Tuesday, March 29, 2011

FACEBOOK, TWITTER và CÁCH MẠNG THẾ GIỚI (RFI)

Thứ hai 28 Tháng Ba 2011

Kết quả cuộc bầu cử địa phương với sự vươn lên của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia và thất bại của đảng cầm quyền UMP chiếm trang nhất của các báo Pháp ra ngày hôm nay. Nhật báo cánh tả Libération đăng ảnh bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng này và chạy tựa “Lời cảnh báo”, còn tờ báo thân hữu Le Figaro cho là số cử tri không đi bầu ở mức kỷ lục làm cho thắng lợi của cánh tả chỉ có giá trị tương đối. Đối với nhật báo Cộng sản L’Humanité, đây là “Một cuộc bầu cử trong bối cảnh khủng hoảng” và ghi nhận Mặt trận Quốc gia đã giành được một lượng cử tri đáng kể từ cánh hữu.
Nhật báo công giáo La Croix băn khoăn: ” Làm thế nào để đối phó với nguy cơ hạt nhân?”, tựa trên trang nhất. Tờ báo nhận xét, việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới trên thế giới sẽ bị ngưng lại, và những món đầu tư lớn sẽ được dành cho việc củng cố vấn đề an toàn. Vấn đề năng lượng nguyên tử cũng chiếm nhiều trang trên các tờ báo khác, bên cạnh đó là hồ sơ Libya, với việc phe nổi dậy đang tiến thêm về phía tây cũng được các nhật báo Pháp chú ý phân tích.

Internet và đấu tranh dân chủ
“Facebook, Twitter và cách mạng thế giới”, đó là tựa đề bài phân tích đăng trên nhật báo Le Monde, nhận định về vai trò của các mạng xã hội trong các cuộc cách mạng trong thế giới Ả rập hiện nay.
Theo tác giả, trong những năm 2000, Google, YouTube và Yahoo! đã bị mất uy tín đối với một thiểu số những người sử dụng internet có khuynh hướng chính trị, do họ chiều theo các chính phủ độc tài khác nhau, trong đó có Trung Quốc. Để thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, Google đã chấp nhận các yêu sách của các viên chức kiểm duyệt. Yahoo! thì đã tiết lộ cho công an Trung Quốc danh tính của một nhà ly khai sử dụng thư điện tử Yahoo. Và như vậy, các tập đoàn internet Mỹ đã mang một bộ mặt con buôn: những công ty bình thường, sẵn sàng làm tất cả để chiếm được thị phần.
Danh dự bắt đầu được khôi phục vào cuối thập kỷ, nhờ sự khai sinh của các mạng xã hội như Facebook và Twitter. Đông đảo các thanh niên có học và Tây hóa ở các nước độc tài, từ Miến Điện cho đến Iran, đã say mê sử dụng các công cụ mới này, coi đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Họ sử dụng các mạng xã hội cho mọi hoạt động, từ chuyện phù phiếm cho đến nghiêm túc.
Facebook và Twitter bắt đầu được thử lửa trong cuộc nổi dậy của tuổi trẻ Iran vào tháng 6 năm 2009. Các mạng xã hội trở thành công cụ giúp những người phản kháng có thể phối hợp hành động và lôi kéo thêm thành viên mới, đồng thời còn giúp cho thế giới bên ngoài biết được sự đàn áp dã man của cảnh sát. Oái oăm thay, chính báo chí truyền thống đã giúp cho các mạng xã hội được công nhận và tin tưởng, về mặt thông tin. Bức xúc vì không có được các đoạn video do các nguồn chính thức cung cấp, và cũng muốn được tiếng là trẻ trung, hiện đại, các kênh truyền hình tiếng Anh đã cho phát hàng loạt các tin tức và hình ảnh do những người biểu tình gởi qua internet, không hề hạn chế vì tất cả đều miễn phí. Sau này người ta mới biết rằng, thời gian, địa điểm và tên người thường đã được đổi đi, và một số sự kiện đã được diễn dịch sai lạc.
Dù vậy, Facebook, Twitter, YouTube và các đối thủ cạnh tranh ít tiếng tăm hơn qua sự kiện này đã nổi bật lên. Vòng hào quang càng sáng chói với một loạt sáng kiến của chính phủ Mỹ, trong khuôn khổ chiến dịch vì “Tự do internet”. Vào tháng Giêng năm 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố, tự do lưu chuyển thông tin trên mạng là một mục tiêu chính thức trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Và các mạng xã hội đương nhiên trở thành mũi nhọn trong cuộc thập tự chinh mới, “nền ngoại giao Twitter” đã được khai sinh như thế.
Vị trí các mạng xã hội được khẳng định với các cuộc cách mạng của nhân dân Ả rập trong năm nay. Kịch bản ở Iran được lặp lại ở Tunis, Cairo, nhưng lần này thì giới trẻ nổi dậy đã chiến thắng. Các chính khách Mỹ, trong đó có cả ông Obama, một lần nữa đã hoan nghênh vai trò quan trọng của các mạng xã hội trong cuộc cách mạng – và thực ra đây cũng là để quảng bá cho các công ty Mỹ.
Riêng Google, từ năm 2010 đã lấy lại được thanh danh khi công khai tố cáo Bắc Kinh đã chỉ đạo việc tấn công tin học vào các máy chủ của mình để lấy cắp các thông tin cá nhân của các nhà ly khai. Google đe dọa sẽ rời bỏ Trung Quốc, nhưng sau đó một thỏa thuận đã nhanh chóng được tìm ra. Đến năm 2011, lại có một thành công mới, nhờ một nhân viên của Google là Wael Ghonim, một thanh niên Ai Cập là giám đốc tiếp thị khu vực Trung Đông, đã lập một trang Facebook dùng làm nơi cho những người nổi dậy ở Cairo gặp gỡ. Bị bắt giam 11 ngày, khi được trả tự do anh đã trở thành một trong những phát ngôn viên của tuổi trẻ Ai Cập.
Ngày nay đã có được vị trí thống lĩnh, nhưng những người lãnh đạo Twitter và Facebook đôi khi còn muốn giảm nhẹ hình ảnh đấu tranh, bằng cách nhắc nhở rằng các mạng xã hội cần phải là nơi giải trí nhẹ nhàng. Mục tiêu ưu tiên của họ vẫn là giới trẻ vô tư của các nước giàu, lớp khách hàng chịu chi nhất. Trả lời phỏng vấn của báo chí về vai trò của Twitter tại Trung Đông, Biz Stone, một trong những lãnh đạo của mạng này nói rằng, “Twitter là một sân chơi kỹ thuật trung lập”.
Những lời ngợi khen của Washington cũng làm cho Facebook, Twitter và các mạng khác phần nào bối rối, vì không muốn bị xem là công cụ của chính phủ Mỹ. Trong lúc Nhà Trắng muốn kiểm duyệt và trấn áp khi WikiLeaks tiết lộ các hồ sơ mật, thì cuối năm 2010 Facebook lại loan báo là tài khoản của WikiLeaks và người sáng lập Julian Assange không bị xóa, cũng không bị kiểm duyệt. Twitter lại còn đi xa hơn. Vào cuối năm 2010 công ty này được lệnh từ một công tố viên liên bang phải chuyển giao nội dung tài khoản của Julian Assange và ba thành viên khác, đồng thời cấm không được báo cho những người này biết. Twitter kháng cáo, và sau đó được phép báo tin cho các nhà hoạt động, nhưng đến tháng Ba thì lại phải thi hành lệnh cấm.
Bài báo cho biết, vị thẩm phán công bố một điều mà những người trẻ nổi dậy ở thế giới thứ ba cần suy ngẫm: Tất cả những ai ký vào bản quy định về bảo mật khi đăng ký Twitter sẽ phải chấp nhận rủi ro là chính quyền Mỹ có thể tham khảo các thông tin của mình.

Fukushima vẫn gây quan ngại
Tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima tiếp tục chiếm đến 5 trang báo khổ lớn của Le Monde. Tờ báo bày tỏ mối quan ngại trước tình trạng nước bị nhiễm phóng xạ nồng độ cao, gây độc hại cho vùng biển gần đó, bóp nghẹt ngành khai thác hải sản của các địa phương xung quanh nhà máy Fukushima, vốn chiếm một phần tư ngư nghiệp nước Nhật. Tuy vậy, công ty Osmos của Pháp, đơn vị đã trang bị cho 300 công trình ở Nhật hệ thống giám sát bằng sợi quang học cho biết là các tòa nhà, các cây cầu và hầm giao thông của Nhật vẫn đứng vững. Dù bị lắc lư, biến dạng nhưng các kiến trúc này vẫn không bị sụp đổ hay rạn nứt, chứng tỏ chất lượng các tiêu chuẩn xây dựng chống động đất của Nhật, nhờ đó mà việc tái thiết sẽ ít tốn kém hơn. Có điều, nhà máy điện nguyên tử Fukushima lại không được trang bị hệ thống quan sát trên. Le Monde cũng phản ánh nỗi bất bình của nhiều người dân Nhật, vốn có được rất ít thông tin, khi họ dần dần khám phá việc bắt tay giữa chính phủ và các tập đoàn hạt nhân.

Sửa đổi chính sách điện hạt nhân
Phụ trang kinh tế của Le Figaro đề cập đến « Tương lai của điện nguyên tử đang bị ngưng trệ”: Tai nạn ở Fukushima làm cho nhiều quốc gia đang phải xem xét lại chiến lược nguyên tử phục vụ mục đích dân sự của mình.
Đi đầu là Đức, chỉ bốn ngày sau trận động đất, bà Angela Merkel đã loan báo đóng cửa ít nhất ba tháng bảy nhà máy điện nguyên tử cũ kỹ nhất. Nước Ý vốn định tái thúc đẩy chương trình hạt nhân đã bị ngưng cách đây hơn 20 năm, nay lại dời thêm một năm nữa, còn Thụy Sĩ cho biết sẽ xem xét nhiều hướng. Trong khi, theo lời ông William Ramsay, giám đốc chương trình năng lượng của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì ngày 10/3, chỉ một ngày trước thảm họa, các nước Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Anh, Ý đều hăm hở muốn tái lập năng lượng nguyên tử, và các quốc gia mới trỗi dậy chen chúc tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ở Vienna để xin trợ giúp tiến hành chương trình hạt nhân.
Theo chuyên gia trên, thì giờ đây sẽ có 11, 12 nước vẫn tiếp tục muốn có điện nguyên tử. Dư luận tại các nước đang phát triển vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về vấn đề này, hơn nữa họ đang đói năng lượng, đặc biệt là Trung Quốc. Còn tại các quốc gia dân chủ, thì công luận sẽ là yếu tố quyết định cho việc chọn lựa nguồn năng lượng, và phương cách duy nhất để trấn an công chúng là áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế thực sự về an toàn. Như vậy giá một kilowatt điện nguyên tử sẽ tăng lên, có thể làm cho các nước có nguồn năng lượng bổ sung sẽ phải cân nhắc.
Ông Robert Kelley, chuyên gia về an toàn hạt nhân, cố vấn cho các nước châu Á đang muốn xây dựng nhà máy điện nguyên tử nhận xét, hiệu ứng Fukushima đã có thể nhận thấy. Ai Cập đã tạm ngưng việc gọi thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tại Đông Nam Á, Việt Nam và Malaysia nói rằng không thay đổi kế hoạch, nhưng các nước châu Á hiện đang hướng đến việc mua các lò phản ứng hiện đại hơn, an toàn hơn. Theo ông, đa số các nước này có rất ít kinh nghiệm, họ cần 10 năm để xây dựng các nhà máy điện nguyên tử và cũng ngần ấy năm để có được đội ngũ các kỹ thuật viên hạt nhân có năng lực cũng như kinh nghiệm. Đây sẽ là thử thách lớn nhất của các quốc gia này trước năm 2020.

Libya: Giải pháp chính trị?
Về tình hình Libya, Le Monde chú ý đến việc tìm kiếm “một giải pháp chính trị”. Chiến dịch quân sự ở Libya đã được tiến hành ngay trước khi xác định được bộ chỉ huy và mục đích chính trị. Nay thì đã thống nhất cơ quan chỉ huy sẽ là NATO – một nhượng bộ của Pháp trước chính quyền Obama, vốn không muốn can thiệp vào thế giới Ả rập lần thứ ba. Còn mục tiêu chính trị vẫn còn để ngỏ. Đây là lần đầu tiên chiến tranh được tiến hành không nhằm bảo vệ một dân tộc đang bị đe dọa, mà là một cuộc chiến có mục đích “nhân đạo” mang tính ngăn ngừa – ít nhất là đã tránh được một cuộc thảm sát ở thành phố Benghazi.
Làm thế nào để ra khỏi được cuộc khủng hoảng sau đó? Khác với năm 1999, NATO chỉ không kích sau khi tổng thống Serbia từ chối giải pháp chính trị được đề nghị cho Kosovo, lần này tại Libya, các nước tham gia chưa có kế hoạch nào trước đó. Mọi người đều hy vọng cuộc chiến sẽ sớm chấm dứt, nhưng phe nổi dậy tiến quá chậm. Phe này ô hợp, chắp vá, chưa hẳn đảm đương được vai trò cột trụ trong chính quyền tương lai. Paris hy vọng Liên đoàn Ả rập sẽ hỗ trợ được, tìm ra được một nhân vật Ả rập có thể giúp tiến hành đối thoại giữa những người Libya, chứ không kỳ vọng gì ở Liên hiệp châu Phi. La Croix cho biết thêm một thông tin: châu Âu dự định dành 2.000 “học bổng vì dân chủ” trị giá 50 triệu euro để đào tạo các trí thức Ả rập trẻ.

.
.
Anh Vũ   -   RFI
Thứ ba 29 Tháng Ba 2011

Ngày hôm nay 29/3, báo chí Úc đưa tin, máy tính ca th tướng Juliard Gillard cùng nhiu b trưởng khác ca Úc đã b tin tc xâm nhp.

Đây không phi ln đu tiên tin tc tn công h thng thông tin đin t ca Úc. Báo Daily Telegraph ti Sidney khng đnh, thông tin t tình báo M cho biết, trong sut mt tháng qua hàng nghìn thư đin t ca các b trưởng Úc đã b tin tc xâm nhp lc soát.

Thi gian gn đây, h thông máy tính ca chính ph nhiu nước, như Pháp, cũng b tin tc xâm nhp đ đánh cp thông tin, ln này ti Úc, th phm ca các v tn công li b nghi vn có xut phát t Trung Quc.

T Sidney, thông tín viên Nguyn Đình Khánh cho biết thêm chi tiết:

Nghe (01:16)  Thông Tín Viên Nguyễn Đình Khánh - Sydney

.
.
.

No comments:

Post a Comment