Thursday, April 28, 2011

CÔNG AN BẮC GIANG BẮT BỚ, ĐÁNH ĐẬP DÂN OAN (RFA)

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-04-28

Ngày 27 tháng 4 một nhóm dân oan thuộc nhiều huyện của tỉnh Bắc Giang kéo đến trước trụ sở Ủy Ban Nhân dân tỉnh đòi giải quyết tình trạng đất đai của họ và bị công an tỉnh Bắc Giang bắt giam.
Mặc Lâm phỏng vấn ông Đinh Xuân Nhượng, một dân oan có mặt trong vụ đòi hỏi đền bù đất đai này để biết thêm hoàn cảnh của những người bị bắt cũng như tình trạng tranh chấp đất của một số huyện thuộc tỉnh Bắc Giang ra sao.

Đi khiếu kiện, bị bắt giam?

Trước tiên ông Nhượng cho biết vụ việc xảy ra cụ thể như sau:
Trường hợp dân oan trong toàn tỉnh trong trường hợp này của chúng tôi trong nhiều huyện trên địa bàn Bắc Giang, người ta tập trung về thành phố Bắc Giang chỗ Ủy ban nhân dân tỉnh và sang bên chỗ tỉnh ủy Bắc Giang. Trong trường hợp này thì có trường hợp chị Phạm Thị Hòa chị Hòa năm nay 58 tuổi, chị đi đòi quyền lợi đất đai chị Hòa ở phố Hoàng Hoa Thám thị trấn Cao Thượng huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang.
Kèm theo nữa là chị Nguyễn Thị Thanh, chị Thanh ở Đoan Bái, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Chị Phạm Thị Sửu thì ở Bản Chàm, Tam Tiến, Bắc Giang. Riêng chị Sửu thì trong thời gian son trẻ chị đã hết lòng với đất nước. Chị từng là chiến binh Việt Nam sang Lào. Người có công thì hiện giờ chính quyền người ta đối xử chẳng đâu vào đâu cả.
Kèm theo nữa là chị Nguyễn Thị Hằng chị này ở thị trấn Lưới, Chị Ngô Thị Ngát ở xã Lĩnh Thượng, Minh Đức. Việt Yên, Bắc Giang. Bây giờ năm người này đã bị bắt còn lại chúng tôi thì đi đòi quyền lợi cũng không được công an người ta thậm chí là đánh đập. Ngày hôm nay là ngày các chị đi đòi quyền lợi ôn hòa nhưng bị bắt và nhốt vào đồn công an. Hiện giờ phút này chuyển từ một cái buồng rộng sang một cái buồng nhỏ. Còn trường hợp của chị Thanh thì bị công an đánh bây giờ sưng hết cả mắt mũi và cũng không đuợc đi điều trị chẳng được ăn uống gì cả.

Mặc Lâm: Xin ông cho biết khi năm người này bị công an tỉnh bắt giam thì ông đang làm gì và có dính líu gì tới việc đòi hỏi đền bù đất hay không?
Ông Đinh Xuân Nhượng: Hôm nay tôi cũng là người đi đòi quyền lợi về đất đai tôi cũng có mặt ở khu đó. Lúc họ bị bắt thì tôi đang ở chỗ tiếp dân của Ủy ban Nhân Dân tỉnh lúc bấy giờ mọi người đang ở chỗ tỉnh ủy thì bị bắt. Trong trường hợp dân oan của chúng tôi đến mức độ tổng cộng trên toàn quốc thì tôi cũng được biết số lượng nó cũng không còn nhỏ nữa. Chắc các anh thừa biết hiện nay cái lượng dân oan trên toàn quốc trong đó có tôi và 5 người đang bị bắt giam tại đồn công an thành phố Bắc Giang…

Mặc Lâm: Ông có thể kể chi tiết về trường hợp đòi hỏi đền bù đất đai của gia đình ông cụ thể ra sao hay không?
Ông Đinh Xuân Nhượng: Trong trường hợp của chúng tôi thì đất do ông cha để lại cũng cải tạo từ đất hoang sau đó nhà nước nhờ làm trạm xá, Ủy ban. Sau đó thì trường học tiếp quản lại của trạm xá của Ủy ban mà không có một giấy tờ gì nói về miếng đất mặc dù nhờ vào gia đình nhà tôi. Cho đến giờ phút này thì từ đời bố tôi đến chúng tôi cũng không có.
Chiếu theo luật đất đai thì phải trả lại công khai phá khi chính quyền trưng thu. Thế thì chính quyền trung ương cũng như địa phương, tôi có cả văn bản đến ông Nguyễn Tấn Dũng mà do ông ấy làm thủ tướng ông ấy bận quá không có thời gian để trả lời, thế thì nó ỉm đi thậm chí đạp xuống.

Đòi hỏi sự công bằng

Mặc Lâm: Trong trường hợp nhà nước trưng thu đất để xây dựng các công trình công cộng như là trường học chẳng hạn thì rõ ràng là có lợi cho người dân … xin ông cho biết ý kiến của ông có chấp nhận giao đất cho nhà nước hay không?
Ông Đinh Xuân Nhượng: Tôi tán thành việc làm công cộng nhưng sử dụng thì phải trả lại quyền lợi cho dân những đền bù. Trong trường hợp này thì mang tính thù địch từ ở cơ sở. Tôi đã trực tiếp trao đổi đối thoại với tất cả các hội đồng Ủy ban Nhân dân Tỉnh và đã trực tiếp gặp ông chủ tịch Ủy Ban Nhân tỉnh Nguyễn Văn Khoa.
Trong buổi đối thoại đó gồm có cả bà Lữ là Hội đồng Nhân dân, thường trực Hội đồng Nhân dân có cả đoàn đại biểu Quốc Hội. Ông chủ tịch Khoa hứa là sẽ giải quyết và có đầu tư thời gian, đầu tư con người cho đến phút này thì không thấy nó đâu cả.

Mặc Lâm: Sau khi gặp gỡ các nhân vật cao cấp như vậy thì kết quả ra sao?
Ông Đinh Xuân Nhượng: Sau cái ngày đối thoại trường hợp của tôi thì ông Khoa cũng mất chức mất quyền vì cái vụ người ta đem một cái xác chết của ông công an ổng đập chết, người ta mang lên giao cho ông Nguyễn văn Khoa giao cho chủ tịch tỉnh để chôn cái xác chết đó bởi vì chính bên nhà nước gây nên thì nhà nước phải chịu trách nhiệm. Vì vậy trường hợp của tôi cũng chìm luôn.

Mặc Lâm: Quay trở lại trường hợp của 5 người bị bắt giam hôm nay ông có suy nghĩ gì về hành động giam giữ người của công an thưa ông?
Ông Đinh Xuân Nhượng: Theo đúng chính sách của nhà nước theo điều 15-16 của bộ luật tố tụng dân sự thì người ta không phạm tội gì cả. Người ta không quấy nhiễu không làm ảnh hưởng đến ai. Việc bắt này tôi cho là một đợt khủng bố chuẩn bị cho đợt bầu cử tới đây.

Mặc Lâm: Trong câu chuyện ngày hôm nay nếu phát thanh về Việt Nam thì ông có ngại khi chúng tôi nêu tên tuổi của ông lên hay không?
Ông Đinh Xuân Nhượng: Tôi cũng là một trong những người dân oan và tôi tên là Đinh Xuân Nhượng. Trong trường hợp này một khi tôi đã là người mất quyền lợi thế thì chính sách nhà nước là tự do ngôn luận, các anh cứ đưa thoải mái chúng tôi đang cần phải nhờ kể cả ở Việt Nam đến bây giờ người ta quân phiệt đi chăng nữa thì chúng tôi không còn gì để mất. Người làm luật ở Việt Nam bây giờ người ta dày xéo dẫm lên cả pháp luật. Trong điều kiện đất đai thì người dân lao động chúng tôi đất đai của chúng tôi bị chính quyền, nhà nước này người ta cướp hết.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Đinh Xuân Nhượng về cuộc phỏng vấn này.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-04-28

Công an Bắc Giang bắt bớ, giam cầm, đánh đập 5 dân oan, tất cả đều là phụ nữ, khi họ đến trước Ủy Ban nhân dân tỉnh khiếu kiện, đòi lại đất đai bị địa phương tịch thu.
Phóng viên RFA liên lạc với một đại diện dân oan, một trong năm người bị giam ở đồn công an và một cấp chỉ huy Công an tỉnh để ghi nhận thêm chi tiết về thông tin này.

Tổ Dân Oan

Ông Nguyễn Văn Thành, một đại diện dân oan ở Bắc Giang cho biết vì sao người dân lâu nay bị ức hiếp cần phải lên tiếng trước công luận:
“Chúng tôi là dân oan của Bắc Giang, ngày xưa gọi là Kinh Bắc, hiện thời hình thành Tổ Dân Oan, trong đó có 2 Hội nhỏ ở Việt Yên và Tân Yên, toàn tỉnh để bảo vệ quyền lợi chính yếu của mình. Tôi là thành viên Ban Liên lạc của Hội Dân oan tỉnh Bắc Giang, sự việc xảy ra, chúng tôi rất buồn phiền, không tán thành việc làm của công an tỉnh, công an thành phố Bắc Giang trực thuộc tỉnh.
Công an bắt giam dân oan chúng tôi một cách vô tội, người ta đi đòi quyền lợi chính đáng của mình, quyền lợi không được trả mà lại tổ chức bắt bớ dân oan chúng tôi, đưa vào đồn công an không được ăn, không được sinh hoạt, vệ sinh, còn đánh đập, tra tấn dân oan chúng tôi.
Khi bị nhốt trong đồn, công an còn tịch thu hết tài sản của dân oan, không có tội và cũng chưa mất quyền công dân. Việc thu điện thoại là sự lạm quyền của công an Bắc Giang. Họ chà đạp, đánh đập những công dân, trong đó có một người ở Hiệp Hòa, tên là chị Thanh, bị đánh sưng hết cả mặt, sưng cả mắt đến bây giờ chưa mở được, không được đi chữa bệnh , bị nhốt trong buồng kín, không được ăn uống.
Những người tiếp tế không được công an cho vào, những sự việc này không phải chỉ xảy ra một lần mà đã lập đi lập lại nhiều lần, làm mất quyền của người dân chính là tội của công an Bắc Giang, công an là công cụ bạo lực của chính quyền, ngăn chặn dân oan là việc ngang trái, bảo vệ cho một chính quyền làm sai, chúng tôi đang phản đối chính quyền, phải đấu tranh chống tham nhũng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.”

Ông Thành kể thêm về lý lịch những phụ nữ bị bắt giam hôm thứ tư vừa qua tại trụ sở công an:
“Năm người bị bắt một là chị Thanh bị công an đánh , thứ hai là chị Hằng, ở thị trấn Lĩnh, Việt Yên, Bắc Giang, ba là chị Ngát ở xã Linh Thượng, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, bốn là chị Hòa ở Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang, năm là chị Sửu là một nữ tài ba, thời son trẻ đã hy sinh để vào chiến sự, vượt Trường Sơn sang Lào, thời quân ngũ, đến bây giờ chị đã có công với dân với nước, nhưng chính quyền này người ta đối xử với nhưng người có công, không bằng cái gì cả, buộc phải lốc cốc đi đòi quyển lợi đã hai chục năm nay.”

Chị Thanh, một trong 5 phụ nữ bị công an câu lưu, bị hành hung, mang thương tích mà không được cứu chữa, thuật lại về tình cảnh đau xót hiện giờ:
“Những thằng mặt người, không có đạo đức nó làm khổ dân như thế này, không nói đến tên ai, thế mà nó quay lại, hỏi: chị nói ai? Tôi bảo: không có nói ai đâu, em có biết anh là ai mà em nói. Nghe thế là nó đánh thôi, hai thằng công an dằn nó ra, nó đập em mấy cái, không thuốc thang gì, đang nằm không ở đây, đánh em bây giờ sưng hết mặt, mắt không mở được.”

Người dân thấp cổ bé miệng

Trở lại chuyện công an bắt bớ dân oan hôm thứ tư, anh Thành kể tiếp:
“Trong đấu tranh chống tham nhũng là phải đi đến chuyện va chạm, không là gì hại ai, cũng không gây khó khăn gì cho tổ chức, nhưng người ta dùng quyền người ta bắt. Chúng tôi rất không hài lòng việc làm của công an, chúng tôi đề nghị trực tiếp yêu cầu anh công an đánh chị Thanh phải truy tố trước vành móng ngựa, đối chất trước pháp luật, để cho công bằng.
Dân chúng tôi là thấp cổ bé họng, chúng tôi không kêu được, chúng tôi đã đi cấp tỉnh, lên đến trung ương rồi, mà trung ương cứ xua đi, buộc chúng tôi phải nhờ đến các sóng đài, về trường hợp bất thường xảy ra hôm qua ở Bắc Giang, bắt người vơ cớ, bỏ tù người vô tội.
Người ta coi con người chúng tôi không bằng con vật, như mớ giẻ rác, người ta khiêng quẳng lên xe ôtô, luật Việt Nam không cho phép ôtô tải chở người mà công an Bắc Giang vẫn cứ làm, việc trái pháp luật này, ai là người xử lý để trả lại công bằng cho người dân chúng tôi.”

Chúng tôi hỏi thăm tin tức về số phận của năm chị dân oan còn bị cầm giữ nơi đồn công an tỉnh Bắc Giang, anh Thành cho biết:
“Đang ngồi trước vòng thẩm vấn của công an, không nhốt trong buồng kín nữa, hiện nay về sức khỏe năm chị em trong nhà lao thì sáng nay càc chị đều mòn mỏi cả, vì không chăn, không màn, không chiếu, không ăn uống, không tắm, không vệ sinh, và bị đánh đập.”

Ban Việt Ngữ chúng tôi gọi nói chuyện với một cấp chỉ huy công an tỉnh, xin mời quý vị nghe đoạn trao đổi ngắn sau đây:
- “Chúng tôi xin được nói chuyện với ông Nguyễn Văn Giang, công an Bắc Giang, có phải ông là ông Giang không?" "Rồi, đúng rồi!"
"Chúng tôi nghe nói là có 5 phụ nữ dân oan đi khiếu kiện, bị bắt đưa về đồn công an, ông có biết thông tin gì về chuyện này không?"
- "Tôi nghe thì người ta thả rồi, thấy bảo ra cổng tỉnh ủy, chửi bới gì ấy, thì chỗ đồn an ninh, trật tự người ta giữ, cho về rồi, cho về rồi, chiều ông gọi lại nhé, chúng tôi đang đi trên đường, đang đi xe nghe."
- "Chúng tôi xin cám ơn ông Giang.”

Tuy ông Giang nói vậy, nhưng ông Thành thì báo là 5 phụ nữ đó đã được công an đưa lên xe chở đi một nơi nào khác. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và sẽ có thông tin cập nhật gởi đến quý vị thính giả.

Qua lời kể của Tổ Dân Oan Bắc Giang thì, các nhân chứng và người thân của 5 phụ nữ bị giam trong đồn công an có nhìn thấy xe bịt kín nghi là chở theo các chị dân oan, chuyển đến nơi khác.
Đến chiều hôm nay, thứ 5, các chị nhờ liên lạc về gia đình để báo tin là xe công an đưa họ đến chân núi Yên Tử, thuộc tỉnh Quảng Ninh, rồi thả ở nơi đó. Các chị đang tìm cách vượt đoạn đường trên 100 km để trở về nhà.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment