Thursday, February 24, 2011

TẠI SAO CÁCH MẠNG TOÀN LÀM BẤT NGỜ ? (Vũ Quí Hạo Nhiên)

Vũ Quí Hạo Nhiên
February 21, 2011

Đùng một cái, Tunisia hết độc tài. Rồi sau đó, ở một nước mà ai cũng tưởng là an toàn – vì cũng dân chủ được nửa vời – cũng có một cuộc cách mạng khiến vị tổng thống 30 năm của Ai Cập phải ra đi. Rồi cả Gadhafi, khát máu là thế, mà coi bộ cũng chống không nổi làn sóng cách mạng dân chủ.

Một chế độ độc tài mà đang xuống dốc rồi bị lật đổ, thì người ta không ngạc nhiên. Nước Việt Nam từng có kinh nghiệm như vậy. Nhưng hầu hết các cuộc cách mạng khác thì không như thế.

Có những chế độ đang vững như bàn thạch mà tự dưng ngã sụp. Đông Đức chẳng hạn, là chế độ cộng sản có nền kinh tế vững nhất khối xã hội chủ nghĩa anh em, bỗng một sớm một chiều mất biến cái tường Bá Linh. Libya, tưởng dùng súng bắn dân là chúng nó sợ, tự dưng bị một làn sóng biểu tình dâng lên khắp nước. Phi công thì trái lệnh, thà bỏ đi còn hơn thả bom giết dân mình. Đại sứ – đàn em là thế – cũng thà từ chức còn hơn đại diện cho chế độ.

Nhìn lại các cuộc cách mạng trên thế giới, hầu hết đều có chung một yếu tố, là sự bất ngờ. Có một yếu tố chung cho gần như tất cả các cuộc cách mạng, từ Cách mạng Pháp 1789, tới Cách mạng tháng Mười Nga, tới những sự kiện gần đây: cách mạng Iran 1979 lật đổ Shah, cuộc đình công thành lập Công đoàn Đoàn Kết, cách mạng Tunisia, Ai Cập.

Yếu tố chung đó, là:
 Cho tới khi cuộc cách mạng xảy ra, chẳng ai nghĩ cuộc cách mạng sẽ xảy ra.

Bị bất ngờ nhất, là nhà cầm quyền. Chuyện kể rằng khi vua Louis XIV nghe tin dân chúng tràn vào phá ngục Bastille, ông thốt lên, “Ơ hay, chúng nó làm loạn à?” Thì một đệ tử đáp lại, “Không phải, tâu Bệ Hạ. Cả một cuộc cách mạng đấy.

Nghĩ cho kỹ, thì chuyện nhà cầm quyền bị bất ngờ là chuyện có vẻ hiển nhiên, có vẻ tautological: Nếu nhà cầm quyền mà tiên đoán được sẽ có cuộc cách mạng xảy ra khiến mình mất quyền, mất mạng, thì chắc hẳn họ đã làm một cái gì đó – đàn áp, hay cứu đói, hay đổi mới, v.v. – để nó đừng xảy ra.

Nhưng không phải chỉ có nhà cầm quyền ngạc nhiên. Người khác cũng thế. Khi cách mạng tràn lan ở Đông Âu khiến cả khối cộng sản sụp đổ và bức tường Berlin bị phá vỡ, ai cũng bị bất ngờ. Không một ai – từ phía cộng sản cho tới phe đối lập trong nước, và cả các “thế lực thù địch nước ngoài” – tiên đoán trước được điều đó. Khắp Đông Âu, ngay cả những người đấu tranh dân chủ cả chục năm cũng giật mình khi thấy tự dưng chế độ cộng sản sập cái rầm.

Nó sập rồi người ta mới bắt đầu phân tích lý do tại sao nó sập là đúng!
Nhiều người cho rằng vì cộng sản nó độc tài nên nó sẽ dùng bạo lực để giữ được quyền cho tới ngày tận thế. Cũng có người cho rằng cộng sản vì nó độc tài nên nó sẽ phải đổ một ngày nào đó, nhưng hầu hết đều tiên đoán vào ngày đâu đó thế kỷ 21, chứ không ai ngờ nó xảy ra lúc nó xảy ra.

Nhưng mà khi cách mạng xảy ra rồi, thì rất đông các nhà sử học, các nhà khoa học chính trị, in ra một loạt sách báo để phân tích rằng thì là, cái chế độ quân chủ của Louis XVI, cái chế độ Sa hoàng của nhà Romanov, cái chế độ Shah Iran, cái chế độ cộng sản, nó như thế như thế như thế, nên nó chết là đáng. Rồi họ lắc đầu than thở, bao nhiêu dấu hiệu như vậy sao chúng ta không thấy nhỉ?

Một đống sách vở như vậy, thì những tưởng là mọi người đã rút kinh nghiệm rồi chứ. Thì những tưởng chuyện xảy ra ở Tunisia mọi người phải tiên đoán được chứ.
Nhưng đến lúc Trung Đông biến thành dân chủ thì lại bổn cũ soạn lại. Vẫn không ai tiên đoán được!

Điều gì khiến cho cả một thế giới đầy rẫy những nhà trí thức, những nhà nghiên cứu, những nhà phân tích, với những phương tiện tối tân, những mô hình xã hội chính trị tổng quát cũng như chi tiết, được dựng trên nền tảng số liệu ngập đầu và cập nhật, vẫn không tiên đoán được một cuộc cách mạng?

Tại sao hệ thông tình báo Hoa Kỳ, với bạc tỷ ngân sách và kinh nghiệm tiên đoán cả đống thứ, vẫn bị bất ngờ tới mức bị Tổng thống Obama càm ràm là mấy người phân tích sai bét khiến tôi bị hụt hẫng?

Câu trả lời nằm trong một tác phẩm gần như kinh điển trong ngành khoa học chính trị, của một trí thức Mỹ gốc ngoại quốc, giải thích cho hiện tượng này.
Người đưa ra lời giải thích vì sao mọi người, từ nhà cầm quyền, tới giới quan sát bên ngoài, tới cả những người đang chống đối đòi dân chủ, không lường trước được cách mạng xảy ra, là Giáo sư Timur Kuran, dạy kinh tế, khoa học chính trị, và Islamic Studies (Hồi giáo học) tại đại học Duke University. Trước khi đến Duke, ông dạy tại USC.

GS Kuran là con của du học sinh Thổ Nhĩ Kỳ du học tại Yale, nên ông sinh ở New York City nhưng sống ở Thổ Nhĩ Kỳ từ lúc còn baby tới hết trung học. Sau đó ông qua Mỹ, học cử nhân ở Princeton (tốt nghiệp magna cum laude), cao học và tiến sĩ tại Stanford. Nghề của GS Kuran là kinh tế; tại Stanford ông làm luận án tiến sĩ với GS Kenneth Arrow, Nobel Kinh tế. Đề tài luận án của ông là lạm phát, nhưng trong toàn bộ công trình nghiên cứu của GS Turan sau khi ra PhD đề tài lạm phát chỉ là phần rất nhỏ. Nhưng nghề của thầy Arrow (preference, social choice) rõ ràng là có ảnh hưởng tới tư duy của ông.

GS Kuran là một trong những người tiên phong dùng phương pháp lý luận của kinh tế vào các lãnh vực ngoài kinh tế, như xã hội, chính trị, luật. Ông được đánh giá là một trong những nhà tư tưởng lớn của Mỹ hiện nay.

Câu hỏi ở trên được trả lời trong cuốn sách mang tên “Private Truths, Public Lies: The Social Consequences of Preference Falsification,” NXB Harvard University Press, 1995.

Cuốn sách là kết tinh của nhiều bài trình bày hội nghị và bài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành kinh tế, về đề tài “preference falsification.”
“Preference falsification” chính là lý do tại sao không ai tiên đoán được một cuộc cách mạng sẽ xảy ra.

Để giải thích “preference falsification,” có thể so sánh với hai câu thơ Phùng Quán:
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét”

Thì GS Kuran chứng minh rằng hầu hết người sống trong môi trường bị đè nén thường không làm thế. “Preference falsification,” là ngược với hai câu thơ trên. Tức là, theo GS Kuran, Phùng Quán là ngoại lệ.

“Preference falsification,” theo định nghĩa trong cuốn sách, là việc một người sống giả dối với điều mình muốn.
Thí dụ, bạn đến ăn nhà người ta, người ta hỏi đồ ăn ngon không, bạn thấy dở nhưng vẫn khen ngon. Đối với GS Kuran, đó chưa phải là “preference falsification.”
Phải nâng nó lên cấp độ cao hơn, hoàn toàn giả dối với chính mình về cái món ăn đó kia. Không những khen trước mặt người nấu, mà còn khen trước mặt người khác, rồi lại chủ động rủ người khác đi ăn món đó, v.v. Thế mới gọi là “preference falsification.”

Người chủ tiệm tạp hóa ở Đông Âu cộng sản, đến ngày thành lập đảng tự nguyện chưng bảng hiệu “Mừng đảng mừng xuân” hay đại khái thế, dù không ai nhắc nhở, không ai bảo, mà nếu không chưng thì chắc cũng chẳng ai nói gì, nhưng mà người ta vẫn chưng, dù chả yêu thường gì đảng — đó là “preference falsification.”

Người mẹ phấn đấu vì đảng cộng sản để đến nỗi con bà cũng tưởng vậy (như trong cuốn phim mà tớ không muốn nói tên vì lỡ có bạn nào chưa xem mà tớ tiết lộ đoạn kết thì không nên, nhưng nếu bấm link thì ráng chịu), cũng là một trường hợp “preference falsification.”

Điều này không phải chỉ đúng với các chế độ độc tài, mà còn đúng với những ý tưởng mà có thể bị xã hội lên án. Thí dụ, ở Mỹ, những người kỳ thị người da đen thường tránh biểu lộ điều này. Khi hỏi có ủng hộ một ứng cử viên da đen nào đó, người ta có thể nói có, để cho có vẻ là tôi công bằng với người da đen lắm cơ. Nhưng đến lúc vào phòng phiếu, bỏ phiếu kín, người ta sẽ bầu cho ứng cử viên da trắng kia.

Tất nhiên, “preference falsification” nhiều khi lộng giả thành chân. GS Kuran trích dẫn thời một số vua chúa châu Âu đàn áp Công Giáo, ép người Công Giáo theo Tin Lành, nhiều người Công Giáo lúc đầu giả vờ bỏ đạo rồi về nhà thì vẫn thờ phượng và dạy con theo giáo lý Công Giáo, nhưng rồi hầu hết bỏ đạo thiệt.

Đối với các cuộc cách mạng không tiên đoán được, GS Kuran có một chương giải thích hiện tượng này bằng “preference falsification.”
Ở một xứ độc tài, người ta có nhu cầu phải giấu kín ước nguyện của mình là mong một sự thay đổi. Mong một cuộc cách mạng.
Nhưng nói ra thì đi tù. Nên họ giấu. Giấu chính quyền, giấu bạn bè, giấu cả gia đình. Cả một xã hội yêu ai không bảo là yêu ghét ai không bảo là ghét.
Cho nên, từ nhà cầm quyền, tới những thế lực thù nghịch quốc tế, và cả giữa những người yêu dân chủ với nhau, mọi người đều tính sai, tính nhầm, mức độ bất mãn và đòi hỏi cách mạng trong lòng người dân.
Mà họ càng giấu kín ý tưởng cách mạng, thì chính quyền càng có vẻ sang trọng hùng dũng, và do đó lại càng nhiều người khác giấu kín ý tưởng cách mạng của người ta.
Tức là tỷ lệ giả dối không đứng yên mà từ từ lên theo cái vòng xoay đó.
Cho đến một ngày, có một yếu tố xúc tác nào đó, đùng một cái người ta bộc lộ ý muốn thật của mình.
(GS Kuran trích dẫn Freud khẳng định rằng con người ta khi phải giả dối với chính mình thì có phần hao tổn tâm hồn. Vì vậy, được dịp là người ta ngưng giả dối ngay.)

Một người bộc lộ, người khác bộc lộ, và chẳng mấy chốc (thế nào là chẳng mấy chốc? hôm khác tớ sẽ bàn tiếp về người khác nghiên cứu đề tài này) cả nước vùng lên và bảo vào mặt kẻ độc tài: Chúng tao nói thật cho mi nghe, chúng tao muốn dân chủ!

Cuộc đào tẩu hàng loạt của cả nhiều đội quân và cảnh sát Libya, của hàng loạt các đại sứ, ở Ấn Độ, ở Úc, ở Indonesia, ở LHQ, Mỹ và một lô chỗ khác, là bằng chứng của sự “preference falsification” bấy lâu nay.

Khi cách mạng đã có khí thế, thì lại có hiện tượng “preference falsification” nữa xảy ra. Ngược lại với lúc trước:
Trong nước đó, thế nào cũng có một số người là tay chân của nhà độc tài và được hưởng bao nhiêu loại ơn mưa móc của người, và ước vọng thật của họ là muốn nhà độc tài sống muôn năm muôn năm. Nhưng đến lúc điều đó là điều bị xã hội lên án, thì chính họ (như những người kỳ thị da đen) lại đội lốt giả, quay sang phản nhà độc tài, để đi theo trào lưu dân tộc.

Mô hình của GS Turan có thể tóm tắt thế này:
Độc tài còn vững, ai ai cũng giả vờ ủng hộ nhà cầm quyền. Điều này khiến cho mọi người tưởng là mức ủng hộ nhà cầm quyền cao lắm.
Đến lúc có một yếu tố xúc tác nào đó (GS Kuran trích dẫn một thành ngữ Trung Quốc “A single spark can start a prairie fire” – ai biết gốc chữ Hán là gì chỉ dùm), thì người ta vùng lên và mức độ bất mãn lúc đó mới lộ ra.
Tới lúc đó, cả những bầy tôi trung thành của chúa sẽ bỏ nhà cầm quyền. Có thể chính họ là người chán ngán chế độ (như những phi công Libya thà đào tẩu hơn giết người dân mình). Nhưng cũng có thể bây giờ đến phiên họ giả vờ. Đằng nào thì nhà độc tài cũng thua.

Đó là mô hình cách mạng của GS Turan, và mô hình này giải thích được tại sao cách mạng thường xảy ra bất ngờ và không ai lường trước được.
.
.
.

No comments:

Post a Comment