Thursday, March 31, 2011

TẦM VÓC CÁC CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÂN DÂN BẮC PHI (Bùi Quang Minh - Nguyễn Hoàng Đức)

Bùi Quang Minh, Nguyễn Hoàng Đức
Đăng bởi bvnpost on 31/03/2011

Các sự kiện "long trời lở đất" đang diễn ra [tại Châu Phi và Trung Đông] là minh chứng cho sự trở về những giá trị phổ quát, những cốt lõi chính trị, nhân văn của mô hình Nhà nước Cộng hòa trên quy mô hết sức rộng lớn.

Khác biệt cơ bản giữa Nhà nước dân chủ và Nhà nước độc tài chính là “Nhà nước dân chủ coi tự do, phẩm giá cá nhân là những nguyên tắc căn bản. Nhà nước độc tài lấy quyền lực làm căn bản(Maritain). Và đó là sự trở về với ý nghĩa của từ gốc Cộng hòa (Res publica – ước vọng cùng “chung lòng” với nhau để hòa hợp với nhau xây dựng việc chung, việc công, việc Nhà nước và việc xã hội, từ đó người được bầu chọn lãnh đạo Nhà nước luôn nằm trong khuôn khổ luật pháp, khế ước và tầm kiểm soát của nhân dân, để phục vụ nhân dân).

Đó là sự trở về với tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền của Cộng hòa Pháp năm 1789: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ đều được trời phú cho lẽ phải và lương tâm, và phải cư xử với nhau trong tinh thần bác ái”; "Toàn thể nhân dân tiến bộ thành lập ra Nhà nước, để Nhà nước đó tôn trọng mọi quyền cơ bản làm người của mỗi cá nhân". Và trở về với những điều cơ bản ghi trong Hiến chương nhân quyền của Liên hợp quốc (ngày 10/12/1948) – tức những chuẩn mực chung nhất của nhân loại trên hành tinh này.

Chỉ như vậy mới tránh được những thảm kịch, đổ vỡ lớn của thời đại mà chúng ta đang chứng kiến tại Tunisia, Ai Cập, Libya và nhiều nước khác – nhân dân của những nước nghèo đó còng lưng cõng riêng gia tộc kẻ độc tài giàu sang, ác độc – những kẻ chỉ là đầy tớ của họ trong nhà nước Cộng hòa. Các phương thức quyền lực nhân dân văn minh: Tòa án, Hiến pháp, Quốc hội, luật pháp, giám sát luận tội Tổng thống, … đều đã bị chúng khôn khéo gỡ bỏ dần làm cho Nhà nước của dân bị “phù phép” thành Nhà nước của một băng đảng, của một gia đình, của vài kẻ nắm quyền bính. Bằng quyền lực được trao chúng đã nhiều năm đàn áp người dân bằng đủ các thủ đoạn: vu cho đối kháng là khủng bố, phản động, vu cho người phê phán, người biểu tình là gây rối, bạo loạn, vu cho người cầm vũ khí tự bảo vệ mình là Al-Quaeda… Nhà nước chỉ còn là “Cộng hòa trá hình”, không còn ai kiểm soát được Tổng thống của mình.

Riêng với Libya, đã đến lúc nhân dân trả lời về kiểu nhà nước "Đại dân quốc nhân dân XHCN Ả-rập”. Nghe thì có vẻ kiểu nhà nước này ưu việt, tiến bộ hơn kiểu nhà nước Cộng hòa phổ biến, có vẻ như “thực sự của dân hơn” theo như Sách Xanh và lời thuyết giảng của lãnh tụ Gaddafi. Nhưng điều đó chưa được kiểm chứng, chưa có nhà khoa học nào kết luận khách quan về điều này. Hãy để người dân Libya đã tham gia "thí nghiệm chính trị" được lên tiếng nói ra sự thật. Đó mới là tinh thần khoa học thực sự!
Bùi Quang Minh

---------------------------

Sự kiện cách mạng liên hồi trong 3 tháng qua, kể từ ngày khởi đầu 17-12-2010 chàng thanh niên Tunisia 26 tuổi Mohamed Bouazizi đã tẩm xăng tự thiêu thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh đòi quyền thực thi tự do, dân chủ, đòi phế truất Tổng thống… Từ cuộc nổi dậy của nhân dân Tunisia đã kéo theo sụp đổ của độc tài Ben Ali và ở Ai Cập kéo theo sự lật nhào của độc tài Mubarak, làn gió của Bắc Phi không dừng lại đấy. Nó đã quét dữ dội qua Libya gây ra cuộc khủng hoảng can thiệp có tính chất toàn cầu (LHQ đã ra nghị quyết 1973 với sự can thiệp quân sự và tạo ra vùng cấm bay của không lực thuộc nhiều nước Liên Quân) và vẫn còn thổi dữ dội qua các nước Yemen, Bahrain, Syria, Jordani và không biết làn gió còn quét đi những đâu nữa bởi vì ngày nay dường như không có bức tường nào ngăn được nó…

Làn gió đang quét qua vùng Bắc Phi – Ả rập

Chungta.com đã mời triết gia, nhà văn – ông Nguyễn Hoàng Đức trao đổi về những sự kiện đang diễn ra.

Tại buổi nói chuyện thứ nhất "Hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng hoa nhài", đã đi đến kết luận: Cuộc cách mạng hoa nhài ở các nước Bắc Phi, Ả rập là sự kiện cách mạng nhân dân trở lại quỹ đạo Nhà nước Cộng hòa thật sự, lật đổ thể chế độc tài đang đè đầu cưỡi cổ nhân dân .

Buổi nói chuyện thứ hai "Liên hệ “Cách mạng hoa nhài” với trình độ dân chủ của công dân toàn cầu", chúng ta đã đi đến nhận định: các chế độ Bắc Phi, Ả-rập đều từng do những kẻ độc tài, đầy ích kỉ, dục vọng, một mình cùng gia đình trị vì, vơ vét vô độ, hưởng tất cả, chẳng chia cho ai, khất lần thay đổi… trong suốt mấy chục năm qua. Thể chế của Nhà nước Cộng hòa ở các nước Bắc Phi, Ả rập đều đã bị vô hiệu hóa và các công cụ của Nhà nước đều phục vụ gia đình, vây cánh của kẻ độc tài. Bởi lẽ đó người dân của các nước đã nhận thức ra thực tế đó và đã vùng lên đòi hỏi một môi trường sống công bằng, lập hiến…

Hôm nay, chungta.com lại mời ông Nguyễn Hoàng Đức để nhận định thêm một số điểm về cuộc cách mạng này.

Bùi Quang Minh: Thưa ông Nguyễn Hoàng Đức, chúng ta đã theo dõi các sự kiện thay đổi tại các nước Bắc Phi suốt 3 tháng qua. Phong trào nổi dậy của nhân dân Bắc Phi đã lan rộng tràn qua các biên giới lãnh thổ, và đạt đến một chiều sâu như một số chuyên gia đã nói Thế giới đang tạo ra một trật tự mới.
Vậy theo ông có trật tự đó không, và đã đến lúc chúng ta đã rút ra được bản chất của hiện tượng “phổ biến” kia không?
Nguyễn Hoàng Đức : Tôi sẽ trả lời anh 2 câu hỏi chính mà tôi cho là căn bản. Trước hết, cái gọi là thế giới có tạo ra một trật tự mới không?
Trước cuộc cách mạng diễn ra ở Tunisia và Ai Cập, một số chuyên gia các nước phương Tây cho rằng trình độ dân trí ở châu Phi chỉ thích hợp với làm dân của những thể chế độc tài. Tại sao vậy? Bởi vì họ thấy dường như “dân” các nước châu Phi chỉ là thảo dân với trình độ dân trí quá thấp, gánh trên cổ ách nặng của truyền thống lâu đời, lom khom làm thuộc hạ cho vua chúa, một sự chịu cai trị như một thói quen của một bầy cừu không bao giờ có thể sáng tạo được ra câu hỏi: Tại sao chúng ta lại cứ làm thảo dân và bầy cừu. Họ sống cam chịu như một thói quen tự nhiên sinh ra làm nô tài mà không bao giờ phải đặt câu hỏi cả. Như vậy tự nhiên các chuyên gia châu Âu cũng cho rằng Thế giới dân chủ với nền Cộng hòa chỉ là sản phẩm của người da trắng và được cài mặc định – lập trình trong tinh thần của người da trắng, được gọi là công dân lập hiến. Theo nghĩa này thì ở châu Phi không thể có công dân. Người ta chỉ được gọi là công dân trong một nhà nước lập hiến, bởi vì công dân đó tham gia lập hiến và được Hiến pháp bảo vệ. Còn dân ở châu Phi mở rộng ra châu Á, châu Mỹ La tinh chỉ là thảo dân của những sắc tộc lớn lên trong lệ làng của già làng có một vài điều lệ áp đặt những thói quen săn bắn hái lượm từ cổ xưa để lại…

Nhưng trật tự này đã đảo lộn với cuộc nổi dậy của nhân dân Bắc Phi để tạo ra một trật tự thế giới mới. Trật tự này đã hóa thân từ cuộc lập trình của tinh thần đòi thay đổi và đổ bộ xuống đường phố và cuộc đời. Tại sao gọi là trật tự thế giới mới được thiết lập? Bởi vì rõ ràng trước đây người ta cho rằng khái niệm Cộng hòa, Dân chủ, Lập hiến, Nhà nước chỉ được lập trình cho người da trắng ở châu Âu với Nguyên lão nghị viện Aten, Cộng hòa La Mã, Nghị viện Vương quốc Anh và Cách mạng Pháp lật đổ dòng dõi Vua Louis… Điều đó có nghĩa rằng chỉ có trong bộ não và hệ thần kinh của người da trắng mới có đủ trình độ làm công dân, để đòi quyền lập hiến cho mình. Còn các nước da màu và châu Phi chỉ là thảo dân lớn lên, chấp nhận cái gọi là nhà nước của gia đình trị, không hề có cơ chế và giá trị lập hiến, được hoạch định để nâng cấp con người thành công dân. Tôi xin nhắc thêm nhiều chuyên gia phương Tây còn nói thế giới Bắc Phi đã tạo ra một trật tự thế giới mới không thể nào khác được. Tại sao người ta lại xác định một tiến trình tất yếu không thể nào khác được? Bởi vì người ta cho rằng tinh thần của nhân dân châu Phi đã thay đổi cả lượng và chất, từ thảo dân người ta đã nhảy vọt lên tầm vóc công dân. Một khi tinh thần đã nâng cấp nó không bao giờ có thể quay lại vũng bùn xưa. Theo anh Minh, như vậy có đáng được gọi là trật tự thế giới thay đổi không?

Bùi Quang Minh: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh rằng khu vực châu Phi, Ả-rập, quan niệm về công dân, nhà nước lập hiến của người dân đã được nâng tầm cả về nhận thức lẫn hành động. Và hành động của họ không chỉ đơn giản là hành động mà đã thành công chuyển đổi từ quốc gia độc tài (giả danh cộng hòa), thành quốc gia dân chủ lập hiến. Còn đường đó không đơn giản chút nào, họ đã mất bao nhiêu thế kỷ cam chịu, đặc biệt nhiều thế hệ rên xiết dưới ách độc tài, bất công, gia đình trị, con đường của họ đã tưới rất nhiều máu, nỗi oan ức của những người đàn ông và cả những người phụ nữ yếu đuối.
Nguyễn Hoàng Đức: Về vấn đề thứ hai, về bản chất của những cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Ả rập chúng ta qua truyền hình, mạng Internet và những hình ảnh vệ tinh chúng ta thấy rất rõ cuộc nổi dậy của nhân dân Bắc Phi từ mọi hướng nhìn. Nhưng những hình ảnh đặc thù nhất là gì?
Chúng ta thấy những người đàn ông miệng mở rộng hò hét tột độ với hai cánh tay vươn lên hết cỡ, cạnh đó còn là những người phụ nữ đã tháo bỏ mạng che mặt hoan hỉ phấn khích đứng bên những người đàn ông cho dù đó là hướng ngắm của những khẩu súng hay bạo lực đang hướng về họ, rồi có cả những đứa trẻ ngồi trên cổ bố để tham gia vào cuộc nổi dậy của toàn dân và của toàn thể mọi người và toàn thể các gia đình… Hình ảnh đó nói lên những gì? Rõ ràng chúng ta thấy sự hò hét từ trong những lồng ngực nổ tung tiếng của o bế bức bối chán ngấy những bạo lực đè nén lâu nay nhưng nó cũng đầy phấn khích hân hoan của những người vừa bước qua lằn ranh sợ hãi để bùng nổ cơn khát được biểu lộ tự do, điều chưa một lần trong quá khứ người đó có được. Hình ảnh miệng hét khuôn mặt rạng ngời và hai nắm tay không tấc sắt vung lên rõ ràng muốn nói người ta vừa hân hoan vừa dũng cảm đối mặt với thách thức là những họng súng của bạo lực nhưng trong tâm hồn của sự bùng nổ đó lại được (vũ trang bằng một tình yêu thương bao dung, sâu thẳm nhất), bởi lẽ họ bước ra một chiến trường của đường phố với chỉ đôi tay không và những tiếng hò, một cuộc đối đầu với bạo lực chênh lệch một trời một vực một phần nghìn. Tại sao người ta có thể cùng với vợ con nhỏ bé của mình, với những đôi tay trần lại tự tin đến vậy? Bởi niềm tin của họ rất đơn giản, chúng tôi khao khát được sống trong một nhà nước có công lý và Hiến pháp. Chúng tôi muốn được là công dân có trách nhiệm của một nhà nước lập hiến. Chúng tôi không muốn làm thảo dân của một nhà nước bê tha, pháp luật chồng chéo, giả vờ, lộn xộn, một quốc gia như vậy không thể nào hùng cường. Chẳng lẽ một niềm tin như vậy lại không đơn giản và chính đáng sao? Và chẳng lẽ một niềm tin như vậy không đáng để họ tự tin?

Còn những hình ảnh ngược lại với họ là những tên lính vũ trang đến tận răng hằm hằm nhắm bắn, không có kẻ nào đủ can đảm để nở miệng cười. Rõ ràng ở đây chúng ta thấy một sự đối nghịch, người tay không thì la hét hoan hỉ còn kẻ cầm súng lại lầm lũi, căng thẳng, cau có. Tại sao vậy? Bởi người tay không được trang bị bằng công lý và những niềm tin rành rẽ minh bạch, chính đáng của tâm hồn! Còn kẻ cầm súng chỉ đang chiến đấu cho những đồng tiền thuê chúng! Chúng nhắm bắn như những con chuột bảo vệ hũ gạo của mình! Mà có con chuột nào không bảo vệ và ca tụng hũ gạo đâu. Đối với con chuột, hũ gạo là miền đất đẹp tuyệt đỉnh, không thể có gì đẹp hơn! Hũ gạo chính là cùng đích và cứu cánh của những con chuột.


Bùi Quang Minh : Anh mô tả một bức tranh hết sức sống động, lạc quan của đông đảo nhân dân ngoài đường phố, đòi sự thay đổi lập tức theo chiều hướng Nhà nước tiến bộ. Vậy thì có phải những cuộc nổi dậy là chính đáng nhằm vào giới cầm quyền của họ, đây là phạm vi cục bộ của châu Phi hay về mặt lý thuyết nó còn bao hàm một cái gì phổ quát hơn? Ý tôi muốn nói nếu những cuộc đấu tranh này không tạo ra những cơ chế cơ bản thì nhân dân châu Phi sẽ phải làm cách mạng nhiều lần trong sự trồi sụt lầm than.
Nguyễn Hoàng Đức : Tất nhiên, mọi cuộc nổi dậy và cách mạng đều xuất phát từ hai yếu tố chính: một là yếu tố tâm lý bề nổi cái tạo ra phong trào quần chúng, hai là tinh thần chiều sâu, cái tạo nên tự giác cách mạng. Nhưng tùy từng cuộc cách mạng hai yếu tố này không nhất thiết phải giống nhau. Có rất nhiều cuộc nổi dậy chỉ mang yếu tố tâm lý đám đông mà không đem theo những cải cách cội rễ của tinh thần. Như trên chúng ta đã bàn về ý kiến của nhiều chuyên gia là cuộc nổi dậy của các nước Bắc Phi đã tạo ra một trật tự thế giới mới không thể nào khác được, ở đây chúng ta cần hiểu rõ hơn cái gọi là trật tự thế giới, cuộc nổi dậy của họ không chỉ tạo ra làn sóng trên đường phố hoặc lật đổ nhà cai trị A, B, C, mà nó đem theo cuộc thay đổi của cả một cơ chế từ gia đình trị thành cộng hòa tự do. Người dân thay vì là thảo dân đứng bên lề pháp luật đã trở thành công dân là thành tố của Hiến pháp cho một nhà nước lập hiến.
Câu hỏi của anh rất hiện thực. Nếu người dân châu Phi chỉ lật đổ những nhà tham nhũng như Ali, Mubarak vì họ tham nhũng, thì kẻ này rụng đi sẽ khắc có kẻ khác thay thế. Cuộc nổi dậy của họ sẽ trở nên vô hiệu hóa giống như nông dân Việt Nam đã từng nhận biết rằng: “Hãy cứ để ông Chủ nhiệm HTX xấu xa tồn tại khi tham nhũng của cải của nông dân mua đài, mua xe, xây nhà…” bởi vì nếu bầu ông Chủ nhiệm mới, thì ông ta lại tiếp tục tham nhũng mua đài, mua xe, xây nhà như bài vè đả kích:
“Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân
Mỗi người làm việc bằng năm
Để cho chủ nhiệm vừa nằm vừa ăn…”
Cuộc nổi dậy của nhân dân Bắc Phi hoàn toàn được nhìn nhận và tham chiếu ở hướng nhìn phổ quát nhân loại. Đây là cuộc biến đổi triệt để của tinh thần toàn diện. Chính vì vậy các chuyên gia mới gọi chúng là tạo ra “một trật tự thế giới mới không thể nào khác được”. Tại sao? Từ xa xưa các triết gia, và các chuyên gia chính trị đã nói không có cá nhân nào là Thánh cả bởi vì mọi cá nhân đều thuộc về nhân loại, và đều mang bản tính của loài người. Cho dù như thánh Gandhi có thể được gọi là thánh, có phẩm chất thuần khiết cao cả, nhưng khi ông lấy vợ và đẻ con thì vợ con ông vẫn ham hố vụ lợi và dục vọng như những người khác, hoặc giả dụ như lãnh tụ Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc dù được nhân dân rất kính yêu nhưng chính ông cũng không thoát khỏi cảnh vợ nọ con kia… Có nghĩa rằng mọi con người dù là vĩ nhân đều mang cá nhân của mình, đều có dục vọng, và các dục vọng đều có xu hướng ích kỷ hơn người. Vì vậy, các thể chế dù quân chủ, gia đình trị hay cộng hòa, thì mọi cá nhân của nó đều tăng tiến dục vọng mỗi ngày một nhiều mà khi dục vọng của cá nhân cộng thêm cả gia đình cá nhân, cộng thêm cả các vương gia bạn bè, bè cánh của cá nhân thì dứt khoát quyền lợi của toàn dân, là những người thấp cổ bé họng phải thiệt thòi. Nhà tư tưởng người Mỹ Emerson nói: “ Tự do thiết yếu dành cho con cừu chứ không phải dành cho con sói ”. Có nghĩa là không có tự do cho con sói nhảy vào bầy cừu ăn thịt mà tự do thiết yếu phải dành cho con cừu thản nhiên ăn cỏ mà không sợ kẻ nào nhảy vào mình ăn sống nuốt tươi. Nhà nước cũng vậy, đó là một cơ chế Hiến pháp được lập ra để bảo vệ và phục vụ quyền lợi của toàn dân, những người thấp cổ bé họng, chứ không phải thứ quyền lực được củng cố để bảo vệ vài cá nhân và vương gia.
Vậy thì giải pháp để hạn chế dục vọng của thiểu số cá nhân lãnh đạo để bảo vệ lợi ích lợi ích toàn dân thấp cổ bé họng là gì? Đó là cơ chế Hiến pháp của nhân dân được lập ra để kiếm soát tất cả những lãnh đạo cao nhất bởi lẽ mọi cá nhân có quyền lực, tai to mặt lớn thế nào cũng đều nằm trong sự kiểm soát của Hiến pháp. Chính vì cơ chế lập hiến này mới trở thành khuôn mẫu để kiếm soát dục vọng của các cá nhân lãnh đạo. Đây là sự khác nhau tuyệt đối giữa nhà nước cộng hòa và nhà nước độc tài. Nhà nước cộng hòa là hiến pháp của toàn dân được lập nên để kiểm soát và khống chế dục vọng của tất cả các cá nhân, một dục vọng mà luôn luôn có xu hướng xấu đi, cho dù ở bất kỳ ai chăng nữa. Và chỉ có thể kiểm soát được như thế thì lợi ích của nhân dân mới được bảo toàn. Còn nhà nước độc tài, cái gọi là hiến pháp là nằm trong tay họ, dục vọng của họ được thả lỏng cùng quyền lực thoải mái ở trong tay. Họ muốn làm gì thì làm, muốn ăn không nói có gì cũng được, họ sống theo kiểu chân lý thuộc về kẻ mạnh, họ bao quát, độc chiếm hết cả sự thật, Hiến pháp và chân lý đến mức như một triết gia Ấn Độ đã nói: “Người ta không thể phủ nhận được sự kiện, người ta chỉ phủ nhận được ý kiến về sự kiện mà thôi”. Các nhà độc tài đều cho rằng: Ý kiến về sự kiện của họ chính là sự kiện, ý kiến về chân lý của họ chính là chân lý, ý kiến về công lý của họ chính là công lý, ý kiến về Hiến pháp của họ chính là Hiến pháp, và nhân dân cũng chỉ là ý kiến của họ mà thôi.

Bùi Quang Minh : Thành tựu của nhân dân Bắc Phi không chỉ là tầm vóc của thể chế – quốc gia hoặc một châu Phi mở rộng mà như chúng ta đã bàn nó mang đến một trật tự thế giới không thể nào khác được. Đó thực sự là một danh xưng vĩ đại. Tôi muốn chúng ta dành thời gian để bàn kỹ về việc này.
Liệu có phải cuộc nổi dậy chỉ trong thời gian ngắn có thể đạt được đỉnh cao như vậy, một đỉnh cao mà trước đó cả chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dân chúng Bắc Phi giống như đi trên sa mạc mà không thấy đỉnh núi, nhưng bỗng nhiên đỉnh núi đó xuất hiện như một phép lạ kỳ diệu ngay trên sa mạc. Anh lý giải về điều này thế nào?
Nguyễn Hoàng Đức : Tất nhiên, những cuộc sáng tạo cách mạng, chính xác hơn nữa là những cuộc sáng tạo ra thể chế Cộng hòa tiền thân của nhà nước lập hiến đích thực được bắt đầu từ những hạt giống rất ít ỏi, có thể nói một điều giản dị thế này bộ Kinh thánh là một bộ sách rất đồ sộ của thế giới tâm linh tinh thần cổ đại, dường như người ta chỉ nhìn thấy những bài học về đạo đức nhiều hơn là nền móng của chế độ Cộng hòa. Chế độ cộng hòa ra đời từ cái nôi Nguyên lão nghị viện Aten, Hy Lạp đó cũng là cái nôi của triết học với 3 tổ sư; Socrate, Platon, Aristote. Cái nôi của văn học với 2 trường ca bất hủ IlliatOdyssey, cái nôi của các cuộc thi đấu thể thao Olympic. Sau đó cái nôi này đã lan rộng ra châu Âu như Cộng hòa La mã, Anh, Pháp… Nêu lên để thấy châu Phi cũng như các dân tộc da màu [từ lâu] khái niệm cộng hòa là một chân trời không bao giờ với tới. Chính thế, chỉ trước cuộc nổi dậy của Tunisia và Ai Cập vài ngày thôi không một chuyên gia phương Tây đủ một bộ não phiêu lưu đến mức có thể nghĩ rằng thể chế cộng hòa, nhà nước lập hiến lại là một đặc sản thích hợp với khẩu vị của châu Phi. Nhưng phép lạ đã xảy ra. Những cuộc nổi dậy đó rõ ràng không phải chỉ là một hội chứng đám đông đổ xuống đường hò reo vớ vẩn mà một sự tự giác của những người tay không đã được biến đổi bằng tinh thần xuống đường đòi công lý và tự do, một người biểu tình ở Bắc Phi đã nói: Tôi sẵn sàng chết để ngày mai con tôi không phải sống như tôi”. Tiếng hò hét phá tung lồng ngực của nhiều người dân bình dị biểu lộ cái gì? Rõ ràng đó là một tiếng hét muốn phá tung ẩn ức của lịch sử. Các dân tộc châu Phi cũng như các dân tộc da màu khác theo chiều dài lịch sử đã sống chìm đắm trong vai trò của các thảo dân, dưới sự cai trị tùy tiện của những lãnh chúa, những cá nhân luôn mang dục vọng đòi sống như “thượng đế” và được tha bổng, thoát tội nhẹ nhàng như “thượng đế”. Thảo dân đó rõ ràng là một con cừu đi hai chân bị sống dưới thứ luật lệ không bao giờ dành cho họ mà chỉ là thứ luật lệ bảo vệ vua chúa chà đạp lên họ… Những người dân da màu đó có lẽ sẽ vĩnh viễn cam chịu sống đời thảo dân nếu như họ không được nhìn thấy các nhà nước tiến bộ hiện đại của châu Âu đã được xây dựng bởi tay nhân dân, được sống trong pháp quyền, thảo dân đã thành công dân được Hiến pháp bảo vệ… Việc này đơn giản như phụ nữ của các nước Hồi giáo đã bị che mặt hàng nghìn năm, đến một ngày họ thấy một điều thật giản dị, những phụ nữ châu Âu không hề đeo mạng che mặt mà còn được trang điểm cho bộ mặt phơi lộ của mình để bày ra nhan sắc và sự quyến rũ. Cũng vậy họ thấy kiểu mẫu của nhà nước pháp quyền Âu Mỹ là một thứ pháp quyền bảo vệ kẻ yếu là nhân dân chứ không phải để bảo vệ kẻ mạnh đã mạnh sẵn và dám làm tất cả mọi điều dù sai trái khi được pháp luật bảo vệ. Nhà nước giản dị là vì lợi ích của toàn dân, vì thế nhân dân mới cần Nhà nước đó chứ không phải nhà nước chỉ bảo vệ vài kẻ mạnh. Điều giản dị ấy được nhìn ra không khác gì phụ nữ Hồi giáo nhìn thấy phụ nữ Âu Mỹ không phải che mặt.
Như vậy sự thay đổi trật tự thế giới mới không thể khác được, xảy ra bởi vì nó thay đổi từ hệ lập trình ở trong não. Một khi nhân dân đã có một quan niệm mới về nhà nước, quan niệm đích thực về một nhà nước đích thực, thì không cách gì những kẻ độc tài tuyên truyền mê dụ họ, có thể nói: ta không tạo ra nhà nước đích thực cho các ngươi, nhưng với quyền lực trong tay và cả hệ thống tuyên truyền nữa, ta sẽ tạo ra ý kiến về nhà nước cho các ngươi phải theo. Than ôi nhân dân cần nhà nước sinh ra để bảo vệ họ chứ họ cần gì ý kiến về nhà nước.

Bùi Quang Minh : Như vậy, cuộc lật đổ đã mang một tinh thần dân chủ, cộng hòa một cách đầy đủ. Nhân dân đã cùng thức tỉnh, sử dụng quyền lực tối cao của mình với sự giác ngộ, quyết tâm cao là nhân vật chính của câu chuyện này chứ không phải chuyện của các nhân vật phụ – bè lũ độc tài cầm quyền phi pháp, phản chủ.
Cuộc cách mạng đã, đang diễn ra chính là sự kiện nhân dân đòi quyền và thực thi quyền xây dựng nhà nước lập hiến, cái mà kẻ độc tài trước đây chỉ xây dựng bằng ý kiến về nhà nước, như trong thực tế rất nhiều nhà nước mang danh Cộng hòa chỉ theo tên gọi mà không xác lập bất kể một cơ chế nào để thực thi nội dung và lý thuyết cộng hòa phải không ông?
Nguyễn Hoàng Đức: Tại sao chúng ta phải thiết yếu xây dựng bằng được xã hội Cộng hòa? Vì tất cả các dục vọng của cá nhân như chúng ta đã bàn là ích kỷ và mọi cá nhân tự mình không bao giờ kiểm soát được dục vọng. Trái lại chỉ có nền Cộng hòa mới đem lại quyền lợi cho toàn dân (từ đó mới mở ra việc xây dựng xã hội tiến bộ phổ quát đem lại lợi ích cho tất cả mọi người). Cá nhân và ích kỷ đó là những giá trị bé nhỏ và cục bộ, nếu nó có cần thiết thì chỉ cần thiết cho cá nhân ấy và vài người trong gia đình hay bè cánh của họ, như vậy nó là vật cản để ngáng trở sự tiến bộ chung của toàn xã hội. Chỉ có Nhà nước Cộng hòa mới cho phép người dân được nâng cao phẩm chất của mình là công dân thuộc về nhà nước có pháp quyền đủ mạnh để cho phép họ được làm công dân. Và cũng chỉ có nhà nước pháp quyền đúng nghĩa mới kiểm soát được quyền lực và dục vọng của những cá nhân lãnh đạo, qua đó mới mở đường cho tất cả mọi người được tận tâm tận lực sống và làm việc theo sở trường cao nhất của mình.
Tóm lại, Nhà nước Pháp quyền Cộng hòa mới đủ hiệu lực và sức mạnh của Hiến pháp tạo ra một môi trường sống trong sạch, lành mạnh, thiết thực, hữu ích, có hiệu lực để cho một dân tộc cũng như tất cả mọi người được sống theo nghĩa vụ và hưởng thụ hết mình ở tầm cao nhất.

Biểu tình tại Libya

Biểu tình tại Yemen

Biểu tình tại Syria

Bùi Quang Minh: Như vậy, chúng ta đã đi đến kết luận cuối cùng: "Các sự kiện "long trời lở đất" đang diễn ra là minh chứng cho sự trở về những giá trị phổ quát, những cốt lõi chính trị, nhân văn của mô hình Nhà nước Cộng hòa trên quy mô hết sức rộng lớn. Khác biệt cơ bản giữa Nhà nước dân chủ và Nhà nước độc tài chính là “Nhà nước dân chủ coi tự do, phẩm giá cá nhân là những nguyên tắc căn bản. Nhà nước độc tài lấy quyền lực làm căn bản” (Maritain). Và đó là sự trở về với ý nghĩa của từ gốc Cộng hòa (Res publica – ước vọng cùng “chung lòng” với nhau để hòa hợp với nhau xây dựng việc chung, việc công, việc Nhà nước và việc xã hội, từ đó người được bầu chọn lãnh đạo Nhà nước luôn nằm trong khuôn khổ luật pháp, khế ước và tầm kiểm soát của nhân dân, để phục vụ nhân dân).
Đó là sự trở về với tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền của Cộng hòa Pháp năm 1789: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ đều được trời phú cho lẽ phải và lương tâm, và phải cư xử với nhau trong tinh thần bác ái”; "Toàn thể nhân dân tiến bộ thành lập ra Nhà nước, để Nhà nước đó tôn trọng mọi quyền cơ bản làm người của mỗi cá nhân". Và trở về với những điều cơ bản ghi trong Hiến chương nhân quyền của Liên hợp quốc (ngày 10/12/1948) – tức những chuẩn mực chung nhất của nhân loại trên hành tinh này.
Chỉ như vậy mới tránh được những thảm kịch, đổ vỡ lớn của thời đại mà chúng ta đang chứng kiến tại Tunisia, Ai Cập, Libya và nhiều nước khác – nhân dân của những nước nghèo đó còng lưng cõng riêng gia tộc kẻ độc tài giàu sang, ác độc – những kẻ chỉ là đầy tớ của họ trong nhà nước Cộng hòa. Các phương thức quyền lực nhân dân văn minh: Tòa án, Hiến pháp, Quốc hội, luật pháp, giám sát luận tội Tổng thống, … đều đã bị chúng khôn khéo gỡ bỏ dần làm cho Nhà nước của dân bị “phù phép” thành Nhà nước của một băng đảng, của một gia đình, của vài kẻ nắm quyền bính. Bằng quyền lực được trao chúng đã nhiều năm đàn áp người dân bằng đủ các thủ đoạn: vu cho đối kháng là khủng bố, phản động, vu cho người phê phán, người biểu tình là gây rối, bạo loạn, vu cho người cầm vũ khí tự bảo vệ mình là Al-Quaeda… Nhà nước chỉ còn là “Cộng hòa trá hình”, không còn ai kiểm soát được Tổng thống của mình.
Riêng với Libya, đã đến lúc nhân dân trả lời về kiểu nhà nước "Đại dân quốc nhân dân XHCN Ả-rập”. Nghe thì có vẻ kiểu nhà nước này ưu việt, tiến bộ hơn kiểu nhà nước Cộng hòa phổ biến, có vẻ như “thực sự của dân hơn” theo như Sách Xanh và lời thuyết giảng của lãnh tụ Gaddafi. Nhưng điều đó chưa được kiểm chứng, chưa có nhà khoa học nào kết luận khách quan về điều này. Hãy để người dân Libya đã tham gia "thí nghiệm chính trị" được lên tiếng nói ra sự thật. Đó mới là tinh thần khoa học thực sự!
Quay lại những cốt lõi chính trị, nhân văn của mô hình Nhà nước Cộng hòa chính là phương thức đơn giản nhất, văn minh nhất soi sáng nhận thức, hun đúc lại ý chí và sức mạnh đông đảo nhân dân, giúp họ hiểu ra cách để tương lai không còn những kẻ độc tài/chuyên chế, đề cao sức mạnh vô địch của nhân dân, và làm cho họ từ những thảo dân, thần dân trở thành những công dân lập hiến. Nhân dân đã và đang thức tỉnh, phá bỏ những rào cản để đi tới hạnh phúc đích thực. Họ không còn là những kẻ như trong câu nói "Những tâm hồn thấp kém thì không thể thấu hiểu các bậc vĩ nhân. Cũng như những kẻ nô lệ nhe răng cười nhạo khi nghe hai tiếng Tự do" (J.J Rouseau, 1762).
Tôi lạc quan cho rằng đó chính là tầm vóc vĩ đại của những sự kiện lịch sử đang diễn ra tại khu vực Bắc Phi, Ả rập…
Xin lấy câu chuyện một bộ phim giải trí Hollywood nổi tiếng – Xác ướp Ai Cập minh họa cho hiện thực sinh động tại vùng Bắc Phi này.
Xác ướp được chôn dưới đất, trong bóng tối và dưới mặt đất, trong các lăng mộ đế vương ở vùng Ai Cập, Ả rập. Xác ướp giống những kẻ không sống bằng nền tảng đạo lý, bằng luật pháp công minh, đầy tham vọng vật chất và quyền lực tột đỉnh, sẵn sàng dùng bạo lực, phi nhân tính, theo cách thức "cá lớn nuốt cá bé"… Chúng là những bộ xương khô, những bóng ma vật vờ.
Rồi một ngày, tại rất nhiều nước, những xác ướp ấy đã nhảy lên sống lẫn với con người trong xã hội. Nó vơ vét mọi thức ăn, của cải, ánh sáng, dưỡng khí, sinh khí của người để mạnh dần lên… Dùng vũ lực, ăn thịt người, biến họ trở thành xác ướp, gia nhập đội quân ma giáo của những xác ướp. Xác ướp còn dùng những biện pháp yêu quái, siêu nhiên như: quy tội kết tội như nghiện hút, bạo loạn, khủng bố, phản động, nước ngoài tiếp tay… để hãm hại, đàn áp con người.
Cuộc chiến chống lại những “xác ướp Ai cập”, giành lại sự sống cho con người là dùng tình thương của trái tim, tình đoàn kết vì việc nước của tinh thần cộng hòa, bằng soi sáng công lý của lý trí và nhận ra được thực chất "sức mạnh vô song" giả tạo của "đội quân xác ướp" chỉ là níu kéo cái "quá khứ đế vương" của xác ướp. Cuộc chiến là để đưa tất cả quay trở về không gian Nhà nước Cộng hòa lập hiến.
Và kết cục, "đội quân xác ướp" đã tan rã, biến mất khi giáp mặt với ánh sáng và sự đoàn kết của con người…
Tôi lấy câu chuyện phim năm 2001 này để kết thúc buổi trao đổi thú vị này. Xin cảm ơn ông.

B.Q.M-N.H.Đ
Nguồn: Chungta.com
.
.



No comments:

Post a Comment