Thursday, February 3, 2011

LĂNG LENIN : LỊCH SỦ và NHỮNG Ý KIẾN (Bùi Lan Hương)


Những sự kiện chính trị, kinh tế  ở nước Nga vẫn nối đuôi nhau theo tháng ngày. Nhưng có lẽ quý độc giả đã chóng mặt với những  hiệp ước cùng sắc lệnh sòn sòn xuất hiện còn nhanh hơn gà đẻ trứng trong đời sống chính trị ở nước này, bài viết này sẽ được thay đổi mầu sắc và khẩu vị để quý vị đỡ buồn.

Lăng Lenin. Ảnh Google

Câu chyện bắt đầu bằng dòng chữ rất quen thuộc:” Ngày xửa ngày xưa…” vì nó đã bắt đầu từ 86 năm trước, nhưng đến giờ vẫn chưa có đoạn cuối nên người ta vẫn tiếp tục bàn tán, và chúng ta vẫn có cơ hội để theo dõi. Đó là câu chuyện về số phận xác ướp của Lênin cũng như nhiều người khác ở khu vực quảng trường Đỏ của Nga.

Ngay khi chủ nghĩa cộng sản bị kéo khỏi vị trí độc tôn ở Nga, số phận tiếp theo của cái xác ướp đã là một đề tài nhiều lần được mang ra tranh cãi. Những người dân chủ muốn xóa đi dấu vết của một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Nga, nên đề nghị trả xác thân trở về với cát bụi, mang thi hài Lenin và toàn bộ khu nghĩa trang ở quảng trường Đỏ đi chôn ở một nơi khác. Nhưng những người cộng sản ở Nga còn rất mạnh, chẳng dễ gì lấy đi của họ một nơi lý tưởng để tụ tập chỉ trích chính phủ mới, hồi tưởng lại cái thời  “tư sản đỏ” được “ăn trên ngồi chốc”  vàng son của họ. Thế rồi một thời gian dài người ta tạm quên đi chuyện cái xác ướp để giải quyết những vấn đề “cơm, áo” cần thiết hơn. Gần đây chính Tổng thống Boris Yeltsin đã quay lại vấn đề này. Ông tuyên bố: “đã đến lúc phải di chuyển cái nghĩa trang do những người Bolshevik tạo nên trên quảng trường Đỏ đi nơi khác để  trả lại cho quảng trường Đỏ mà theo đúng nghĩa Nga cổ có nghĩa là “quảng trường Đẹp” vẻ đẹp thuần khiết của nó, đã đến lúc phải trả lại cho đất đai cái phần của đất đai”.

Cuộc tranh cãi lại bùng lên. Đảng dân chủ tự do của Dzirinovski ngay lập tức đề nghị được “mua lại” thi hài và cả phòng ướp xác hiện đại của Lenin để kinh doanh!. Theo ý họ, nếu tổ chức đưa xác ướp đi “lưu diễn” ở các nơi trong liên bang chẳng mấy chốc sẽ thu lại  vốn  bởi những kẻ tò mò lúc nào cũng sẵn, đó là chưa kể Lenin sẽ “quảng cáo” không mất tiền cho đảng dân chủ tự do một cách hữu hiệu nhất. Thời buổi kinh tế thị trường có khác, cái gì cũng được mang ra định giá. Khả năng chính phủ đồng ý “bán” Lenin  cho đảng dân chủ tự do rất nhỏ, nhưng dẫu sao lời đề nghị tuy hơi khiếm nhã nhưng thẳng thắn của đảng này cũng làm dân chúng đổ xô đến nhìn lại Lenin một lần cuối, dẫu sao cũng còn “không mất tiền”!

Những người Nga vui tính thường gọi xác ướp của Lenin là “ông bán rượu”. Cái tên đó bắt nguồn từ câu chuyện hài như thế này: Có một người nông dân Nga từ quê mới lên Moscow chơi, trông thấy một đoàn người xếp hàng rồng rắn lên mây từ phố này qua phố khác, vội chạy đến xí chỗ, chắc mẩm trong bụng thế nào cũng mua được vài chai rượu,  (ở Liên Xô ngày xưa hình ảnh quen thuộc nhất là những hàng người chịu đựng chờ đợi mua từ cái kim đến bánh mỳ, hàng càng dài chứng tỏ hàng càng quý, càng khan hiếm, hàng dài nhất là để mua rượu). Bác nông dân xếp hàng từ sáng đến quá trưa mới đến lượt, nhưng đến nơi… bác trợn mắt, há mồm, không nói được lời nào, mãi đến khi ra khỏi “cửa hàng” bác mới lẩm bẩm: “Thật tiếc quá, ông bán rượu lại bị chết mất rồi, phí một buổi sáng!”

Thánh địa biến thành nghĩa địa
Cái tên “Quảng trường đỏ” mà theo tiếng Slava cổ có nghĩa là đẹp, đã xuất hiện từ năm 1662. Trên quảng trường này có rất nhiều di tích lịch sử quan trọng của nước Nga, nổi tiếng nhất là  Đại giáo đường Pokrovski được xây dựng từ giữa thế kỷ  16 nhân dịp nước Nga  thoát khỏi 300 năm thống trị của giặc Tarta, chính vì vẻ đẹp tuyệt tác của ngôi Đại giáo đường  mà quảng trường được gọi là “Đẹp” . Cùng với một quần thể rất nhiều Đại giáo đường, tháp chuông được xây dựng từ thế kỷ 15-16 trong Điện Cremli và trên quảng trường Đỏ, nơi đây từ nhiều thế kỷ đã  là thánh địa của nước Nga. Quảng trường Đỏ  biến thành nơi chôn cất từ tháng 11 năm 1917 khi Ủy ban khởi nghĩa thành phố Moscow  quyết định chôn 240 người  đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa ở đây . Ngay sau đó Công đồng giáo hội toàn Nga đã kiến nghị với chính phủ mới đề nghị họ chuyển các hài cốt này đi nơi khác vì việc chôn cất thường dân ở  giữa khu thánh địa chẳng khác nào yểm bùa vùng đất này. Nhưng những lời yêu cầu này đã bị bỏ ngoài tai. Từ đó đến nay hơn 430 người được mệnh danh là chiến sỹ  hy sinh vì tự do, đã được gửi nắm tro tàn bên bức tường phía tây nam của quảng trường Đỏ.

Quảng trường đỏ không chỉ biến thành nghịa địa, nó còn được  tôn vinh thành khu lăng mộ với những xác ướp “sống hơn tất cả mọi người sống”! (câu cửa miệng người ta dành cho thi hài của Lenin).
Thực ra khi Lenin mới chết, người ta chưa hề có ý định sẽ ướp xác ông. Ủy ban tang lễ do Dzerdjinski -ông tổ của KGB Liên Xô-làm chủ tịch dự định sẽ tiến hành chôn cất vào ngày 26 tháng 1 năm 1924 tại quảng trường Đỏ. Cho đến lúc đó không ai có thể biết rằng những người Bolshevich sắp sửa biến cái chết Lãnh tụ của họ thành điểm khởi đầu một quá trình Lenin hóa toàn bộ đời sống tinh thần trong nước, cũng như năm 1918 họ đã lợi dụng vụ ám sát hụt Lenin để tiến hành hàng loạt vụ khủng bố liên tiếp và đẫm máu.

Đến ngày 24 tháng 1, người ta đã quyết định biến thi hài của Lenin thành một công cụ tuyên truyền cho những ý đồ chính trị và ý thức hệ. Người ta đưa ra khẩu hiệu: “ngôi mộ của Lenin-cái nôi của cách mạng thế giới“, nhiều năm đi qua và giờ đây người ta thấy quả thật  ngôi mộ này đã trở thành biểu tượng -nhưng là biểu tượng sự kết thúc một cuộc cách mạng tàn bạo trong lịch sử nhân loại.

Sau khi ướp xác Lenin, các nhà lãnh đạo Xô-viết  bắt đầu một cỗ xe tuyên truyền khổng lồ để “ướp” những tư tưởng của ông. Khắp nơi nhanh chóng mọc lên nào viện bảo tàng nào tượng đài nào hàng núi tuyển tập Lenin…chắc hẳn những người Bolshevich muốn phủ lên đất nước Liên Xô khi đó và dần dần cả hành tinh này những bức tượng ngớ ngẩn giống hệt nhau mà người Hà Nội mỉa mai đặt vè hát rằng: “Ông Lenin ở nước Nga, cớ sao ông đứng vườn hoa nước mình, ông vén áo, ông chỉ tay, “chủ nghĩa xã hội chúng mày còn lâu!“. Đó mới chính là hậu quả đáng buồn nhất trong cái chết của Lenin.

Cái chết của Lenin đã không giải phóng nước Nga khỏi ông ta, hơn 60 năm sau đó người ta vẫn phải sống để “thực hiện những di chúc thiêng liêng” của ông. Chẳng bao lâu, những người Bolshevich đã biến những ý đồ của Lenin thành một thứ tôn giáo Xô viết. Trong những năm 20, dưới khẩu hiệu: “Làm trong sạch chủ nghĩa Lenin”,  các lãnh tụ Bolshevich đã đấu đá nhau kịch liệt để giành quyền thừa kế chức vụ lãnh đạo trong đảng. Stalin đã sử dụng “bài” này thuần thục và đúng lúc nhất, nên chẳng bao lâu ông ta đã vượt qua những lãnh tụ Bolshevich có uy tín hơn để leo lên đỉnh cao quyền lực.

Người chịu trách nhiệm ướp xác cho Lenin là giáo sư sinh hóa nổi tiếng Vorobiov, một người có lý lịch không mấy “trong sạch” trong mắt những người Bolshevich, nhưng chỉ một mình giáo sư có thể đảm nhiệm công việc này nên những người Bolshevich tạm  quên đi tội “cộng tác với người Đức” của ông. Sau bốn tháng làm việc giáo sư đã thành công trong việc giữ xác lâu dài. Nhưng người có công lao lớn nhất trong việc bảo quản xác là giáo sư và sau này là viện sỹ Boris Zbarski. Sau này ông là trưởng phòng thí nghiệm bảo quản xác Lenin. Mặc dù có công lớn trong việc bảo quản “báu vật” số một của nhà nước Xô viết, nhưng ông cũng không tránh khỏi sự đàn áp của Stalin. Năm 1952 ông bị bắt với tội danh rất quen thuộc trong thời xã hội chủ nghĩa: làm điệp viên cho Đức từ những năm 20!!! Đến cuối năm 53 ông được trả lại tự do, sau đó ít lâu ông đã qua đời vì bệnh tim.

Để bảo quản “một ông bán rượu đã chết” chẳng đơn giản chút nào, cả một phòng thí nghiện hiện đại nhất đã được thành lập. Trong những năm 70 phòng thí nghiệm bảo quản xác Lenin do ba viện sỹ, một viện sỹ thông tấn, ba tiến sỹ và 12 phó tiến sỹ  phụ trách, đó là chưa kể những người giúp việc có chuyên môn cao lên tới hơn 40 người nữa. Tới những năm 80, số viện sỹ làm việc trong phòng thí nhiệm này đã lên tới hàng chục người! Mỗi năm chi phí cho riêng việc bảo quản này đã lên tới hàng chục triệu rúp vàng nghĩa là hơn mười triệu mỹ kim hiện nay. Lăng của Lenin bằng đá cẩm thạch hiện nay được xây dựng theo thiết kế của viện sỹ Shysev vào năm 1938. Đây là cái lăng thứ ba được xây dựng kể từ khi Lenin chết. Hai lăng trước chỉ là tạm thời được dựng bằng gỗ. Đến năm 1974 người ta quyết định tu bổ lại lăng, riêng việc tu bổ cũng tốn đến 5,5 triệu rúp. Chẳng riêng gì lăng, mỗi đồ vật nhỏ nhất như hòm kính, thùng ngâm…đều là công sức của nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau để tìm ra phương kế tối ưu nhất. Trong những năm Liên Xô còn tồn tại, người ta đã không tiếc tiền của và công sức để chăm lo cho cái xác “sống hơn mọi người sống”, ủy ban an ninh quốc gia ngày đêm soi mói để tìm xem trên mặt “lãnh tụ số một” của họ có chỗ nào nhăn nheo, chỗ nào nứt nẻ hay sẫm lại không, còn Bộ chính trị coi việc chăm lo cho cái xác như một công việc hệ trọng nhất của quốc gia. Đối với các nhà lãnh đạo Liên Xô, cái xác ướp của Lenin là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu nhất của họ, ông ta như một bù nhìn không thể thiếu để đuổi những chú chim yếu bóng vía. Trong nhiều năm hàng chục triệu người đã bị mê hoặc, (đến giờ vẫn còn nhiều người ở tình trạng đó) và coi thi hài của Lenin như một biểu tượng của đời sống chính trị nước này. Nếu mọi việc ở “thiên đường của chủ nghĩa xã hội” đều được chăm lo chu đáo như vậy thì không có gì đáng nói, nhưng trong khi người ta không tiếc sức lực để hoàn thiện một cái xác thì hàng chục ngàn người hy sinh từ chiến tranh thế giới thứ hai trong nhiều năm không được chôn cất, biết bao số phận quân nhân “mất tích” trong chiến tranh bị quên lãng, thương binh  bị bỏ sống lay lắt, không được chăm lo chu đáo về y tế, hàng chục ngàn thương binh Afganistan bị sống đói khổ, đó mới là điều bất công.

Ít ai suy tư để thấy cái nực cười rằng người ta đã chọn một cái xác chết làm biểu tượng cho một ý thức hệ vẫn được tôn vinh là trường cửu, một cái xác ướp được tôn thờ là người dẫn đầu cả đất nước đi về một tương lai vô định, và cuối cùng nó đã rơi xuống vực…

Mặc dù lăng Lenin dược bảo vệ nghiêm ngặt, vẫn có những người liều mình tìm cách phá hoại xác ướp của Lenin. Chẳng hạn tháng 3 năm 59, một người dùng búa đập vỡ hòm kính Lenin nằm, tháng 9 năm 1973 một người cảm tử mang bom vào lăng, nhưng bom bị nổ trước, người đó đã hy sinh. Còn một vài trường hợp phá hoại nhỏ khác, nhưng chính quyền đã ỉm đi ngay. Họ gọi những người phá hoại này là “những kẻ điên khùng” và tống vào trại điên. Tất nhiên không đời nào chính quyền dám gọi những hành động đó là chống đối, vì như thế khác nào tự nhận “ông Thánh” của họ đã mất thiêng.

Kể về việc thần thánh hóa cái xác của Lenin không thể nào không nói đến một việc kỳ cục khác của chính phủ Liên Xô ngày xưa, đó là việc nghiên cứu bộ não của Lenin. Những người Bolshevich muốn chứng tỏ, những ý tưởng “thiên tài” của Lenin được xuất phát từ một bộ óc “thiên tài”. Ngay khi Lenin vừa chết, một phòng thí nghiệm nghiên cứu bộ óc của ông đã hình thành. Đến năm 1927 phòng thí nghiệm được nâng cấp thành “viện nghiên cứu” do giáo sư nổi tiếng người đức Fogt  phụ trách. Sau mười năm nghiên cứu viện đã hoàn thành “công trình vĩ đại nhất” của họ: nghiên cứu bộ óc của Lenin. Một bản báo cáo dầy 153 trang, 15 cuốn allbum ảnh với 750 tấm ảnh các loại có chứa đầy đủ mọi số liệu khoa học về cấu tạo của bộ não được đệ trình cho Bộ chính trị, nhưng dù có tìm cả buổi họ cũng chẳng thấy chứng cứ nào khả dĩ để có thể tuyên bố: bộ óc của Lenin thiên tài khác hẳn người thường. Mới đây viện sĩ Yl Zbarski- con trai viện sĩ Boris Zbarski, người đã nhiều năm làm việc với xác của Lenin- cho biết, thực ra ngay cả những kết luận vô bổ của viện não đưa ra như não của Lenin có độ đậm đặc cao hơn người thường…cũng khó tin, vì Lenin bị chết vì bệnh não, khi ông ta chết một bên não bị teo lại nhỏ hơn bình thường rất nhiều, bản thân não bị mềm ra.  Thế là người ta quyết định “ỉm” đi, như họ vẫn làm với những gì không có lợi cho mình, còn công trình nghiên cứu mười năm của các viện sĩ đành đóng một loạt dấu “tuyệt mật” rồi đưa vào tủ sắt chờ thời gian phủ bụi.

Nhiều người muốn “chạy tội” cho Lenin thanh minh rằng chính Lenin không hề có ý đồ ướp xác và biến mình thành một ông Thánh, nhưng Lenin thường dùng một câu nói nổi tiếng của Napoleon: “Đầu tiên cứ hết lòng tham gia trận đánh, còn kết quả ra sao hồi sau sẽ rõ”. Lenin đã bắt đầu trận đánh bằng cuộc cách mạng Tháng mười, đã tự mình xây dựng một đường lối, đã mở ra một con đường, mọi điều tiếp theo cũng từ đó mà ra…Cái xác ướp có thể là tình cờ nhưng việc chế ra thần tượng Lenin là tất yếu từ con đường đó.

Cho đến tận bây giờ dòng người đến thăm lăng Lenin vẫn còn tiếp tục, nhưng phần đông là những kẻ tò mò, những người đến tưởng niệm một ông Thánh chẳng còn bao nhiêu. Thời gian trôi qua càng lâu, người ta càng muốn được nhìn mặt con người đã ra lệnh phá hủy hàng ngàn nhà thờ, thánh đường, tu viện, khu Thánh địa của nhà thờ Chính thống Nga nhưng chính mình lại biến thành một  ông thánh ướp. Lăng Lenin đã thành “khu tưởng niệm” của chủ nghĩa Lenin ở Nga, nó nhắc nhở người ta về một thời kỳ tàn bạo đã sụp đổ ở đất nước này.

© Đàn Chim Việt
(Bài tác giả viết đã vài năm trước, nhân sự kiện ồn ào mới đây liên quan tới việc trưng cầu dân ý chôn hay không chôn Lenin, chúng tôi xin đăng lại để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tải các bài viết hay tin tức liên quan tới chủ đề này tới độc giả)

-------------------

Nước Nga muốn chôn Lenin, còn người Việt thì sao?  - Mạc Việt Hồng  - 
.
.
.

No comments:

Post a Comment