Tuesday, March 1, 2011

NGÀNH NUÔI CÁ TRA VIỆT NAM HỦY HOẠI MÔI TRƯỜNG THIÊN NHIÊN


Mỹ Lan chuyển ngữ
Thứ Ba, 01/03/2011

Công nghiệp nuôi cá tra ở Việt Nam đe dọa vệ sinh môi trường

Hàng loạt các cơ sở nuôi cá tra ở Việt nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường của cả Việt Nam lẫn quốc tế. Các trại nuôi cá tra thải nước bẩn bị ô nhiễm phốt-pho, nitơ, dư lượng thuốc và hóa chất từ hồ nuôi cá trực tiếp vào sông Mê kông.

Công ty IDI (Công ty đầu tư và phát triển quốc tế) với 1600 nhân viên là một trong những nhà sản xuất cá tra lớn nhất ở Việt nam. Công ty sở hữu các hồ nuôi cá tra trải rộng trên 600,000 m2, tương đương với khoảng 100 sân bóng đá. Các hồ cá này nằm ngay sát sông Mê Kông.

Ngành công nghiệp cá tra hàng năm bơm khoảng 10 triệu m3 nước ra / vào các hồ cá từ sông Mê Kông, và chất thải của cá tra đạt tới một triệu tấn mỗi năm, do đó đây sẽ là vấn đề môi trường nghiêm trọng nếu lượng chất thải này được đổ thẳng ra sông. Giám đốc IDI – ông Trung Vinh Tran cho biết đấy là những nguy cơ tiềm tàng nhưng đồng thời cũng là những vấn đề đang được họ xử lý. Ở các hồ cá của công ty IDI, nước thải được làm sạch ở những hồ xử lý nước thải đặc biệt trước khi được đưa trở lại sông Mê kông.

Giám đốc công ty IDI, ông Trung Vinh Tran, đảm bảo rằng tất cả nước thải đều được đưa qua cái gọi là ”hồ xử lý nước thải”, nhưng khi 2 phóng viên của tạp chí phát thanh Thụy Điển Ekot tới thăm các hồ nuôi cá của IDI, họ phát hiện thấy nước bẩn được đưa thẳng ra sông Mê Kông.

René Benguerel, nhà tư vấn môi trường từ công ty Blueyou có cùng một nhận định như vậy khi René làm nghiên cứu cho Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) về tác động của việc nuôi cá tra với môi trường xung quanh sông Mê kông. Tháng 11 năm 2010 quỹ Bảo tồn Thiên nhiên đã đặt cá tra vào danh sách đỏ của họ trong mục cá mà người tiêu dùng không nên mua vì sản xuất không bền vững:
- Việc nuôi cá tra gây ra ô nhiễm nguồn nước bởi các chất thải từ các trại nuôi cá. Chất thải này bao gồm cả thức ăn cho cá, thuốc và các chất kích thích. Ngoài ra, các trang trại nuôi cá ở Việt Nam không được kiểm soát chặt chẽ, và thức ăn cho cá mà họ sử dụng, không nhất thiết phải đến từ nguồn cá bền vững, thì đó chính là vấn đề, Christoph Mathiesen từ Quỹ Bảo tồn thiên nhiên nói với chương trình P1.

Võ Tòng An là trưởng khoa Nông nghiệp và Tài nguyên tại Đại học An Giang, nằm trong khu vực Me Kông. Ông lo lắng về sự tác động tới môi trường của việc phát triển nhanh chóng tổng số hồ nuôi cá tra. Nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm, gây ngứa cho những người tắm ở sông Mê Kông. Nó sẽ là một thảm họa nếu cứ tiếp tục như hiện nay. Nông dân sẽ không thể chịu đựng được nếu cá tra tiếp tục được nuôi nhiều như vậy trong tương lai, ông Võ Tòng An cho biết.

Trong một hồ có kích thước của một sân bóng đá hiện đại, thường xuyên có hơn 300.000 cá loại 1 kg. Vào năm 2004 chỉ có trung bình 20 con / mét vuông trong các hồ nuôi cá ở Việt Nam. Hiện nay con số đó trung bình là 53. Ở một số nơi, các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Việt Nam đã quan sát thấy có tới 100 con / mét vuông.

Nuôi cá dày đặc như vậy khiến nguy cơ cá bị bệnh rất cao. Một báo cáo khoa học từ Việt nam chỉ ra người nuôi cá sử dụng tới 39 hóa chất khác nhau và các loại thuốc để giữ cho nước trong hồ không có bệnh. Nhưng sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh lại làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc.

Flavio Corsin, nhân viên của tổ chức Icafis (Trung tâm hợp tác quốc tề về nuôi trồng thủy sản bền vững), là cộng tác viên của nhiều nhà sản xuất Việt nam. Flavio cho rằng thị trường phương Tây gây áp lực để mua được cá rẻ đã làm cho người Việt tăng số lượng cá nuôi trong mỗi hồ lên, nhưng sự tăng trưởng này là hoàn toàn sai hướng, Flavio cho hay.

Flavio Corsin cho rằng nếu không thay đổi cách nuôi cá sẽ dẫn tới bệnh tật, chẳng hạn một loại virus có thể sẽ phá hủy toàn bộ ngành công nghiệp.

Một vấn đề nữa đối với việc nuôi cá với mật độ dày đặc là nó gây tác động tới việc mất dần nguồn cá ở các vùng nước xung quanh sông Mê Kông. Một nghiên cứu cho thấy có tới 16% dầu cá và bột cá trong thức ăn cho cá. Điều này nghe có vẻ không nhiều, nhưng tương đương với hơn 350 ngàn tấn bột cá và dầu cá được dùng để nuôi cá tra ở Việt Nam. Để làm ra 1 kg bột cá, phải dùng tới ít nhất 4 kg cá. Tổng cộng sẽ là 1,4 triệu tấn cá. Con số này lớn hơn sản lượng cá tra. Để nuôi cá tra, phải dùng một lượng cá nhiều hơn là sản lượng mà người ta đạt được.

Khi Quỹ bảo tồn thiên nhiên vào mùa thu năm 2010 đặt cá tra vào danh sách đỏ, người nuôi cá tra Việt nam và chính phủ Việt nam đã phản ứng dữ dội. Họ đòi phải đưa cá tra ra khỏi danh sách bởi nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu. Chính phủ Việt nam đồng thời cố gắng đặt nghi vấn với nghiên cứu này. Nhưng WWF quả quyết rằng nghiên cứu của họ là đúng và việc nuôi cá về tổng thể hủy hoại môi trường xung quanh dòng Mê Kông.

Sau 2 tháng nằm trong danh sách, WWF và Việt nam đi đền một thỏa thuận là cá tra sẽ được đưa ra khỏi danh sách đỏ. Thay vào đó, nó được liệt vào mục ”da cam” hay ”chờ kiểm định”. Một mục hoàn toàn mới mà WWF tạo ra khi đàm phán với Việt Nam.

Việt nam hứa rằng, trong tương lai các trại nuôi cá sẽ đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn về môi trường và sẽ được kiểm định theo một tiêu chuẩn mới được gọi là Ủy ban Quản lý nuôi trồng thủy sản. Một nửa số người nuôi cá tra sẽ được kiểm định vào năm 2015.

Hiện nay, một số người nuôi cá tra đã được kiểm định theo tiêu chuẩn Tập quán Canh tác Nông nghiệp Toàn cầu (Global Good Agricultural Practices).  

No comments:

Post a Comment