Friday, April 29, 2011

SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA ASEAN là SỨC MẠNH BẢO VỆ BIỂN ĐÔNG (Thùy Dương tổng hợp)


Thùy Dương (Tổng hợp)
Thứ sáu, 29/04/2011, 03:40(GMT+7)

VIT - “Tranh chấp chủ quyền Biển Đông” luôn là chủ đề nóng trong khu vực, đặc biệt càng nóng bỏng hơn khi các thành viên trong khối ASEAN lại phải đối mặt với những “yêu sách” phi lý, những hành động “gây hấn” của các nước lớn muốn độc chiếm Biển Đông.
Để tiến tới một môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực, mỗi thành viên trong khối ASEAN, đặc biệt là các nước có chủ quyền trên Biển Đông cần thiết phải có một con đường ngoại giao thân thiện, cởi mở và hợp tác. Các nước ASEAN đều có trách nhiệm tạo dựng tiếng nói mạnh mẽ, nhất quán đối với yêu cầu tôn trọng, tuân thủ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng ngày càng tự tin hơn, có lập trường ngày một rõ ràng về hoạt động của các bên liên quan trên Biển Đông và các vấn đề ở Biển Đông.

Xác định, việc tạo dựng tiếng nói chung trong toàn khối là sức mạnh của vũ khí đấu tranh chống lại bất kỳ sự can thiệp, thỏa hiệp, những đòi hỏi phi lý hay sự gân hấn vô cớ của các nước lớn làm tổn hại tới lợi ích và chủ quyền quốc gia của các nước trong khu vực Biển Đông. Ngoài ra, ASEAN cũng cần thiết theo đuổi một cấu trúc khu vực bao gồm một thế cân bằng năng động, không bị tác động bởi bất cứ quốc gia nào, cũng như không để bất kỳ quốc gia nào chi phối và chia rẽ ASEAN để độc chiếm Biển Đông

Cũng xuất phát từ lợi ích quốc gia và chủ quyền của mỗi nước trên Biển Đông, ASEAN nhất thiết phải có một quan điểm chung rõ ràng là: Thúc đẩy giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong nội bộ khối ASEAN; không chấp nhận chủ trương giải quyết tranh chấp “trên nguyên tắc song phương” của Trung Quốc, tức là giữa Trung Quốc với từng nước có tranh chấp; không chấp nhận yêu sách về “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc; cương quyết đấu tranh về những hành động gây hấn trên Biển Đông; đặc biệt, lưu ý tới chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc.

Gần đây, chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" được Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần như một sáng kiến mang tính xây dựng trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang căng thẳng. Xét đến tính phức tạp và khó tìm lối ra hiện tại đối với tranh chấp Biển Đông, giải pháp này có thể chấp nhận được nếu các bên cùng "gác tranh chấp, cùng khai thác" một cách công bằng. Tuy nhiên, với những quan niệm của Trung Quốc đằng sau nó thì trước mắt sẽ bất công cho Việt Nam và về lâu về dài sẽ nguy hại cho chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam (Tham khảo bài viết "Gác tranh chấp, cùng khai thác" kiểu Trung Quốc đăng trên TuanVietnam.net).

Về quan điểm của Trung Quốc, Đại sứ Tôn Quốc Tường nói, "Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác", và đề nghị rằng Việt Nam và Trung Quốc nên tạm gác lại tranh chấp, đợi điều kiện chín muồi.

Theo đó, nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế đều nhận định, ngoài Việt Nam, chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" cũng sẽ có những ảnh hưởng tới các nước khác có chủ quyền trên Biển Đông. Chủ trương này chính xuất phát từ quan điểm của Đặng Tiểu Bình, trước mắt gác lại những tranh chấp, là nhằm phá vỡ thế bất lợi cho Trung Quốc như hiện nay, đợi thời cơ chín muồi rồi sẽ hành động. Ngoài ra, ý định “….cùng khai thác” chính là bước chuẩn bị để từng bước khiến các nước dần dần công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông mà cụ thể là công nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Ngoài ra, các thành viên trong khối ASEAN cũng cần phải có sự thống nhất trong nhận thức về những chiêu bài “sức mạnh mềm”, bao gồm những vấn đề hợp tác kinh tế, tài chính, đối ngoại, văn hóa….trong đó có lồng ghép cả những mưu đồ về Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề quan hệ và hợp tác cùng phát triển giữa ASEAN với Trung Quốc là vấn đề có ích, cần thiết được thúc đẩy. Nhưng dựa vào vấn đề quan hệ và hợp tác để tìm cách lôi kéo các nước trong ASEAN, đặc biệt là các nước không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như (Lào Campuchia, Myanma) đi theo quỹ đạo của Trung Quốc để ủng hộ cho những chủ trương riêng của mình, gây bất lợi cho các nước trong ASEAN có chủ quyền ở Biển Đông. Đây chính là cách nhằm ly dán hay chia rẽ sự đoàn kết của toàn khối ASEAN.

Các thành viên trong khối ASEAN phải có sự thống nhất về biện pháp đấu tranh chống lại những hành động “gây hấn” của các nước lớn trên Biển Đông. Điển hình như các vụ việc được đăng trên báo Mainichi, cuối tháng 6/2010 đã có một cuộc đụng độ xảy ra giữa các tàu ngư chính Trung Quốc và tàu tuần tra Indonesia ở đảo Laut, cách đảo Natura của Indonesia khoảng 105km về phía Tây Bắc. Tin tức cho biết thêm, hôm 22/6/2010, có hơn chục tàu đánh cá của Trung Quốc được các tàu ngư chính nước này hộ tống đã đánh cá ở khu vực nói trên và một trong những tàu đánh cá này cùng các thuỷ thủ trên tàu đã bị tàu tuần tra Indonesia bắt giữ ngay trong ngày. Thế nhưng, khoảng 30 phút sau đó, hai tàu ngư chính của Trung Quốc đã xuất hiện và giải vây cho tàu đánh cá Trung Quốc bằng cách đe doạ sẽ tấn công tàu tuần tra của Indonesia nếu phía Indonesia không thả chiếc tàu mà họ đang giữ. Song song với lời đe doạ, tàu ngư chính của Trung Quốc đã chĩa súng vào tàu tuần tra của Indonesia. Ngoài ra, Trung Quốc đã có đụng độ với tàu chiến của Malaysia ở Nam Biển Đông hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5/2010. Đáng lưu ý, ngày 02/3/2011, hai tàu Trung Quốc đã đụng độ với tàu thăm dò dầu khí của Philippines tại vùng biển gần Bãi Cỏ Rong.

Do đó, vấn đề đoàn kết và đồng thuận trong khối ASEAN không những là nền tảng vững chắc cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực, mà còn bảo đảm cho lợi ích và an ninh chủ quyền của mỗi thành viên trong khối. Theo đó, khi Indonesia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2011, đã nhấn mạnh rằng, Indonesia sẽ tiếp tục nỗ lực và tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng ASEAN hùng cường. Trước tiên, chúng ta sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết và thống nhất đã đạt được. chúng ta sẽ tiếp tục chuyển nhanh từ tầm nhìn sang hành động, từ thực hiện sang những kết quả và lợi ích cụ thể. Cụ thể là, chúng ta sẽ thực hiện ba kế hoạch cộng đồng bao gồm: Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

Thùy Dương (Tổng hợp)
Tin tổng hợp
.
.
.

No comments:

Post a Comment