Thursday, March 3, 2011

Báo TỔ QUỐC - Số 106 - Ngày 1-3-2011

Ban Biên Tập  Báo TỔ QUỐC  -  Số 106 
Ngày 01/03/2011)


Download (bản pdf)

Đợt sóng thần đang cuốn đi các chế độ độc tài Hồi Giáo tại Bắc Phi và Trung Đông sẽ không dừng lại ở đó. Đây là làn sóng dân chủ nhắm vào các chế độ độc tài hậu cộng sản.

Cần hiểu bản chất của các chế độ này. Mọi chế độ đều dựa trên một ý thức hệ và lý tưởng nào đó. Thượng đế và thiên đường trong các chế độ quân chủ thần quyền, chủ nghĩa dân tộc sô vanh tại Đức, Ý và Nhật trước Thế Chiến II, chủ nghĩa Mác và một xã hội không còn bóc lột trong trường hợp các chế độ cộng sản, nhân quyền và tự do dưới các chế độ dân chủ v.v. Ngay từ một thời rất xa xưa các chính quyền cũng đã phải dựa vào những thần linh và huyền thoại để cai trị. Ý thức hệ có thể sai, lý tưởng có thể chỉ là ảo tưởng, huyền thoại có thể chỉ là bịa đặt nhưng vẫn cần thiết để gắn bó và động viên quần chúng, và cho phép tiết kiệm bạo lực. Thuyết phục và khuất phục là đôi chân của quyền lực chính trị. Các chế độ độc tài hậu cộng sản không như thế, dù là những chế độ cộng sản "đổi mới" hay những chế độ độc tài cánh hữu còn sót lại. Chúng không có gì để nói. Tất cả đều là những chế độ rất khiêm tốn về mặt tư tưởng và lý luận. Chúng không có tham vọng tranh thủ ai và không hề tranh cãi về chủ nghĩa với ai, dù một vài chế độ thỉnh thoảng còn nhắc đến "chủ nghĩa xã hội" một cách gượng gạo. Chúng cũng không hề có một viễn kiến hay dự án tương lai nào cho đất nước mà chúng cai trị cả. Các chương trình, kế hoạch, cương lĩnh của các đảng cầm quyền chỉ là những liệt kê nhàm chán hoàn toàn không phản ánh một suy tư nghiêm túc nào. Các chế độ này không có tham vọng thuyết phục, chúng thuần túy dựa trên đàn áp.

Một đặc tính quan trọng khác là đồng thời với một chính sách nội trị hung bạo chúng là những chế độ rất hiền lành trong chính sách đối ngoại. Chúng mở cửa về kinh tế và không đe dọa một chế độ hay một chính quyền nào. Chúng chỉ xin được yên thân để mặc sức đàn áp và bóc lột nhân dân của chúng. Vô tình chúng đề xướng một quan niệm tồi tệ về quốc gia, như là vùng lộng hành tự do của những tập đoàn cầm quyền tham bạo. Nhưng muốn đàn áp dễ dàng thì tập đoàn cầm quyền phải rất mạnh và dân chúng phải rất yếu, như thế bóc lột phải được đẩy tới mức tối đa để người dân không còn khả năng và phương tiện tự vệ. Giữa dân chúng và chính quyền dần dần hình thành quan hệ một mất một còn.

Các chế độ này không thể sống lâu vì chúng quá sơ đẳng. Thế giới đã đủ văn minh để không dung túng sự bạo ngược quá đáng trong khi các chế độ độc tài vừa chỉ là một thiểu số lại vừa yếu. Các tiến bộ dồn dập về truyền thông cũng đã khiến các dân tộc vừa được thông tin đầy đủ về tình trạng cướp bóc vừa có phương tiện để liên lạc và phối hợp hành động vuợt qua các cấm đoán. Càng đàn áp hung bạo các tập đoàn độc tài càng tự cô lập. Và sau cơn chấn động này các chế độ độc tài còn lại sẽ càng cô lập và khó sống hơn.

Khi một thay đổi bắt buộc phải đến thì thái độ khôn ngoan là chủ động thay đổi để làm tác nhân thay vì nạn nhân của lịch sử. Và không gì nguy hiểm hơn cho một tập đoàn độc tài khi sụp đổ là nhường chỗ cho một khoảng trống chính trị, bởi vì khoảng trống này sẽ nhanh chóng được lấp đầy bằng cái đã tích lũy quá nhiều: sự căm thù.
.
Ban biên tập

.
.
.

No comments:

Post a Comment