Friday, April 29, 2011

CUỘC NỘI CHIẾN HOA KỲ, NGHĨA TRANG ARLINGTON & CUỐN THEO CHIỀU GIÓ (Nguyễn Xuân Thiệp)


Nguyễn Xuân Thiệp
Đăng ngày 29/04/2011 lúc 18:51:11 EDT

Tản mạn bên tách cà phê :
Nội chiến Hoa Kỳ, nghĩa trang Arlington
& tác phẩm
Cuốn Theo Chiều Gió
Nguyễn Xuân Thiệp

Những trận gió lớn vẫn đi qua địa cầu…

Xin nhắc lại câu thơ đã viết ngày nào và cùng nhau sống lại những ngày tháng đầy biến động trong lịch sử và trên những trang sách.

Vậy chúng ta hãy bắt đầu : Trong tuần lễ từ 12 tháng Tư vừa qua, nước Mỹ đã diễn lại những tiết mục kỷ niệm ngày nội chiến bùng nổ 150 năm trước đây. Trong không khí tưởng niệm ấy, người ta đi thăm lại Nghĩa Trang Arlington, nơi yên nghỉ của các danh nhân và anh hùng nước Mỹ, và cũng là nơi chôn cất thi hài của những tử sĩ trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ.
Dưới mộ này là hồn Bắc
dưới mộ này là hồn Nam
mây bay
mây vẫn bay
trên đồi Arlington
Cũng vào dịp này cuốn sách và cuốn phim Gone with The Wind (Cuốn Theo Chiều Gió) với bối cảnh là cuộc nội chiến đã được những người ái mộ, những “Windies”, nhắc nhở và cùng nhau ôn lại, nhất là tại Atlanta và vùng phụ cận, nơi có viện bảo tàng Gone With the Wind.

Câu chuyện được gợi lại như sau:

Tờ mờ sáng ngày 12/4 khoảng 20 quân nhân của Liên quân (Bắc Quân) giương cao ngọn cờ 33 sao trên chiến lũy Fort Sumter ở Charleston Harbor của tiểu bang South Carolina. Chẳng bao lâu, một phát súng lệnh từ một chiến lũy gần đó và đại bác bắt đầu thi nhau nổ dòn, giống hệt như những gì đã xảy ra đúng 150 năm về trước, khi Civil War khởi sự.

Theo tài liệu của Nguyễn Minh Nữu được ghi lại trong bài “Nhớ Về Bài Hát Trên Đồi Arlington, nội chiến Hoa Kỳ bắt đầu năm 1861 khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và muốn thay đổi dự luật để xoá bỏ chế độ nô lệ. Trước ngày ông nhậm chức, bảy tiểu bang miền nam Hoa Kỳ phản đối chính sách cởi mở này và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống. Chính quyền Abraham Lincoln không công nhận chính phủ Liên minh miền Nam này. Khi quân miền Nam tấn công đồn Sumter, nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ và thêm 4 tiểu bang khác gia nhập phe miền nam chống lại lực lượng Liên bang miền Bắc.

Cuộc phân tranh Nam-Bắc kéo dài 4 năm và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865, với con số tổn thất của cả hai miền Nam Bắc là 970.000 người. Trong đó trận chiến lớn nhất xảy ra ngày 01 tháng 7 năm 1863 ở Gettysburg nằm ở tiểu bang Maryland, trong ba ngày chiến đấu, quân hai bên đã thiệt mạng lên tới gần 50.000 chiến binh.

Chỉ huy quân Miền Nam là Tướng Robert E. Lee ra đầu hàng tại Richmond, thủ phủ tiểu bang Virginia, và được quân sử Hoa Kỳ ca ngợi như một nhân vật anh hùng. Ngày nay, ở bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ, cũng có ít nhất một con đường chính mang tên vị tướng này. Sử sách còn ghi, sau khi quân đội miền nam thất trận, tướng Lee nói với các hàng binh dưới quyền ông rằng: “Hãy từ bỏ lòng hận thù và để thế hệ con cháu của quí vị nhớ rằng họ đều là đồng bào, là công dân của nước Mỹ”.

Và trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tuỳ tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.

Tàn chinh chiến, tất cả những người lính Miền Nam bại trận đều được tự do về nhà cùng với những con ngựa của mình. Trong khi đó, hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Dưới bóng nghĩa trang Arlington bên dòng Potomac, có khu mộ dành riêng cho các chiến sĩ Miền Nam tử trận.

Nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đã có dịp viếng thăm nghĩa trang này và viết khúc ca tưởng niệm trong đó có những câu bi thống:
Này bạn, mang găng trắng,
bồng súng gác trên đồi Arlington
Chiều nay trời sẽ mưa hay sương gió lạnh lùng
có còn vững đôi chân?
Chào tay, nhìn thẳng nhé!
Đập gót cho oai hùng!
Hồn dưới kia hả dạ, xác thân này đã chết
Cho một đất nước chung
Này bạn, cùng chiến đấu,
cùng gục ngã viên đạn ngược đường bay
Về đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này
không lời hờn oán đắng cay
Bắc Nam cùng mạch sống!
Thắng thua đều anh hùng!
Bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng
chung dòng “Tổ Quốc Ghi Công”
Các bạn ơi, bây giờ xin một phút cùng nhìn lại khi cuộc nội chiến lụi tàn trên đất nước Việt Nam.
Nào, chúng ta thấy gì? Một cuộc trả thù hạ nhục nhau. Người lính miền Nam bại trận bị bắn giết, giam tù khổ sai trong nhiều năm, cửa nhà bị tước đoạt, vợ con bị hành hạ, đày đi kinh tế mới… Rồi vượt biên, chết trên rừng dưới biển. Trong khi đó, mồ mả của chiến sĩ Miền Nam bị san bằng hoặc dời đi. Nghĩa Trang Tử Sĩ Biên Hoà bị mất tên và chìm trong hoang phế. Thử hỏi nhà viết sử có run tay không khi chép những trang máu lệ này?

Trở về với cuộc nội chiến Hoa Kỳ, 75 năm sau khi nó chấm dứt, nhà văn miền nam Margaret Mitchell cho ra đời cuốn Gone with the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió). Đây là một tiểu thuyết lồng trong bối cảnh trước và sau cuộc nội chiến với mối tình ảo tưởng và vô vọng của nhân vật chính Scarlett O’Hara, một cô gái diễm lệ, con nhà trưởng giả miền nam. Trước khi chiến tranh bùng nổ, cô đem lòng yêu một người đàn ông đã có vợ. Chiến tranh bùng nổ, Scarlett O’Hara trải qua những năm đầy sóng gió, cuộc hôn nhân của cô với người chồng Rhett Butler đổ vỡ, khi cô chợt nhận thức được thực tế là cô yêu chồng, vào lúc mà Rhett Butler không còn kiên nhẫn để chịu đựng cuộc hôn nhân trong đó người vợ ôm mãi ảo tưởng về một người đàn ông khác. Cuốn tiểu thuyết của Margaret Mitchell ra đời năm 1936 và tức khắc chinh phục được độc giả không những tại nước Mỹ mà còn khắp thế giới. Gone with the Wind còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được dựng thành phim. Cuốn phim được chiếu ra mắt ngay tại thành phố Atlanta - Georgia, quê hương của Margaret Mitchell và cũng là thành phố lớn của miền nam từng bị thiêu rụi trong cuộc nội chiến.

Nhà văn Nguyễn Thị Thảo An đã kể lại trận lửa thiêu cháy Atlanta kéo dài hơn một tuần lễ, đồng thời ca ngợi tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió của Margaret Michell: “Nhưng Atlanta không phải nổi tiếng vì trận lửa được ghi trong lịch sử. Mà nó mê hoặc người ta bằng một trận lửa khác. Một trận lửa cháy trên giấy mà mãi mãi sẽ không bao giờ tắt. Ngọn lửa trong cuốn tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió”. Nữ văn hào Margaret Mitchell, một cư dân Atlanta đã viết lại toàn bộ cuộc chiến trong tác phẩm của mình theo cách nhìn của một người miền Nam. Tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” lập tức trở thành một best-seller, đoạt nhiều giải thưởng và được dịch ra hàng trăm thứ tiếng. Ba năm sau,1939, tác phẩm được dựng thành phim. Bộ phim “Cuốn Theo Chiều Gió” do đạo diễn Victor Fleming và với các diễn viên lừng danh Clark Gable, Vivien Leigh, đã đoạt 10 giải Academy Awards và đứng trong 100 bộ phim danh tiếng nhất thế giới.

“Người ta yêu thích “Cuốn Theo Chiều Gió” không những vì tính cách sống thực của cuộc chiến trong tác phẩm mà còn vì ý chí quật cường, sức làm việc bền bỉ và cái nỗ lực đầy hy vọng của nhân vật nữ Scarlett O’Hara xây dựng lại tất cả sau chiến tranh. Đây cũng là đặc tính của người Mỹ. Họ dành thời giờ và công sức cho việc xây dựng hơn là cứ nhìn đăm đăm vào quá khứ.

Kết thúc tác phẩm, Margarett Mitchell đã để toàn bộ cuộc chiến cuốn theo chiều gió, và mở ra cho độc giả một niềm hy vọng không bao giờ tắt. “Tomorrow is another day”. Điều này luôn luôn đúng. Những gì của ngày hôm nay sẽ là quá khứ. Ngày mai là một ngày mới. Cuộc sống vẫn luôn là những cơ hội đang chờ đón người ta ở phía trước”. Vâng, quá khứ đau khổ của dân tộc và mỗi người chúng ta đã qua, hãy ngẩng cao đầu nhìn về phía trước để còn nuôi hy vọng.
Nguyễn Xuân Thiệp Sáng Tạo, ngày 29/04/2011
.
.
.

No comments:

Post a Comment