Monday, March 28, 2011

ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG - CÁI GIÁ PHẢI TRẢ (Đỗ Đăng Liêu)

Đỗ Đăng Liêu
Cập nhật ngày: 28/03/2011

Quan sát phản ứng và cách hành xử của những nhà độc tài trong những giờ phút cuối của họ không khỏi làm cho người ta liên tưởng đến những hôn quân bạo chúa thời xa xưa với những đặc tính: tàn bạo, tham lam và u tối.
Trong khi cả thế giới, từ người dân chân lấm tay bùn tới người trí thức ai cũng nhìn thấy sự sụp đổ hiển nhiên không thể tránh được của họ thì chính họ lại là người không nhìn thấy điều đó.

Ngồi dính trên ghế quyền lực quá lâu ngày, các nhà độc tài lún dần vào vũng lầy của độc đoán; những tiếng nói không đi đôi với quyền lợi của họ chỉ còn là những lời trái tai khó nghe cần phải dập tắt. Quyền lợi và hạnh phúc của người dân không còn là quan tâm. Ngay cả sinh mạng của người dân cũng dần dần trở nên rẻ rúng. Họ chỉ còn biết có họ. Họ vơ vét tiền của với lòng tham vô bờ bến, họ tóm thu quyền lực để bảo vệ tài sản đã cướp được, và họ xử dụng bạo lực để tồn tại. Họ làm tất cả những gì họ nghĩ còn có thể làm để sống còn.

"Ổn định" là chiêu bài mà các nhà độc tài thường dùng đến để đánh lừa người dân và biện minh cho sự đàn áp các phong trào dân chủ, hầu giữ nguyên trạng tình trạng độc tài ngồi trên đầu trên cổ người dân với tất cả những hệ lụy của nó. Nếu các chế độ độc tài ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đều có những đạo luật “an ninh quốc gia” hoặc “đạo luật khẩn cấp”, nhân danh sự “ổn định” để trói buộc và tước đoạt những quyền tự do căn bản của người dân, đồng thời răn đe hù dọa những người đấu tranh; thì ở Việt Nam cũng không khác. Từ nghị định 31/CP trước đây đến hàng tá những pháp lệnh, nghị định sau này, đặc biệt là các điều Điều 88 và Điều 79 Bộ Luật Hình Sự đều có chung mục tiêu vừa kể. Trong cuộc cách mạng Hoa Lài đã và đang diễn ra ở các nước Bắc Phi và Trung Đông, bên cạnh những mục tiêu về dân sinh, dân chủ, một trong những mục tiêu đấu tranh đầu tiên của cuộc cách mạng là đòi hỏi huỷ bỏ những đạo luật phản dân chủ vừa nêu. Với sự kiên trì và cương quyết của đại khối nhân dân trong đấu tranh bất bạo động, các chính quyền độc tài ở những quốc gia đó đã từng bước phải nhượng bộ, thậm chí còn nhượng bộ rất nhanh chóng đến độ đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn như chính quyền cha truyền con nối của tổng thống Bashar Assad ở Syria, một nhà độc tài được xem là vô cùng ngoan cố, đã phải huỷ bỏ đạo luật khẩn cấp được áp dụng từ 40 năm nay, chỉ 3 ngày sau khi dân chúng “đã vượt qua lằn ranh của sợ hãi”, cuồn cuộn xuống đường.

Ở Việt Nam, bên cạnh những điều luật, pháp lệnh,... áp chế các quyền căn bản của người dân, nhà cầm quyền CSVN còn luôn hù dọa là, nếu tạo bất ổn thì hỗn loạn và đổ máu sẽ xẩy ra! Nhưng trên thực tế, những giòng máu đang đổ ra không vì các cuộc đấu tranh bất bạo động của người dân, mà chính là do chế độ gây ra. Trong những biến cố đổ máu chết người liên tục diễn ra tại Việt Nam, người ta không thấy ai khác hơn là đám công an của chế độ gây đổ máu cho người dân lành, với việc công an cầm súng bắn vào dân mình, công an đánh chết người tại những đồn bót, công an, dân phòng đánh trọng thương người dân ngoài đường phố. Ngược lại người dân chỉ biết ôn hoà nói lên tiếng nói của mình, hay cùng cực chỉ còn biết cầu nguyện. Máu đổ ra tuyệt đối không phải do người dân đấu tranh bất bạo động, mà đến từ bàn tay bạo hành của chế độ.

Tài liệu nghiên cứu "Từ Độc Tài Đến Dân Chủ" của Tiến sĩ Gene Sharp.

Hai cuộc cách mạng đã thành công tại Tunisie và Ai Cập qua đấu tranh bất bạo động tuy không hẳn là êm ả, nhưng một điều không ai phủ nhận được là, nhờ đấu tranh bất bạo động mà thiệt hại nhân mạng và đổ vỡ vật chất ở hai quốc gia này đã giảm thiểu được rất nhiều. Tại Ai Cập có khoảng 300 người dân đã bị thiệt mạng dưới bàn tay của công an, nhưng đó không phải là một cái giá quá đắt. Một người dân Ai Cập đã phát biểu là, để lật đổ 30 năm độc tài ngự trị trên một quốc gia 80 triệu dân thì cái giá 300 mạng người đã là một kỳ tích, gần như một phép lạ.

Phép lạ đó đã xẩy ra chính là nhờ phương thức đấu tranh bất bạo động. Trong đó, yếu tố đấu tranh “toàn dân toàn diện”, sự liên kết giữa quân đội và dân chúng, cùng việc áp dụng những phương thức đấu tranh sáng tạo, vận dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông hiện đại, đã góp phần rất lớn làm triệt tiêu khả năng đàn áp của công an, nhanh chóng đưa cuộc cách mạng đến thành công. Những hình ảnh nóng bỏng dồn dập của cuộc cách mạng Hoa Lài đang diễn ra ở nhiều nước cũng cho thấy trình tự đấu tranh không thể thiếu trong gần như bất cứ một cuộc cách mạng nào. Đó là, ngay trong những ngày đầu tiên của các cuộc xuống đường, sức ép của quần chúng đã nhanh chóng buộc được các chế độ độc tài phải huỷ bỏ những điều luật bất nhân, vô lý. Ở những nước mà một số yếu tố chưa được coi là “chín muồi” cho cách mạng, thì cuộc đấu tranh trên nền tảng pháp lý như vậy còn là yếu tố để thúc đẩy cho điều kiện “chín muồi” nhanh chóng hơn. Từ đó, sự quy tụ được số đông trong tinh thần kỷ luật, để không bị rơi vào những cạm bẫy khiêu khích bạo động của công an (để lấy cớ đàn áp), sẽ là yếu tố căn bản và tất thắng của đấu tranh bất bạo động. Đương nhiên mặt trận pháp lý này không phải là không có những thiệt hại. Biết bao nhà đấu tranh ở các nước Bắc Phi, Ai Cập, Việt Nam, Trung Quốc, v.v.. đã phải trả giá bằng những năm tù đày đằng đẵng, trong đó nhiều người đã bỏ mạng trong ngục tối âm u có khi không ai biết đến...

Tóm lại, đấu tranh bất bạo động, với tất cả những ưu điểm của nó, cũng có cái giá phải trả. Nhiều người dân Tunisia, Ai Cập, Libya, Algeria, Yemen,... và Việt Nam đã và đang hy sinh cho tự do, dân chủ và hạnh phúc của dân tộc họ. Nhưng đó là những cái giá chấp nhận được so với những mất mát lớn gấp bội phần với xác suất thành công gần như không có của những hình thức bạo động khác.

Vì vậy, đấu Tranh Bất Bạo Động là con đường phải đi trong tiến trình chấm dứt các chế độ độc tài để xây dựng nền tự do dân chủ.
.
.
.

No comments:

Post a Comment