Tuesday, April 26, 2011

PHỎNG VẤN NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC THỤY KHUÊ (Lê Quỳnh Mai thực hiện)


Thứ Bảy, 23 Tháng Tư-2011

Tiểu Sử
Tên thật: Vũ Thị Tuệ
Sinh: ngày 9/8/ năm Giáp Thân (25/9/1944).
Tại: làng Doanh Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Tiểu học: trường Ngô Sĩ Liên, Hà Nội và Bàn Cờ, Sài Gòn.
Vào Nam:tháng 10/1954.
Học trung học tại trường Văn Lang, Tao Đàn và Gia Long, Sàigòn.
Sang Pháp du học: tháng 9/1962. Học dự bị thi vào GrandesEcoles.
1964, lập gia đình với Lê Tất Luyện, có ba con.
Tháng 8/1984, về Sài Gòn, Hà Nội. 1/1985, viết bài đầu tiêntrên báo Tự Do (Bỉ), ký sự về chuyến đi này.
Đã cộng tác với các báo: Tự Do, Văn Học, Thông Luận, Người Việt,Thế Kỷ 21, Phụ Nữ Diễn Đàn, Diễn Đàn, Hợp Lưu...
Phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật của đài RFI (RadioFrance Internationale) từ tháng 12/1990 đến tháng 3/2009.

Tác phẩm đã in:
Cấu trúc thơ (Văn Nghệ, 1995)
Sóng Từ Trường (Văn Nghệ, 1998)
Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp (Văn Nghệ2002)
Sóng Từ Trường II (Văn Nghệ, 2002)
Sóng Từ Trường III (Văn Mới, 2005)

------------------------------

LÊ QUỲNH MAI : Xin Chị cho biết nguyên nhânnào đã mang Thụy Khuê đến với đài phát thanh RFI, và trở thành nhà phê bình vănhọc nổi tiếng tại hải ngoại?
THỤY KHUÊ: Tôi viết tiểu luận từ năm 1986, trên báo TựDo, phát hành ở Bỉ. Từ tháng 11/1987, bắt đầu gửi bài đăng trên Văn Học (Cali),những bài đầu viết về Thế Giang, Nguyễn Mộng Giác, Võ Đình... còn non nớt lắm.Tháng 4/1988, vẫn trên Văn Học, có bài đầu tiên về Nhân Văn Giai Phẩm. Lúc ấy,chúng tôi giúp nhà xuất bản Văn Nghệ và báo Văn Học phát hành tại Pháp, vì vậytôi quen với Bạch Thái Quốc, người trông nom hiệu sách Nhà Việt Nam (trựcthuộc Hội Việt Kiều ở Paris).
Bạch Thái Quốc là người cung cấp toàn bộ tài liệu về Văn họcphản kháng (văn học đổi mới) cho tôi, vì anh hay về nước mua sách: Nhữngtác phẩm đầu tiên của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... ; nhữngtư liệu về đại hội VI của đảng Cộng sản (tháng 12/1986); về cuộc Hội thảo giữa100 văn nghệ sĩ và Nguyễn Văn Linh (6 và 7/10/1987); về Đại Hội Nhà Văn lần thứIV (từ 23 đến 31/10/1989). Tóm lại, những bài vở và tài liệu báo chí, liên quanđến những sự kiện quan trọng này đều do Bạch Thái Quốc đem ra ngoài. Nếu khôngcó anh thì chưa chắc hải ngoại đã biết những gì xẩy ra ở trong nước. Nhờ nhữngtài liệu quý giá này, mà tháng 3/1990, tôi viết loạt bài đầu tiên về Văn họcphản kháng in trên Văn Học các số 50, 51 và 52 tháng 4-5- 6/1990.
Giữa năm 1990, đài RFI mở Ban Việt Ngữ. Bạch Thái Quốc làm trưởngban, nhờ tôi phụ trách 2 chương trình: Trả lời thư thính giảVăn họcnghệ thuật.
Chương trình Trả lời thư thính giả phù hợp với tâm cảmcủa thính giả trong nước lúc bấy giờ: Bức tường Bá Linh vừa sụp đổ, khát vọng tựdo tràn đầy. Thính giả miền Bắc, nhiều người chưa tiếp xúc với dân chủ bao giờ,có những thắc mắc sâu sa và tế nhị về các vấn đề tự do dân chủ. Đó là khởi điểm.Về sau, tất cả mọi vấn đề khác về đất nước nói chung, đều được đề đạt. Lúc đóEmail chưa thông dụng. Một bức thư ở trong nước gửi ra tiền tem rất đắt, nhưngkhối lượng thính giả viết thư cho đài khá lớn, rất nhiều người ở các vùng quê hẻolánh, và cả những người trong tù như các anh Như Phong Lê Văn Tiến, Đoàn ViếtHoạt, đều nghe và khi ra hải ngoại các anh cho tôi biết. Đây là chương trình đốithoại trực tiếp giữa thính giả mọi miền trong nước và một người ở ngoài nước.Có những câu hỏi khó, những vấn đề nan giải, nhưng qua đó, thính giả trong vàngoài nước có thể hiểu nhau, thông cảm nhau hơn, nhiều vấn đề nóng bỏng đượcnói và phân tích trên đài. Tiếc rằng, đến tháng 1/1999, vì muốn đi sâu vào địahạt phê bình và nghiên cứu, tôi phải bỏ chương trình Trả lời thư thính giả,chỉ giữ lại chương trình Văn học nghệ thuật.
Nhờ chương trình Văn học nghệ thuật hàng tuần, mà tôicó mối liên hệ mật thiết với văn nghệ sĩ và trí thức trong nước. Phỏng vấn vàPhê bình hỗ trợ cho nhau: Vì các bài phê bình mà văn nghệ sĩ tin ở mình, do đó,họ dễ dàng nhận đối thoại. Vì có đối thoại, nên sự tìm hiểu tình hình văn nghệtrong nước dễ dàng hơn, việc phê bình được hoàn chỉnh hơn. Nếu chính trị làmcho con người xa nhau, thì văn chương đẩy con người lại gần nhau.

LQM : Thụy Khuê không chỉ viết những bài bìnhluận văn chương thật sắc bén, những tản mạn về một số địa danh nổi tiếng thế giớinhư Nice, thực hiện những phỏng vấn rất giá trị về mặt văn chương. Tuy nhiên lạikhông sáng tác truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Tại sao?
TK: Phải lựa chọn, Quỳnh Mai ạ. Sáng tác và phê bìnhcó những điểm chung và cũng có những điểm riêng.
Điểm chung: Óc sáng tạo. Trí tưởng tượng. Yêu ngôn ngữ. Yêucon người. Có văn.
Điểm riêng: Nhà văn đi từ cuộc đời để sáng tác. Nhàphê bình đi từ tác phẩm để sáng tác.
Nhưng cách sáng tác của họ khác nhau: Nhà văn quan sát cuộc sống,tra vấn nội tâm của mình, của người để sáng tác. Nhà phê bình quan sát tác phẩmcủa nhà văn, phân chất mỗi chữ, mỗi lời, để tìm ra cái sườn tư tưởng và nghệthuật của tác giả. Nếu nhà văn hoàn toàntự do trong sự tưởng tượng của mình về cuộc đời, về con người, thì nhà phê bình phải giới hạn sự tưởng tượngtrong chữ nghiã của tác giả mà mình khảo sát, không thể tán, bịa, hoặcgán ghép những điều không có trong văn bản, tức là không thể nói trắng thành đen,cái dở ngụy biện thành cái hay. Nhưng nếu không có óc tưởng tượng, nhà phê bìnhcũng không đọc được những gì ẩn sau chữ nghiã của tác giả. Nếu không có óc sángtạo, người phê bình cũng chỉ chép lại những nhận định của người đi trước, màkhông nghĩ ra được những ý mới. Chúng ta nên biết: chính tác giả nhiều khi cũngkhông «hiểu rõ» tác phẩm của mình bằng người phê bình. Những gì tác giả cảm nhận về tác phẩm của mình chỉ đúng với nghĩacủa tác giả. Nhưng một tác phẩm giá trị thường có nhiều tầng ý nghĩa. Ở nhữngbài phê bình hay, tác giả có thể «học» thêm được những ý nghiã mới trong tác phẩmmà chỉ có người phê bình giỏi mới phát hiện ra. Khi người ta nói đến sự cộngtác giữa tác giả và người phê bình là trong cái nghiã đó. Và khi người ta nói“tác giả đã chết”, có nghiã là tác giả không còn “thẩm quyền” nhận định về tácphẩm của mình, mà chính văn bản sẽ “nói “ thay tác giả.
Vốn kiến thức của nhà văn và nhà phê bình cũng khác nhau: Nhàvăn, cần phải lăn lộn trong đời sống, sống với con người và cái ngôn ngữ mà họviết. Nhà văn phải được nghe, được nói thường xuyên cái ngôn ngữ mà họ đã chọn,hoặc ít ra là phải đọc những tác phẩm giá trị của các nhà văn khác, cùng haykhác thời, để học và hiểu cách họ viết như thế nào, rồi trên cái nền kiến thức ấy,mới sáng tạo ra cách viết của riêng mình. Sự đọc các tác phẩm ngoại ngữ, chỉlàm giầu cho phần kỹ thuật viết, nhưng không giúp ích gì cho ngôn ngữ nhà văn.Sự «bế tắc» của nhiều nhà văn hải ngoại, phần lớn nằm ở chỗ: không được tiếpxúc hàng ngày với đời sống và ngôn ngữ mà họ viết.
Về phần nhà phê bình, một khi đã tìm ra sườn tư tưởng và nghệthuật của tác phẩm và tác giả, thì phải lý giải lập luận của mình, tức là phảivận dụng đến những kiến thức về triết học, ngôn ngữ học, và các lý thuyết văn họckhác.
Vậy việc đọc của nhà văn và nhà phê bình cũng khác nhau. Do đó,nếu muốn có kết quả tốt, không nên làm hai việc một lúc. Có những nhà văn có khảnăng phê bình, có thể viết những bài bình luận ngắn với những ý kiến độc đáo,nhưng thường vẫn chỉ là những bài phê bình tài tử chưa phải là chuyên nghiệp.

LQM : « Sóng Từ Trường » của ThụyKhuê là một trong những tác phẩm giá trị trong văn học Việt Nam đương đại.Chị có thể giới thiệu lại cho độc giả được biết về đứa con tinh thần này không?
TK: Sóng Từ Trường tập hợp và tuyển chọn nhữngbài tiểu luận phê bình của tôi viết từ năm 1991.
Tức là từ những bài có thể in thành sách được. Hiện nay mới ra được ba tập. Rất mong trong thờigian sắp tới, tôi sẽ có thì giờ đọc lại những bài đã viết, còn khá nhiều (chỉ mộtphần được đánh máy và lưu trữ trên website: thuykhue.free.fr) để in tiếp các cuốnSóng Từ Trường 4, 5, 6...

LQM : « Gặp Mai Thảo một lần, có thể rấtyêu hoặc rất ghét, nhưng nhớ mãi. Nhớ cái thực, cái authenticité Mai Thảo khóthấy ở một cá nhân nào » (HL 100: Mai Thảo (1927-1998). Chị đã nhận xét vềtác giả Ta Thấy Hình Ta Giữa Miếu Đền như thế. Một vài kỉ niệm nào đó về Mai Thảođã gây ấn tượng mạnh cho Chị phải không?
TK:Đối với các nhà văn nổi tiếng lớp trước, tôi luônluôn có thái độ dè dặt. Mai Thảo sinh thời được bao vây như một triều đình nhỏ,tôi lại càng ngại hơn. Tháng 4/1988, Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại họp ở Washington D.C. AnhTrần Thanh Hiệp, muốn nâng đỡ đàn em, rủ tôi sang «kinh đô ánh sáng» gọi là ramắt «làng văn hải ngoại». Lần đầu tiên gặp Mai Thảo. Nhưng tôi không chào ông,mà lánh. Anh Hiệp và cả anh Nguyễn Ngọc Bích, đều khuyên: TK ra chào anh Mai Thảomột tý đi. Tôi dạ dạ, rồi vẫn lỉnh. Không chào.
Lần thứ nhì, Mai Thảo sang Paris(mỗi năm ông sang Parismột lần vào mùa thu, ở nhà Trần Thanh Hiệp). Anh Hiệp tổ chức một buổi họp mặtvới Mai Thảo ở một quán ăn tại Paris13. Lần này anh Hiệp nhất định «ép»: TK phải gặp Mai Thảo. Hầu hết văn nghệ sĩ ởParis đều có mặt.Vì nể anh Hiệp, chúng tôi đến. Lúc tiệc đang vui, một nhà thơ trịnh trọng tặngMai Thảo một bài thơ chúc mừng ông đến Paris.Mai Thảo cầm, đọc cho mọi người nghe vài câu rồi trả lại tác giả: «Thế nàythì thơ cái đếch gì!» Nhà thơ tái mặt. Đó là ấn tượng đầu tiên Mai Thảo đểlại trong tôi: Nói những điều mà không aidám nói.
Sau đó, giữa ông và tôi không còn ngăn cách, tôi gặp ôngluôn, đưa ông đi chơi mỗi lần ông sang Pháp, và mỗi lần sang Mỹ, việc trướctiên là chúng tôi đến thăm Mai Thảo.
Lần đầu đến nhà tôi, vừa mở cửa vào, ông mỉm cười hỏi: Nghenói cô chơi toàn với Việt cộng phải không? Biết ông rất ghét «Việt cộng» vìbi kịch của chính ông và các bạn bị tù đầy, sau 75, tôi chưa biết trả lời thếnào, ông đáp luôn: Chơi với ai thì chơi là tùy ở mình, đừng để ý đến điều tiếngbên ngoài: Ông là người tự dovà luôn luôn tôn trọng tự do của người khác.
Trong lúc chương trình Việt ngữ của RFI đang bị một làn sóngtẩy chay nổi lên rất dữ, nào là đài tay sai cho cộng sản, nào là đài cộng sảndo Hà Nội chỉ đạo, bản thân tôi cũng bị bôi nhọ nặng nề. Một nhà văn (lớn) đãnhận lời phỏng vấn, nhưng sau ông từ chối. Gặp lúc Mai Thảo sang Paris, tôi mời ông và hỏi:«Anh có ngại gì không?» Ông trả lời: «Tôi tin việc làm của Thụy Khuêlà tốt, mặc dù tôi không đồng ý (ông muốn nói đến việc tôi «giao lưu» vớicác nhà văn «Việt cộng»), vậy ta cứ làm»: Khôngđồng ý nhưng vẫn giúp, để những quan điểm đối lập với mình có thể hiện diện.
Mai Thảo là một nhà văn lớn. Một nhân cách lớn. Đó là ấn tượngcủa tôi về Mai Thảo.

LQM : Cũng trong bài viết trên, Chị đã gói trọnvăn nghiệp Mai Thảo qua từng chi tiết « ... Người ta ca tụng Mai Thảonhưng dường như không mấy ai đọc Mai Thảo, may ra vài dòng Sổ Tay, dăm ba câuthơ Ta Thấy Hình Ta Giữa Miếu Đền, mặc dù ông là một người có địa bàn viết rộngnhất trong các nhà văn cùng thời, một bút pháp đa chiều, đầy mãnh lực...» Tuynhiên Chị lại nhận xét rằng:
« … Những văn hữu già sống với Mai Thảo bằng trungthành tình bạn đã trải. Những người viết trẻ bu lấy Mai Thảo như một niềm tin,một cột vịn. Ai cũng có thể thấy mình thân với Mai Thảo... » Vậy bằng hữuvăn nghệ thân sơ đến với ông chỉ vì cái tên đình đám Mai Thảo, mà không là vănchương ông?
TK:Theo tôi, có lẽ họ đến với ông vì phong cách Mai Thảo:Rất thật, nói thẳng, thân mật và quyến rũ trong cách uống rượu và ngâm thơ, vàông nổi tiếng. Còn đọc ông thì không chắc lắm.
Tôi có dịp gần gũi vài người bạn thân của Mai Thảo. Khi phảiviết đôi dòng hay phát biểu về Mai Thảo, các cụ thường tới hỏi mượn cuốn này,cuốn kia của Mai Thảo, đôi khi hỏi cả ý kiến nữa. Phần Mai Thảo viết ở trong nước,dường như mọi người chỉ nhớ truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, may ra thêm Bảnchúc thư trên ngọn đỉnh trời. Phần ông viết ở hải ngoại, người ta cũng chỉ nhớ dăm ba câu thơ ngạo nghễ trong tậpTa thấy hình ta những miếu đền, và vài dòng Sổ Tay hàng thángtrên báo Văn, viết vội, kể về người này một tý, người kia một tý, nên ai cũngthích, nhất là những người được Mai Thảo nhắc đến tên. Thực ra, đó là lối viết thùtạc, ông viết để trả nợ những người đón tiếp ông. Nhưng văn thù tạc của MaiThảo cũng vẫn có cái tài hoa của nó. Sau khi ông mất, có nhiều bài viết về ông,nhưng không mấy ai nhắc đến Ngọn hải đăng mù và các tập truyện ông viết ởhải ngoại, về cuộc vượt biên và đời di tản: Trong nền văn học hải ngoại, Mai Thảovẫn còn ở địa vị hàng đầu.

LQM : So sánh với một Mai Thảo của vũ trường củarượu của những đêm thâu suốt sáng, một nhà văn không có nhiều độc giả, là mộtVõ Phiến với nếp sống chừng mực nề nếp, và cũng là một nhà văn không ăn kháchtrong nước trước 1975 (Hợp Lưu 103). Nhưng cả hai đều được xem như đầu tàu vănchương của bộ lạc di cư tại hải ngoại. Chị có nghĩ đây là điểm nghịch lý không?Và Thụy Khuê là... fan của Mai Thảo hay Võ Phiến?
TK: Câu hỏi này có 2 phần: Trước hết, Quỳnh Mai nói vềnghịch lý trong nhận định của tôi về Võ Phiến và Mai Thảo; theo tôi, không cónghịch lý: Hai nhà văn đối lập nhau về văn phong và cách sống, vẫn có thể cùng đứnghàng đầu trong một nền văn học.
Mai Thảo có bút pháp lãng mạn thời thượng, được độc giả trẻmiền Namyêu mến. Sách ông best-sellers trong nhiều năm. Đã thời thượng như thế, thì dễlỗi thời, nhưng Mai Thảo không, và tôi đã phân tích lý do tại sao trong bài viếtvề Mai Thảo.
Võ Phiến ngược lại, trước 75, không có nhiều người đọc. Vũ KhắcKhoan thấy văn Võ Phiến «tù lù mù», có lẽ bởi tác phẩm của Võ Phiến mô tả nhữngcon người tầm thường, những tình huống tầm thường, chuyện không có chuyện, chonên mới «tù lù mù» và không thể là best-sellers. Nhưng giá trị một tác phẩmkhông nằm trong sự bán chạy. Khi ra hải ngoại, sống trong hoàn cảnh di tản, conngười bị mất gốc rễ, mới tìm lại tác phẩm Võ Phiến. Đọc và khâm phục tài năng củaông.
Điểm thứ nhì: Nếu nói về chữ fan, theo đúng nghiã củanó thì tôi không fan Mai Thảo và Võ Phiến. Fan ngụ ý mê say, tônsùng gần như mê muội, do cảm tính, trong khi người phê bình phải sáng suốt khảosát tác phẩm và nhất là phải giữ khoảng cách đối với tác giả.
Cần phải nhớ rằng: Văn bản phê bình chỉ dành cho độc giả,không dành cho tác giả mà mình phê bình. Cho nên, nếu viết cho vừa lòng tácgiả, đôi lúc, chỉ sản xuất ra những văn bản nịnh bợ, sớm muộn gì cũng chết. KhiMai Thảo còn sống, vì thân thiết và quý mến ông, tôi tránh không viết gì, vìnghĩ mình sẽ không khỏi thiên vị khi viết về ông.
Vì vậy, đối với Mai Thảo và Võ Phiến, tôi thích dùng chữ cảmphục hơn. Lấy lại ý của Georges Poulet khi nói về Mme de Staël (được coi lànhà phê bình ý thức đầu tiên của Pháp, cuối thế kỷ 17), Poulet cho rằng ý thứcphê bình của bà de Staël bắt nguồn từ ý thức cảm phục (admiration). Sự cảmphục phát tự đáy lòng khi đọc một tác phẩm hay, sẽ dẫn đến văn bản phê bình. Nếukhông có sự cảm phục này thì không có phê bình. Tôi cảm phục một số truyệnngắn, truyện dài, tuỳ bút của Võ Phiến và một số tiểu thuyết, truyện ngắn, tuỳbút và thơ của Mai Thảo. Thơ Võ Phiến không hay. Tôi không thích Võ Phiến trongcách ông phê bình văn học và Mai Thảo trong những bài sổ tay viết vội, theo lốitạc thù.

LQM : Nhà văn Trần Vũ nhắc đến Mai Thảo trong1 phỏng vấn của Chị rằng « ... Lúc sinh tiền, Mai Thảo thường nhắc, emkhông dụng chữ cho mục đích phi văn chương, không chửi ai, văn chương không phảilà chỗ cho em bựa. Em không được quyền... » Nhưng thực tế qua mấy thậpniên tại hải ngoại nói riêng, không ít lần văn chương bị... hiếp dâm không thươngtiếc cho mục đích... phi văn chương. Chị có cảm nghĩ gì về sự kiện đáng buồntrên?
TK:Có lẽ Quỳnh Mai muốn nói đến hiện tượng dùng chữ tục,hay viết về sex để gây sốc phải không? Vậy tôi đề nghị chúng ta nên loại trừhai chữ hiếp dâm ra, bởi đó cũng là kiểu dùng chữ của một số người thíchgây sốc. Theo tôi, không có gì cấm kỵ cả: Chữ tục, nếu đặt đúng chỗ, có thể rấthay; nhưng nếu chỉ cốt gây sốc, nó sẽ phản tác dụng: cái viết trở thành tục tĩu.Viết sex, dễ trở thành dâm ô, phải có bản lĩnh cao cường lắm mới thànhcông. Tôi thấy Võ Đình và Nguyễn Bình Phương là những nhà văn viết về sex rất đạt.Cao Xuân Huy viết tục rất thành công.
Văn bản trước tiên là một thực thể chữ nghiã,hay đến độ nào đó thì nó trở thành văn chương, dở, hoặc tục tĩu, hoặcdâm ô, nó sẽ bị đào thải, và cũng không ai gọi đó là văn chương.
Mai Thảo chỉ muốn khuyên Trần Vũ nên thận trọng với chữnghiã, đừng dùng chữ vào việc chửi bới (dù người ta có thể khoác cho nó cái tênđẹp là tranh luận). Chữ nghiã, đối với nhà văn, là để phục vụ văn chương, khôngthể dùng vào những việc hạ tiện.

LQM : Hi vọng của nhà phê bình văn học ThụyKhuê cho văn chương hải ngoại? Chị có thích đọc tác phẩm trên Net, quaApple iPad chẳng hạn?
TK: Văn chương hải ngoại ngày trước, là một nềnvăn học do người Việt miền Nam, di tản ra hải ngoại, thành lập, ly khai với nềnvăn học chính thống ở trong nước, xuất hiện từ 1975 đến 1995 và kéo dài đến2000, đỉnh cao là những năm từ 1987 đến 1990. Theo tôi, nền văn học này đã gầnnhư kết thúc. Ngày nay, những gì in hoặc đưa lên mạng tại hải ngoại, nên gọi làVăn học Việt Namcông bố ở nước ngoài.
Những tác giả của nền Văn học hải ngoại, phần lớn là những nhà văn miền Nam, nay đãgià yếu hoặc qua đời. Các cây bút bắt đầu viết và nổi tiếng tại hải ngoại, naycũng đã nhiều tuổi, phần lớn đã gác bút, hoặc viết rất ít. Lý do thì nhiều lắm:vì hoàn cảnh sinh sống; vì không nói, không nghe thường xuyên tiếng Việt; vìkhông có nhiều người đọc; vì không có bạn văn để bàn bạc, tranh luận, thúc đẩy,tìm đề tài...
Nếu họ muốn tiếp tục, thì phải tìm cách đi sâu vào tiểu thuyếthướng nội, có tính cách triết học, khám phá vùng tiềm thức của con người. Hoặcphải nhập vào đời sống của người bản xứ, để viết về con người và xã hội nhập cư.Ở hải ngoại chỉ có Võ Đình là thành công nhất.
Còn thế hệ sinh ra hoặc lớn lên tại hải ngoại, không rành tiếngViệt, làm sao có thể đọc và viết tiếng Việt được?
Tóm lại, toàn bộ người di tản trên khắp năm châu cũng chỉ độ2, 3 triệu, trong đó một nửa sinh sau 1975, một phần lớn đã già yếu; thành phầnhiểu và viết được tiếng Việt, còn lại bao nhiêu? Trong nước hiện nay có đến hơntám mươi triệu dân, vậy nhân tài trong nước, phải gấp sáu, bẩy mươi lần ởngoài nước, tính theo bình quân đầu người.
Vì thế, những gì in trên sách báo hải ngoại và Internet hiệnnay, có thể nói quá nửa, là do người trong nước viết ra; vì không in được ởtrong nước, hoặc đã in ở trong nước rồi, muốn gửi ra ngoài để hải ngoại đọc; vìvậy nên tôi đề nghị gọi chung đó là nền Văn Học Việt Nam công bố ở nướcngoài.
Hiện nay trên Internet, các đài phát thanh quốc tế như BBC,RFI, VOA, RFA, giữ vai trò chính yếu, cónhững đóng góp hàng đầu trong việc dân chủ hoá đất nước với những thông tin mớinhất, những vấn đề nóng bỏng nhất. Đó là phương tiện nhanh nhất để biết vềtình hình trong nước và thời sự quốc tế.
Nhưng Internet là mộtcông cụ chuyển tải thông tin hơn là văn hoá.
Văn hóa dưới các hình thức như kịch, opéra, cinéma, ca nhạc,bảo tàng,... có phát triển mạnh hơn nhờ sự giới thiệu của Internet. NhưngInternet không thay thế được nhà hát, rạp chiếu bóng, viện bảo tàng. Theo thốngkê, ngày nay người Pháp vẫn mua và đọc sách nhiều như thời chưa có Internet.
Văn học được chuyển tải, nhờ Internet, qua các mạng báo điệntử. Ưu điểm: Bài viết được in ngay, không phải đợi chờ như các báo in. Nhược điểm:Một số mạng, vì cạnh tranh, muốn có nhiều bài lên trang mỗi ngày, cho nên khônglựa chọn, bài đến là đăng ngay, thượng vàng hạ cám, làm độc giả chán, vì thế đôikhi người ta chỉ đọc dăm ba bút hiệu quen thuộc. Mất tín nhiệm, đó là nguyên dotriệt hạ các ngòi bút mới, vì nhiều người không «mạo hiểm» đọc họ! Một số mạngtrở thành diễn đàn của các cuộc «tranh luận». Khi có vụ đánh đấm nào, vì tò mò,người ta vào đọc, sau đó trở lại tình trạng bình thường, thì họ lại chỉ lướtqua cho biết «mặt hàng» mà thôi.
Ngày trước, người đọc mua các tờ Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn, vìbiết những bài đăng ở đấy đã được Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Lê Ngộ Châu, TrầnPhong Giao... lựa chọn rồi. Ngày nay, thơ văn trên mạng, vì quá nhiều, nên bị lạmphát. Đó là hiện tượng: nhiều thông tin giết thông tin, nhiều văn học giết vănhọc.
Trở lại câu hỏi của Quỳnh Mai: Tôi ít khi đọc sáng tác trênInternet, trừ trường hợp các tác phẩm không in được ở trong nước hoặc các sáchcũ đã tuyệt bản. Tôi cũng ít tìm tài liệu trên Internet. Umberto Eco có kinhnghiệm về vấn đề này, nói đại ý: Khi cần tra cứu điều gì, nếu ấn vào con chuột,là có ngay 5, 6 ngàn thông tin trước mắt, mình lập tức bị tẩu hoả nhập ma,không biết chọn cái nào, từ đó ông cạch hẳn. Eco nói đùa nhưng cũng rất thực: muốn dùng thông tin trên Internet, trước hếtphải có khả năng lựa chọn cái đúng cái sai. Và khi phải lựa chọn như thế, nếumình có trước mắt vài cuốn sách tin được đến 80 hoặc 90% thì khoẻ hơn nhiều.Còn nếu phải mò mẫm trong mấy trăm thông tin xem cái gì dùng được thì thật rốimù, rất mất thì giờ. Thêm nữa, những gì về văn sử học Việt Nam có rất ít trênIntrenet, những thông tin của Wikipédia rất đáng ngờ, vì không kiểm chứng; ngaycả những sách biên khảo của Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê... cũng còn nhiều chỗ rấtsơ sài, đại cương, duy có sách Phan Huy Chú, Hoàng Xuân Hãn... là đáng tin cậy.Do đó, tôi chỉ dùng Internet trong những trường hợp đặc biệt mà thôi.

LQM : Được biết Chị là một người rất mê sách.Tác phẩm và tác giả nào chị ngưỡng mộ nhất? Một của Việt Nam? Một của nướcngoài?
TK: Quỳnh Mai chỉ cho phép hai, thì xin chọn Phan Khôivà Jean Paul Sartre. Tôi cho rằng đó là những nhà văn toàn diện. Họ có ảnh hưởngđến dân tộc họ trong một giai đoạn dài. Đối với Việt Nam, Phan Khôi tiên phong trong cácngành: phê bình văn học, thơ mới, tranh luận văn học, phê bình Khổng giáo,tranh đấu cho nữ quyền... Ông còn có những đóng góp trong các lãnh vực dịch thuật,thơ và truyện ngắn. Phan Khôi là học giả đầu tiên đưa tinh thần phản biệnvào nghiên cứu, đưa tinh thần dân chủ vào đời sống Việt Nam. Là ngườilãnh đạo tinh thần Nhân Văn Giai Phẩm, những đòi hỏi về dân chủ và tự do tư tưởngcủa Phan Khôi và NVGP, đến ngày nay, hơn một nửa thế kỷ qua, dân tộc ta vẫn cònchưa đạt được.
Jean Paul Sartre làm thay đổi đời sống tinh thần của ngườiPháp trong thế kỷ XX: ông đem triết học hiện sinh vào phê bình và sáng tác.Truyện và kịch của Sartre làm khuynh đảo kịch trường, điện ảnh và đời sống tinhthần của người Pháp. Sartre đưa phê bình đến ngọn nguồn của chữ nghiã. TrướcSartre, người Pháp chưa có ý thức mạnh mẽ về bản thân. Sau Sartre, người ta cóý thức sâu sắc về bản thân: Con người là tổng kết của những gì mình đã làm đượctrong suốt cuộc đời. Nếu anh sinh ra, chỉ ăn để mà sống, rồi chết, thì anh cũngchả là cái gì. Từ đó phát sinh những suy nghĩ sâu lắng về thân xác, về tâm thân,về hành động và sự hiện hữu của con người.

LQM : Chắc hẳn tủ sách gia đình của chị thậtvô giá. Chị sẽ làm gì với những tác phẩm này, nếu ngày nào đó, ví dụ Chị khôngcòn khả năng giữ được nữa?
TK: Quỳnh Mai muốn biết trước khi «tịch» thì tôi giaosách cho ai, phải không? Thật ra thì cũng chưa biết phải làm thế nào. Quý nhấtlà những bộ từ điển hiếm như: Génibrel (1898), Khai Trí Tiến Đức (Việt Nam tự điển)(1931), Gustave Hue (1937), Eugène Gouin (1957)... Từ điển Pháp Việt của ĐàoDuy Anh và của Đào Đăng Vỹ, cũng rất tốt, trong nước hình như chưa in lại. HánViệt, ngoài từ điển của Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Khôn, còn có bộ của Thiều Chửukhá đầy đủ. Phan Khôi nhận xét rất đúng: quốc ngữ phát xuất từ tiếng Bắc vì docác cha cố đến đàng ngoài trước, sáng chế ra theo tiếng Bắc, nhưng chỉ dùngtrong việc giảng đạo. Phải đến Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, chúng ta mớicó từ điển tiếng Việt thực thụ. Vậy từ điển quốc ngữ do người Nam làm ra. Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của làgốc, đầy đủ và không có lỗi chính tả. Và cho đến bây giờ, bộ từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (ngườiNam)cũng vẫn là bộ đầy đủ nhất. Các từ điển in sau này ở Bắc, thiếu và sai nhiềulắm. Vậy những ai chủ trương lấy tiếng Bắc làm chuẩn thì nên xét lại.Tôi theo Phan Khôi: nghiã là tiếng Việtphải là tiếng toàn diện của các miền trên đất nước, từ Nam ra Bắc, không nên cómiền nào ưu tiên, được lấy làm chính ngữ, còn các miền khác là phương ngữ.
Trong nhiều năm tôi giúp những người dịch Nguyễn Huy Thiệpsang tiếng Pháp, ngôn ngữ của Thiệp nhiều chữ hiếm, chữ cổ, các câu hát cổ, cáccách phát biểu theo lối xưa, đôi khi có hai ba nghiã, phải tra các từ điển cổvà đầy đủ như Génibrel, Gouin, Gustave Hue... để dịch sang tiếng Pháp, chọn lấymột chữ phù hợp với văn bản, sau đó phải kiểm chứng lại chữ này trong LarousseUniversel hoặc Littré xem có đúng với nghiã mà người Pháp dùng không. Nhưng bâygiờ người ta dịch nhanh lắm. Có người một năm dịch mấy cuốn sách dầy. Có người điPháp vài năm đã viết được sách tiếng Tây. Nhiều người cho rằng tiếng Việt ai cũngbiết, khỏi phải tra từ điển. Và khi dịch sang tiếng Pháp, chữ nào đã biết nghĩa,cứ thế mà dịch, không cần tra lại từ điển nữa. Vì những cẩu thả đó mà chúng tacó rất ít dịch phẩm tin được.
Trở lại với vấn đề thư viện của tôi. Sau từ điển là đến cácsách ngày nay đã tuyệt bản, và trong nước vẫn cấm. Rồi những văn bản quý như bảndịch Hoa Tiên sang tiếng Pháp viết tay của Nguyễn Tiến Lãng. Bản viết tay NguyễnVăn Vĩnh dịch Kiều. Thư từ Mai Thứ viết cho Lê Thị Lựu. Thư Mai Thứ gửi HuỳnhTrung Đồng, lên án chính quyền cộng sản về việc thuyền nhân vượt biển, chất vấntại sao nhiều lần ông xin về Việt Nam dạy hội họa mà nhà cầm quyền cộng sản lờ đi.(Hoàng Xuân Hãn muốn về nước nghiên cứu ngay từ sau 1975, cũng bị chính quyền từchối). Thư của Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng về tình trạng tranh của ông dưới thờiông Diệm và sau ông Diệm. Bộ sưu tập tranh Lê Thị Lựu, dành trao cho viện bảo tàng, khi được bảo đảm không bị bán đingoại quốc, vv...
Còn sách Pháp dễ kiếm hơn, và các sách của Văn học tiền chiến,Tự lực văn đoàn, Văn học miền Nam, Văn học hải ngoại, nhiều nơi đã có và cũng đượcđưa lên Internet khá nhiều.
Tóm lại, có những tư liệu và văn bản quý, có thể gửi về thưviện và viện bảo tàng. Nhưng muốn gửi về trong nước cũng khó, ai nhận? Nhất lànhững sách quý ấy lại bị cấm. Chính bản thân tôi cũng chưa về được, còn nói gì đếnsách và tư liệu khác?

LQM : Chị có cảm tưởng gì về việc tạp chí Vănlặng lẽ biến mất khi người chủ biên cuối cùng còn hiện diện, cũng như tạp chí VănHọc... chết trước người chủ biên cuối cùng cả năm như vậy?
TK: Tạp chí Văn ngừng, theo tôi biết là vì anh NguyễnXuân Hoàng lúc đó bị bệnh, thêm ngân quỹ càng ngày càng eo hẹp, đời sống khó khănkhông thể bỏ tiền túi ra in báo được nữa.
Báo Văn Học thì vì Cao Xuân Huy bị ung thư mắt, phải mổ,không nhìn rõ thì làm sao layout được?

LQM : Xin chị phát biểu cảm nghĩ về sự ra đi vừaqua của Chủ biên tạp chí Văn Học và tác giả « Tháng Ba Gãy Súng »,nhà văn Cao Xuân Huy?
TK: Tôi quen Cao Xuân Huy từ lần sang Cali, khoảng 1989. Lúc ấy, Huy đang làm thưký toà soạn Văn Học, hình như Huy làm hết, từ đánh máy, layout đến đem in, anhNguyễn Mộng Giác là chủ biên, trông coi bài vở. Anh Giác hồi đó đã than với tôilà Huy ba gai lắm, bài nào không thích Huy cho vào sọt rác ngay, dù tác giả lànhững người nổi tiếng. Tôi thích Huy ở cái tính ba gai đó. Năm 1991, tôi và Huycó chuyện không vui: trong một bài viết, Huy đả kích nặng nề cuốn Tiểu thuyếtvô đề của Dương Thu Hương do thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết (nxb Văn Nghệ) in vàtôi viết tựa, vì trong đó có đoạn «xúc phạm» đến quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Từđó, giữa tôi và Huy như có gì ngăn cách, sang Mỹ tôi không muốn gặp Huy nữa. Nhưnganh Giác nói với tôi «Huy muốn gặp chị», thế là tụi này lại «huề». Tình bạn trởlại như xưa. Huy ít nói, thân thể vạm vỡ, râu ria rậm rạp, mỗi lần gặp, Huy «ômhôn» kiểu rất Tây, và cũng biến mất rất nhanh. Ngồi ăn chung với các bạn trongbáo Người Việt, Huy chỉ tủm tỉm cười. Khi Huy làm lại tờ Văn Học, trong Emailgiục bài, bao giờ cũng chỉ vắn tắt: «Chị ơi, bài đâu, sao lâu quá!». Sau này,trong Hợp Lưu đặc biệt về Mai Thảo (số 100, tháng 5 và 6/2008), đọc bài củaHuy, tôi giật mình: Gặp Mai Thảo, Huy cũng... không chào! Giữa tôi và Huy nhưcó cái gì tri kỷ. Điều tôi ân hận nhất là đã không viết về Tháng Ba gẫy súngkhi Huy còn sống, đúng là «bụt nhà không thiêng». Nếu tôi cố ý không viết gì vềMai Thảo lúc ông còn sống, vì ông đã có quá nhiều tôn vinh phù phiếm, thì vớiCao Xuân Huy, không viết là một lỗi nghề nghiệp: bỏ qua một tác phẩm hay của mộtngười viết xứng đáng được giới thiệu như một nhà văn đích thực. Nhưng viết chậmcũng lại có cái may của nó, nhờ vậy mà bài Cao Xuân Huy mùa thu gẫy cánhcó được cái nhìn thông suốt cả cuộc đời và tác phẩm của Huy, mà nếu viết từ trướcthì không thể có đuợc.

LQM : Chuyện gì xẩy ra giữa chị và Dương Thu Hương«độ ấy»?
TK: Chuyện qua 20 năm rồi, nếu Quỳnh Mai muốn biết,thì bây giờ cũng có thể kể lại sơ lược: Tháng 4/1991, nhà cầm quyền Hà Nội bắtDương Thu Hương. Việc này làm rung động dư luận, không những Việt nam, mà cả thếgiới, vì Dương Thu Hương lúc đó nổi tiếng là nhà văn can đảm hàng đầu dám trựcdiện với chính quyền cộng sản. Cùng lúc ấy thì văn bản Tiểu thuyết vô đề đượcgửi ra ngoại quốc. Một người bạn của Dương Thu Hương, nay chuyện đã cũ, tôi cóthể nói rõ, người ấy là Bạch Thái Quốc, đưa văn bản cho tôi, nhờ viết tựa và gửisang Mỹ in. Thầy Từ Mẫn nhận in, mặc dù lúc ấy việc in sách ở trong nước đang bịchống đối dữ dội, và thầy cũng muốn tôi viết tựa, vì trong sách có những đoạn«nhậy cảm» có thể gây sốc cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà và cộng đồng di tản.Vì muốn tác phẩm, mà tác giả đang bị tù, sớm ra đời, cho nên tôi đã nhận lời viếttựa, mặc dù tác giả không nhờ. Khi Dương Thu Hương ra khỏi tù, năm 1992, chị viếtbài Tự bạch về Tiểu thuyết vô đề, nói rõ lập trường của mình và phản bácmột số lập luận của tôi (mà chị gọi là ông Thụy Khuê) trong bài tựa. Tôi viếtbài trả lời, nói rõ lý do in ấn và giải thích từng điểm trong bài viết của tôi.Sau đó, Dương Thu Hương viết lá thư xin lỗi và tôi cũng viết lời chân thành cảmơn chị. Tất cả những văn bản này đều được đăng rộng rãi trên báo chí hải ngoạithời đó.

LQM : Lần cuối cùng chị về Việt Nam là năm nào?
TK: Tháng 9/1997.

LQM :Vì cớ gì chị không trở lại? Chị có «nhớ nước»không?
TK: Làm người ai chẳng nhớ nước. Tôi rời Hà Nội tháng10/1954 lúc mới lên mười. Rời Sài Gòn tháng 9/1962, năm 18 tuổi, đi du học rồi ởlại Pháp. Từ đó đến nay, chỉ về nước có 4 lần: Hè 1974, về Sài Gòn. Tháng8/1984, về Sài Gòn lần thứ nhì và ra Hà Nội. Tháng 9/1993, về Hà Nội rồi đi Huế,vào Sài Gòn. Tháng 8/1997, lần thứ tư, về nước gặp khó khăn, nhiều năm saukhông muốn về nữa.
Mùa thu năm 2004, vì có nghị định số... gì đó về Việt kiều, đạiý nói mọi người đều về được. Chúng tôira hãng du lịch mua 2 vé, khai rõ ràng tên thật, cả bút hiệu, nghề nghiệp và nơilàm việc... và được họ «bảo đảm» là không bị khó khăn gì vì đã có nghị định mới.Hơn tháng sau, gần đến ngày khởi hành, mới được báo tin: «Chúng tôi đã xin hếtcác cửa khẩu, Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội, chị bị cấm cả ba». Hiểu tình thế,chúng tôi chỉ nhờ họ xin nhà chức tráchghi rõ lý do, để có thể đòi hãng máy bay hoàn lại tiền vé, nhưng nhà chức tráchkhông trả lời. Từ ngày đó tôi không «xin về» nữa, bởi vì đi về nơi chôn rau cắtrốn là quyền tuyệt đối của con người. Mình chỉ có thể bị cấm khi làm chuyện phạmpháp. Tất cả mọi cấm đoán khác chứng tỏ sự lạm pháp của nhà cầm quyền.Những bậc tiền bối lẫy lừng như Hoàng Xuân Hãn, Mai Thứ... đều đã kinh qua. Tôichẳng cần phải nói gì thêm nữa.

LQM : Tuy vậy, với cương vị là nhà phê bình vănhọc, chắc chị vẫn theo dõi tình hình văn chương trong nước? Theo chị, có cởi mởhơn không? Chị nghĩ thế nào về việc in ấn phát hành tác phẩm của một số tác giảhải ngoại, khi họ trở về thăm Việt Nam?
TK: Mới đây Nguyễn Thanh Sơn có tuyên bố đại khái rằng:Ở hải ngoại có tự do mà các nhà văn cũng chẳng viết được gì. Còn ở trong nước,người viết cũng rất tự do, cứ việc viết rồi đăng trên Internet thì có ai cấm đâu,vậy mà cũng chẳng có tác phẩm hay. Ý Nguyễn Thanh Sơn muốn nói là bây giờ đã tự do lắm, chỉ tại không có ai viết ra hồn đó thôi. Tóm lại, theo Sơn, tự dolà tại mình, mình sợ, mình tự kiểm duyệt cũng lỗi tại mình.
Là người viết phê bình mà Nguyễn Thanh Sơn nói như vậy là chẳnghiểu gì về bản chất của hành động viết.
Việc ở hải ngoại có tự do mà nhà văn không viết được, tôi đãnói rõ các lý do ở trên, ở đây chỉ nói về nhà văn trong nước.
Viết là hành động «vén màn» (dévoiler, chữ củaSartre). Vén màn cho người đọc thấy những tình huống của cuộc sống. Vénmàn cho thấy tình yêu, thấy xã hội, thấy lừa lọc, thấy khổ đau, thấy hạnhphúc, thấy chiến tranh, thấy hoà bình, thấy thủy chung, thấy phản bội, thấy tựdo, thấy dân chủ, thấy nô lệ, thấy ngục tù, thấy sống, thấy chết... Con ngườitiến bộ là con người biết tự sửa mình. Xã hội tiên tiến là xã hội biết tự sửamình. Sự sửa mình của xã hội luôn luôn dựatrên văn nghệ sĩ: nước Mỹ tự sửa sự kỳ thị chủng tộc, nhờ những nhà văn, nhữngđạo diễn điện ảnh kỳ tài đã vén màn lên trên sự kỳ thị chủng tộc, để ngườiMỹ tự soi, thấy xấu hổ mà sửa đổi đi. Đầu thế kỷ XX, người Pháp còn vô cùng kỳthị với vấn đề đồng tính, André Gide đã viết những tác phẩm tuyệt vời về đồngtính, khiến ai đọc qua cũng phải đoạn tuyệt với ý tưởng kỳ thị đồng tính. Thậpniên 40 thế kỷ XX, vấn đề nữ quyền còn chưa được đặt ra một cách có hệ thống ởÂu châu, Simone de Beauvoir viết Deuxième sexe (Phái thứ nhì) làm chao đảotinh thần những kẻ khinh đàn bà, khiến đọc xong, họ phải cúi đầu bái phục. Thậpniên 90, sự kỳ thị bệnh Sida còn đang tung hoành trên thế giới, phim Philadelphiacủa Jonathan Demme với Tom Hanks (Oscar 1994), đã làm những người kỳ thị bệnhSida phải thay đổi hoàn toàn thái độ của mình.
Khi con người bị bắt buộc phải chấp nhận chế độ mình đangsống là hoàn hảo, không có gì phải sửa, thì mọi khía cạnh tiêu cực sẽ trở thànhtích cực. Khi không có phê bình, thì chỉ còn sự tự mãn và thoái hoá.
Ở nước ta ngày nay, có bao nhiêu vấn đề cần phải xem lại, cầnphải khảo sát?
Và bao nhiêu vấn đề nhà văn được tự do nói đến mặt trái củanó?
- Chiến tranh ư? Chỉ có cuộc chiến thần thánh đánh Mỹ cứu nước,giải phóng dân tộc.
- Lãnh tụ ư? Chỉ có một bác Hồ vĩ đại miên viễn.
- Tham nhũng ư? Chỉ là trường hợp cá nhân, giới hạn tronghàng ngũ các con chiên ghẻ.
- Dân chủ và Nhân quyền ư? Là địa hạt «nhậy cảm», những ngườidám đòi hỏi công khai đã vào tù.
- Báo chí ư? Nhà cầm quyền kiểm soát.
- Muốn được in ư? Nhà văn có sẵn một quá khứ bưng bít và mộthiện tại tốt đẹp dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, làm khung.
Đó là tự do chăng?
Người viết nào cũng muốn cho đồng bào mình đọc. Nhưng nay,tác phẩm viết xong, phải gửi trên Internet, ở những mạng có thể sẽ bị tường lửachặn, hỏi rằng còn mấy ai đọc?
Một tác phẩm hay là xương máu của con người trong nhiều năm,viết rồi bị số phận như vậy, ai còn can đảm viết?
Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương, rất có giátrị, đưa 5 nhà xuất bản đều lắc đầu, biết là hay mà họ không dám in. Nếu tựdo tại sao họ lại không dám in?
Viết, trước tiên là để cho đồng bào mình đọc. Đồng bào mình tự soi mà sửa đổi những sai lầmcủa chính mình và của dân tộc mình, để tiến tới. Sách bán ra để nuôi sốngtác giả. Sống bằng tác quyền là vinh dự của nhà văn. Bây giờ, tác phẩm phải đưalên Internet, và nếu cần đã có tường lửa chận. Thế thì viết để làm gì?
Hiện trạng văn học như tôi vừa nói, đã ít nhiều trả lời câu hỏithứ nhì của Quỳnh Mai: Chị nghĩ thế nào về việc in ấn phát hành tác phẩm củamột số tác giả hải ngoại, khi họ trở về thăm Việt Nam?
Người viết nào cũng mong sách của mình được đồng bào đọc, đólà lý tưởng.
Nhưng muốn được in ở trong nước, thì nhà văn hải ngoại phảitrải qua cái cầu thanh lọc giống như các nhà văn trong nước, tức là phải tự tướcquyền tự do tư tưởng của mình, tự cắt tay chân cho vừa cái khung «nhập gia tùytục». Đó cũng là một lựa chọn. Và phải trả giá khá đắt.
Cách đây 55 năm, bao nhiêu trí thức văn nghệ sĩ trong phongtrào NVGP đã đứng lên đòi hỏi quyền tự do sáng tác? Và họ đã phải trả giá cả cuộcđời còn lại.
Bây giờ, để được in sách, bao nhiêu văn nghệ sĩ, đã từng vượtbiển tìm tự do, nay quy về, chịu sự kiểm soát tư tưởng của nhà cầm quyền? Đó cũnglà một lựa chọn. Nhưng ngược dòng.

LQM : Chị có tin giao lưu văn hóa đã thật sự đượcluân lưu giữa đàng trong và đàng ngoài? Chị ủng hộ hay không ủng hộ biện phápnày? Tại sao có và tại sao không?
TK: Chắc Quỳnh Mai muốn nói trong nướcngoàinước phải không? Vì đàng trongđàng ngoài là tiếng dùng đểchỉ Nam-Bắc thời Trịnh-Nguyễn. Nếu tôi đoán đúng ý Quỳnh Mai, thì xin trả lờinhư thế này:
Văn hoá, trong đó có văn chương, là một dòng chảy. Nếu là vănchương đích thực thì nó tự giao lưu, không cần ai cho phép. Chúng ta vẫn đọctác phẩm ngoại quốc mà có cần ai cho phép giao lưu đâu. Nhưng nước mình, vìhoàn cảnh chiến tranh 20 năm, có sự căm thù do chính trị đưa ra; tuy vậy văn chươngđích thực của hai miền Nam Bắc chưa bao giờ đứt đoạn. Tôi có bạn văn ở Bắc ngaytừ những ngày đầu chương trình Văn Học Nghệ Thuật mới phát về Việt Nam, và chương trình này không thể tồn tại được 19 năm,nếu không có sự giúp đỡ và cộng tác nhiệt thành của các văn nghệ sĩ và trí thứctrong và ngoài nước.
Một điểm nữa: nhà văn có thể trở thành tri kỷ qua các tác phẩm.Không cần gặp mặt. Không cần cùng thời. Đó là hiện tượng giao lưu kỳ lạnhất của văn học nghệ thuật.

LQM : Xin chị phát biểu ý kiến về vụ Nhân VănGiai Phẩm trong nước năm xưa?
TK: Câu hỏi rộng quá, chỉ xin trả lời Quỳnh Mai, giớihạn trong một số việc làm của tôi mà ít người biết:
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ám ảnh tôi từ khi còn đi học.Trong Nam,tài liệu duy nhất đáng tin cậy là cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của HoàngVăn Chí (1959). Năm 1984 về nước, tôi cố tìm lại dấu vết, nhưng thấy đã bị chônvùi hẳn: hỏi người thân, không ai biết có NVGP. Cho nên khi bắt đầu viết phêbình, tôi đặt mục đích là sẽ tìm hiểu hiện tượng văn học này. Từ đó gặp bất cứmảnh báo, mảnh tin gì liên hệ tới NVGP tôi đều thu thập. Tình cờ có người bạncho mượn cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận, đây là tậptài liệu in ở Bắc, năm 1959, chép những đoạn chính các bài báo đánh NVGP củacác văn nghệ sĩ. Nhờ cuốn tư liệu quý giá này, tôi viết bài đầu tiên về NVGP đăngtrên báo Văn Học, tháng 4/1988. Bài ấy được độc giả thích và ông GeorgesBoudarel, người có nhiều tài liệu nhất về NVGP, cũng liên lạc với tôi, ngỏ ý rấtthích. Riêng ông, tháng 1/1988, ông cũng đã viết bài nghiên cứu về NVGP in trêntạp chí chuyên đề và năm 1991, ông mở rộng thành cuốn «Cent fleurs éclosesdans la nuit du Vietnam»(Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam).
Nhờ địa bàn rộng lớn của RFI, tôi đưa vấn đề NVGP về nướctrên sóng cùng với những vấn đề tự do dân chủ, và được sự ủng hộ của văn nghệ sĩvà trí thức, đặc biệt Trung Tướng Trần Độ. Năm 1993, khi về nước, ngoài các vănnghệ sĩ khác, tôi gặp Trung Tướng Trần Độ, nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Hoàng Cầm.Nhạc sĩ Văn Cao khuyên tôi nên phỏng vấn ông về NVGP, rồi đem cassette rangoài. Nhưng việc này không thực hiện được, vì khi đi Việt Nam tôi không đemtheo máy thu thanh, đành phải điện thoại hỏi tùy viên văn hóa của sứ quan Pháp,để mượn máy ghi âm. Nào ngờ, vừa ngại nhà văn nhà báo (đệ tứ quyền), nhưng cũnglại ngại không muốn có «vấn đề» với nhà nước cộng sản, cho nên họ đề nghị mộtgiảp pháp «trung dung»: sẵn sàng đưa tôi đến thăm đài phát thanh Hà Nội, «chàocác đồng nghiệp» trước, rồi nhờ họ «ghi âm dùm» là tốt nhất!
Sự nghiên cứu NVGP, sẽ ngừng lại ở đây, nếu không có duyênmay tiền định. Từ 1993 đến 1997, tôi không về nước. Tôi có phỏng vấn vài lầnnhà thơ Hoàng Cầm qua điện thoại viễn liên, nhưng dù can đảm, ông cũng không thểnói hết. Lúc đó, tôi chưa quen nhà thơ Lê Đạt. Đến năm 1994, Lê Đạt được in tậpthơ đầu tiên Bóng chữ. Tôi cũng nghe nói đến Bóng Chữ và nhờ ngườixin Lê Đạt một tập. Đọc xong, tôi viết bài giới thiệu trên RFI tháng 4/1995. LêĐạt nghe. Từ đó anh có mối thân tình với người mà anh cho là hiểu thơ anh hơn cả.Nhạc sĩ Văn Cao mất ngày 10/7/1995. Sự nghiên cứu của tôi về NVGP, chỉ thực thụbắt đầu từ Lê Đạt. Nhờ anh, tôi quen với Nguyễn Hữu Đang, và khi về nước năm1997, lần đầu tiên và cũng là lần cuối tôi gặp anh Đang. Từ đầu năm 2009 đếnnay, tôi dành hết thì giờ để nghiên cứu NVGP, cũng vì mối duyên kỳ ngộ, món nợtinh thần, mà các anh, nay không còn nữa, đã quý mến và tin cậy nơi tôi.

LQM : Và xin Chị cho biết ý kiến về biến cố HợpLưu, và sự thay đổi Chủ biên của tạp chí văn chương này, một sự kiện đã gây chấnđộng cho văn học hải ngoại năm 2005.
TK: Tôi ở xa không biết rõ lắm, nhưng theo tôi đó cũngchỉ là sự thay đổi trong nội bộ một tờ báo, nhiều khi thì âm thầm, nhiều khinóng bỏng và «nổ to» như trường hợp Hợp Lưu, nhưng sóng gió đã qua lâu rồi. Đốivới người viết và người đọc thì hiện nay, điểm quan trọng nhất là Hợp Lưu, nhờcố gắng đơn thương độc mã của nhà thơ Đặng Hiền, vẫn còn đến được với độc giả,trong thời buổi khó khăn này.

LQM : Sau bao năm hoạt động và có nhiều địabàn khác nhau, có những bạn bè thân hữu gần như đều nổi tiếng thuộc giới nghệ sĩđích thực. Chị có cảm thấy hạnh phúc thật sự không? Và hoài bão riêng của Chịcó phải đã hoàn thành?
TK: Sự nâng đỡ của các bậc thầy, bậc đàn anh, và sự gặpgỡ các bạn văn đều đáng quý, nó thúc đẩy mình làm việc, và an ủi mình những lúckhó khăn, đó là hạnh phúc và cũng là may mắn không phải ai cũng có. Nhưng càng đisâu vào đời cầm bút, nhất là đã trải qua những «trường văn trận bút», tôi dè dặthơn, giới hạn sự giao thiệp của mình, chỉ giữ lại những gì cốt yếu. Viết làhành động cô độc, trước đây đối diện với tờ giấy trắng, bây giờ, đối diện vớimáy tính và những người bạn làm thinh là đống sách bên cạnh. Làmviệc là lúc bình yên nhất. Khi bài đã xong, gửi đi, là nghĩ đến độc giả, đến nhữngngười bạn khác cũng vẫn làm thinh, ở một nơi nào đó, đang đọc, và đó là niềmhạnh phúc và may mắn thứ nhì. Tóm lại, làm văn học là đối thoại với im lặng. Hạnhphúc cũng trong im lặng. Còn các ồn ào khác, không quan trọng lắm.

LQM : Thụy Khuê có nghĩ đến việc nghỉ ngơi hayvẫn đang tiếp tục ... trả nợ văn chương? Nếu đang, thì Chị... đang thực hiện việcgì? Có thể cho quí độc giả chia sẻ chung không?
TK: Như vừa nói với Quỳnh Mai, tôi vẫn đang viết, vàbây giờ, đang trả lời Quỳnh Mai, cũng là viết đây. Đã vào nghề văn thì khóthoát, vì bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống cũng có thể gợi ý cho mình. Hiện tôiđang cố gắng hoàn tất cuốn sách về Nhân Văn Giai Phẩm, đã đăng dần trên mạngRFI, và gần đây trên Diễn Đàn Thế Kỷ có bổ sung, mà có lẽ Quỳnh Mai đã có dịp đọcqua một số bài.

LQM : Vì thế muốn hỏi chị về tương quan giữaNVGP và Nguyễn Ái Quốc, tại sao từ địa hạt văn chương chị lại bước sang chínhtrị? Chị không sợ người ta cho rằng chị muốn lật đổ thần tượng à?
TK:Mới nhìn qua thì văn học và chính trị là hai yếu tốkhác nhau, nhưng nhìn sâu hơn, bất cứ vấn đề gì trong đời sống cũng liên quan đếnchính trị. Bởi hàng ngày chúng ta sống với chính trị. Ví dụ, nếu Quỳnh Mai vàtôi sống ở trong nước, thì chúng ta có thể viết như hiện nay chúng ta đang viếtđược không? Vì vậy, chính trị luôn luôn chi phối văn học.
NVGP là trường hợp điển hình nhất, nó xẩy ra dưới thời đại HồChí Minh. Vậy ông là người có trách nhiệm tối cao. Việc nghiên cứu NVGP, thếnào cũng dẫn đến việc tìm hiểu Hồ Chí Minh, vì đó là mối tương quan nhân quả.Tình trạng văn học trong nước hiện nay, cũng vẫn có tương quan nhân quả với HồChí Minh, mặc dù ông mất đã lâu rồi, nhưng chế độ chính trị do ông đem về xứ, đãkhiến cho văn học Việt Namtiếp tục bị sa lầy trong chế độ toàn trị.
Về việc tôi có «âm mưu thâm độc» muốn lật đổ «vị lãnh tụ tốicao», thì chắc Quỳnh Mai đã đọc đâu đó, tôi cũng biết qua. Để trả lời QuỳnhMai, xin kể câu chuyện sau đây: Một hôm, nói chuyện với đứa cháu ngoại, đang họclớp 10, về lịch sử Pháp, tôi hỏi nó: Cháu nghĩ sao về Napoléon Bonaparte? Nó trảlời ngay: Ông ấy là người anh hùng của Pháp, nhưng cũng là một nhà độc tài khátmáu (C’est un héros de la France,mais aussi un dictateur sanguinaire). Câu trả lời của cháu làm tôi giật mình,nhưng rồi tôi «ngộ» ra: người ta dậy cho trẻ cả hai mặt của người anh hùng, tứclà người ta trình bày toàn diện các khía cạnh của người anh hùng để trẻ tự phánđoán và đưa ra ý kiến riêng, đó là dưới một xã hội tự do dân chủ có truyền thốngtừ 1789.
Tình trạng nước mình khác, trong nước, như ta đã biết, mọi ngườiđều sống dưới chế độ toàn trị, dù muốn dù không, ai cũng phải suy tôn lãnh tụ.Nhưng đáng buồn hơn là có những người ở Pháp đã mấy chục năm, cũng vẫn chưa bướcra khỏi quỹ đạo Tống Nho, vẫn sùng bái lãnh tụ, không chấp nhận sự mổ xẻ «anhhùng» như một dữ kiện lịch sử cần phải khảo sát. Vậy sự thoái hoá đến từ bênngoài.

LQM : Xin chị nói rõ hơn về phương pháp nghiêncứu văn bản Nguyễn Ái Quốc của chị.
TK: Nói ra thì dài dòng lắm, ở đây chỉ xin vắn tắt:Khi nghiên cứu về Phan Khôi, có những chi tiết dẫn đến Phan Châu Trinh, đến nhữngngày Phan Châu Trinh ở Pháp. Rồi từ đó, phải đọc những bài báo ký tên Nguyễn ÁiQuốc, viết trong thời gian 1919-1927, tại Pháp. Đọc rồi mới thấy một sự thật hiểnnhiên: Những bài báo này, phải do một người học trường Pháp từ nhỏ, thấm nhuầnvăn hóa Pháp rất sâu, mới có thể viết được. Vì chính bản thân tôi, học trườngViệt, dù đã ở Pháp gần 50 năm, cũng không thể viết được như thế. Quỳnh Mai cònlạ gì, tiếng Pháp là một trong những tiếng khó trên thế giới, phải biết rõ giốngđực, giống cái, biết cách chia động từ, biết dùng đúng các thì (temps, modes), ấylà chưa kể đến các nuances (sắc thái) của mỗi từ, cách chơi chữ của người Phápvà lịch sử của mỗi chữ qua các thời đại. Phải biết rõ các ngõ ngách như vậy,thì mới viết được những bài báo chửi thực dân một cách chua cay, thâm thuý, đầyuy mua, như các bài ký tên Nguyễn Ái Quốc. Chưa kể đến số lượng tư liệu đồ sộchứng minh tội ác của thực dân mà các bài báo này chuyển tải. Vì vậy tôi đặt vấnđề cần khảo sát văn bản Nguyễn Ái Quốc.
Hồi ký Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh) xác nhận ông không biết viết tiếng Pháp, khi đến Pháp phảinhờ Phan Văn Trường viết hộ. Khảo sát kỹ, thì thấy ông đến Pháp giữa tháng6/1919, và ở Pháp đến khoảng tháng 6/1923, tức là 4 năm. Nghiên cứu văn bảnNguyễn Ái Quốc (tất cả khoảng hơn 700 trang), người ta không thể mường tượng đượcmột người mới học tiếng Pháp, chỉ trong bốn năm ở Pháp, mà có thể viết được nhiềunhư thế, với chất lượng văn chương cao như thế, với những nhân chứng rõ ràng vàghê gớm đến thế về tội ác thực dân. Đào sâu hơn nữa, thì thấy Phan Văn Trường,Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, mới chính là tác giả thực thụ các bài báo kýtên Nguyễn Ái Quốc. Đó là kết luận sau khi đã khảo sát lịch sử và phân tích vănbản Nguyễn Ái Quốc.

LQM : Được biết Chị đã du lịch qua nhiều địadanh trên thế giới. Nơi nào đã để lại ấn tượng sâu sắc về tình người, về vănhóa, về nghệ thuật trong tâm hồn Thụy Khuê?
TK: Mỗi nơi mỗi khác. Mùa thu Canada vô cùngquyến rũ. Mỹ với những vực sâu vĩ đại, những thành quách, sông hồ, kỳ quan củathiên nhiên. Angkor, là kỳ quan của con người.Leo lên Machu Picchu(Pérou) để tới thành quách lưng trời. Đến Melbourne (Úc) là tận cùng trái đất...
Về tình người, người Mễ Tây Cơ gần mình hơn cả, họ xuề xoàdân dã như người miền Nam.Người Châu Phi (Algérie, Tunisie, Sénégal), mộc mạc, đôn hậu, trung thành, nhưngười dân quê của mình. Về văn minh nhân loại, triết học Ấn Độ bao trùm triết họcloài người. Về cách thụ hưởng đời sống: ăn uống, thưởng trà, thưởng trăng, âmnhạc, vũ điệu, phong cảnh, người Tàu tế vi trong toàn bộ nghệ thuật sống và hưởngthụ đời sống. Nhưng nước Việt... đẹp hơn cả. Đó là một viên ngọc dài, cong, dátnhững làng mạc li ti. Mỗi làng có một lũy tre, một đống rơm, một rặng chuối, mộtcây cau, một con đường làng khác biệt... không nơi nào có cả. Mỗi làng là một đơn vị văn hoá và tình yêu,là một người mẹ, làm cho người đi xa thắt ruột vì thương nhớ. Theo tôi, đó mớithực là hồn dân tộc.

LQM : Xin Chị phát biểu cảm tưởng của một ngườitừng thực hiện những phỏng vấn rất sâu sắc và giá trị, phát thanh vào trong nướcqua đài RFI, mà lại chiều một đàn em văn nghệ, nhận lời mời phỏng vấn đặc biệtnày? Chị có nghĩ Lê Quỳnh Mai là... người... điếc không sợ súng?!!!
TK: Xin kể Lê Quỳnh Mai nghe chuyện này: Khi Phan Khôiviết bài tranh luận với Huỳnh Thúc Kháng, thì có một người viết bài trách PhanKhôi là nhỏ mà hỗn, dám cãi lại bậc cha chú (Huỳnh Thúc Kháng là bạn của PhanTrân, cha Phan Khôi). Phan Khôi trả lời: đã tranh luận thì không có cha chú gìcả, phải có tinh thần dân chủ: ai đúng lý thì thắng.
Chúc Quỳnh Mai mạnh tiến trong tinh thần dân chủ ấy. Luôn nhớlà trong văn chương, không có tuổi tác, không có lớn bé, không có nam nữ, chỉcó hay dở mà thôi.

LQM : Lê Quỳnh Mai xin chân thành cảm ơn chịThụy Khuê, đã vui lòng nhận lời mời phỏng vấn và gởi đến quí độc giả Hợp Lưu những ý kiến sâu sắc nhất.

Lê Quỳnh Mai thực hiện
Montreal. 01.2011
(Đã in trên Hợp Lưu 113, số tháng 3&4-2011)

---------------------------------------

.
.
.
Du Tử Lê phỏng vấn Thụy Khuê   (11/10/2010 03:21 PM)

.
.
.

No comments:

Post a Comment