Thursday, March 3, 2011

ÁN TÙ DÀNH CHO CÔNG AN GIẾT NGƯỜI ? (Paulus Lê Sơn)

Paulus Lê Sơn
03 Tháng 3 2011

Vụ án anh Nguyễn Văn Khương 21 tuổi bị công an Bắc Giang đánh đập cho tới chết ngay tại cơ quan công an hồi tháng 7 năm 2010 chỉ vì lỗi không đội mũ bảo hiểm lại cuộn lên trong dư luận trong thời gian này. Nó nóng lên không chỉ bởi nó đã nóng sẵn trước sự phẫn uất của gia đình nạn nhân, của nhân dân trong cả nước khi mà một kẻ được gọi là “công an nhân dân” dùng bạo lực đánh chết người, hơn nữa, giờ đây vụ án tiếp tục nóng vì bản án quá ư là nhẹ nhàng” đối với tên giết người và quan trọng là những người dân đã bị bắt khi đứng lên đòi lại công lý có thể bị án tù rất cao.

Theo tin trên tờ Thanhnien online phô tin hôm nay 1.3, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt 7 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thế Nghiệp (sinh năm 1985) - nguyên thiếu uý, cán bộ thuộc Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.

Nguyễn Thế Nghiệp, công an giết người đứng trước tòa - ảnh: Báo thanhnien

Trước đó, trên một số trang mạng đã đăng bản cáo trạng của tòa án Bắc Giang đề ngày 14/2/2010 quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 10 người dân đã tham gia xuống đường biểu tình cùng với hàng vạn người thể hiện lòng phẫn uất và đòi lại Công lý trước tội ác của công an đã giết dân. Họ bị truy tố với các tội danh gây rối trât tự công cộng , chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản.

Vụ án công an Nguyễn Thế Nghiệp đã ra tay sát hại nạn nhân Nguyễn Văn Khương ngay trong trụ sở công an đã làm rấy một làn sóng bức xức, phẫn uất của nhân dân Bắc Giang. Trước cái chết thương tâm bởi bạo lực từ tay công an gây ra, nạn nhân đã chịu một cái chết oan khuất với những ngón đánh hết sức man rợ khiến anh vỡ bọng đái, có vết thâm do bị bóp cổ, có vết đánh tại sau gáy. Đây là một sự ra tay man rợ mất hết nhân tính , cố ý gây ra cái chết cho đối phương. Trước tội ác kinh hoàng đó, hung thủ nhận một bản án khá nhẹ nhàng so với khung hình phạt về tội giết người.

Trong câu chuyện mà nhiều người đang bàn tán về hình phạt 7 năm tù giam cho tội giết người của một công an. Đã có nhiều người thở than vì nó là công an, có thể là con ông cháu cha, nó đứng trên pháp luật thì nó làm gì chả được, mỉa mai hơn có người còn còn liên hệ đến với nhiều đối tượng giết người bị tuyên án tử hình cũng vì tội giết người. Nếu mà các đối tượng đó cũng làm công an thì giết người cũng chỉ bị 7 năm tù giam thôi chứ chẳng bị tử hình đâu”.

Di ảnh nạn nhân Nguyễn Văn Khương bị công an đánh chết

Báo chí loan tải về các vụ án giết người trong xã hội nhiều như con rọi trong thùng mắm. Và thường thì các hung thủ đều nhận mức án cao nhất là đền tội bằng chính mạng sống mình. Nhiều vụ án nổi tiếng dư luận không kém vụ công an Bắc Giang giết người, với nhiều nguyên nhân, tình tiết dẫn đến hành động giết người rất đa dạng phong phú. Vụ thì động cơ là giết người cướp của, vụ thì do mâu thuẩn tình cảm cá nhân

Chẳng hạn, chắc hẳn những ai quan tâm đến báo chí vẫn còn nhớ đến vụ án xảy ra trong Sài Gòn, Phan Minh Mẫn đã phải nhận mức án tử hình do hành vi giết cha ruột. Theo báo chí đưa tin cội nguồn của vụ án xét một khía cạnh nào đó được cho rằng người cha của bị cáo là một nguyên nhân. Lỗi của một người không làm tròn thiên chức của một người cha. Vì một người cha nát rượu, đánh đập vợ, ngược đãi con cái triền miên đã gây ra một tâm lý phẫn uất cho vợ cho con. Vì những sự đó, động cơ dẫn đến hành động của em hoàn toàn là bộc phát, thiếu suy nghĩ, và có thể nói là thiếu hiểu biết pháp luật.

Mỗi khi một bị cáo nào đó đứng trước tòa trước tội ác của mình thường hay nói do bị cáo không hiểu biết pháp luật nên mới hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ”. Vậy thì những kẻ mà hiểu biết pháp luật mà vẫn giết người sẽ nói gì?
Khi thực hiện hành vi giết người, nếu những người thiếu hiểu biết pháp luật họ sẽ hành động một cách thiếu suy nghĩ đến hậu quả cho nạn nhân và cho chính đương sự phải trả giá sau này trước tòa án pháp luật và lương tâm. Họ ra tay theo bản năng xui khiến ngay lúc họ đang có ý định thực hiện hành vi giết người, tư duy pháp luật không hạn chế được hành vi phạm tội của họ để thỏa mãn ý đồ mà đương sự đang ham muốn.

Đối với kẻ giết người hiểu biết pháp luật và nhất là kẻ đó lại là người được nhân dân trả tiền để bảo vệ lại ra tay giết hại thì như thế nào, phải bao biện ra sao đây?. Khi hung thủ thực hiện hành vi giết người thì hung thủ nghĩ gì?. Công an được dậy và học gì trong trường nghề của mình? Há chẳng phải là học luật pháp kỹ càng?, học tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh?, chẳng phải được dậy bổn phận của mình là phải bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân?. Tại sao công an giết dân?.

Nguyễn Thế Nghiệp, công an giết dân đã học những gì trong trường dậy nghề binh võ?, khi ra tay thực hiện sát hại anh Khương, sự hiểu biết pháp luật, tư tưởng đạo đức HCM chỉ dẫn thực hiện như thế nào?. Tại sao hành vi giết người đó không dừng lại nếu sự hiểu biết pháp luật và đạo đức HCM có thể hạn chế? Nguyên hành vi hành hung công dân của công an đã không bao giờ được phép chứ đừng nói gì đến việc tra tấn, giết người. Và cũng không thể bao biện hành động công an giết người là do vô tình hay cố ý.

Hành động giết người dẫn đến cái chết của anh Khương mà công an Nguyễn Thế Nghiệp gây ra có được coi là man rợ, vô nhân tính?. Có khác gì với những vụ án giết người khác mà các bị cáo thường phải trả giá bằng chính mạng sống mình?. Tất nhiên là khác, khác vì công an Nguyễn Thế Nghiệp có hiểu biết pháp luật, được giáo dục để phục vụ nhân dân, được học cái gọi là đạo đức HCM nên giết người chỉ bị 7 năm tù, còn kẻ khác thiếu hiểu biết pháp luật, không được biết đạo đức HCM thì bị mức án cao nhất khi phạm tội?. Những vần ca dao tục ngữ của ông cha ta phải sống trong thời phong kiến bất công có bị lạc hậu?:
“Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba cái cùng béo, vặt lông con nào
Vặt lông cái vạc cho tao
Hành, răm, nước mắn, bỏ vào mà thuôn” (trích ca dao, tục ngữ Việt Nam)

Hàng vạn người Bắc Giang biểu tình

Với mức án 7 năm, có thể viên công an giết người này sẽ chỉ thụ án trong khoảng một vài năm và được tự do, có thể lại phục hồi danh hiệu và tiếp tục hoạt động trong ngành công an và có thể lại giết người? Có thể công an giết người này là con ông cháu cha của một cán bộ cao cấp nào đó? có thể là gia đình nạn nhân đã bị bịt miệng, có thể là… và có thể vì tên giết người là công an?

Trong một vụ án, tên giết người có mức kết án 7 năm tù, còn những người đồng cảm với nạn nhân và gia đình nạn nhân thì không biết họ phải hứng chịu án gì đây. Nghĩ tới họ mà chua sót cho những kẻ thảo dân bần cùng cơ cực. Nhớ tới những ca dao, tục ngữ mà ông cha đã để lại nói về cảnh mâu thuẩn trong sinh hoạt xã hội giữa tầng lớp bị trị và cai trị liệu có tái hiện trong thời đại ngày nay?

“Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi” (Trích cao dao, tục ngữ Việt Nam)

Nếu bao biện là xét trên mức án cao nhất dành cho kẻ giết người trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ có 7 năm theo điều 97 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 thì hãy xem lại điều này. Có thể điều này là một cách cởi mở cho hàng loạt vụ công an giết dân trong những năm gần đây mà dư luận được biết?

Án tù dành cho kẻ giết người có hiểu biết pháp luật thì phải khác với kẻ thiếu hiểu biết ư? Pháp luật đang ở đâu hay chỉ có nhiệm vụ bảo vệ một nhóm người nào đó?

Hà Nội, 03.03.2011
Paulus Lê Sơn
.
.
.

No comments:

Post a Comment