tạp chí Hoạt động Khoa Học, cơ quan ngôn luận, lý luận của Bộ Khoa Học – Công Nghệ, số 5.2008). Tất nhiên, “đội ngũ” trí thức phải tự hiểu cái túc từ ẩn của mệnh đề sai văn phạm cuối cùng: Ai quan tâm? Quan trọng hơn: Sự quan tâm đó là một trọng ân không có không xong!

Cứ thế! Có người nêu bật một câu hỏi nghe như nỗi đoạn trường đương đại: “Hoàng Sa và Trường Sa – Trí thức lớn, các vị đang ở đâu?” (Lê Tuấn Huy). Rồi vớ ngay một câu trả lời sát cạnh cứa đến nhói lòng: “Thế là tiên sinh tại đào!” (Nguyễn Hoàng Văn).

Cứ thế! Lắm người lẩm nhẩm đọc tờ đơn gia nhập “Diễn đàn trí thức Việt Nam vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” của đảng ta thông qua Mặt Trận Tổ Quốc, rồi tự lẩm bẩm bật ngay câu hỏi “Mục đích chỉ ngần đó thôi ư?”, hoặc là ”Sao bèo đến vậy?”. Lại có người ưu thời mẫn thế, buồn bực vì lẽ “một vấn đề tầm cỡ đến thế rút cục cũng chỉ thu hút được mấy trí thức già, trong khi giới trẻ thì lờ toẹt” (Phạm Toàn/Châu Diên).

Cứ thế! Đường thành rượu. Rượu thành dấm. Có kẻ tọc mạch nêu lắm điều thắc mắc tận cùng bằng số: Hèn có bao giờ đi đôi với sự xấu hổ? Trí thức ta có từng ký sinh hay chấp nhận ký sinh? Xưa nay đảng coi là cục phân mà trí thức nhà ta vẫn cố gồng mình đóng góp tưởng chừng như cục vàng? Đảng đang triển khai Nghị quyết 36-NQ-TƯ bên ngoài cương thổ nên phải tỏ ra tử tế, bắt đầu ngay từ bên trong? Hượm đã, có là đảng đâu mà đòi mô tả cảnh “ma ăn cỗ”? Trong lúc đó, ở phía ngược chiều, lại có kẻ che miệng thở dài: Trí thức VN quá “nhẹ dạ” trước “luận điệu phản cách mạng” của các “thế lực thù địch, phản động”! Hoặc bỏ nhỏ một nhắc chừng đã thành điệp khúc khá quen tai: “Rời khỏi đảng/đoàn/nhà nước là chết ngắc, chết chắc, chết liền tức khắc!”.

Chúng ta mất cả một thời

Không ai trực tiếp hồi đáp những lời nhắc chừng bỏ nhỏ đó. Bản tin thực tế về trào lưu “chảy máu chất xám” khu vực công, đặc biệt là khu vực Ngân hàng Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước, với 16.000 công chức đồng loạt rời bỏ nhiệm sở, bao gồm cả Vụ trưởng và Phó Giám đốc Sở, mà vẫn được coi chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, đã tự thân vẽ lên một bức tranh toàn cảnh.

Chẳng ai lo trí thức ra sao nếu không có đảng. Người ta hỏi ngược: Nếu thiếu trí thức, đảng sẽ đi đâu về đâu? Trên cả hành tinh này, mọi người đều rõ như nhau là xưa nay nhờ vào trí thức mà nước mới khá, bất luận nước nào! Nên chẳng ai cần hỏi có phải nhờ đảng mà trí thức khá ra? Riêng ở Việt Nam này, thực tế còn thong dong bách bộ ngược chiều bên lề trái để thư thả trả lời nữa.

Cứ nhìn vào những danh sĩ Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan, Nguyễn Mạnh Tường,Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Trịnh Đình Thảo, Lê Văn Hảo, Phạm Văn Huyến, Dương Quỳnh Hoa, Ngô Bá Thành, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan…. tất rõ. Đặc biệt ở trường hợp trí thức Nguyễn Ngọc Lan: tờ báo Đối Diện do ông phụ trách trong thời kỳ chống Mỹ đã được tiếp tục phát hành sau năm 1975 với tên mới Đứng Dậy, trước khi bị đảng và nhà nước bắt “quỳ xuống” vào khoảng 1978. Một trường hợp điển hình khác về cách ứng xử của lãnh đạo với trí thức mà lắm báo đài lấy làm gương sáng răn đời cũng rất đáng ngẫm: “Có lần Bác còn căn dặn GS Trần Đại Nghĩa: Khi nào chú bị người ta trù dập, chú báo ngay cho Bác biết để Bác giải quyết! Có cần nhắc các trường hợp chính quy Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch không?

Cứ nhẩm đọc những dòng gợi ý hay góp ý trên báo, về bài toán không đáp số của đảng, cả trước lẫn sau nghị quyết 7, cả trước lẫn trong cơn khủng hoảng lạm phát hiện nay… tất thông: Thảm đỏ nào cho trí thức ngoài Đảng? (Nghĩa Nhân). Bi kịch trí thức: người làm khoa học thích chuyển sang làm quản lý là bởi xã hội đề cao quan tước (báo Sinh Viên VN). Lãnh đạo sợ người giỏi giành ghế (Nguyễn Hồng Đức). Môi trường làm việc quá trì trệ, ỷ lại làm cho đội ngũ cán bộ trẻ chúng tôi ngày một lạc hậu không có cơ hội để phát triển bản thân (Ngô Bảo Châu). Làm việc trong cơ quan nhà nước nếu không quen biết, không nịnh hót, không ở trong phe cánh lãnh đạo “con anh Sáu, cháu anh Năm”, hay lý lịch chỉ “hai hàng trơn”, thì kiểu gì cũng không làm được việc, không được nâng cao trình độ… (một độc giả ẩn danh). Không có môi trường cho những người năng động, ham học hỏi, nhiệt huyết với công việc mà chỉ là nơi thực hiện và làm những công việc theo yêu cầu của cấp trên, những công việc mang tính ổn định chính trị hơn là phát triển khả năng sáng tạo (Trương Bảo Kha). Người có năng lực nhưng không biết cách lấy lòng sếp thì cũng bị ra rìa, nếu có thái độ tích cực chống đối các hành vi tham nhũng, quan liêu thì lập tức bị cô lập (Nguyễn Thị Minh Tâm). Một thời, bằng “sổ gạo”, bằng “biên chế”, bằng “lý lịch” và bao nhiêu “chế độ” khác, người trí thức đã bị cột chặt lại, muốn giữ kế sinh nhai thì nhất quyết phải “phò chính thống”, ai dám cả gan nói ngược thì tuyệt đường tồn tại. Cái môi trường nó bắt trí thức phải “hèn”, biến trí thức thành những kẻ sống “ký sinh”, mất hết tính độc lập và sáng tạo (Nguyễn Quang A). Lãnh đạo bất tài làm thui chột tài năng trí thức: Làm “thầy người dại” khổ một, thì làm nhân viên cho kẻ thiếu năng lực khổ mười…Thói xấu mà người làm lãnh đạo cần tránh là gia trưởng, vừa muốn mình được hưởng nhiều nhất lại muốn lời nói của mình có giá trị ngàn vàng, phải khắc vào bia đá. Thế là người tài, người có năng lực, người có thực tâm dần bị đẩy ra xa người có quyền lực (Phạm Song).

Người ta nhắc lời Talleyrand: “Tôi ngại đội quân 100 con cừu do sư tử lãnh đạo hơn là đội quân 100 sư tử do một con cừu lãnh đạo”. Rồi tự vấn: Trí thức VN là cừu hay sư tử? Họ được lãnh đạo bởi cừu hay sư tử?

Chúng ta mất cả một thời. Nhà thơ Trần Dần nói vậy. Đếm đi, từ thuở “Mưa sa trên màu cờ đỏ” đến nay là đã mấy thế hệ? “Thời” của chúng ta bị mất đó dài gấp mấy lần khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các tiểu hổ láng giềng cộng lại?

Không biết lệnh cấm đò – Còn rát cổ gọi sang sông?

Ngay chính những thảo luận về Trí thức tự thân cũng đã chia luống phân luồng:

Một là, từ góc nhìn phía đảng: Số lượng, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Số chuyên gia đầu ngành còn thiếu, đội ngũ kế cận hẫng hụt (TBT Nông Đức Mạnh). Trí thức VN bàn ở hội nghị trung ương sắp tới phải bao gồm cả trí thức do Đảng đào tạo, sử dụng và trí thức do nhân dân cùng các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tự đào tạo, sử dụng, gồm cả trí thức là đảng viên và trí thức chưa phải là đảng viên, cả trí thức của các dân tộc, tôn giáo khác nhau, trí thức trong nước và trí thức Việt kiều (UVTƯ Hồng Hà). Hội “trí thức” phải được ngang hàng với Hội “công-nông” (GS.VS Vũ Tuyên Hoàng). Khẩu hiệu đã nêu từ lâu nhưng nay cần làm cụ thể. Tránh việc chỉ tranh luận đưa ra nghị quyết. Làm sao nghị quyết đi rất sát, thẳng vào thực tế (Việt Phương). Dù đã có nhiều chính sách thu hút đội ngũ trí thức phục vụ đất nước, nhưng vẫn chưa có nghị quyết nào khẳng định vai trò của họ (GS.TS Mạc Đường). Phải cơ chế để họ hợp tác với nhau, tạo thành cộng đồng để đóng góp cho đất nước (GS.TS Nguyễn Hoa Thịnh).

Nói chung, đó là giải pháp thường nghe hàng ngày trên loa phường: b>Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác x,y,z… Tất nhiên, ở đây, phải bao gồm tiến trình đội ngũ hoá trí thức…

Hai là, từ góc nhìn phía trí thức: Trí thức là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị – xã hội nóng bỏng của thời cuộc… Còn tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: Tiếp thu và truyền bá tri thức hoặc/và văn hoá; Sáng tạo các giá trị mới của tri thức hoặc/và văn hoá; Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; Dự báo và định hướng dư luận xã hộ (PGS-TS Chu Hảo). Trí thức tham gia vào quá nhiều bộ máy hành chính, xã hội, tổ chức hành pháp, do đó, thiếu tư duy độc lập, thiếu phản biện xã hội & thiếu công trình nghiên cứu khoa học (PGS-TS Hồ Uy Liêm). Rõ ràng mong muốn của trí thức là có điều kiện cống hiến, chứ không phải chủ yếu là đòi hỏi điều kiện đãi ngộ (GS-TS Nguyễn Lân Dũng). Sự ngu dốt và sự thấp hèn tự nó không đáng trách và không làm nên tội ác. Nhưng sự ngu dốt và sự thấp hèn mà được trao quyền lực và được cấy vào vi trùng ghen tỵ, thì nó trở thành quỉ nhập tràng. Và con quỉ này, nó ý thức rất mau lẹ rằng cái đe doạ quyền và lợi của nó là sự hiểu biết, trí thức, văn hoá và văn minh. Vì vậy nó đã đánh những thứ này một cách tàn bạo, vô nhân đạo và không thương tiếc (UVTƯ Lê Xuân Tá). Những gì mà xã hội cần ở trí thức là tiên liệu, đưa ra các khuyến cáo sớm, thay vì đợi đến khi tình hình ngã ngũ, rồi mới “tát nước theo mưa”… Lời phản biện không phải lúc nào cũng dễ nghe và không phải lúc nào cũng đúng, nhưng không thể không có (NB Huy Đức). Làm sao để những ý kiến phản biện, tư vấn của trí thức tránh bị quy chụp thành kiến như nghị quyết của Đảng yêu cầu? Câu trả lời đến từ phía chính quyền, chứ không từ giới trí thức vì đã là phản biện thì phải gai góc và trái tai, chứ còn vuốt ve ngon ngọt để làm vui lòng một vài quan chức nào đó thì có lẽ không cần đến giới trí thức (LS Lê Công Định). Để trí thức Việt Nam có thể lớn mạnh thành một tầng lớp đúng nghĩa và có vai trò tích cực đối với xã hội thì chúng ta phải vận hành một thứ văn hoá chính trị tham dự (NPB Phạm Xuân Nguyên). Phải vượt qua di sản – phản biện xã hội và hoà giải dân tộc – (LS Lê Quốc Quân). Tầng lớp trí thức và đội ngũ trí thức rõ ràng có những khác nhau. Phải có ý thức liên kết và tiến tới liên kết mới tạo ra một tầng lớp. Liên kết, mà không có chuyện xếp hàng đợi lệnh…Một chính quyền độc tài có thể sai bảo, kiềm chế, kể cả đàn áp toàn bộ trí thức, dù rất đông đảo, nếu đó chỉ là những trí thức riêng lẻ. Nhưng nếu xã hội đã có tầng lớp trí thức thì câu chuyện sẽ khác hẳn: chính quyền phải tranh thủ sự ủng hộ của họ (Nhóm sinh viên Thảo Xuân).

Nói chung là trí thức cần môi trường tốt hơn để thoải mái thực hiện hai chức năng phản biện và dự báo. Đừng ai mong xỏ xâu họ thành đội ngũ có đồng phục và chiêng trống cờ quạt rềnh rang. Đặc biệt là phải từ bỏ ý niệm mong chờ “đội ngũ” trí thức “dự báo đúng theo yêu cầu của lãnh đạo”.

Chiếc Nhẫn Kim Cương Trên Ngón Tay Xác Chết

Khuynh hướng thứ ba là góc nhìn cân nhắc về cả hai phía, khởi từ một câu hỏi giản đơn cốt lõi: Ruộng nhiều cỏ hơn lúa, thì nên cấy lúa cho thẳng hàng hơn, hay là nên cải tạo đất và diệt cỏ?

Đã trả lời được câu hỏi này thì không cần phải thắc mắc là đảng sẽ đi đâu hay trí thức sẽ về đâu. Khí phách của cả trí thức lẫn của đảng (nếu có) phải tập trung vào câu hỏi: Dân Tộc Việt Sẽ Về Đâu? Đích nhắm lý tưởng cho một Việt Nam cất cánh không phải do trí thức mơ ước hay do đảng hoạch định – đảng không có khả năng đó. Đích nhắm lý tưởng đó là khát vọng của của dân tộc ta. Cả đảng lẫn trí thức chỉ là những thành phần thực hiện khát vọng này. Trong đó, phần nào là cỏ thì phải thay bằng lúa.
Nói theo cách của LS Lê Quốc Quân, chúng ta còn phải vượt qua cả những di sản về trí thức:

Một là vượt qua ý niệm trí thức là sản phẩm của đảng hoặc có được nhờ công ơn của đảng. Trí thức không hề lấp lánh nhờ pháo hoa hay vang danh nhờ phèng la, chập choã.

Hai là xoá sạch hệ quả của chữ Nhẫn viết bằng bút lông, bao gồm cả những thái độ Im lặng/Phải đạo/Ăn theo/Nín thở qua sông… Không ai muốn muờng tượng ra hình ảnh một Hàn Tín lòn trôn rồi nằm ì hay ngồi ị ra đó. Tinh túy của trí thức là cái thần của chữ khắc trên bia Văn Miếu chứ không phải là rùa cõng bia.

Ba là gột bỏ thói quen khi tân đáo thì còn thấy nhiều chuyện “bất bình, phẫn nộ”, nhưng về sau gặp chuyện gì cũng đều cho là bình thường. Chính trực và Lương tâm chính là diện mạo của trí thức. Hãy thay thế chữ “Nhẫn” oằn lưng bằng một chữ “Tâm” hoành tráng, và qua đó sẽ gia tăng cơ hội gần gạnh với dân nghèo dân oan hơn.

Bốn là chấm dứt nguyên nhân gây ra sự e ngại, thiếu tự tin, sợ bị quy kết về quan điểm… đã từng khiến trí thức phải né tránh nhiều vấn đề. Trí thức là dám chấp nhận thách đố của Lẽ Phải. Cũng không ngại lời bình “thích làm quan”, bởi vì, với cái tâm hoành tráng đó, trí thức sẽ là những lương đống đầu tàu của quốc gia, dốc sức làm sáng Lẽ Phải ngay cả lúc tham chính.
Năm là thực hiện ngay các điều kiện cần cho sự phát triển lành mạnh của trí thức là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, mà không cần đợi phép chính quy, cũng không nhất thiết phải nép mình theo phép chính quy. Tự mình phải xây dựng lấy một nền văn hoá chính trị trong sáng cho đất nước.

Sáu là từ bỏ ý niệm “có một công việc ổn định để làm suốt đời là may mắn lắm rồi”, cũng như cất dẹp các nguyên nhân tạo ra ý niệm đó. Trí thức luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Trí thức biết cách đóng góp cho xứng tầm.

Bảy là tự dẹp bỏ các thứ khiên-mộc-thuẫn thường xài. Không một ai, kể cả Bác, có thể bảo vệ được ta và dân ta cho bằng một chính thể pháp trị. Nhại theo cách nói của LS Lê Công Định, chính trí thức là những gương sáng về đức tính trọng pháp, không trọng lễ, trọng lộc.

Tám là gột sạch ngay ý niệm “xây dựng chính sách đặc thù cho trí thức”. Trí thức không chờ đợi điều đó, càng không chờ đợi điều đó xảy ra như một cách ban ơn đặc sủng bên dưới một bó gậy chỉ đường trước một ngả bảy đèn xanh đỏ liên hồi nhấp nháy.

Đừng để chân trời gọi mãi!

Từ đó, khi đã bỏ những di sản đó lại phía sau lưng, chúng ta có thể lật ngược tiền đề: Muốn biết Dân Tộc Ta Về Đâu thì hãy coi Trí Thức Ta Làm Gì & Khi Nào Làm. Nhất định không phải chỉ (phân tích tổng hợp suông) để nói cho nhau nghe. Bi kịch của Trí thức lọt thỏm bên trong Bi kịch của cả dân tộc. Phá được vòng ngoài tất giải phóng được vòng trong.

Đừng lo trí thức không dính với nhau. Hãy lo trí thức không dính với dân tộc.

Người ta sẽ thôi thắc mắc Trí Thức Là Ai? Người ta chỉ cần câu trả lời Dấn Thân Là Gì?

Tuy nhiên, vẫn có lắm luống nhiều luồng khác nhau khi luận về cách dấn thân.

Có người bản tính từ tốn thì chọn cách làm từ từ. Đã gần tám thập kỷ trải nghiệm cho họ. Chậm… Chắc… rồi Chịu! Từ Nguyễn Mạnh Tường cho tới Lê Mạnh Thát…. Từ Trần Đức Thảo cho tới Trần Quang Cơ… Thực tế VN ngó đuôi các tiểu hổ trong vùng từ những thập niên cuối thế kỷ trước tới nay, chưa nói nhân danh gì, với quyền hạn nào, sẽ cho phép chúng ta thể nghiệm thêm bao nhiêu thế hệ nữa? Kết quả sẽ mờ tỏ thế nào so với 78 năm qua?

Có lắm người xác định được xung điểm bắt đầu từ đâu, thì hân hoan chọn cách làm từ đầu.

Ông Hà Sĩ Phu từng nêu một nhận định và một gợi ý cực sáng về điều này: “Khi buộc phải trung thành với chủ, trí thức không còn trung thành với chân lý, và sản phẩm của nó chỉ là sản phẩm giả, thay vì phải can gián, nó lại toa rập cho chủ vừa lòng… Thế mới biết sửa chữa bằng cách chắp vá là cách chữa cháy khá khôn ngoan, như kiểu ‘kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa’ là khôn ngoan lắm, nhưng chắp vá Trí thức vào lá cờ Búa Liềm thế nào cho khớp thì đến anh thợ chắp bậc thầy chắc cũng còn nát óc mà nghĩ chưa ra. Bỏ đi, làm cái mới chắc dễ hơn nhiều”.

Ông Phan Đình Diệu có những lý giải đồng cảm cũng cực kỳ thuyết phục: “Ai cũng biết sự yếu kém về dân chủ là hệ quả tất yếu của chế độ một Ðảng độc quyền lãnh đạo (toàn diện và tuyệt đối) với sự thống trị chính thức của một ý thức hệ tư tưởng (chủ nghĩa Mác-Lênin). Nếu ta tiếp tục duy trì một thể chế chính trị như vậy thì vẫn sẽ không có tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến và phê phán, do đó không thể phát huy tiềm năng trí tuệ của đất nước trong một giai đoạn mà ta thường nói trí tuệ là nguồn lực chủ yếu nhất của phát triển”.

Tâm đắc với ý kiến của các ông Hà Sĩ Phu và Phan Đình Diệu không phải chỉ có những người thường gióng tiếng trên báo đài hay trên mạng. Đại khối thầm lặng vẫn rỉ tai nhau những danh ngôn dẫn đường cho thái độ chọn lựa. Một trong những câu nói đáng ngẫm là của ông Milovan Djilas (sinh năm 1911, theo chủ nghĩa Mác từ năm 21 tuổi, trở thành nhân vật số 2 trong bộ chính trị ĐCS Nam Tư, rồi làm Phó tổng thống Nam Tư): “Lúc 20 tuổi mà không theo Chủ nghĩa Cộng sản thì là người không có trái tim, tới 40 tuổi mà vẫn còn theo Chủ nghĩa Cộng sản thì là người không có bộ óc”. Lưu ý: Thời điểm để tính tuổi là năm 1989, lúc Đông Âu được dân chủ hoá, tức là không áp dụng cho thanh niên 80x về sau.

Cũng lắm người nhắc nhau những câu danh ngôn hiện đại: “Để người có tâm, tài vào làm việc trong bộ máy của Đảng, Nhà nước không có cách nào khác là phải thực hiện dân chủ. Bằng mọi quy trình, bằng mọi cách để thực hiện đầy đủ dân chủ để quần chúng nhân dân lựa chọn người tài. Có rất nhiều cách, nhưng tựu chung lại, phải thực sự dân chủ. Không dân chủ hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài”. Tác giả câu nói chắc nịch này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố trên màn hình trực tuyến ngày 9/2/2007, cũng chính là tác giả của Chỉ thị 37-CP ngày 29/11/2006 cấm tiệt tư nhân ra báo. Lưu ý: Nhân dân ta nghe xong thỏ thẻ hỏi nhau: Tin được không? Rốt ráo hơn: Có cần nữa không?

Câu hỏi sau cùng: Ngọn hải đăng trí thức trong người bạn chọn lựa cách nào? Từ Từ hay Từ Đầu?

Đinh Tấn Lực
29/08/2008 – Kỷ niệm 2 năm 2 tháng 2 ngày
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức


.
.
.

No comments:

Post a Comment