Wednesday, March 30, 2011

VỤ XỬ CÙ HUY HÀ VŨ : AI TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM ?

Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Ba, 29 tháng 3 2011

Việc xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ được hoãn lại từ ngày 24-3-2011 sang ngày 4-4-2011. Phía tòa án giải thích là để chuẩn bị tốt hơn việc biện hộ cho bị cáo tại tòa. Thế là thiện chí của tòa, để cho phiên tòa thêm công minh, tốt quá rồi còn gì. Đây là lần hoãn thứ hai.
Xin chớ vội vui mừng cho bị cáo.

Hãy chờ ngày 4-4, để xem cho kỹ phiên tòa sẽ tiến hành ra sao, có đúng theo mọi điều khoản của bộ luật Hình sự tố tụng không? có thật sự công khai không? có để các phóng viên báo chí trong ngoài nước tham dự hay không? gia đình, người thân, bạn bè anh Hà Vũ có được dự hay không? bị cáo và các luật sư có được trình bày hết ý hay không? việc luận tội và tuyên án có hợp lý, hợp luật, hợp theo Hiến pháp hiện hành hay không?

Cả xã hội ta, nhất là bạn bè, người thân, các chiến sỹ dân chủ như nín thở để theo dõi kỹ phiên tòa, xem chủ tọa Hội đồng xét xử, các thẩm phán, công tố viên, đại diện Viện kiểm sát…là những ai, họ có làm đầy đủ trách nhiệm trước xã hội và nhân dân hay không? có công bằng, vô tư, khách quan, chỉ xét xử theo luật pháp mà thôi hay không?

Phiên tòa này là một thử thách quan trọng đối với nền tư pháp Việt Nam, đối với chế độ chính trị hiện tại, đối với đảng Cộng sản, đối với Bộ Chính trị đang nắm trọn quyền lãnh đạo đất nước. Đây là một xét nghiệm hùng hồn, sinh động, chuẩn xác, phơi bày bản chất của nền tư pháp Việt Nam trong thời gọi là «Đổi mới».

Có một loạt tình tiết của vụ án người dân bình thường muốn nêu lên để mong các quan chức làm nhiệm vụ cầm cân nảy mực trong phiên tòa làm rõ trước công luận.

Trước hết việc cơ quan công an khởi đầu vụ án bằng cách nêu lên chuyện luật sư Hà Vũ vào Sài Gòn chơi gái mãi dâm ở khách sạn, đột nhập bắt giữ, chụp ảnh tại phòng, còn mang ra thủ đô một bao cao su đã qua xử dụng làm bằng chứng … có phải là chuyện đúng đắn, đàng hoàng không? Một việc làm như thế có phải là vô tình «tuyên truyền chống nước CH XHCN Việt Nam» như tên gọi của vụ án không?

Sau đó cơ quan điều tra tịch thu máy điện toán của luật sư Hà Vũ, «khám phá ra» một loạt bài viết và trả lời phỏng vấn công khai với một số đài phát thanh quốc tế, và kết luận rằng những nội dung chính kiến của ông Hà Vũ là phản động, là phạm pháp, là có tội, vậy lý lẽ là ở đâu?

Việc ông Hà Vũ coi chế độ 1 đảng duy nhất độc quyền cai trị là sai lầm gốc, là có hại cho đất nước, việc ông coi khai thác bauxite ở Tây Nguyên là sai lầm, nguy hiểm lớn về nhiều mặt cho đất nước, việc ông cho rằng Việt Nam ta cần «gắn bó, liên minh với các nước dân chủ quốc tế để chống bành trướng xâm lược là mệnh lệnh của thời đại»… có thể coi là những tư tưởng phản động, phản quốc, phản nhân dân được không? Đó là những chính kiến, ý tưởng trong đầu óc, trong tư duy, chưa hề được thực hiện bằng hành động, vậy «quyền tự do tư tưởng», «quyền tự do ngôn luận» được Hiến pháp bảo đảm nằm ở đâu rồi?

Ngay cả việc ông Hà Vũ phát đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương khai thác bauxite khi chưa có đồng thuận của Quốc hội, sao tòa án không xét xử và kết luận? Sao không giải thích rằng ông Dũng không phạm điều luật nào, rằng ông Hà Vũ không có lý để phát đơn kiện. Sao lại đi kết tội ông Hà Vũ? Ông Hà Vũ nói lên sự thật, không bịa đặt, không vu cáo ai. Quyền công dân cho phép ông làm việc ấy.

Theo công luận trong nước tôi được biết, nếu quả là người tử tế, ông Nguyễn Tấn Dũng nên kịp thời tỏ ý kiến yêu cầu chủ tọa phiên tòa 4-4-2011 này ở giữa Hà Nội hãy xử thật công bằng, thật có công tâm vụ án Cù Huy Hà Vũ, để anh tự do trở về với gia đình ngay, sau 5 tháng ngồi tù một cách phi lý, phi pháp và vi hiến. Cả xã hội sẽ vui mừng, nhẹ nhõm.

Không có việc làm nào có thể tuyên truyền tốt đẹp hơn cho nước CH XHCN Việt Nam bằng một việc làm hợp lý, hợp pháp, hợp tình người và hợp thời đại như thế.

---------------------------------
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments:

Post a Comment