Tuesday, March 1, 2011

MỘT VÀI BÌNH LUẬN về bài "A TALE OF FOUR PLAYERS" (Phong Uyên)

Phong Uyên
Đăng ngày 01/03/2011 lúc 17:00:29 EST

Một vài bình luận về bài
"A Tale of Four Players" của Alexander L. Vuving

Phong Uyên

"A Tale of Four Players" (câu chuyện bốn người chơi bài) là tên 1 bài tiểu luận khá dài về hiện trạng chính trị Việt Nam của giáo sư Alexander L. Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình dương (Asia-Pacific Center for Security Studies). Bài này được Đan Thanh chuyển ngữ trên Viet-studies và được đăng lại trên nhiều mạng hải ngoại với đầu đề "Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam". Theo Vuving, từ sau chiến tranh lạnh nảy sinh ra 2 phái là phái Đổi mới (Modernizers) và phái Kiếm lợi (rent-seekers). Trên bàn cờ chính trị Việt Nam hiện nay có 4 tay chơi là phái Bảo thủ chế độ (Regime Conservatives), phái Đổi mới, phái Kiếm lợi và Trung Quốc. Tôi xin đưa ra một vài bình luận về cách phân loại này.
Trước hết tôi xin nói qua về thân thế Giáo sư Vuving:
Alexander L. Vuving là người gốc Việt thuộc thế hệ trưởng thành sau 75. "L. Vuving" có lẽ là tên Mỹ phiên âm từ tên Việt "Lâm" và họ "Vũ Vinh". Có chỗ để nguyên tên tự "Vũ Hồng Lâm".

Ông Vuving bắt đầu theo bậc đại học ở trường Đại học Kỹ thuật Budapest (Budapest University of Technology) ở Hungary rồi qua Đức lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Johann Gutenberg University. Sau một thời gian làm nghiên cứu ở Konrad Adenauer Foundation, German National academic Foundation, ông qua Mỹ học hậu đại học và giảng dạy ở nhiều đại học danh tiếng như Cornell University, Harvard, và làm Associate professor khoa Chính trị học ở nhiều Đại học như Tulane University Mỹ, Nanyang technological University Singapore, và hiện nay là giáo sư ở TT Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái bình dương (Honolulu).

Ông cũng là tác giả nhiều bài nghiên cứu về quan hệ Quốc tế, an ninh quốc tế, Trung Quốc và thế giới v.v... Về Việt Nam, ông viết khá nhiều bài, nhất là những bài nói về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và trả lời phỏng vấn nhiều đài quốc tế như đài VOA về chuyến công du qua Mỹ của chủ tịch Nguyễn Minh Triết và đặc biệt là trả lời phỏng vấn BBC Việt ngữ "Việt Nam phải làm gì để tự vệ" với giọng Hà Nội thuần tuý. Ông cũng viết nhiều bài bình luận văn chương, lịch sử Việt Nam như bài "Bình Ngô đại cáo"...

Riêng về bài tiểu luận "A Tale of 4 Players", người đọc đều công nhận ông rất am tường tiếng Việt, biết rất nhiều về những nhân vật cầm đầu Đảng và chính phủ Cộng sản Việt Nam từ trước tới nay. Và khi trình bày những quan điểm của mình, ông đưa ra nhiều chứng dẫn, nhiều tư liệu tiếng Việt và rất cập nhật những sự kiện đang xảy ra trong xã hội được tường thuật trên báo chí trong nước.
Ở điểm này ông hơn hẳn các nhà bình luận chính trị Tây phương. Nhưng chắc vì ông thiếu kinh nghiệm sống ở Việt Nam, nên những người từng trải về Việt Nam đọc ông có cảm tưởng là những quan điểm của ông quá từ chương và cách ông phân loại 4 thành phần trong "cuộc chơi" chính trị ở Việt Nam, quá lí thuyết, quá hàn lâm, trở thành giả tạo. Tôi xin nêu ra dưới đây những sai lầm chính trong bài tiểu luận của ông Vuving:
1. Trung tâm quyền lực chính trị (The government as the central locus of politics):

Ông Vuving không thấy là trong mọi chế độ cộng sản, nơi tập trung quyền lực chính trị không phải là chính phủ mà là bộ chính trị đảng Cộng sản. Nhưng khác với Trung Quốc, nơi mà bộ Chính trị hoàn toàn dưới sự chi phối của Chủ tịch nước cũng là Tổng bí thư Đảng, ở Việt Nam bộ chính trị không phải là nơi tập trung quyền hành mà là nơi các phe phái chia nhau quyền hành. Chính phủ chỉ là một cơ quan của Bộ Chính Trị.

2. Phái những người đổi mới (Modernizers):

Ông Vuving phân tích từ sau chiến tranh lạnh, với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự ra đời của toàn cầu hoá nảy sinh trong lòng ĐCSVN và ngoài xã hội một tập hợp (bloc) gồm những người muốn đổi mới chế độ và coi lợi ích của toàn dân cũng là lợi ích của Đảng mà điển hình là ông Võ Văn Kiệt. Phái Đổi mới này được sự hỗ trợ của xã hội dân sự mới chớm nở, chống lại phái những người Bảo thủ chế độ (Regime conservatives) vẫn muốn khép kín Đảng để tiếp tục đặt sự tồn tại của chế độ và lợi ich của Đảng trên hết (Party first policy). Điển hình những người bảo thủ này là cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Tôi xin phản biện:

Khác với các đảng Cộng sản trên thế giới, ĐCSVN từ khi mới được thành lập và bị Staline đổi tên là Đông Dương Cộng sản đảng đã là "Một đảng 2 phái". Ông Hồ, người được coi là lãnh tụ duy nhất của ĐCSVN, luôn luôn chỉ là người lựa chiều đứng giữa 2 phái và nhiều khi bị trở thành bung xung của cả 2 phái. Ông Võ văn Kiệt gọi 2 phái này là xu hướng tả khuynhxu hướng hữu khuynh. Hai phái này tùy từng giai đoạn thay nhau nắm quyền, không khác nhau về hệ tư tưởng mà về đường lối: Đối ngoại, phái tả khuynh thân Trung Quốc, phái hữu khuynh thân Nga. Đối nội, phái tả khuynh giáo điều hơn, ít cởi mở hơn phái hữu khuynh. Năm 1986, kinh tế gần bị phá sản, Đảng bị bắt buộc phải bỏ chế độ bao cấp để cho người dân có chút tự do sinh sống gọi là Đổi Mới, Đảng vẫn giữ phần kinh tế lớn nhất: kinh tế quốc doanh và kinh tế tập đoàn. Để chia đều nhau những lợi lộc đến từ nền kinh tế này, 2 phái trong Đảng đã tự tạo ra cơ chế "Một đảng 2 đầu": đầu "đảng lãnh đạo" là đầu của phái bảo thủ và đầu nhà nước quản lí là đầu của phái đổi mới. Thủ lãnh phái bảo thủ là Tổng Bí thư đảng, người Bắc. Thủ lãnh phái đổi mới là thủ tướng chính phủ, người Nam. Mỗi phái nắm 1 hệ thống: Phái bảo thủ nắm hệ thống Bí thư đi từ Tổng bí thư Đảng đến bí thư phường xã và trong quân đội là chính ủy. Phái đổi mới nắm hệ thống Chủ tịch đi từ Thủ tướng chính phủ tới chủ tịch phường xã. Hai hệ thống đi song song nhau trong mọi ngành nghề, trong mọi đơn vị hành chánh cũng như trong quân đội. Lực lượng 2 phái cân bằng nhau nên dù có đấu đá ngầm nhau rút cục cũng sẽ đi đến thoả hiệp theo kiểu các hội đồng kỳ hào làng xóm Việt Nam từ xưa đến nay để tiếp tục chia nhau - 1 bên có chức 1 bên có quyền - mọi đặc quyền đặc lợi về mua bán đất đai, xuất nhập khẩu, liên doanh, đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài v.v. Tuy phái Lãnh đạo chỉ là ký sinh trùng ăn bám vào công quỹ quốc gia và là đầu mối của mọi tham nhũng, nhưng nếu phá bỏ nó thì phải thay đổi chế độ và sẽ gặp phải sự chống đối của Trung Quốc. Nói tóm lại, cả 2 phái đều chỉ lo giữ ổn định trong Đảng , đều "bảo thủ chế độ" như nhau, đều chỉ lo cho sự tồn tại của Đảng, đều sợ Trung Quốc nên đều đồng lòng ngăn cấm mọi sinh hoạt chính trị ngoài Đảng và mọi hoạt động của Xã hội dân sự có thể đe dọa sự sinh tồn của Đảng. Chứng cớ là người được coi là thủ lãnh phái đổi mới, kế nghiệp những nhân vật "đổi mới" Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, cũng là người bức tử IDS. Khó mà không thấy là cả 2 phái bảo thủ và đổi mới chỉ là biến thái của 2 xu hướng tả khuynh và hữu khuynh, ra đời từ khi đảng Cộng Sản Đông Dương mới được thành lập năm 1930.

3. Phái những người kiếm lợi (Rent-seekers):

Theo ông Vuving, phái này nảy sinh ra từ khi có sự trộn lẫn (mixture) cộng sản với tư bản, nghĩa là từ khi Đổi Mới. Phái này gồm những người trong và ngoài Đảng chỉ có mục đích duy nhất là kiếm được tối đa lợi nhuận và tìm cơ hội len lỏi vào mọi cơ cấu chính trị để dựa vào quyền lực chính trị kiếm lợi nhuận. Ông Vuving có vẻ cho là phái này sẽ lớn mạnh như giới tư bản tài phiệt Tây phương thế kỷ thứ XVIII-XIX, dùng tiền tài lũng đoạn các đảng phái cầm quyền, lái đường lối chính trị theo chiều hướng có thể đem lại lợi nhuận tối đa cho mình. Cũng theo ông Vuving phái "Kiếm lợi" tuy sinh ra từ kinh tế tư bản nhưng thường liên kết với phái Bảo thủ để kìm hãm mọi cải cách đến từ phe Đổi mới vì biết là nếu có cởi mở chính trị sẽ không còn cơ hội dựa vào độc quyền chính trị của Đảng để tiếp tục kiếm tiền.

Tôi xin phản biện:

Mọi quyền hành đều nằm trong tay Đảng và được 2 phái bảo thủ và đổi mới chia nhau đồng đều. Muốn có lợi phải có chức, phải có quyền nên các quan chức của Đảng cũng là các "Rent-seekers". Không có lí do gì các Rent-seekers trong mỗi phái tự tách ra khỏi Đảng, hợp thành 1 khối độc lập để chống lại Đảng hay chống lại một trong 2 phái của Đảng, nghĩa là để tự giết mình. Ngay ở Trung Quốc hiện nay, những tỷ phú cũng vẫn là người của đảng Cộng sản hay cũng vẫn chỉ là những "prête-nom", những "yakuza" của các ông trùm mafia trong Đảng. Nói tóm lại: Ở những nước Dân chủ-Tư bản đa đảng có tiền là mua được công luận và từ đấy có thể có ảnh hưởng chính trị. Ở những nước Cộng sản-Tư bản độc đảng, phải có quyền, có chức phận mới có thể tham nhũng để làm ra tiền bạc và lợi nhuận.

4. Trung Quốc:

Ông Vuving có lí do để coi Trung Quốc là 1 trong 4 tay chơi luôn luôn có mặt trong mọi ván bài chính trị Việt Nam mặc dù Trung Quốc là kẻ thù muôn đời của dân tộc Việt Nam, luôn luôn bộc lộ tham vọng muốn Việt Nam phải nằm trong vòng cương toả của mình. Những con bài của Trung Quốc hiện thời là: Dùng sức mạnh quân sự lấn đất chiếm đảo độc quyền kiểm soát Biển Đông phong toả tàu thuyền Việt Nam. Dùng sức mạnh kinh tế tiền tài nhân sự lũng đoạn kinh tế Việt Nam, cướp đoạt tài nguyên, phá hoại môi trường, chiếm sân sau của Việt Nam là Lào và Campuchia. Nhưng con bài chắc ăn nhất của Trung Quốc là tận dụng phe Bảo thủ từ trước tới nay vẫn phải dựa vào Trung Quốc để tồn tại.

Tôi xin phản biện :

Ông Vuving tuyệt nhiên không nói gì đến vai trò của Mỹ. Không có sự hiện diện của Mỹ, dù chỉ ẩn hình, thì kinh tế Việt Nam đã sụp đổ từ lâu rồi vì sẽ không có kiều hối không có thặng dư mậu dịch để đền bù lại sự thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc. Và nếu không có Hạm đội 7 trấn giữ Thái Bình Dương, Đông Nam Á, thì Việt Nam đã là 1 tỉnh của Tàu từ lâu rồi. Nếu coi chính trị Việt Nam là 1 bàn cờ thì 2 tay cờ chính là phái bảo thủ và phái đổi mới. Nhưng 2 người đứng sau hỗ trợ mách nước vẫn là Tàu và Mỹ.

Kết luận

Việt Nam từ 1945 đến nay vẫn chỉ là một bàn cờ với 2 người chơi: Từ 1950 khi cộng sản Tàu tới sát biên giới cho tới 75, 2 kỳ thủ là Tàu và Mỹ. Sau 75 cho tới khi Liên Xô sụp đổ, 2 phái trong ĐCSVN chỉ là những quân cờ của Nga và Tàu. Chỉ sau Đổi mới 2 phái trong Đảng mới được làm chủ bàn cờ. Nhưng phái bảo thủ vẫn có Tàu đứng sau mách nước đẩy quân cờ. Phái gọi là đổi mới được sự hỗ trợ ngầm của Mỹ nhưng chỉ có thể thắng phái bảo thủ nghĩa là thắng Tàu, nếu ngả hẳn về Mỹ. Cái giá phải trả là phải tôn trọng dân quyền, nới rộng dân chủ. Trong ĐCSVN hiện nay vẫn có nhiều người cho cái giá đó quá mắc và cũng có nhiều người vẫn e sợ Tàu. Phải đợi kết cục của vụ án Cù Huy Hà Vũ và bầu cử Quốc Hội tháng 5 này mới biết ai là người sẽ chịu trả cái giá đó trong bộ ba Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang. Người từ trước tới nay vẫn được coi là bảo thủ hay người được coi là thuộc phái đổi mới? Hay cũng vẫn y nguyên chả ai dám lật ngược thế cờ ?

Phong Uyên
© Thông Luận 2011

---------------------------------------

Alexander L. Vuving - Đăng ngày 10/02/2011 lúc 02:05:08 EST

Alexander L. Vuving - Đăng ngày 14/02/2011 lúc 19:16:43 EST
.
.
.

No comments:

Post a Comment