Wednesday, April 27, 2011

4B CỦA DU LỊCH VIỆT NAM : BẨN, BỤI, BỰC, BUỒN (Chung Linh)

Tác giả: Chung Linh (Tổng hợp)
Bài đã được xuất bản.: 27/04/2011 06:00 GMT+7

(VEF.VN) - Khách du lịch nước ngoài nhận xét, đến du lịch Việt Nam có 4B: Bẩn ở môi trường, ở vệ sinh an toàn thực phẩm; Bụi ở khắp mọi nơi; Bực vì nạn đeo bám để bán hàng; Buồn vì không biết chơi và giải trí ở đâu. Họ đành Bỏ đi nơi khác là tốt hơn.

LTS: Sau khi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đăng tải các ý kiến xoay quanh việc tìm kiếm logo và slogan mới cho ngành du lịch, đi kèm với đó là một chiến lược marketing tổng thể cho cả ngành, rất nhiều độc giả đã gửi các ý kiến đóng góp tâm huyết về chia sẻ.
Các ý kiến phản ánh quan điểm riêng của độc giả. Mọi ý kiến trao đổi mời gửi về vef@vietnamnet.vn hoặc nhập vào hộp phản hồi phía dưới.

Slogan là lời cam kết thương hiệu
Đồng tình với ông Tim Russell trong bài "Logo, slogan chỉ như... mỹ phẩm", Nhóm Marketing Du lịch ĐH Thăng Long cho rằng slogan cũng chính là lời cam kết của thương hiệu.
"Cho nên, chọn câu slogan hay, hấp dẫn mới chỉ là phần mở đầu của cả một quá trình marketing (kinh doanh). Mà quan trọng hơn, chính chất lượng sản phẩm là biện pháp cốt lõi trong tất cả các biện pháp marketing. Chất lượng sản phẩm ở đây không muốn nói là tốt nhất, mà phù hợp, đúng với cam kết trong câu slogan, trong định vị thương hiệu," nhóm này viết.
Vì thế, câu slogan có hay mà chất lượng không đúng như cam kết, thì chỉ mang lại kết quả tiêu cực cho niềm tin vào thường hiệu và hoạt động kinh doanh. Chất lượng tốt, bảo đảm như cam kết, có thể không cần quảng cáo, hay câu slogan hay mà vẫn nổi tiếng, nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài hơn.

Nhóm Marketing Du lịch đề xuất một cách làm bài bản hơn cho cuộc thi lựa chọn logo và slogan cho ngành du lịch.
Theo đó, cuộc thi cần thổi bùng lên được một ngọn lửa chung, đồng điệu, cộng hưởng của nhiệt huyết, khát vọng vươn lên của người dân Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, kể cả người trong và ngoài nước, đặc biệt sinh viên, giới trẻ, thế hệ của sáng tạo và năng động. Cần quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài, vô tuyến, internet, các mạng xã hội, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, giá trị của giải phải đủ hấp dẫn. Với doanh thu du lịch năm 2010 là 96 ngàn tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD, chúng ta có thể đặt giải tối thiểu 10 tỷ đồng.

Trong đề bài nêu ra, ban tổ chức nên đưa ra khách hàng mục tiêu là ai, chiến lược marketing chính của du lịch Việt Nam, bối cảnh cạnh tranh, các điểm khác biệt mạnh, đặc sắc của du lịch Việt Nam.
"Khi thị trường mục tiêu chưa được xác định rõ ràng, thì chưa thể có được câu slogan hợp lý," nhóm này khẳng định.
Cuối cùng, muốn biết câu slogan và logo có ấn tượng, hấp dẫn hay không, thì phải hỏi, kiểm chứng bởi khách hàng, khách hàng mục tiêu chứ không phải chỉ bởi ban tổ chức, Tổng cục du lịch, Hiệp hội du lịch hay những những nhà thiết kế, bạn đọc. Cần có những chương trình tìm hiểu xem khách hàng mục tiêu, khi xem logo và slogan, có hiểu và đánh giá cao như chúng ta mong muốn không.

Uể oải phục vụ, hung hăng chèo kéo khách
TS. Trịnh Xuân Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội phân tích rằng để ngành du lịch thực sự là "con gà đẻ trứng vàng" thì cần phải có các điều kiện khách quan và chủ quan như chính trị ổn định, an ninh, an toàn cho khách; cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt; có những con người làm du lịch với trí tuệ cao, sức sáng tạo lớn để đáp ứng nhu cầu luôn luôn thay đổi của khách du lịch.

Các chuyên gia về du lịch đã tổng kết "Một đất nước, một địa phương muốn phát triển du lịch phải có ít nhất 3 trên 5 loại phương tiện vận chuyển khách đến". Trong khi đó, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, nhưng công suất của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất chỉ bằng ¼ sân bay của Singapore và Thái Lan. Vịnh Hạ Long rất đẹp, nhưng khách du lịch đến đó chỉ bằng đường bộ rất quá tải và thời gian đi mất từ 4-5 tiếng.
"Khách du lịch nước ngoài nhận xét, đến du lịch Việt Nam có 4B: Bẩn ở môi trường, ở vệ sinh an toàn thực phẩm; Bụi ở khắp mọi nơi, vì đâu đâu cũng là công trường xây dựng; Bực vì nạn đeo bám để bán hàng, bực vì mua phải đồ không thật; Buồn vì không biết chơi và giải trí ở đâu, 22 giờ phải đi ngủ; Bỏ đi nơi khác là tốt hơn ", TS. Trịnh Xuân Dũng chia sẻ.
"Để khắc phục vấn đề này không phải một sớm, một chiều mà cần thời gian và trí tuệ của con người, vì thế tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến du lịch lúc này có nên không?" ông Dũng đặt vấn đề.

Độc giả Hữu Hảo cho biết đã từng dẫn khách du lịch nước ngoài hai năm và chưa từng gặp khách nào qua VN một lần rồi quay trở lại.
Các nguyên nhân mà độc giả này đưa ra bao gồm tất cả các chương trình hầu như không thay đổi từ hàng chục năm nay, từ thực đơn trong nhà hàng cho đến các tour tham quan. Nội dung thì đơn điệu nhàn chám, từ phục vụ bàn đến diễn viên đều uể oải làm cho xong việc (vì mọi thứ đã theo hợp đồng), xích lô và cửa hiệu thì lo "lại quả" cho lái xe và hướng dẫn viên rồi thì quay ra "khai thác" khách một cách trơ tráo.
Thứ hai là khách đến đâu cũng bị chèo kéo với những thứ hàng hệt nhau, từ khăn thêu cho đến chuỗi ngọc trai (rởm?) và thổ cẩm lòe loẹt.
"Không hiếm lần khách sợ hãi không chịu rời ô tô khi thấy đám bán hàng đồng loạt xô đến tận cửa xe," bạn đọc này chia sẻ.

Bên cạnh đó, mức thù lao cho hướng dẫn viên "gần như bóc lột" khiến họ chú tâm vào tiền bo của khách và tiền lại quả của nơi đến hơn là chăm sóc khách.
"Việc quảng cáo du lịch VN đã dần có hiệu quả, nhưng lại có phản tác dụng vì qua đây họ thấy nhiều quảng cáo không đúng sự thật," bạn đọc Hữu Hảo bức xúc. "Chuyện khách bị móc túi, giật máy ảnh (nhất là ở TP.HCM) khá thường xuyên, về người lái taxi thì khỏi phải kể thêm, đến người sở tại còn bị lừa liên tục thì trách gì dân ngoại quốc".
.
.
.

No comments:

Post a Comment