Wednesday, March 2, 2011

NGA CHUẨN BỊ ĐỐI ĐẦU VỚI TRUNG QUỐC (Thomas Grove, Reuters)

Thomas Grove (Reuters, 01/03/2011)

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 02 tháng 3 năm 2011

Moskva - Nga đang thể hiện cơ bắp của mình bằng cách đưa đến vùng Viễn Đông tàu chiến và tên lửa trong nỗ lực nhằm bảo vệ vị trí cường quốc châu Á của mình nhằm đối đầu với sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.

Sự ngóc đầu dậy của Trung Quốc đã buộc các nhà lãnh đạo Nga phải hướng mắt về phương Đông và đánh giá lại các kế hoạch quân sự thời Xô Viết, chủ yếu nhắm vào cuộc chiến trên bộ ở châu Âu hoặc là cơn ác mộng chiến tranh nguyên tử với Mĩ.

Mới nhìn thì Nga, nước sản xuất nhiên liệu lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, dường như là một cặp đôi lí tưởng. Nhưng tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc buộc người ta phải đặt câu hỏi: Làm sao Moskva có thể vừa cung cấp cho con rồng Trung Hoa dầu và khí đốt trong khi vẫn cạnh tranh với lực lượng quân sự đang gia tăng của nó?

Việc Nga tìm cách thể hiện cơ bắp ở vùng Viễn Đông – khu vực đầy những cuộc tranh chấp về lãnh thổ và nằm trong tầm mắt của hai nước có chi phí quân sự lớn nhất thế giới là Mĩ và Trung Quốc – là câu trả lời tốt nhất, tuy không phải là lí tưởng nhất, đối với câu hỏi vừa nêu.

“Nga vẫn là một nước châu Á-Thái Bình Dương”, Pavel Baev từ Viện nghiên cứu các vấn đề hòa bình ở Oslo nói như thế. “Các kế hoạch của Moskva rõ ràng là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Nga có thái độ nghiêm túc đối với khu vực này”.

Thủ tướng Vladimir Putin, lãnh tụ tối cao của Nga, hứa chi 651 tỉ dollar cho lĩnh vực quốc phòng trong mười năm tới, mỗi năm trung bình 65 tỉ. Năm ngoái nước này đã chi tới 61 tỉ.

Năm ngoái chi phí quốc phòng của Mĩ là 530 tỉ dollar, trong khi Trung Quốc, nước có kinh phí quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, nói rằng đã mua gần 78 tỉ dollar vũ khí, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng con số thực có thể còn cao hơn.

Trước hết người ta sẽ đưa sang phía Đông hai chiếc hàng không mẫu hạm Mistral, chuyên làm nhiệm vụ chở máy bay trực thăng, mà Nga đã đồng ý mua của Pháp vào năm ngoái và được chờ đợi là sẽ đến Nga vào cuối năm 2013. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, có khả năng bắn hạ cả máy bay lẫn tên lửa, cũng sẽ được đặt ở Viễn Đông.

Tháng trước ông Nikolai Pankov, thứ trưởng bộ quốc phòng, trong bài trả lời phỏng vấn đài phát thanh Ekho Moskvy, đã nói rằng quân đội “ưu tiên chú ý” đến vùng Viễn Đông.

Hiệp định mới về tài giảm vũ khí nguyên tử vừa kí giữa Nga và Mĩ khẳng định thêm những lới tuyên bố của cả hai bên rằng chiến tranh giữa Moskva và phương Tây là không thể tưởng tượng được và tạo điều kiện cho Điện Cẩm Linh đưa thêm các nguồn lực sang phía Đông.

Bảo vệ nguồn nhiên liệu

Tháng trước tổng thống Dmitry Medvedev hứa là sẽ triển khai vũ khí trên một nhóm các hòn đảo nhỏ đang tranh chấp với Nhật. Medvedev đã đến thăm những hòn đảo này vào tháng 11, sau đó là các quan chức cao cấp, trong đó có bộ trưởng quốc phòng Anatoly Serdyukov, cũng đến thăm khu vực này.

Trong khi khẳng định chủ quyền đối với những hòn đảo đã bị quân đội Liên Xô chiếm đóng trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Thế giới II, Nga đã sử dụng lí do này để tăng cường lực lượng quân sự cỉa mình ở phía Đông. Nhưng một số người cho rằng câu chuyện đối đầu với Nhật chỉ là trò bịp mà thôi.

“Tôi nghĩ rằng không phải vô tình mà người ta lại chọn khu vực đó, đấy là khu vực Nga có thể đứng chân mà không tạo ra bất kì nguy cơ lớn nào, thí dụ như làm Trung Quốc bực mình chẳng hạn”, Baev nói.

Hồi giữa thế kỉ XIX Nga đã lấy của Trung Quốc – bằng cách vừa đánh vừa đàm – một khu vực lãnh thổ rộng lớn rất giàu tài nguyên ở miền Đông Siberia.

Một phần khá lớn chính sách của Moskva đối với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất với khối lượng buôn bán hai chiều khỏang 9,5 tỉ dollar – được hình thành dưới ảnh hưởng của nỗi lo sợ rằng Bắc Kinh muốn thu hồi vùng đấy thưa thớt dân cư đó để hoặc là lấy chỗ cho dân của mình đến ở hoặc là khai thác nguyên và nhiên liệu của vùng này.

Năm 2008 Moskva đã nhường cho Bắc Kinh 174 KM2 trên khu vực biên giới dọc theo sông Ussuri và sông Amur, nơi hai nước đã từng đánh nhau làm gần 60 người thiệt mạng vào năm 1969.

“Họ vẫn sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ chiếm Siberia vì những nguồn tài nguyên ở đó”, Dmitry Gorenburg, một chuyên viên phân tích cao cấp chuyên về lĩnh vực quân sự và lĩnh vực công thuộc trung tâm phân tích CAN (think tank CAN) nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước như thế.

“Vì theo quan điểm của Nga thì đây là khu vực dân cư quá thưa thớt, quá xa trung tâm, rất khó phòng vệ”, ông nói.

Trung Quốc đã làm các nước láng giềng lo ngại vì những yêu sách về chủ quyền đối với một số hòn đảo nhỏ không người ở mà Nhật cũng coi là của mình.

Nga không bao giờ muốn xung đột với Trung Quốc, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Moskva muốn chắc chắn rằng những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc sẽ không phá vỡ sự cân bằng quyền lực tế nhị hiện nay ở Viễn Đông.

Năm nay Nga và Trung Quốc đã đưa vào vận hành nhánh đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương, dự kiến trong vòng 20 năm mỗi ngày sẽ đưa 300.000 thùng dầu tới Trung  Quốc.

Kế hoạch củng cố lực lượng hải quân của Nga ở vùng này là nhằm giữ cho nước này vị trí nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới bằng cách bảo vệ các mỏ dầu và khí đốt trên thềm lục địa Sakhalin, nơi mà thỏa thuận ăn chia với công ty Exxon sẽ giúp bù được sự sụt giảm sản lượng khai thác ở miền Tây Siberia.

Trung Quốc là bạn hàng vũ khí lớn của Nga, nhưng trong năm nay, trong trường hợp tốt nhất thì đơn hàng cũng chỉ giữ ở mức như năm ngoái mà thôi. Phần lớn là do nền công nghiệp quốc phòng trong nước đã phát triển, nhưng các nhà phân tích lại cho rằng Trung Quốc đạt thành tựu như thế là do đã sao chép công nghệ cuả Nga.

Các nhà phân tích cũng nói rằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc, mà Bắc Kinh đem ra khoe trong chuyến viếng thăm gần đây của bộ trưởng quốc phòng Mĩ, ông Robert Gates, chỉ là bản sao với một ít thay đổi theo mẫu thiết kế của Nga mà thôi.

.
.
.

No comments:

Post a Comment