Monday, February 28, 2011

TỪ CÁCH MẠNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐẾN CÁCH MẠNG NHÂN QUYỀN (Nguyễn Trung)

Nguyễn Trung
Mon, 02/28/2011 - 07:52

I. Từ Cách mạng Công nghệ

Tính đến nay, chỉ mới 24 năm kể từ ngày hệ thống điều hành máy vi tính cá nhân Windows của công ty Microsoft chào đời năm 1986, nhưng cuộc cách mạng công nghệ vi tính đã làm thay đổi diện mạo cả thế giới này (1). Trong những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, máy vi tính cá nhân vẫn là những thứ xa xỉ với người dân trong xã hội –kể cả ở các quốc gia phát triển. Vào thời điểm đó, máy vi tính chỉ dùng trong công việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hay các ngành sản xuất công nghệ cao bởi vì giá thành máy vi tính ở vào thời điểm đó quá cao cũng như phần mềm áp dụng (application software) không có nhiều.

Vào những năm đầu thập niên 80 ở thế kỷ XX, máy vi tính cá nhân rất thô, cồng kềnh, và những cơ phận bên trong như motherboard (bộ mạch chủ), central processing unit –CPU (bộ vi mạch xử lý), Random-access memory –RAM (bộ nhớ), hard disk drive –HDD (ổ cứng) còn rất hạn chế về dung lượng, tốc độ xử lý, và cũng như chất lượng.

Năm 1984, công ty IBM sản xuất ra loại máy vi tính cá nhân hiệu AT với bộ xử lý vi mạch do công ty Intel chế tạo là chip “Intel 80286 microprocessor” với tần số chỉ có 6MHz (2). 9 năm sau, vào năm 1993, công ty Intel –một công ty chuyên sản xuất CPU cho máy vi tính cá nhân hàng đầu thế giới đã trình làng với bộ xử lý vi mạch mới mang tên Pentium với tần số lên đến 60MHz – nghĩa là gấp 10 lần của bộ vi mạch xử lý năm 1984 và từ đây đã mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành công nghệ vi tính và công nghệ thông tin (3).

Paul Allen và Bill Gates – ngày 19 tháng 10 năm 1981

Ngày nay, dung lượng và tốc độ xử lý của những cơ phận chính để lắp ráp máy vi tính cá nhân (gồm cả máy để bàn và máy sách tay) như bộ mạch chủ, bộ vi mạch xử lý, bộ nhớ, và ổ cứng được tính bằng đơn vị GB (tỉ) chứ không phải là kB (ngàn) hay MB (triệu) như vào thời điểm cách đây hai thập niên. Chất lượng của máy vi tính cũng được nâng cao do sự cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh thị trường giữa các công ty sản xuất máy vi tính hàng đầu thế giới như Dell, HP, Sony…và nhiều công ty khác.

Ngoài ra, giá thành của máy vi tính cũng tương đối dễ chịu với người tiêu dùng trong khoảng thời gian 10-15 năm trở lại đây. Bởi thế, ngày nay chúng ta có thể thấy máy vi tính cá nhân hiện hữu khắp mọi nơi và có thể nói là thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Cộng với sự phát triển ở một tốc độ chóng mặt trong ngành chế tạo vi mạch điện tử, ngày nay máy vi tính nhìn nhỏ gọn, đẹp, và đầy đủ các phần mềm áp dụng nên sự hữu ích của máy vi tính đối với đời sống con người tăng lên gấp bội.

Ngoài những thành công mang tính chiến lược của những công ty chế tạo chip hàng đầu thế giới như Intel và AMD trong khoảng thời gian 1990 – 2000 đã đưa ngành công nghiệp sản xuất máy vi tính sang một kỷ nguyên mới. Sự ra đời của internet (mạng) được chào đời năm 1995 để kết nối các máy vi tính với nhau đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống thường nhật của con người trên trái đất này. Theo chân của phát minh internet, những công ty như
Yahoo, Google, Ebay, và Amazon … đã ra đời đã khiến trái đất này trở thành quá nhỏ bé đối với con người– cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ngày nay, bạn có thể sống ở Mỹ và mua một món hàng ở tận bên Nga mà chỉ tốn chừng vài phút. Với sự hỗ trợ của google, bạn có thể tìm hiểu lịch sử của người Inca ở Nam Mỹ mà không cần phải rời một ngôi làng nhỏ bé nào đó tại Việt Nam. Ngồi ở một quán cà phê –internet ở Hà Nội, bạn có thể đọc những tài liệu viết về những người đã sống cách đây nhiều thế kỷ và ở khắp cả 5 châu chứ không giới hạn ở một nơi nào. Chỉ cần vài phút, bạn có thể phát hiện căn bệnh “tự sướng” của tay phóng viên XYZ thuộc tờ báo nào đó trong nước mà không cần đi Mỹ, hay đi Đức để tìm bằng chứng. Chỉ một cái nhấn của con chuột, bạn có thể gởi thư cho người quen, hay bạn bè sống mãi tận bên Nga mà không phải tốn tiền tem hay thời gian đi ra bưu điện – và tất nhiên là lá thư của bạn sẽ đến tay người nhận trong vòng dăm bảy phút.

Trên đây chỉ là một vài minh chứng sự ảnh hưởng của Khoa học Công nghệ đến đời sống của con người ở thế kỷ XXI này. Vâng. Không có gì là quá đáng nếu nói rằng cuộc cách mạng Khoa học Công nghệ đã làm thay đổi đời sống của chúng ta –không từ một ai và đang sống ở đâu trên trái đất. Nhưng chưa hết, cuộc cách mạng Khoa học Công nghệ tạo ra một cuộc cách mạng khác và cuộc cách mạng mới này cũng làm thay đổi diện mạo cả thế giới này. Đó là cuộc cách mạng Nhân Quyền.

II. Đến Cách mạng Nhân Quyền.

Sau khi chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, cơ quan Liên Hiệp Quốc – United Nations đã ra đời vào năm 1945. Tôn chỉ tối thượng của cơ quan Liên Hợp Quốc là để giúp các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau thông qua những điều luật chung của Quốc tế, để giải quyết những xung đột giữa các quốc gia có thể dẫn đến đe dọa nền An ninh của Thế giới, để giúp phát triển Kinh tế ở những quốc gia còn lạc hậu, để giúp đỡ các vấn đề Xã hội, Nhân quyền, và tạo ra nền Hòa bình chung cho cả Thế giới (4).

Ngày 12 tháng 10 năm 1948, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được Liên Hiệp Quốc được phê chuẩn hòng bảo đảm mọi công dân trên trái đất này có được cuộc sống tốt đẹp hơn –không cần biết người đó sống ở tại đâu, mang quốc tịch nước nào, hay theo tín ngưỡng tôn giáo nào. Có thể nói, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được Liên Hiệp Quốc được phê chuẩn vào ngày 12 tháng 10 năm 1948 là một trong những Văn kiện quan trọng nhất của thế kỷ XX vì nó là nền tảng để xây dựng xã hội mà không có sự phân biệt giữa người và người trong xã hội –hay bị xã hội ruồng bỏ bởi giới tính hay tín ngưỡng.

Trong khoảng thời gian chiến tranh thế giới thứ II xảy ra và kết thúc, nhiều quốc gia thuộc địa ở châu Phi, châu Á, và châu Mỹ đứng lên làm cuộc cách mạng giành độc lập. Những cuộc cách mạng giành độc lập của các nước thuộc địa đã hạ huyệt chủ nghĩa thực dân và đem Tự Do và Dân Chủ đến cho người dân ở những quốc gia thuộc địa.
Điều đáng buồn là ở tại một số quốc gia ở trên thế giới, chế độ bù nhìn và chế độ phong kiến được thay thế bởi những chế độ độc tài. Do đó, người dân ở những xứ sở này năm xưa bị áp bức bị bóc lột bởi chủ nghĩa thực dân thì giờ đây lại bị áp bức cũng như bị bóc lột bởi người mà chính họ đã đổ xương máu để gầy dựng nên. Và tất nhiên, năm xưa khi còn chế độ thực dân thì người dân ở những quốc gia này có thể đứng lên đánh đuổi bởi tinh thần Dân tộc cũng như có một lý do chính đáng. Nhưng lúc này thì không. Bởi người cai trị của họ hôm nay chính là “phe ta” chứ không phải là “phe địch” !

Điểm thường thấy ở những chế độ độc tài là thường dùng những chiêu “thắt bao tử, nhà tù, khủng bố, không cho tự do ngôn luận và tự do báo chí, bưng bít, ngu dân, và mị dân” ! Một khi “bao tử” đói quá thì con người phải đi bằng hai cái đầu gối của mình. Một khi “nhà tù” luôn rộng mở thì mọi người trong xã hội đều sợ hãi hay làm sờn lòng những người trung nghĩa. Một khi bị “khủng bố” thì tinh thần của con người sẽ xuống thấp bởi sợ hãi. Một khi cấm tiệt “tự do ngôn luận và tự do báo chí” thì người dân sẽ không được chỉ trích, phản đối nhà cầm quyền trước những vấn nạn tham nhũng, hay bị cướp đất cướp tài sản. Tệ hơn, những ai dám phản đối, dám chỉ trích có thể bị nhà quyền bỏ tù mà không cần xét xử. Một khi bị “bưng bít” thì người dân trong xã hội không biết những điều gì đã xảy ra bên ngoài. Một khi bị “mị dân” thì những người dân đen –vốn chiếm số nhiều trong xã hội sẽ dễ tin tưởng vào những điều hoang tưởng, sẽ dễ tin tưởng vào những cái bánh vẽ nơi thiên đường hạ giới. Một khi bị “ngu dân” thì đám dân đen trong xã hội sẽ không đủ trí khôn, không đủ sáng suốt để phân biệt đâu là thực, đâu là hư. Từ đó, chỉ cắm cúi đi theo cái lề đường đã có sẵn.

Từ những điều đã trình bày trên đây, không quá khó khăn để nhận ra những chế độ độc tài luôn bị “dị ứng” với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được Liên Hiệp Quốc được phê chuẩn vào ngày 12 tháng 10 năm 1948. Bởi lẽ, những chế độ độc tài đã chà đạp một cách thô bạo lên Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền để tước đi những quyền được sống thiêng liêng của một con người.

Tính đến nay thì các chế độ độc tài trên thế giới đã tồn tại một thời gian hơn nửa thế kỷ. Điều này đồng nghĩa với nhiều thế hệ của các quốc gia đang bị cai trị bởi bọn độc tài đã bị ngu dân, bị tù đày, bị khủng bố, bị bưng bít. Và tất nhiên một khi nhiều thế hệ bị đọa đày bởi những điều trên thì những quốc gia đó sẽ bị tụt hậu so với những quốc gia láng giềng đi theo con đường Tự Do – Dân Chủ –Pháp Quyền. Người dân tại những quốc gia được cai trị bởi các chế độ độc tài thường rất nghèo bởi sự bóc lột từ cả một hệ thống, một bộ máy cai trị. Bởi thế, người dân tại những quốc gia này phải luôn sống trong lầm than đói khổ. Trong khi đó, những người cai trị thì rất giàu do tham nhũng (6).

Dù là độc tài ở châu Phi, châu Á, hay châu Mỹ, và dù là thể chế độc tài 1 người hay là thể chế độc tài tập thể –nhưng các chế độ độc tài thường có một luận điệu luôn rất giống nhau khi nói đến Nhân quyền. Đó là gọi “Nhân quyền phương Tây” để đánh lận con đen, để ám chỉ Nhân quyền này là sản phẩm của Âu Mỹ chứ không phải là Nhân quyền đã được nêu ra trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Như vậy, sẽ không còn tính chính danh khi nói đến Nhân quyền. Tiếp đến là kể lể công lao trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây. Kể lể kinh tế đi lên, người dân có cơm ăn áo mặc cũng là những điệp khúc thường thấy ở dưới những chế độ độc tài. Kế đến là điệp khúc “dân trí mỗi nơi mỗi khácnên chưa thể áp dụng Nhân quyền Âu Mỹ… vân vân và vân vân.

Điều khiến chúng tôi buồn cười là, khi nói đến Nhân quyền thì các chế độ độc tài chối đay đẩy những gì đến từ phương Tây. Nhưng khi có ai nói đến tham nhũng thì các quan lại trong những chế độ độc tài thường hay đáp lại rằng “tham nhũng ở đâu cũng có” ! Khi ai đó bàn về hiệu quả “gói kích cầu” thì “ờ ờ, ở chính phủ Mỹ cũng đưa ra gói kích cầu” ! Khi nói đến nhân quyền thì các chế độ độc tài thường viện dẫn “mỗi nơi mỗi khác” ! Thế nhưng khi nói đến tăng học phí, hay tăng giá vật giá thì các chế độ độc tài thường đưa ra “giá cả thị trường, giá điện, xăng dầu của chúng ta vẫn rẻ hơn Lào đó thôi” ! Bộ máy tuyên truyền dưới các chế độ độc tài thì “chúng ta là vô địch từ giáo dục, y tế…vân vân” . Nhưng con cái của các “gộc” thì đều tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài!

Những tưởng các chế độc độc tài có thể tiếp tục ngồi mát ăn bát vàng bởi chính sách “thắt bao tử, nhà tù, khủng bố, không cho tự do ngôn luận và tự do báo chí, bưng bít, ngu dân, và mị dân” ! Nhưng quả là ông trời đã không dung cho kẻ ác. Cuộc cách mạng Khoa học Công nghệ đã khiến người dân vượt qua được bức tường bưng bít do các chế độ độc tài dựng lên để ngu dân. Người dân sống dưới các chế độ độc tài hôm nay có thể biết được người dân ở xứ văn minh, dân chủ có cuộc sống tốt đẹp như thế nào. Chỉ với một cái nhấp con chuột, người dân có thể biết được những chuyện xảy ra cách xa họ cả ngàn cây số. Qua trang mạng xã hội facebook, những người thanh niên chưa từng biết mặt, chưa từng gặp gỡ nhưng có thể kết bạn và trao đổi những chuyện đang xảy ra quanh họ. Qua điện thoại di động, người dân có thể liên lạc với nhau mà không cần ra khỏi nhà. Qua email, người dân có thể gởi cho nhau những lời kêu gọi đồng hành mà không cần tốn một giọt mực hay một tờ giấy trắng. Do đó, các chế độ độc tài thường siết chặt internet cũng là điều thường thấy ở những quốc gia được cai trị bởi các chế độ độc tài.

Ngoài ra, ru ngủ bằng kinh tế cũng là cách các chế độ độc tài thường làm. Trong tuần này, nhà vua của Arab Saudis cố gắng xoa dịu người dân bằng cách chi ra 38 tỉ đô la để lo nhà cửa, công ăn việc làm cho người nghèo (7). Thế nhưng, liệu đây có phải là hành động khôn ngoan, là chính sách đúng đắn?
Xin thưa là không. Bởi lẽ, người làm vua của một nước cũng là một con người và người dân thường cũng là một con người. Dẫu cho các chính quyền độc tài có lo cho người dân đầy đủ nhà cửa, cơm no, áo ấm nhưng không cho phép họ được Tự Do trong suy nghĩ –được Dân Chủ trong lời nói. Bảo họ đi đông thì họ đi đông, bảo họ đi tây thì họ đi tây thì thử hỏi họ có còn là Con Người nữa hay không? Hay chỉ là một đàn chim trong lồng kín – được ăn no, phải hót theo ý chủ, nhưng cả đời sẽ mãi không được sãi cánh để bay bổng trong bầu trời. Vậy thì có gì khác người dân ở những xứ này đang bị cầm tù! Vậy có khác gì người dân đang ở những xứ này là một bầy cừu! Đàn gà công nghiệp đang ở trong trại nuôi gà luôn được ăn no, ngủ ấm nhưng chúng mãi là một lũ gà để người ta làm thịt. Bởi thế, ăn no mặc ấm tuy rất quan trọng đối với nhân loại nhưng sự Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Tri Thức cũng quan trọng không kém.

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được mở đầu như sau:
[Xét rằng: Sự công nhận nhân phẩm của tất cả con người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng sự tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Xét rằng: Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.
Xét rằng: Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia cần được khuyến khích và mở rộng.
Xét rằng: Trong Hiến Chương, các dân tộc của cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị con người, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.
Xét rằng: Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
Xét rằng: Sự hiểu biết chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên…]
Do đó, người dân đang sống dưới những chế độ độc tài có quyền đòi hỏi những quyền sống căn bản mà đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là một điều hết sức chính đáng. Chỉ trong vòng hai tháng mà hai chế độ độc tài đã cắm rễ 21 năm ở Tunisia và 31 năm ở Ai Cập đã bị người dân hai nước này đưa lên giàn hỏa. Và cuộc Cách mạng Nhân quyền cao cả này đang lan tỏa đến nhiều quốc gia khác. Và tất nhiên, với những chế độ độc tài chưa bị “hỏa táng” bởi tham quyền cố vị như Gadhafi của Libya chắc chắn sẽ không có một kết cục tốt đẹp là điều đương nhiên.

III. Thay cho lời kết

Các cuộc Cách mạng đều luôn đem lại những bài học quý báu cho nhân loại. Do đó, cuộc cách mạng Khoa học Công nghệ và cuộc cách mạng Nhân quyền hiện đang diễn ra cũng không là ngoại lệ. Trước khi Microsoft chào đời, IBM là một công ty danh tiếng không có đối thủ. Mải say mê trên hào quan chiến thắng của mình, IBM vẫn giữ lối tư duy cũ kỹ trong chiến lược phát triển, kinh doanh công nghệ nhu liệu của mình. Ra đời từ năm 1986, chỉ chưa đầy 10, Micrsoft của Bill Gates đã đánh bật người khổng lồ IBM ra khỏi lãnh vực nhu liệu một cách ngoạn mục.
Mải say mê với những con số tăng trưởng GDP mà ông cựu Tổng thống Mubarak của Ai Cập đã chắc mẩm người dân nước mình hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Tăng trưởng kinh tế của Ai Cập (9)

Nhưng ông Mubarak đã lầm to. Và từ cái sai lầm tai hại này mà chỉ trong vòng 18 ngày đã khiến trang sử 31 năm cầm quyền độc tài của ông Mubarak trở thành quá khứ. Nhưng có lẽ cũng khó trách ông Mubarak đã mắc phải sai lầm này. Bởi lẽ, ông ta sở hữu một tài sản khổng lồ khoảng chừng từ 40 -70 tỉ đô la. Do đó, ông Mubarak không thể hiểu được, thấy được, cũng như biết được đời sống cơ cực của người dân nghèo Ai Cập là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, là người luôn tự cho mình là một tổng thống vĩ đại, do dân, vì dân để ông Mubarak có thể ung dung ngồi trên cái ghế quyền lực của mình thì dĩ nhiên là ông Mubarak luôn nghĩ rằng đời sống của người dân Ai Cập luôn tốt đẹp là điều đương nhiên. Mà có lẽ, không chỉ một mình đồng chí “Mu” đang mắc căn bệnh “cỡi ngựa xem hoa và tự sướng” này. Những đồng chí “Mu” khác ở những xứ sở khác cũng có chung căn bệnh này. Có thế, họ mới không cảm thấy xấu hổ khi nói rằng “người dân không có nhu cầu sung sướng”! Có thế, họ mới không cảm thấy xấu hổ khi rao giảng những điều tốt đẹp trên ở trên Thiên đàng với những người dân cùng khổ đang sống trong địa ngục do họ cai quản.

Bài học ngủ quên trên hào quang chiến thắng của IBM năm nào, và bài học những con số tăng trưởng GDP sơ cứng của Ai Cập hôm nay cho thấy sự quan trọng của Tri thức. Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa này. Chỉ có Tri thức mới có thể đưa một quốc gia hưng thịnh. Chỉ có Tri thức mới có thể khiến cho Nhà nước vững mạnh. Ngược lại, chà đạp Nhân quyền hay cai trị đất nước bằng chính sách ngu dân thì sẽ đi vào con đường thất bại là điều không thể tránh khỏi. Mà muốn cai trị bằng Tri thức và tôn trọng Nhân quyền thì phải có một Nhà nước Pháp quyền và một Xã hội Dân chủ –đó là con đường duy nhất.

N.T

.
.
.

No comments:

Post a Comment