Wednesday, April 27, 2011

THẾ GIỚI SẼ RA SAO KHI NHẬT BẢN DỜI ĐÔ ? (Kiều Tỉnh)

Kiều Tỉnh
Thứ hai, 25/4/2011 14:30 GMT+7

(Tamnhin.net) – Báo chí Nhật Bản ngày 14/4 tiết lộ một tin tức “động trời” rằng Nhật Bản có thể xây dựng một “Thủ đô dự bị” hay “Thủ đô phụ” để phòng chống động đất có thể làm sụp đổ thành phố Tokyo.
Không ít người cho rằng nếu tin này là đúng sự thật, thì tình hình Nhật Bản xem ra còn nghiêm trọng hơn cả tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vì đây là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ý tưởng xây dựng “Thủ đô dự bị” do Liên minh nghị sĩ đưa ra trong bản kiến nghị về “Nguy cơ quản lý đô thị” sau thảm họa động đất- sóng thần ngày 11/3 và những dư chấn liên tục sau đó.

Tờ Liên hợp buổi sáng của Singpore cho biết một dự đoán của các nhà địa chất thế giới cho biết trong thời gian 30 năm, thủ đô Tokyo có thể sẽ phải hứng chịu một trận động đất 7,3 độ Richter, với xác suất của dự báo này tới 70%.

Trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 cách Thủ đô Tokyo hơn 300km, nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Tokyo. Nếu động đất xảy ra ngay tại Thủ đô Tokyo, thì thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nhiều. Giáo sư Kato thuộc Viện nghiên cứu phòng chống thiên tai Đại học Tokyo nói: “Nếu động đất xảy ra 7,3 Richter ngay tại Tokyo, thì đây là một thảm họa khủng khiếp mà công tác phòng chống từ nay tới đó không thể nào đối phó kịp”. Hiện nay dân số Tokyo và khu vực xung quanh đã lên tới 35 triệu người, kinh tế chiếm 1/3 dân số Nhật Bản. Nếu xảy ra động đất 7,3 độ Richter ở khu vực Tokyo, thì thiệt hại gây ra có thể gấp 3 lần động đất ngày 11/3/2011, số người thương vong có thể lên tới 221.000 người.

Điều đáng lo ngại nhất là Nhà máy điện nguyên tử Hamaoka của Công ty Chubu Electric Power. Nếu nhà máy này chẳng may bị động đất phá hủy thì tác hại quả là khôn lường. Ở khu vực Tokyo đã từng xảy ra trận động đất 7,9 độ Richter vào ngày 1/9/1923 đã làm 142.807 người thiệt mạng. Khi đó thành phố này còn đơn sơ, chưa phát triển và các công trình kiến trúc chưa dày đặc và cao ngất ngưởng như ngày nay. Ngày nay, Tokyo chẳng những là thành phố chục triệu dân mà còn là Trung tâm tài chính tiền tệ của khu vực và thế giới, nên thiệt hại sẽ không thể lường hết đối với kinh tế Nhật Bản, khu vực và thế giới.

Ngày 22/4/2011, tờ báo điện tử International on-lines cho biết nếu kế hoạch xây dựng “Thủ đô dự bị” được tiến hành, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế, tiền tệ và cục diện chính trị thế giới. Ảnh hưởng của việc “dời đô” này còn sâu sắc và nghiêm trọng hơn nhiều so với tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi hiện nay. Ảnh hưởng trực tiếp nhất là lĩnh vực kinh tế và tiền tệ vì các doanh nghiệp Nhật Bản phải tính tới kế hoạch di chuyển địa điểm và địa bàn kinh doanh, trong đó cần tránh xa các nhà máy điện hạt nhân.

Tờ Doanh nghiệp Trung Quốc ngày 15/4/2011 cho biết ngoài việc di dời địa điểm ở trong nước, các doanh nghiệp Nhật Bản còn tính tới việc di dời địa điểm sản xuất sang các nước láng giềng, trong đó các nước thuộc tổ chức ASEAN được ưu tiên lựa chọn hàng đầu như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Hãng Nikon cho biết ASEAN là lựa chọn hàng đầu của hãng nếu di dời địa điểm sản xuất. Tờ báo viết: “Điều đáng lưu ý là Trung Quốc, một thị trường tiêu thụ hàng đầu của Nhật Bản hiện nay, nước lớn kinh tế thứ hai thế giới, là nước xét về các mặt đều tốt hơn so với các nước ASEAN như thiết bị cơ sở hạ tầng, tài chính ngân hàng, thông tin viễn thông, giao thông đi lại, môi trường đầu tư… nhưng lại không nằm trong sự lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo tờ báo, ngoài các yếu tố kinh tế, chính trị, lịch sử thì còn có “yếu tố Mỹ”.
Theo tờ báo, Nhật Bản là nước lớn kinh tế thứ ba thế giới, nhưng là nước có nền công nghiệp hiện đại thứ hai thế giới sau Mỹ. Bởi vậy, Mỹ không muốn các doanh nghiệp di dời sang Trung Quốc vì như vậy sẽ có rất nhiều bí mật khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại lọt vào tay Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn thua kém xa Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác về khoa học kỹ thuật, nhưng họ có thực lực kinh tế và nguồn tài chính hùng hậu. Trong tình hình Trung Quốc “đang đói kỹ thuật”, nếu doanh nghiệp Nhật di dời sang đó sẽ một cơ hội tốt cho Trung Quốc thu hút và lấy được các bí mật đó, và khi ấy cuộc cạnh tranh có thể sẽ đảo chiều có lợi cho Trung Quốc.

Trận động đất và sóng thần ngày 11/3 ở Nhật Bản đã để lại nhiều di chứng đối với Nhật Bản trong xử lý hậu quả, nhưng có những di chứng ảnh hưởng tới bố cục kinh tế thế giới và khu vực. Nếu kế hoạch xây dựng “Thủ đô dự bị” được tiến hành và sự di dời của các doanh nghiệp Nhật Bản sang khu vực ASEAN, thì bản đồ kinh tế thế giới có thể sẽ được vẽ lại. Khi đó, các trung tâm công nghiệp và tài chính sẽ chuyển dịch xuống phía Nam Châu Á. Địa vị kinh tế và chính trị Khu vực Đông Nam Á sẽ được nâng cao trên trường quốc tế.

K.T.

.
.
.


No comments:

Post a Comment