Wednesday, April 27, 2011

TINH THẦN "KHAI SÁNG" (Duy Linh)


DUY LINH
Thứ Năm, 28/04/2011, 08:36 (GMT+7)


Tôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...

Giới trẻ Việt Nam hiện nay rất ư là “sành điệu”. Thế giới tranh nhau mua ipod, nội trong một tuần, ipod đã xuất hiện tại Việt Nam. Cả nước Mỹ lên cơn sốt vì PlayStation 3, Việt Nam cũng đâu tầm thường, cần thì cứ rao trên mạng là có người cung cấp ngay. Một nha sĩ Việt kiều Mỹ nói với tôi: “Ngày lễ Valentine ở Việt Nam cũng hoành tráng, không thua kém gì Mỹ”.

Trào lưu mua sắm hiện đại, sành điệu làm cho tôi cũng cảm thấy choáng ngợp, cứ ngỡ như mình đang sống trong một thế giới phẳng - một thế giới toàn cầu hóa không còn khoảng cách về biên giới mà Thomas Friedman mô tả. Thế giới có gì mình có đó, ở Việt Nam có thiếu gì đâu.

Thế nhưng một anh bạn của tôi là một PhD chuyên ngành kinh tế học ở Nhật kể lại một câu chuyện làm tôi suy nghĩ. Số là trong một cuộc trò chuyện có một đồng nghiệp của anh nói một câu rất bâng quơ: “Thanh niên bên đây được Fukuzawa khai sáng rồi, chừng nào thanh niên bên đó được khai sáng?”.

Anh bảo: “Về đến nhà ngồi vắt tay lên trán ngẫm nghĩ thì mới thấy thấm thía câu nói đó”. Tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều về câu đó bởi vì tôi biết Phúc Ông là ai và ông đã khai sáng, giúp cho dân tộc Nhật Bản phát triển như thế nào.

Fukuzawa Yukichi, tên theo âm tiếng Việt gọi là Phúc Trạch Dạ Cát nên còn gọi là Phúc Ông, là một nhà tư tưởng, giáo dục đã khai sáng cho tầng lớp thanh niên Nhật Bản lúc bấy giờ. Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế mà Fukuzawa truyền bá là một căn nguyên phát triển của Nhật Bản cận hiện đại.

Trước một thực trạng giáo dục chỉ coi trọng hình thức bên ngoài, chỉ chú trọng đến việc dạy đọc/viết, nghĩa là chỉ quan tâm đến việc truyền bá kiến thức mà không quan tâm đến sự khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và độc lập, coi trọng chân lý và nguyên tắc, Fukuzawa đã dám “vượt lên chính mình” kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật.

Quan niệm của ông là học để thực hiện tốt hơn công việc của mình đang làm, để từ đó góp phần xây dựng đất nước chứ không phải học để có bằng cấp cao, để ra làm quan.

Fukuzawa là người đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân", tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào chính phủ. Ông khuyên thanh niên tự tin vào sức mạnh cá nhân, sự suy nghĩ độc lập sáng tạo, mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác, sự chỉ đạo từ bên trên. Nghĩa là hãy tự tin vào chính mình, đừng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của chính phủ, đừng than van mà hãy bắt tay “làm một cái gì cho quê nhà tôi”.

Có thể nói không ngoa rằng nếu có Phúc Ông thì không có Nhật Bản ngày hôm nay. Ông đã giúp cho thanh niên Nhật Bản “thoát khỏi trạng thái vị thành niên” nghĩa là dám tin vào tư duy độc lập của mình mà không bị phụ thuộc hay ràng buộc bởi tư duy của người khác.

Trở lại với câu hỏi của diễn đàn: “Còn bạn, bạn đã chuẩn bị những gì? Khả năng ngoại ngữ, tin học, kiến thức chuyên môn, văn hóa, khả năng ứng xử, sự năng động... và gì nữa?”. Tôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”, đó là tinh thần dám suy nghĩ một cách độc lập, tự tin vào khả năng của bản thân để có thể thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình.

--------------------

Phản đông! Phản động! Thế còn cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” để ở đâu?  Bộ tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là ngọn đuốc dẫn đường cho Việt Nam mãi mãi hay sao?
.
.
.

No comments:

Post a Comment