Friday, February 25, 2011

NỔ SÚNG Ở THỦ ĐÔ LIBYA (BBC)

BBC
Cập nhật: 07:59 GMT - thứ sáu, 25 tháng 2, 2011

Tin mới nhất nói chính quyền xả súng vào người biểu tình ở thủ đô Tripoli.
Trong ngày hôm nay, Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc bắt đầu cuộc họp khẩn cấp để bàn tình hình Libya.
Cao ủy nhân quyền Navi Pillay, mở đầu buổi họp, lên án lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi, vì dùng bạo lực chống người biểu tình.
Dự kiến hội đồng có thể trục xuất Libya ra khỏi hội đồng nhân quyền - một diễn biến chưa từng có.
Cũng trong ngày hôm nay, các đại sứ NATO sẽ họp khẩn cấp ở Brussels để bàn về Libya.
Có vẻ cuộc thảo luận sẽ tập trung cho nỗ lực di tản công dân, và có thể đụng đến hoạt động nhân đạo.
Dường như lúc này, những biện pháp mạnh như lập vùng cấm bay hay can thiệp vẫn chỉ là đồn đoán.
Tổng thống Barack Obama đã gọi điện cho lãnh đạo Anh, Pháp và Italy để bàn làm sao gia tăng sức ép ngoại giao với Libya.
Trong khi đó lãnh tụ Libya, Muammar Gaddafi đổ lỗi mạng lưới al-Qaeda gây ra phong trào nổi dậy của dân.
Ông Gaddafi nói với truyền hình nhà nước rằng Osama Bin Laden đứng đằng sau các cuộc biểu tình.
Trong cuộc điện thoại từ thị trấn al-Zawiya phát đi trực tiếp trên tivi, Đại tá Gaddafi nói thanh niên được cho ma túy và rượu để tham gia "phá hoại".
Hiện ông Gaddafi đang cố gắng kiểm soát thủ đô Tripoli và các vùng phía tây.
Phe đối lập đang giữ các thành phố ở miền đông.

Các diễn biến mới nhất:
Các lãnh đạo bộ tộc và nhiều chính trị gia đối lập ở miền đông Libya đã nhóm họp tại thành phố Al Bayda để thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại việc níu giữ quyền lực của Đại tá Gaddafi.
Hình ảnh phát đi trên truyền hình Al Jazeera cho thấy các đại biểu lên tiếng trong một hội trường, giữa tiếng hô lớn 'Tripoli là thủ đô của chúng ta' từ những người biểu tình chống ông Gaddafi.
Các lực lượng đối lập với Đại tá Gaddafi cho hay họ đang củng cố các vị trí mới chiếm thêm được ở miền đông Libya.
Tin tức cho biết đã nổ ra thêm các vụ đụng độ tại một số thành phố ở mạn tây của nước này.
Các nhân chứng cho biết tâm lý e sợ hiện lan rộng tại thủ đô Tripoli vốn có sự hiện diện của lực lượng bảo vệ và dân quân trung thành với ông Gaddafi.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Libya, Mustafa Abdel-Jalil, người đã từ chức để phản đối bạo lực nhắm vào người biểu tình chống chính phủ, cho biết sẽ không có sự thương lượng nào với Đại tá Gaddafi và ông này cũng kêu gọi ông Gaddafi phải từ chức ngay lập tức.

Mỹ lên tiếng
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên án chính quyền Libya dùng bạo lực đàn áp người biểu tình ôn hòa, gọi đó là hành động "tàn bạo và không chấp nhận được".
Ông Obama nói thế giới cần có tiếng nói chung, rằng Hoa Kỳ đang thảo ra một loạt các đề nghị hành động, và sẽ mang ra bàn thảo với đồng minh.
Ông Obama nói chính quyền Libya phải chịu trách nhiệm với hành động của họ.
Phát biểu của ông Obama xuất hiện khi lãnh tụ Libya, Muammar Gaddafi tìm mọi cách duy trì kiểm soát miền tây đất nước, trong đó có thủ đô Tripoli.
Các nhóm biểu tình đòi thay đổi chế độ, với sự hậu thuẫn của nhiều binh lính đào tẩu, nay đang thiết lập kiểm soát ở miền đông của Libya.
Cư dân Tripoli cho hay họ không dám ra ngoài đường, nhiều người lo sợ quân chính phủ sẽ nhắm bắn khi nhìn thấy họ.
Trong khi đó hàng ngàn kiều dân nước ngoài đang tìm cách rời Libya bằng đường biển, đường hàng không. Một số người rời Libya qua đường biên giới giữa Tunisia và Ai Cập.
Rất khó xác minh số người chết tại Libya. Tổ chức Human Rights Watch nói, cho đến nay 300 người chết đã được xác nhận. Tuy nhiên Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (International Federation for Human Rights) cho hay ít nhất 700 người bị đã bị giết.

'Đủ loại giải pháp'
Trong phát biểu công khai lần đầu về cuộc nổi dậy tại Libya, ông Obama không chỉ trích Đại tá Gaddafi một cách trực tiếp. Tuy nhiên ông lên án nhóm người hậu thuẫn lãnh tụ Libya dùng bạo lực đàn áp phản đối ôn hòa.
"Tình trạng bắn giết, cảnh người dân bị đàn áp thật dã man và không chấp nhận được," ông Obama phát biểu từ Tòa Bạch ốc. "Những lời đe dọa, các chỉ thị nhắm bắn người biểu tình ôn hòa hoàn toàn không chấp nhận được."
"Những hành động như vậy không phù hợp với hành xử quốc tế, chúng vi phạm cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau. Cần phải ngưng ngay bạo lưc."
Ông Obama cho hay ông ra lệnh nội các thảo ra một loại các đề nghị hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong đó có một số hành động chưa được nói rõ mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện một mình. Hoặc làm cùng đồng minh.
"Trong tình hình biến chuyển nhanh như thế này, điều cần thiết là các quốc gia nói cùng tiếng nói," ông Obama nói thêm.

Geneva
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ lên đường đi Geneva hôm thứ Hai. Tại đây bà Clinton và ngoại trưởng của một số nước đứng ra triệu tập cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tại Brussels, các đại sứ của EU cho hay nếu cần thiết, Liên hiệp Âu châu sẵn sàng áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Libya.
Phái viên BBC Kim Ghattas từ Washington nhận xét phát biểu của ông Obama mang theo thông điệp cứng rắn và sự bất bình, tuy nhiên chưa đưa ra được hành động cụ thể nhằm giúp chấm dứt bạo lực – ngoài việc điều bà Clinton đến Âu châu.
Phái viên BBC nói, khả năng cấm vận và phong tỏa tài sản của Libya hoàn toàn có thể làm được, tuy nhiên chúng không ngưng ngay bạo lực nhắm đến người biểu tình. Ít nhất trong thời gian trước mắt.
Chuyện ông Obama kêu gọi cộng đồng quốc tế nói cùng tiếng nói cho thấy hiện đang có một số chia rẽ trong việc tìm giải pháp đối với chính quyền của Đại tá Gaddafi, phái viên nói thêm.

.
.
.

No comments:

Post a Comment