Tuesday, March 1, 2011

THỬ TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN TÁC THÀNH HIÊN TƯỢNG "HỘI THỀ" (Trần Mạnh Hảo)

Trần Mạnh Hảo
Thứ ba, ngày 01 tháng ba năm 2011

Nếu không có lá thư trịch thượng, ngạo mạn, coi thường bạn đọc, coi thường dư luận xã hội của nhà văn Nguyễn Quang Thân gửi nhà văn Phạm Viết Đào ngày 26-02-2011 dưới đây, chúng tôi đã không mất công viết bài báo này:

Ông Đào thân mến ơi,
Cám ơn ông đã đọc kỹ, đã viết một bài công phu, quân tử và thiện chí. Nhiều chỗ OK, nhiều chỗ muốn "cãi" ông nhưng hẹn ông dịp khác (một buổi cà phê ở HN hay SG chẳng hạn) Viết mail này để xin phép ông (thực ra là tiền trảm hậu tấu nha) bê nguyên văn cả hai phần về nhà tôi nhé.”

Tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân viết ra nhằm bôi bẩn, nói xấu vị anh hùng dân tộc và nghĩa quân Lam Sơn, đồng thời tô son trát phấn, ca ngợi hết lời mấy tên tướng giặc Minh, đã bị phê phán trong các bài phê bình của các tác giả: Trần Hoài Dương, Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Phạm Viết Đào, Trần Chân Nhân…vừa được công bố trên Internet.

Dư luận xã hội đang lên án khá gay gắt “Hội thề”, thậm chí có người như nhà thơ Ngô Minh còn coi tác giả Nguyễn Quang Thân mắc tội phản quốc.

Dư luận xã hội cũng đang lên án Hội Nhà Văn Việt Nam sao lại trao giải thưởng cho một cuốn tiểu thuyết ca ngợi giặc Minh và bôi nhọ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?

Dư luận xã hội hình như còn quên một yếu tố làm ra cuốn tiểu thuyết phản lịch sử, phản anh hùng “Hội thề” là nhà xuất bản Phụ Nữ…

Chẳng lẽ nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà xuất bản Phụ Nữ và nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn VN lại chưa học lịch sử Việt Nam, chưa một lần được đọc áng hùng văn “Bình Ngô đại cáo”?

Chúng tôi xin phép thử lí giải hiện tượng không bình thường này: vì sao “Hội thề”, một cuốn tiểu thuyết lịch sử phản “Bình Ngô đại cáo”, đánh tráo thiện ác, đúng sai, tốt xấu, đánh tráo sự thật lịch sử bằng việc ca ngợi tướng giặc Minh và bôi xấu vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và tướng lĩnh Lam Sơn, lại được viết ra, được in, được trao giải thưởng cao quý?

Trong bài: “Một ý kiến về “Hội thề” của Trần Chân Nhân, in trên http://trannhuong.com ngày 27-02-2011, có đoạn viết:

“Khi đọc những bài phê bình Hội Thề, lúc đầu tôi còn ngờ ngợ… rồi tìm hiểu, nhận ra những khuất tất ở phía sau: HT gốc là kịch bản phim truyện. Khi duyệt, không dùng được vì đề cập đến những vấn đề ’’nhậy cảm’’ thậm chí - cấm kị. Cái nhậy cảm kia chính là tinh thần chống giặc phong kiến Trung Hoa. Tại thời điển hiện nay, xới lên tinh thần chống giặc ngoại xâm phương Bắc – cho dù là quá khứ, sự thật - những người lãnh đạo đất nước hôm nay – không chấp nhận…

NQT không phục, quyết chí “bày keo khác’’: Phát triển, viết lại, đưa ra một tác phẩm văn chương thể loại khác, bằng cách né tránh vùng cấm: Xóa các vùng nhậy cảm, nhìn nhận lại, khoác cho kẻ thù tấm áo, khuôn mặt mới rồi “đánh bóng’’ cho nó sáng lên để dễ bề tôn sùng, thần phục –’’Đại Huynh’’. Với những giòng viết này, không biết vô tình hay cố ý: Nguyễn Quang Thân đã tự mình xếp cùng hàng với các đệ tử “Tà thuyết 3 Đ’’ (3) – đang bị dư luận người Việt cả trong lẫn ngoài nước - lên án!” (hết trích).

Hóa ra, theo Trần Chân Nhân và một số bài trả lời phỏng vấn của tác giả “Hội thề”, Nguyễn Quang Thân đã viết kịch bản phim “ Hội thề Đông Quan” bằng những hư cấu phù hợp với sự thật lịch sử, đúng với bản chất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; nghĩa là, hình ảnh Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn hiện lên trong kịch bản phim này rất hào hùng, rất tài giỏi, rất đoàn kết, rất lương thiện và nhân đạo. Trái lại, bọn tướng giặc Minh là những kẻ tàn ác, tiểu nhân, đê tiện, hèn hạ… Kịch bản “Hội thề Đông Quan” của Nguyễn Quang Thân đã chiếm ngay giải nhất trong cuộc thi kịch bản phim mừng nghìn năm Thăng Long. Nhưng… kịch bản này không thể làm phim được vì “nhậy cảm”, vì có thể làm mất lòng cả “người quen” lẫn “người lạ”, “nước lạ”, nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến chiến lược “16 chữ vàng” trong quan hệ nhậy cảm giữa Việt Nam với “nước lạ”…

Thế là, Nguyễn Quang Thân “đa mưu túc kế” xoay ra hô biến: biến kịch bản phim thành tiểu thuyết “Hội thề” phù hợp với yêu cầu thời cuộc, hết bị coi là “nhậy cảm”, để “nước quen” và  “nước lạ” cùng vừa lòng, chắc chắn sẽ được làm phim, sẽ càng nổi tiếng và thu nhập càng nhiều. Ông bèn xoay chiều kim đồng hồ: cho tướng giặc Minh là trí thức, tốt, nhân đạo, quân tử, hào hoa phong nhã, nhân đạo… Còn Lê Lợi và hầu hết tướng lĩnh Lam Sơn quê Hoan Ái là những kẻ nông dân thất học, bần tiện, bất nhân, tham lam, gần giống thổ phỉ, khi có cơ hội là cướp của dân, là hãm hiếp đàn bà con gái, kèn cựa, ganh ghét nhau, tìm cách diệt nhau…

Với những tình tiết tiểu thuyết đánh tráo sự thật lịch sử như thế, Nguyễn Quang Thân tìm cách biện minh cho mình bằng một ám chỉ, một thông điệp coi như chủ đề tư tưởng của tác phẩm, mượn xưa nói nay: rằng bất kể xưa nay, cứ là nông dân thất học mà cầm quyền là xảy ra đại họa, là mối nguy của bách tính sơn hà…

Mượn một hình ảnh tốt, một mô hình tích cực để ám chỉ một thực trạng tiêu cực là sai về bản chất trong hư cấu nghệ thuật phản nghệ thuật của tác giả tiểu thuyết “Hội thề”.

Với tinh thần phò chính thống, xu thời, phò Trung Hoa, “Hội thề” nhanh chóng được in ra và được giải thưởng tiếu thuyết hay nhất trong cuộc thi bốn năm (2006-2010), vượt lên mấy trăm cuốn tiểu thuyết dự thi khác…

Báo chí nhà nước gần như làm một chiến dịch tuyên truyền, ca ngợi “Hội thề” và tác giả của nó lên mây…

Lần thay đen đổi trắng từ kịch bản phim đến tiểu thuyết, “Hội thề” nhất định sẽ được làm phim theo kiểu phim lai “nước lạ”… “Đường đến Thăng Long” vừa qua…

Ý đồ xu thời nịnh thế, phò “16 chữ vàng” của Nguyễn Quang Thân, kỳ lạ thay, lại trùng hợp với quyết tâm “nối lại quan hệ với Hội Nhà Văn Trung Quốc” của ông chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, theo như lời kể của nhà văn Trang Hạ in trên blogs của cô công bố gần một năm nay trong bài: “Em không phải nhà văn”, đã được in trên mấy chục website & blogs, như sau:

“Bác (tức ông Hữu Thỉnh - chú thích của TMH) bảo, Bác chỉ đi sang Đài Loan tham dự Festival thơ với điều kiện, cô Trang Hạ giúp Hội Nhà Văn nối lại quan hệ với Hội Nhà Văn Trung Quốc.
Kinh ngạc tột độ!

Bác bảo, từ 2006 đến giờ, chính xác hơn là từ khi Thiết Ngưng lên làm chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, “hội nó” đểu lắm đã lờ “hội của bác” đi. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi hoa và điện mừng bà Thiết Ngưng lên làm Chủ tịch Hội Nhà Văn TQ, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi hoa và điện mừng Quốc khánh Trung Quốc, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi công văn mời tham gia giao lưu văn hóa, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam mở hẳn cả một Hội Thảo cho “nó” tại Hà Nội, “nó” chỉ gửi một công chức bàn giấy chả biết gì về văn chương sang chiếu lệ. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi công văn mời tới 35 nhà văn của “nó” sang Hội nghị quảng bá Văn học VN ra thế giới, mà “hội của bác” đặc cách lo toàn bộ chi phí tàu xe đi lại đủ thứ cho nó, vào tháng 1/2010 sắp tới, nó càng lờ đi coi như câm điếc.

Giờ lỡ nó lấy cớ vì bác đi Đài Loan mà nó không thèm sang Việt Nam, thì hỏng cả việc lớn của bác à? Giờ Trang Hạ liên hệ với Thiết Ngưng để lo liệu vụ này, đảm bảo ăn chắc thì bác mới đi Đài Loan.

Mình bảo, nó không đi đã có một trăm đại biểu nước khác, lo gì? Trang Hạ lấy tư cách gì để mà làm cái việc này?

Bác bảo nhỏ, nhưng khốn nỗi kinh phí của nhà nước chỉ cấp cho các bác để o bế quan hệ với Trung Quốc chứ không phải tiền tỷ hàng năm để làm văn làm chương với quốc tế nào khác. Cái này nó liên hệ mật thiết tới… tiền. (hết trích)

“Hội thề” không hẹn mà gặp, lại trùng với “tâm huyết” và dụng công của ông chủ tịch Hội nhà văn VN đang thực thi kế hoạch “kinh phí của nhà nước cấp cho các bác để o bế quan hệ với Trung Quốc”, “Cái này nó liên hệ mật thiết tới… tiền”, nên tác phẩm này của Nguyễn Quang Thân bỗng như lân gặp pháo, như mèo gặp mỡ… dẫn đến giải thưởng cao nhất của cuộc thi tiểu thuyết, âu cũng là điều dễ hiểu vậy …

Hóa ra, vì tiền, người ta có thể làm mọi thứ, kể cả chuyện đánh tráo trắng đen, kể cả việc đem cha ông ra chửi, kể cả chuyện mang giặc ra thờ…

Trao giải nhất cho tiểu thuyết “Hội thề”, ban lãnh đạo Hội Nhà Văn VN muốn thành tâm đánh tín hiệu với Hội Nhà Văn “nước lạ” rằng: các bác yên tâm, sau “Hội thề” này, chúng em sẽ còn nhiều “Hội thề khác; ví như chuyện ông cha chúng em như nhà Lý dám mâu thuẫn với quân Tống, nhà Trần liều mạng xích mích với quân Nguyên, Quang Trung lỡ tay mạo phạm quân Thanh… rồi sẽ được nhìn nhận lại hết dưới ánh sáng của “16 chữ vàng”, rằng đâu sẽ ra đó, chúng em còn nhiều Nguyễn Quang Thân, các bác sẽ thấy một chân lý: quân thiên triều mấy nghìn năm kéo sang xứ Giao Chỉ chúng em, kể cả cuộc các bác kéo quân qua biên giới Việt Nam năm 1979 là cốt làm công tác từ thiện ạ...

Sài Gòn 28-02-2011
TRẦN MẠNH HẢO

Tác giả gửi trực tiếp cho Nguyễn Hữu Quý Blog, xin cảm ơn tác giả!

------------------------------

.
.
.

No comments:

Post a Comment