Monday, March 28, 2011

NGHĨA VỤ LÀM BỒI THẨM AI ƠI! (Trịnh Thanh Thủy)

(03/28/2011)
Tôi sắp đi nghỉ hè bỗng dưng nhận được giấy gọi đi làm bồi thẩm viên, mà ngày phải trình diện chỉ trước đó hai tuần. Thật không gì phiền phức hơn, nỗi bực dọc như đá đeo ngàn cân canh cánh bên lòng. Nhân lúc trò chuyện cùng một nhóm bạn bè trên mạng, thế là tôi tuôn ra dòng tâm sự. Không ngờ bạn bè ào ào phản hồi lại rôm rả còn hơn pháo nổ ngày tết. Người này chỉ cách giả vờ không nói tiếng Anh thạo để xin miễn trừ. Người kia chỉ cách cáo bệnh với giấy bác sĩ để khỏi phải đi. Người nọ bảo, nên xin trì hoãn rồi sẽ đi sau vì ấy là nghĩa vụ. Người thú thật, “Gặp em, em cứ quăng vào thùng rác, nếu họ bắt thì nói là không nhận được. Em làm 5, 6 năm nay rồi có sao đâu, họ tưởng là em không còn ở địa chỉ đó. Máy tính nó lựa mà chị, chị không đi nó bắt người khác đi, còn biết bao người. Vả lại nếu toà án muốn bắt đi, nó phải cho cảnh sát đem trát toà tới tận nhà, nó không rảnh làm chuyện đó đâu”. Điện thư cứ bay tới bay lui rối mù cả lên.

Ngẩm nghĩ kỹ lại, trong đời sống một người công dân Hoa Kỳ, tôi thấy hình như ai cũng đã từng có lần né tránh nghĩa vụ đi làm bồi thẩm. Theo một cuộc khảo cứu lần đầu của National Center for The state Courts vào tháng tư 2007, ở Hoa Kỳ chỉ có khoảng 46 % công dân Mỹ trình diện khi bị gọi đi làm nghĩa vụ bồi thẩm đoàn. Phần còn lại thì không đi, xin miễn trừ hay bị loại trừ vì nhiều lý do như bệnh hoạn, gặp khó khăn tài chánh, sở làm không chịu trả chi phí cho việc đi làm bồi thẩm, quân nhân, cảnh sát, lính cứu hoả hay thơ đi lạc..v..v...

Ở Washington DC, tòa án cho giấy gọi những người không trình diện ra toà, bắt giải thích tại sao, lý do không hợp lý sẽ bị bỏ tù 7 ngày và phạt 300 đô. Ở quận Tulare, Cali, cảnh sát tới từng nhà người không trình diện, đưa trát ra hầu toà và bắt cắt nghĩa lý do tại sao không đi. Tổng Thống cũng bị gọi đi làm bồi thẩm như bất cứ ai khác, nhưng vì công vụ ông ta có thể được trì hoãn hay miễn trừ.

Ở Úc, số người tránh né làm nghĩa vụ này không thua Hoa Kỳ chút nào, khiến bộ trưởng tư pháp Bob Debus phải yêu cầu Ủy Ban Cải Cách Luật Pháp Úc xem xét lại các lựa chọn để gia tăng lực lượng dự trữ các bồi thẩm viên. Ông muốn giảm bớt danh sách các sự miễn trừ và xét lại đạo luật Jury Act vì bổn phận làm bồi thẩm đoàn là trách nhiệm của tất cả công dân Úc. Những người trong danh sách loại là những người không đủ tiêu chuẩn để phục vụ trong hội thẩm đoàn gồm các thành viên của lưỡng viện quốc hội, các viên chức tòa án và các luật sư. Những người có quyền để xin miễn trừ gồm giới tăng lữ, những người hành nghề chữa bệnh, các nha sĩ, dược sĩ, tù nhân và những người trên 70 tuổi..v..v..

Là công dân một nước dân chủ, người dân được hưởng và đòi hỏi các quyền hạn nhưng cũng phải thực thi những trách nhiệm. Bản chất của hành động dân chủ là sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị của cộng đồng và đất nước họ một cách tự do, chủ động và hòa bình. Tham gia vào bồi thẩm đoàn tại các tòa án dân sự, người dân sẽ dự phần vào những vấn đề quan trọng mà xã hội đang phải đối mặt. Chỉ có vậy họ mới có thể biểu quyết một cách sáng suốt.

Người Việt hải ngoại ở Hoa Kỳ thì sao? Tôi trộm nghĩ, từ khi được định cư và trở thành công dân Mỹ chắc con số người né tránh nghĩa vụ này phải là cao lắm. Không kể những đứa bé sinh ra ở Mỹ, phần lớn những người đã nhập tịch phải đối đầu với vấn đề Anh ngữ khi nghĩ đến việc đi làm bổn phận này. Không đơn giản giống như đi bầu, làm “jury duty” nó đòi hỏi người công dân không những thành thạo tiếng Anh, dồi dào kinh nghiệm sống trên đất Mỹ, mà nó còn đòi hỏi người tham dự hiểu biết không ít thì nhiều những kiến thức căn bản về luật pháp. Một công dân sinh ra tại Mỹ, lớn lên được giáo dục dưới mái trường của một quốc gia dân chủ, người này được thụ hưởng nếp sống văn hoá dùng Anh Ngữ như tiếng mẹ đẻ sẽ không gặp trở ngại khi ngồi trong một phiên toà để nghe và hiểu mọi tình huống xảy ra chung quanh mình. Một người Việt vừa nhập tịch với mớ tiếng Anh giới hạn, sẽ cảm thấy khó khăn lắm khi phải góp phần ý kiến của mình vào những bản án quyết định sự có tội hay vô tội của một bị cáo. Các sắc dân mới nhập tịch khác cũng vậy. Khi đi làm bồi thẩm viên ở Cali, tôi thấy những người xin miễn trừ với lý do không thạo Anh Ngữ thường là người Á Đông hay Mễ Tây Cơ. Nhưng ngày nay, lý do xin miễn trừ vì kém tiếng Anh rất khó được chấp nhận. Ngoài ra những lý do tránh né khác cũng bị duyệt xét gắt gao.

Tôi có một cô bạn được phỏng vấn để lựa chọn làm bồi thẩm cho một vụ án hình sự của một phụ nữ giết chồng. Cô không muốn lọt vào vụ này vì những vụ hình sự thường kéo dài, có vụ dài tới một, hai năm. Cô nói với quan tòa khi luật sư của bên bị cáo phỏng vấn để chọn Jurors, “Tôi đến từ một xứ suốt chiều dài lịch sử hầu như đều là chiến tranh, nên tôi rất ghét bạo hành, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không vô tư”. Cô yên chí là thoát. Nhưng khi ra khỏi phòng phỏng vấn cô mới hay họ bắt cô phải đi ngay đến một toà khác để nhập vào một vụ phạm luật gì đó. Thế là cô phải ngồi chầu chực chờ gọi tên. Cô than thầm “Biết vậy ở lại cho rồi, vụ hình sự còn được nghe những tình tiết éo le đỡ chán hơn” . Từ đó cô không tránh né nữa.

Trông vào cái cảnh người mình, ai cũng sợ đi làm bồi thẩm, một người bạn tôi ở Canada tỏ ra không tin tưởng mấy vào việc xử án theo hệ thống(hay chế độ) bồi thẩm đoàn. Anh cho rằng, phương thức bồi thẩm đoàn có nhiều khuyết điểm và lỗi thời.

 Theo anh, nó có nhiều yếu điêm như sau:

1) Việc xử án dựa trên phán quyết của bồi thẩm đoàn là không công bằng. Một bị cáo bị kết tội hay được tha bổng bởi mười hai bồi thẩm viên (jurors), mà những người này hoàn toàn không có kiến thức căn bản về pháp luật là một việc bất xứng giống như giao việc chuyên môn cho một người không chuyên vậy. Vì thế khi một vị quan toà trong diễn trình chọn, giải thích và hướng dẫn bồi thẩm đoàn, khó có thể thực hiện được toàn hảo vì những người bồi thẩm không chuyên môn. Họ lớn lên trong những môi trường khác nhau và có những lý lịch, kiến thức, quan niệm sống hoàn toàn khác nhau. Cái nhìn của các bồi thẩm viên lại không đồng nhất nên trong việc nghị án, chính họ thường phải đấu trí để thuyết phục lẫn nhau, nếu không sẽ bị bế tắc. Kết luận của bồi thẩm đoàn phải là đồng thanh thỏa thuận (100% phải đồng ý, unanimous verdict), nếu có một người trong 12 người nhất định không theo kết luận của đa số cũng không được. Quan tòa sẽ (phải, buộc) tuyên bố vụ án vô kết quả, người bị kiện có thể ra về.

2) Khi có các vụ án gay go tạo nên nhiều tranh luận trong dân chúng, thì các viên chức tư pháp liên hệ có thể “trốn tránh trách nhiệm” bằng cách dàn xếp thoả thuận với nhau về một nhóm bồi thẩm đoàn nào đó mà cách xét xử của họ ta có thể đoán trước được. Giống như trong vụ án O.J. Simpson để tránh phiền toái gây náo loạn, người ta dàn xếp cho 9 trong số 12 bồi thẩm là phụ nữ da đen, số còn lại là một Latino và hai da trắng. Và như vậy khỏi cần xử, ta cũng có thể đoán biết kết quả. Tôi thấy các bồi thẩm viên này bất xứng.

3) Ở Canada, trong “Hiến Chương nhân quyền” người dân có quyền chọn xử bench trial (chỉ có một vị quan toà, công tố và luật sư) hay jury trial(với bồi thẩm đoàn). Trong các vụ hình sự, nếu bị cáo bị buộc tội phải tù ở 5 năm trở lên có quyền chọn hệ thống bồi thẩm đoàn. Ở Mỹ tất cả các vụ án hình sự bị quy tội ở tù từ 6 tháng trở lên có thể đòi hỏi sự tham dự của bồi thẩm đoàn. Việc triệu tập các bồi thẩm và đợi các ý kiến của họ để tuyên án làm mất thì giờ và hay bị trì trệ.(đôi khi họ mắc bệnh giữa chừng, phải có người dự khuyết thay thế)

4) Anh, Mỹ và Canada là các quốc gia áp dụng hệ thống Common Law tức Thông Luật hay Luật Tục, đặt căn bản trên án lệ, tiền lệ hay các tập quán, tập tục. Trong khi Civil Law( Luật dân sự hay dân luật) được áp dụng ở Âu châu là hệ thống dựa trên những bộ luật mà trong đó đề ra các nguyên tắc chính để hướng dẫn chung về luật. Khác biệt chủ yếu thường được đưa ra giữa hai hệ thống này là ở chỗ Thông Luật đề ra các quy tắc trừu tượng từ các vụ việc cụ thể, trong khi dân luật bắt đầu từ các quy tắc trừu tượng để sau đó các quan tòa hay trọng tài phải áp dụng các quy tắc đó cho các vụ việc cụ thể.
Khi các bồi thẩm đoàn ở Mỹ phải xét xử dựa theo Thông Luật thường gặp khó khăn vì hệ thống này rất coi trọng các nguyên tắc tiền lệ mà các nguyên tắc này rất khó áp dụng.

Anh bạn tôi đưa ra một câu hỏi “Nếu bạn phạm tội, bạn sẽ yên lòng khi giao số mạng mình cho một vị quan toà thạo luật định đoạt hay cho 12 người bồi thẩm viên không chuyên?”. Anh thêm, nếu là 3 vị quan toà thì hay hơn vì sẽ công bằng và nhất quán hơn.

Ý kiến của anh bạn sống ở Canada, bị ý kiến của những người ở Mỹ, từng đi làm nghĩa vụ bồi thẩm phản kháng và tôi ghi nhận được trong cuộc tranh luận như sau:

1) Bạn ở đâu sẽ bị chi phối với hệ thống luật pháp xứ đó. Phương pháp dùng bồi thẩm đoàn để xử kiện được hình thành và áp dụng ở Mỹ, Anh, Úc, Canada và một vài xứ khác. Hệ thống này tồn tại từ xưa đến nay và luật pháp Mỹ chưa bao giờ đặt vấn đề bỏ jury duty.
Chuyện dân Mỹ bị gọi đi làm nghĩa vụ bồi thẩm thì la làng hay tìm cách trốn lánh chỉ vì họ bị đảo lộn trật tự cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên khi đi trình diện thì họ làm đến nơi đến chốn vì trình độ dân trí và ý thức về trách nhiệm của họ cao. Kiến thức về luật pháp của họ rất khá không phải họ không biết gì về luật pháp đâu. Trình độ học vấn thông thường một công dân Mỹ là xong bậc Trung Học. Ở học đường họ được giáo dục về những điều căn bản của luật pháp. Đời sống thường nhật của họ cũng phải đối đầu với toà án rất thường. Từ những vi phạm về giao thông phải ra toà, hoặc các vụ ly dị gia đình, các kiện tụng cá nhân vặt vãnh nho nhỏ đến các vụ làm ăn va chạm phải mang nhau ra cửa công, người Mỹ còn được dự kiến những phiên toà được xử trên Ti Vi như những phương cách giáo dục luật pháp công cộng. Do đó nếu bảo họ không biết gì là sai. Họ không được chuyên nghiệp thì điều đó đúng. Vì vậy vai trò của người chánh án là giải thích, điều khiển, và điều hành phần thủ tục pháp lý trong phiên tòa. Tỷ như nhân chứng nào được ra làm chứng, luật sư có quyền hỏi những câu gì, và không được hỏi những gì. Nhiều vị quan toà đã tỏ ra rất lịch sự và khích lệ tinh thần mọi người bằng những câu chuyện đại khái như “Có một quyển sách viết về hệ thống luật pháp kể rằng: Các quan toà, cảnh sát, luật sư, công tố viên làm quá lâu trong phòng xử, ngày nào cũng như ngày ấy, nói, thấy, làm cùng một việc, họ trở nên chán ngấy. Bồi thẩm đoàn là những người ở khắp nơi, đến từ mọi tầng lớp xã hội giúp họ thấy được sự khác biệt, mang sự tươi mát đến cho họ. Đó là lý do tại sao jurors được mời vào phòng xử, hy vọng các jurors có thể dùng sự thông minh hiểu biết giúp cho họ giải quyết những vấn đề bị bế tắc”. Những lời khôn khéo nâng cao giá trị con người này, ai nghe mà không cảm thấy mình quan trọng hẳn lên chứ.
Khi người juror đã chấp nhận công tác bồi thẩm, thì đến phiên luật sư 2 bên thẩm vấn bồi thẩm để bảo đảm tính trung thực & vô tư. Họ thường đặt những câu hỏi rất khéo léo và chọn những người biết suy nghĩ, chứ không phải những người có thiên kiến. Luật sư có quyền không chấp nhận một người nếu cảm thấy họ không khách quan và có thể bất lợi cho phe của mình. Hai bên thay nhau thẩm vấn, cho đến khi nào cùng thống nhất về một bồi thẩm đoàn. Họ còn có bổn phận phải trình bày sao cho bồi thẩm đoàn hiểu về vụ kiện của mình, bao gồm cả việc "dạy" họ về những khái niệm chuyên môn. Thông thường tòa tiểu bang có 6 người, và tòa liên bang có 12 người. Vai trò của bồi thẩm đoàn là nghe, phân tích & đánh giá về vấn đề trung tâm của vụ án.

2) Nói đến việc kinh nghiệm và kiến thức của 12 bồi thẩm viên khác nhau khó cho một quyết định đồng nhất. Nó có thể là yếu điểm nhưng lại là ưu điểm của họ. Vì thế tinh thần dân chủ của một nước tự do mới được thực thi. Nó còn tập cho bồi thẩm đoàn tinh thần đồng đội và trách nhiệm mà lúc nào người Mỹ cũng áp dụng trong công sở hay học đường. Mười hai công dân, đại diện cho 12 ý kiến đến từ các tầng lớp xã hội, các trình độ giáo dục cao thấp riêng rẽ, có màu sắc khác biệt của từng sắc tộc, đó mới chính là cái hay của hệ thống bồi thẩm đoàn. Nếu chỉ có một vị quan toà biết luật có quyền phán quyết, dễ dẫn tới sự chuyên quyền. Quyết định của một người không bằng quyết định của nhiều người. Nếu bạn giao sinh mạng của mình vào tay những người này đôi khi bạn còn được xử theo tình cảm chứ nếu bạn để cho một hay ba vị quan toà chuyên nghiệp rành rẽ luật pháp xử, bạn có nhiều cơ hội bị xử thẳng tay. Xui hơn nữa, bạn gặp phải những quan tòa thích áp dụng luật lệ một cách gay gắt, nặng đầu óc kỳ thị giới tính, sắc tộc hay có mầm mống lạm quyền hoặc tham nhũng, bản án sẽ không còn ở mực độ công minh.
Cái hay trong cách xử này của Mỹ nghiêm về "lý" nhưng lại bị "tình" quyết định. Có những vụ án về lý sai hoàn toàn nhưng lại hợp tình. Nếu là Thẩm Phán những người am hiểu về pháp luật, họ sẽ xử nặng về lý hơn và phán có tội, nhưng nếu là Bồi Thẩm viên họ không chuyên về pháp luật, thấy sai về lý nhưng hợp tình họ có thể phán vô tội. Do đó Bồi Thẩm đoàn thể hiện bản chất "nhân đạo" trong hệ thống luật pháp của Mỹ. Còn việc diễn tiến vụ án bị trì trệ hay chậm chạp vì bồi thẩm đoàn thì thà chậm còn hơn xử gấp gáp rồi bị cáo bị xử oan.
Thực ra không có hệ thống luật pháp nào toàn hảo nhưng thà có những bồi thẩm đoàn bất xứng còn hơn các vị quan toà bất xứng.

Cuối cùng những người bạn tôi kết luận, nếu bạn không thích đi làm nghĩa vụ bồi thẩm thì khi người thân bạn hay bạn bè bạn hay chính bản thân bạn khi có việc xảy ra phải đứng trước vành móng ngựa sẽ thấy hiệu quả của việc này. Nghĩa là những bồi thẩm viên xử bạn ngồi ở phiên toà có đủ mọi sắc dân, đủ mọi trình độ mà không có người nào đại diện cho sắc dân của bạn. Sự kỳ thị nếu có, thì bạn ráng chịu, hay người thân, bạn bè bạn ráng chịu bởi không có ai gióng lên tiếng chuông, nói lên tiếng nói bảo vệ, thông cảm cho hành vi phạm tội của bạn nếu bạn bị oan.

Trịnh Thanh Thủy
.
.
.

No comments:

Post a Comment