Monday, March 28, 2011

Ý NGHĨA NGÀY ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ KHAI SÁNG ĐẠO PHẬT GIÁO HÒA HẢO (Nguyễn Hoài Ân)

Nguyễn Hoài Ân
Jun 11th, 2008 

Ý Nghĩa Ngày 18 Tháng Năm
Người Viết: Nguyễn Hoài Ân

Cứ mỗi lần ngọn gió Nam thổi mạnh, nước đồng bằng sông Cửu Long mang phù sa hảy ngập tràn bờ, ngọn mạ non mượt mà trườn mình trên sóng nước Tiền, Hậu Giang, là mỗi lần người tín đồ PGHH ở miền Tây nói riêng và toàn thể trên thế giới xôn xao chào đón ngày Ðại Lễ 18 tháng 5. Ngày ÐHGC khai sáng nên nền đạo PGHH.

Ngược dòng thời gian, mở trang sử đạo, cách đây 69 năm về trước. Vào ngày 18 tháng 5, năm Kỷ Mão, nhằm ngày 4 tháng 7 năm 1939. Sau khi cùng thân phụ là Ðức Ông Huỳnh Công Bộ vãng cảnh Thất Sơn, thăm ngọn Tà Lơn mầu nhiệm, chiêm nghiệm được huyền cơ. Ngài trở nên Ðại Ngộ và khai sáng nên nền đạo PGHH. Lúc ấy tuổi đời của Ngài mới 19 tuổi, 5 tháng, 20 ngày.

Ngày 18 tháng 5 là một ngày trọng đại, ngày mở ra một trang sử mới cho nền giáo pháp dân tộc Việt Nam ở miền Tây. Khởi đầu, và cũng là người có công sáng lập là Ðức Phật Thầy Tây An từ năm 1849 – 1856. Ðức Phật Trùm từ năm 1868 – 1875. Ðức Bổn Sư, tục danh Ngô Lợi từ năm 1879-1890. Ông Sư Vãi Bán Khoai từ năm 1901-1902 và đến năm 1939 là ÐHGC(1).

Giáo lý của Ngài rất đơn giản, đi ngay vào thực tế, khuyên dạy người đời trong đời sống luân lý gia đình, cách cư xử giữa người và người trong xã hội, cách thờ cúng và thiện hành chánh pháp rất đơn giản mà không kém phần thậm thâm vi diệu, uyển chuyển, thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội, phong tục tập quán địa phương, không chấp nệ về hình thức mà đặt nặng ở tấm lòng, tức là chữ tâm.

Tùy phong hoá nhân sanh phù hạp.(Bài DPQM)Vì lấy chữ tâm làm trọng, nên việc tu hành của người tín đồ PGHH cũng dễ dàng, không cần phải đúng nguyên tắc ràng buộc khó khăn, tùy nghi theo hoàn cảnh thực tế mà hành đạo. Miễn biết tỉnh thức, sửa đổi trau dồi hằng ngày cũng đủ.
Tu không cần lạy, cần quỳ,
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.(Q3)

Mọi cử chỉ, hành động tốt xấu của con người đều phát xuất từ chỗ sâu kín trong tận đáy lòng, tức là ở nơi tâm mà ra. Nên trong ta bao giờ cũng có hai thái cực đối nghịch lẫn mhau. Hai thái cực đó chính là thiện và ác, chánh và tà, Tiên Phật hay ma quỷ. Nếu ta không khắt chế kềm hãm nó được để cho tham, sân, si, mưu mô, xảo quyệt lan tràn lúc đó ta là ma. Nếu ta kềm hãm khắt chế nó được để hướng về chân, thiện, mỹ lúc đó là Phật, là Tiên.
Cái chữ tâm mà quỷ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.(Q4)

Giáo pháp PGHH noi theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Ðức Phật Thầy Tây An sáng lập, nên đặt nền tảng triết lý trên Tứ Ðại Trọng Ân, đó là:
1. Ân Tổ Tiên, Cha Mẹ.
2. Ân Ðất Nước.
3. Ân Tam Bảo.
4. Ân Ðồng Bào và Nhân Loại.

Giáo lý PGHH được ÐHGC diễn tả, chỉ dạy qua những vần thơ lục bát, bát ngôn, thất ngôn, thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt hoặc song thất lục bát với một thể điệu dịu dàng, thanh cao, tao nhã làm cho người nghe dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc nằm lòng, ý nghĩa vừa phổ thông, vừa sâu sắc đôi khi ẩn chứa ý nhị thâm sâu, khiến cho từ người bình dân đến kẻ có học thức tiếp nhận dễ dàng, tùy theo trình độ mà triệt thấu căn cơ.

Ngoài ra, Ngài còn có một lối viết văn xuôi độc đáo, khúc chiết, rõ ràng, minh bạch, âm thanh nhịp nhàn, véo von, trầm bổng như một khúc nhạc “ Nghê Thường ” dễ tỉnh thức lòng người trở về con đường chánh giác, tĩnh tâm học đạo. Như bài Sứ Mạng của Ngài (2). Vì thế mà Giáo Pháp của Ngài được tiếp nhận một cách nồng nhiệt. Chẳng mấy chốc, từ năm 1939 đến năm 1947, số tín đồ đến quy y chánh thức, thọ giáo với Ngài lên đến hai triêu người. Trong lúc đó dân số toàn quốc vào khoản 25 triệu. Tức chiếm 8% dân số. Vì lấy Tứ Ân làm trọng, nên tôn chỉ của người tín đồ PGHH là nhập thế hành đạo, đạo và đời luôn luôn gắn bó với nhau,không thể tách rời ra được. Có đạo mà không có đời,hay cóđời mà không có đạo. Hơn nữa, đạo là đuốc soi đường chỉ lối cho đời để khỏi phải vấp ngã trong đêm tối bởi màn vô minh thị ngã của con người, cuốn trôi vào nghiệp quả, gây ra tội ác vô liêm, phải vào lục đạo, qua sáu ngã luân hồi. Vì nhập thế hành đạo, nên người tín đồ PGHH muốn thiện hành chánh pháp, diệt hết quả căn, tiêu trừ ác nghiệp, tiến lên con đường giải thoát để không còn mắc nẻo dại khôn luân hồi. Trước hết là phải tu Nhân Ðạo, nghĩa là phải làm tròn bổn phận của con người đối với gia đình, quốc gia, xã hội và Tam bảo. Sau đó mới tu Phật Ðạo để mong đến ngày giải thoát. Vì thế sách có câu:
Dục tu Tiên Ðạo, tiên tu Nhân Ðạo,
Nhân Ðạo bất tu, Tiên Ðạo viễn hỹ.(3)

Ngoài là người con hiếu thảo với gia đình, tổ tiên cha mẹ. Người tín đồ PGHH còn là một công dân tốt trong một quốc gia, một trò ngoan đối với Thầy Tổ và Tam Bảo và là người hữu ích trong nhân quần xã hội. Ðược như thế tức là ta đã hoàn thành giai đoạn tu Nhân, chỉ cần bước thêm bước nữa để hoàn thành Phật Ðạo là đến con đường giải thoát.
Trả nợ thế nghĩa ân trọn vẹn,
Cảnh Non Bồng kỳ hẹn ngày kia.(4)
Hay:
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi Toà Sen.(Q3)

Người tín đồ PGHH đặt nợ nước, trước nợ đạo. Nên không thể liếc mắt làm ngơ trước cảnh quốc phá gia vong, nước nhà bị ngoại nhân xâm chiếm, cường quyền hung bạo, giết chóc,đày aĩ dân lành, làm cho bá tánh lầm than, nhân dân thống khổ mà ngồi yên lo việc tu hành, mà phải rứt Cà Sa khoát chiến bào để cứu dân, cứu nước. Nhưng khi công đã thành, nước nhà yên ổn, thì danh phải thoái để trở về lo việc cày cấy sinh nhai, tiếp tục tu hành, mong ngày đắc thành Phật quả.
Tăng sĩ quyết chùa, am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Ðền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Ðà Nam Mô.(5)

Kính thưa quý đồng đạo, mùa khai đạo đã trở về với toàn thể khối tín đồ PGHH của chúng ta, chúng ta hãy dang rộng vòng tay thương yêu, đùm bọc lấy nhau, để dìu nhau trên con đường đạo đức. ÐHGC đã dạy: “ Nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây Phương an dưỡng mà học Ðạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh(6).” Chúng ta là những người con Phật đã thọ nghĩa nặng, ân sâu, chịu sự dạy dỗ giáo hoá của Ngài, chúng ta phải rèn lòng, dẹp kỷ, làm theo lời dạy của Ngài để khỏi phụ lòng kỳ vọng và ơn đức của Thầy đã ban ra. Trước khi dứt lời, chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện ơn trên Tam Bảo ban phước lành cho tất cả quý vị và quý đồng đạo. Kính chúc quý vị và quý đồng đạo thân tâm thường lạc, phước huệ vô biên.

Ghi Chú:
(1) PGHH trong dòng lịch sử dân tộc. Nguyễn Long Thành Nam.
(2) Như Bài Sứ Mạng của Ðức Thầy.
(3) Lời của Tế Thiên Hoà Thượng.
(4) Vọng Bắc Hòa Nam.
(5) Tặng thi sĩ Việt Châu.
(6) Một đoạn trong điều 8 của Tám Ðiều Răn Cấm.
Nguồn: Hoahao.org
.
.
.


No comments:

Post a Comment