Tuesday, February 1, 2011

THƯƠNG QUÁ XUÂN VỀ (Nguyễn Việt Hà)


- Sao giờ này còn lọ mọ ở đây? Một đồng hương chung sở, có việc đi ngang qua, thấy tôi bước ra từ phòng làm việc, bèn hỏi toáng.
Ngỡ anh hỏi về chuyện giảm biên chế trong hãng, tôi vội đáp.
- Giờ này mà tôi và ông còn nhìn thấy nhau ở đây là mừng lắm rồi.
- Dĩ nhiên rồi! Người đồng hương đáp. – Nhưng tôi hỏi ông tại sao không về ăn Tết mà còn lọ mọ ở đây làm gì?
- Ăn Tết à? – Tôi nói nhỏ, rồi chợt ngẩn người. Một luồng điện vụt nhanh qua tim, buốt nhói. Mấy chục năm ăn Tết nơi đất khách, mặc dù đã tự nhủ: Sống đâu thì âu đấy. Nghĩa là ăn Tết tây là đủ, còn Tết ta, thôi thì làm theo đúng “thủ tục hành chính”, vào siêu thị Châu Á, mua một cặp bánh chưng gói, luộc kiểu “tàu nhanh”, cùng một ít bánh, mứt, hoa quả… Rồi giây phút giao thừa cả nhà thắp hương tổ tiên, cùng phóng tâm hướng về cố quốc… Rồi lại cùng nhau tống tiễn một năm cũ. Hết.

Nói thì giản đơn là thế, nhưng chẳng hiểu sao, khi những ngày âm lịch một kề cận, trong lòng càng không tránh khỏi những chộn rộn, nôn nao, khắc khoải…

Gọi điện về nhà, tôi hào hứng hỏi thăm mọi người về chuyện sắm sửa, chuẩn bị đón Tết. Người nhà đều cười xoà, bảo: Ôi dào! Ở nhà bây giờ chẳng ai gọi là đón Tết nữa. Dân tình ở nhà bây giờ thích Tết lúc nào, có Tết lúc đó. Chỉ sợ mình không có tiền thôi. Vả lại Tết bây giờ thì có gì đâu mà đón? Cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào. Người lao động thì từ thời “bao cấp” đến nay vẫn thế. Làm quần quật từ 5-6 giờ sáng tới 11-12 giờ đêm, cuối tháng mới được vài ba triệu bạc. Trong khi đó giá cả leo thang còn dã man hơn cả thời Mỹ-Nguỵ “leo thang” đánh phá ra miền Bắc. Vậy nhưng có chỗ để tận dụng khả năng cơ bắp, để cuối tháng “gặt” về dăm ba triệu, nuôi sống vợ con, nuôi sống gia đình, có cơ hội thoi thóp sống để tiếp tục những giấc mơ phi hiện thực… là vẫn phải tự hoành tráng thôi. Khung cảnh của người lao động ở nhà nói một câu cho vuông: Vẫn là cảnh vuốt sạch mồ hôi mặt thì lại “móm” toàn diện. Ở nhà có một sự thay đổi rất hoành tráng và rất nhanh: Đó là khoảng cách người giàu và kẻ nghèo thì không còn ngôn từ nào để ví von, và không còn nấc thang nào để leo-tụt nữa. Ngày xưa còn đói kém, cả năm phải trông chờ vào 3 cọng tem phiếu của nhà nước, nên tâm lý mong Tết, đợi Tết, rồi hồi hộp đón Tết đến nó hơi bị thiêng liêng. Đơn giản là nhờ có 3 ngày Tết, những cái dạ dày quanh năm vốn luôn trong tình trạng chảy máu tươi vì không có gì để nhào nặn, nay Tết đến sẽ có cơ hội để được đồng loạt được bôi trơn, cải thiện. Còn bây giờ bánh chưng, bánh tét, bánh dày… từ nửa đêm tới khi mở mắt ra nó đã rao eo éo trước cửa. Thỉnh thoảng buồn miệng, nhớ của nếp, mua một hai cái, về bóc ra, rồi cả nhà “đánh võng” tới mấy ngày chưa hết.

Tôi bảo: Vậy là cuộc sống oai phong lên nhiều còn gì?
Người nhà cười khẩy, bảo: Oai quá đi chứ! Thời ngày xưa quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy bo bo, ngô, khoai, sắn. Ăn mấy thứ của nợ đó vào nó hơi xủng xoảng trong bụng, hơi khó tiêu, nhưng nó không có khả năng giết người. Còn bây giờ thượng vàng, hạ cám, có tiền là có. Nhưng khốn nạn một điều là không biết, không dám ăn cái gì nữa.

Tôi bảo: Đa dạng quá, nên không biết chọn gì, ăn gì nữa chắc?
Người nhà đáp: Không phải. Đa dạng mà an toàn thì phước đức quá. Khổ nỗi ở nhà bây giờ cái gì cũng là đồ giả cả. Đồ trung ương cũng giả. Đồ địa phương cũng giả. Đồ ngoại nườm nượp tuồn vào các ngả biên giới cũng giả. Đồ nội tuồn ra thị trường cũng giả. Đồ ăn, thức uống, tiền bạc… tất tật mọi thứ trôi nổi trong cuộc sống thường nhật cũng đều giả thật, lẫn lộn. Nói chung là xã hội giả, con người giả. Giả một cách toàn diện. Giả một cách hoàn thiện. Chả biết đàng nào mà lần nữa…

Thấy tôi không trả lời, người đồng hương chung sở lại hỏi toáng.
- Tôi hỏi ông sao không về quê ăn Tết, mà ông lại lạc phạc nghĩ chuyện đâu đâu thế?
- Nghĩ gì đâu! Tôi vội chối rồi nhìn người người đồng hương, hỏi lại. – Còn ông? Ông cũng lọ mọ ở đây làm gì?
Anh bạn đồng hương khẽ phảy tay, tặc lưỡi, đáp.
- Về mấy tuần rồi. Vừa sang được vài ngày.
- Sao dở dang thế? Tôi hỏi. – Còn ít ngày nữa là Tết, sao không ở lại ăn Tết luôn?

- Ăn mấy “quả” rồi. Chán chả buồn chết. Lần đầu về ăn Tết còn hoành tráng được một chút. Còn được tụi nó tay bắt, mặt mừng. Về lần hai, tụi nó nhìn thấy, bảo: Ơ lại về à? Tới lần thứ ba, thứ tư thì tụi nó chẳng thèm hỏi nữa, mà chỉ nói đổng: Lại về chơi hả? Đám bạn bè cũ, vợ chồng chúng nó đứa nào đứa nấy cũng vục mặt từ sáng tới tối để kiếm ăn. Nể lắm nó cũng chỉ đi chơi, hay tiếp mình một vài buổi. Rủ tụi nó đi chơi nhiều, thì mình thấy ái ngại. Mà bảo tụi nó đến nhà mình chơi, thì tụi nó sợ thiên hạ đàm tiếu. Vậy là giữa lòng quê cha đất tổ nhưng mình như một thằng tị nạn biết nói tiếng Việt. Mình nói chuyện Tây thì tụi nó chun mũi, bảo xa vời, chỉ ngồi gà gật nghe, rồi ngáp vặt. Mà mình ngồi nghe tụi nó phán chuyện Ta thì mình cũng như vịt nghe sấm.
Tết Việt Nam bây giờ có cũng như không. Pháo thì tụi nó cấm tiệt từ bao năm nay, không cho đốt. Đêm giao thừa thì tụi nó đốt pháo hoa, rồi phát lên cầu truyền hình cho toàn dân xem… pháo ngửng. Bánh chưng thời nay thì chẳng đứa nào thèm gói nữa. Hỏi người nhà, tụi nó bảo: Điên à mà gói? Gạo gạo, nước nước, thịt thịt, lá lá, rồi tùm lum, tà la cả một đống rổ, rá, rồi lọ mọ thâu đêm, suốt sáng chầu chực tới toét mắt để lo trông nồi bánh. Khổ nỗi, bánh trái bây giờ, luộc xong, ngoài việc cho lên bàn thờ để thắp hương cho đúng thủ tục. Xong, lại bỏ xuống. Có bóc ra, mời nhau thật nhiệt tình, nể nang lắm người nọ, người kia cũng chỉ chọc chọc, xắn xắn, rồi uể oải nhai cho phải phép. Còn nếu để tự do, cũng chả ai buồn động đũa tới.
Ông tính, Tết, có quả bánh chưng và pháo, là hai hương vị mà những kẻ xa quê như mình thèm khát nhất, nhưng bây giờ tụi nó rửng rưng như người bị hội chứng bội thực. Mà ở nhà bây giờ tụi nó quả đang mắc chứng bội thực thật.
Thằng có chức, có quyền thì tiền của, nhà cửa, đất đai, bổng lộc vãi đông, vãi tây, vãi Nam, vãi Bắc, vãi Xuôi, vãi Ngược, vãi Nội, vãi Ngoại… vãi tứ tung mãi không hết. Dân ở nhà gọi đó là: Hiện tượng bội thực của đám quan chức, nhà giàu – Bội thực kiểu Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
Ngược lại đám dân nghèo, có tí đất đai, ruộng vườn, nhà cửa thì nay bị thằng này đến khoanh, mai thằng kia doạ dẫm để cắt, xắn. Vậy là đổi đời thì vẫn đổi từng ngày, từng giờ nhưng càng đổi thì những thằng nghèo lại càng thấy mình tênh hênh giữa trời. Tiền của không có, nên gặp gì, có gì cũng vội nhét vào miệng. Nhiều thứ biết là ăn vào sẽ làm bạn với… đất, vậy nhưng mọi người vẫn vô tư nhét hết vào miệng. Hỏi, họ đáp gọn lỏn: Ở cái xứ này đến cứt còn bị làm giả, hỏi còn thứ gì không bị giả nữa? Giàu thì nó hốc vào đồ giả kiểu giàu. Mình nghèo thì hốc vào đồ giả kiểu nghèo. Xét cho cùng thì giàu, nghèo ở cái xứ này cũng chung một số phận là đều phải chết vì sự giả dối cả. Tụi nó “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” như vậy, ông bảo mình còn chuyện gì mà nói? Vậy nên Tết nhất cũng chẳng còn ý nghĩa mẹ gì nữa. Mấy lần đầu về, gần Tết, háo hức lắm. Cứ luôn miệng hỏi bánh chưng. Nghe nhiều, chắc rác tai, nên tụi nó nói như vả vào miệng mình: Rõ quê quá đi. Mấy thứ của nợ đó thì ăn được bao nhiêu mà lo hoáng lên? Phôn một phát, 5-10 phút sau tụi nó mang tới, có mà vừa ăn, vừa vãi ra quần không hết…

Người đồng hương nói, giọng vẻ còn ấm ức.
– Mẹ cha nó chứ! Thực ra mình là thằng đi xa, lâu ngày mới được về, lại vào đúng dịp Tết, nên mới thèm khát cái không khí chuẩn bị đón xuân thôi, chứ mấy thứ đó mình ăn được là bao nhiêu…

Người đồng hương khẽ lắc đầu, thở hắt ra, rồi phảy tay, kết thúc buổi “toạ đàm” Tết.
- Cuộc sống ở nhà bây giờ nó bát nháo, lai căng, Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta, Tầu cũng chẳng ra Tầu. Nói cho nó vuông: Nó là nồi lẩu thập cẩm, trong đó từ sơn hào, hải vị, đến tôm cua, sâu rầy, giòi bọ… đều đủ cả. “đũa” của ông dài, ông tỉnh táo, nhanh tay thì ông gắp được miếng ngon, ngược lại thì ông mãi mãi là thứ sâu bọ. Mình nhập gia lần nào cũng cố thủ vai để tuỳ tục, nhưng dù xuất sắc đến đâu, giữa họ, mình vẫn chỉ là thằng tị nạn ngay trên quê hương mình.
Đau!

Giáp xuân Tân Mão 2011
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments:

Post a Comment