Tuesday, March 1, 2011

PHẢI TRẢ LẠI QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI CHO NGƯỜI DÂN

Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai?
HOÀNG VÂN
28/02/2011 - 01:13 AM

Ngoài quyền sử dụng ghi trên giấy đỏ, Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn. Như vậy, có đến 80% nội dung đã là sở hữu tư nhân rồi.

LTS: Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 ở Đà Nẵng vào cuối năm 2010, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu quan điểm cá nhân: “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!”.

Cương lĩnh 2011 của Đảng đã không còn xác định “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” như Cương lĩnh 1991. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là đã “mở” ra cho việc sửa Hiến pháp và Luật Đất đai theo hướng cho sở hữu tư nhân về đất đai. Với mong muốn góp thêm những thông tin đa chiều về vấn đề lớn này, Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài nêu quan điểm riêng của một số chuyên gia xung quanh chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam.
“Sở hữu toàn dân về đất đai có phải có nghĩa là bất kỳ một m2 đất nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng là của chung, của hơn 80 triệu người dân Việt Nam?” - luật gia Vũ Xuân Tiến đặt câu hỏi. Thực tế cho thấy hàng triệu thửa đất trên cả nước về danh nghĩa thuộc sở hữu toàn dân. Song hơn 80 triệu dân trong nước không thể thực hiện được một cách tập thể các quyền của chủ sở hữu, họ không thể cùng định đoạt và cùng hưởng lợi.

Khi thất thoát khó quy trách nhiệm
“Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu là không chuẩn về mặt khái niệm. Vì không rõ toàn dân là ai, những ai có quyền nhân danh Nhà nước để nắm quyền sở hữu đó. Do vậy, trong thực tế, quyền sở hữu này trở nên mù mờ và rất dễ bị lạm dụng” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ rõ.
Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, sở hữu về đất đai là vấn đề rất hệ trọng. “Trong khi đó, cụm từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” theo tôi là hết sức mơ hồ! Ở Quốc hội khóa XI, khi thảo luận về dự thảo Luật Đất đai năm 2003, tôi đã phát biểu thế này: “Quyền sở hữu toàn dân là một thứ hư quyền, là chẳng phải của ai cả. Trong khi đó, về lý thuyết, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Đó là một thứ quyền rất mỏng manh”” - ông Quốc nói.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT), cũng cho rằng quy định đất đai là sở hữu của toàn dân nhưng Nhà nước lại là đại diện chủ sở hữu nên khi xảy ra thất thoát hoặc có vấn đề gì thì việc xác định trách nhiệm không được rạch ròi, thường là quy trách nhiệm tập thể. “Như vậy thì không quy trách nhiệm được cho cá nhân. Trách nhiệm của người đại diện của chủ sở hữu như thế nào? Người này là ai? Phải cụ thể chức danh, vị trí chứ không phải là một ủy ban chung chung. Cuối cùng thì chả ai chịu trách nhiệm cả” - ông Chính nêu bất cập.

Tạo ra những khái niệm “giả vờ”
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ở nước ta, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện nay đã không còn nguyên nghĩa là chế độ công hữu về đất đai. Tức là về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không còn nữa. Ngoài quyền sử dụng ghi trên giấy đỏ, Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn. “Như vậy, có đến 80% nội dung đã là sở hữu tư nhân rồi. Thực tế, quyền định đoạt của người dân đối với đất đai ở ta hiện nay không khác mấy so với quyền sở hữu tư nhân về đất đai ở các nước tư bản. Nhà nước chỉ còn giữ lại quyền quy hoạch sử dụng đất và quyền cưỡng chế thực hiện quy hoạch sử dụng đất như thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất” - ông Võ phân tích.
Ông Võ cũng chỉ rõ sự không thống nhất về lý luận và thực tiễn đã tạo nên những khái niệm “giả vờ” như quyền sử dụng đất là tài sản của người sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất… “Sự không rõ ràng về khái niệm dẫn tới khả năng thực thi sai pháp luật” - ông Võ nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng phân tích, khi còn danh nghĩa sở hữu toàn dân thì trên mỗi mảnh đất có hai ông chủ: Một ông chủ Nhà nước có quyền sở hữu về nguyên tắc nhưng rất chung chung. Một ông chủ thực sự là người dân hay tổ chức nhưng chỉ có quyền sử dụng đất, tuy nhiên quyền này trên thực tế lại rộng gần bằng quyền sở hữu.

Trong lòng người dân nghĩ khác
Thực tế cho thấy ở nhiều vùng, người dân định cư lâu đời, họ coi đất đai của gia đình là do tổ tiên, ông cha khai phá và sở hữu hàng trăm năm trước để lại cho họ. “Do vậy, dù có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì trong lòng người nông dân họ cũng không nghĩ như vậy. Mặt khác trên thực tế, ngay cả với danh nghĩa Nhà nước thay mặt toàn dân sở hữu đất đai thì sau khi Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cũng không còn giữ quyền định đoạt hoàn toàn đối với phần đất đó nữa” - bà Lan nói.
“Về mặt pháp lý, hiện người dân chỉ có quyền sử dụng đất thôi. Chúng ta không nói mua bán đất đai, mà nói rằng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng bản chất là việc mua bán đất đai. Đó là một cách nói tránh, làm cho vấn đề hóa ra phức tạp” - ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thẳng thắn. (Còn tiếp)
HOÀNG VÂN

----------------------

Những kẽ hở lớn
Việc bố trí nhà ở, đất ở cho cán bộ, công chức có nơi còn tùy tiện. Việc quản lý, sử dụng đất công sở của cơ quan nhà nước, tổ chức còn lỏng lẻo. Cụ thể là cho thuê, cho mượn đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Cùng với đó, một số tổ chức chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất hoặc xác định với giá trị thấp khi cổ phần hóa doanh nghiệp… Những điều trên đã tạo ra kẽ hở lớn để tham nhũng phát triển.
 (Trích báo cáo của Bộ TN&MT tại cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai tháng 11-2010)

Chưa hiểu hết vấn đề…
Tới Hiến pháp 1980, ta đưa ra chủ trương quốc hữu hóa đất đai. Tức là, biến đất đai trong cả nước, trước thuộc sở hữu cá nhân, thành sở hữu toàn dân, có nghĩa là của Nhà nước, do Nhà nước thống nhất quản lý.
Khi quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, bấy giờ có lập luận là đất đai dù thuộc quyền sở hữu của ai thì đó cũng là thành quả khai phá của nhân dân cả nước, là thành quả lao động chung của cả xã hội. Vì vậy, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là chính đáng nhất. Bản thân tôi cũng là người có lúc có trách nhiệm về vấn đề này, thấy rằng bản thân mình chưa hiểu hết vấn đề.
TS NGUYỄN ĐÌNH LỘC, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp

----------------------------------

Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai?
HOÀNG VÂN
01/03/2011 - 12:11 AM

 (PL)- Vì không được công nhận quyền sở hữu về đất đai nên người dân không có quyền từ chối việc bị thu hồi đất...
 “Những năm gần đây, khi giá đất liên tục tăng thì tình trạng lạm dụng sự mù mờ về quyền sở hữu đất đai để mưu cầu lợi ích riêng càng ghê gớm, tạo nên biết bao điều nhức nhối trong xã hội” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn nêu vấn đề.

Dân không có quyền từ chối
Cùng với quá trình đô thị hóa, việc thu hồi đất đã diễn ra ồ ạt ở các vùng ven đô và nhiều nơi khác cho các dự án, công trình. Số đất bị thu hồi thường rơi vào đất nông nghiệp khiến hàng vạn hộ dân mất đất, mất nơi sinh sống, mất kế sinh nhai. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ được nhận tiền bồi thường rất thấp so với giá thị trường.
Trong những trường hợp này, vì không được công nhận quyền sở hữu về đất đai nên người dân không có quyền từ chối việc bị thu hồi đất. “Họ cũng không thể mặc cả trên nguyên tắc thuận mua vừa bán với người muốn lấy đất của mình. Người dân buộc phải giao đất cho nhà nước với mức giá và điều kiện do nhà nước đưa ra. Chưa kể còn có tình trạng doanh nghiệp (DN), cá nhân dựa vào thế lực hoặc mối quan hệ thân quen với quan chức ép người dân phải nhận tiền bồi thường” - bà Phạm Chi Lan nêu một thực tế.
Theo PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên chương trình Fulbright, sự không rõ ràng về quyền sở hữu đang gây bất lợi cho nông dân. Đất đai của họ có thể bị nhà nước thu hồi với giá bồi thường rẻ cho các mục đích. “Tăng trưởng của Việt Nam đã dồn trên lưng nông dân. Cần sửa Luật Đất đai theo hướng tạo công bằng cho họ” - ông Nghĩa kiến nghị.
 “Việc dễ dàng lấy đất từ tay người nghèo do những lỗ hổng trong cơ chế, do những yếu kém trong quản lý và đạo đức của một số quan chức càng thúc đẩy quá trình “phân bổ lại” nguồn lực đất đai theo hướng tích tụ đất vào tay số ít người giàu. Đó chính là nguyên nhân của những bất bình, của không biết bao nhiêu vụ khiếu kiện, thậm chí cả những rối loạn đã xảy ra ở một số nơi” - bà Phạm Chi Lan bức xúc.

Nhiều điều đáng suy nghĩ
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), căn nguyên của tình trạng trên là do quyền của nhà nước đối với đất đai còn quá lớn, quá rộng. Hiện quyền thu hồi đất được áp dụng khá rộng rãi trong các dự án công trình công cộng, dự án xây trụ sở cơ quan nhà nước, thậm chí với cả các dự án kinh tế đáp ứng một số điều kiện. “Trong khi đó, ở nhiều nước chính quyền chỉ có quyền thu hồi đất trong trường hợp cần sử dụng cho mục đích công cộng. Trong trường hợp ấy, nhà nước cũng phải dùng tiền ngân sách để mua lại đất của dân” - ông Võ nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phân tích: “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, nhà nước có quyền quản lý, đó là thứ đặc quyền. “Ông xã”, “ông huyện”, “ông tỉnh”, “ông trung ương” có quyền quá lớn dẫn đến việc lạm dụng quyền đó một cách tràn lan và tạo ra tiêu cực. Đó cũng là điều khiến bộ máy nhà nước dễ bị tha hóa vì quyền lực của nó quá lớn trên một lĩnh vực quá quan trọng. Sở hữu toàn dân đối với đất đai, trong một số trường hợp đã hợp lý hóa sự bất công, hợp thức hóa sự tước đoạt, hợp thức hóa việc chuyển mục đích sử dụng trái phép. Đó là điều cần phải suy nghĩ!”.

Kẽ hở cho tham nhũng
Theo bà Phạm Chi Lan, điều đáng nói nữa là duy trì sở hữu toàn dân theo kiểu mù mờ như hiện nay thì ngay cả đất công cũng không được quản lý tốt, không được sử dụng hiệu quả. Biết bao diện tích đất nhà nước giao cho các cơ quan, DN nhà nước đã bị sử dụng một cách lãng phí. Nhiều đơn vị còn đem bán, cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần mức giá họ trả cho nhà nước, kiếm lời lớn trên mảnh đất vốn không phải của họ. “Nếu đã là của toàn dân thì khi khai thác những mảnh đất đó, lợi ích phải thuộc về toàn dân chứ không thể thuộc về một số ít tổ chức và cá nhân như vậy” - bà Phạm Chi Lan nói.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cũng phân tích: Có một mảng mà ta chưa quản chặt được, đó là đất nông nghiệp, đất nông lâm trường. Những loại đất này rất dễ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các loại đất khác. “Nếu không phân định rõ, không xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước thì việc chuyển mục đích sử dụng của những loại đất trên sẽ xảy ra rất nhiều. Đó chính là kẽ hở cho tham nhũng” - ông Chính nói.

HOÀNG VÂN

--------------------------------
Nhà nước có quyền mua trước
Ở nước ngoài, khi lấy đất của dân, nhà nước phải đi mua lại đất chứ không thu hồi như ở ta. Nhà nước cũng là đối tượng tham gia vào thị trường bất động sản nhưng có quyền tiên mãi, tức là quyền được mua trước. Khi người dân có mảnh đất cần bán, họ phải khai báo với cơ quan nhà nước và đưa ra mức giá cụ thể. Khi thấy giá cả hợp lý, nhà nước tiến hành mua. Nếu nhà nước không mua thì người dân mới có quyền bán cho người khác.
GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ,nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Một số vụ tham nhũng về đất đai
Vụ Vĩnh Cửu, Đồng Nai: Tám bị cáo nguyên là cán bộ tại Đồng Nai đã bị TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử vào tháng 9-2008. Trong vụ này, nguyên chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Hoàng Huynh đã lợi dụng chức quyền cấp sai 600 m2 đất cho con gái và cấp đất nhiều lần cho Nguyễn Minh Huấn, nguyên trưởng phòng tài chính huyện Vĩnh Cửu, để Huấn bán thu lợi trên 1,4 tỉ đồng. Ông Huynh còn tạo điều kiện cho nhiều cán bộ tham nhũng trên 16.000 m2 đất, phân lô bán nền, chia chác cho người thân…
Vụ Quán Nam, Hải Phòng: Chín người nguyên là cán bộ ở Hải Phòng đã bị đưa ra xét xử phúc thẩm vào tháng 5-2009. Thay vì cấp đất cho trên 350 hộ dân, những người này đã phân lô, bán nền cho gần 1.000 hộ, trong đó có nhiều cán bộ của TP Hải Phòng. Một số bị cáo và thân nhân cũng được chia 3-7 suất đất. Nhiều trường hợp đã mua đi bán lại, hưởng lợi hàng trăm triệu đồng.
Vụ Hóc Môn, TP.HCM: Tháng 8-2010, TAND TP.HCM xử vụ tham nhũng đất đai ở huyện Hóc Môn. Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khỏe đã bỏ túi số tiền phi pháp lên đến hàng tỉ đồng. Ông Khỏe đã đề nghị duyệt dự án mà DN xin thực hiện không có đủ khả năng về vốn. Hậu quả là DN này đã qua mặt cả cơ quan liên ngành TP để thực hiện một dự án lên đến hàng ngàn hecta đất mà chưa qua khâu bồi thường giải tỏa cho người dân.

---------------------------------------

PHẢI TRẢ LẠI QUYỀN TƯ HỮU ĐẤT ĐAI CỦA NGƯỜI DÂN

Đỗ Thuý Hường

Bùi Tín viết riêng cho VOA  -  Thứ Ba, 28 tháng 7 2009

Hà Đông Xuân, Trần Hiền Thảo và nhóm sinh viên  -  Tháng Chín 20, 2009

Tạ Phong Tần  -  Nov 16, '10 3:42 AM

Nguyễn Thanh Giang  -  01:01:am 15/11/10

Luật sư Nguyễn Tiến Lập  -  01:58-19/10/2010 http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=3571&CategoryID=42

Ngày 29.09.2010, 18:31 (GMT+7)


Lê Nhung  -   Cập nhật lúc 08:48, Thứ Ba, 14/09/2010 (GMT+7)

Tác giả: TBKTSG -  Bài đã được xuất bản.: 09/09/2010 06:00 GMT+7
  
Đức Tâm  -  RFI  -  Thứ năm 25 Tháng Mười Một 2010

.
.
.

No comments:

Post a Comment