Saturday, February 26, 2011

KHI MỘT DÂN TỘC CÙNG QUYẾT TÂM ĐÒI TỰ DO - DÂN CHỦ (Hồng Lạc)

Hồng Lạc
Đăng ngày 26/02/2011 lúc 02:51:57 EST

Trào lưu dân chủ từ Bắc Phi và Trung Đông đang phả hơi nóng vào gáy chúng ta! Có thể dùng “ngôn ngữ bóng đá” để mô tả một thực tế đang diễn ra mà ngay cả những tờ báo nhà nước cũng không thể đứng ngoài. Sau những biến động lớn ở Bắc Phi và Trung Đông mà đỉnh điểm là hai cuộc biểu tình kết thúc khá chóng vánh ở Tunisia và Ai Cập thì khá nhiều người cho rằng, thời cơ cho một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam đang tới gần. Có nhiều bài viết liên quan đến sự kiện Tunisia, Ai Cập, Bắc Phi và Trung Đông. Có nhiều bài viết nói đến một cuộc biểu tình lớn sẽ xảy ra ở Việt Nam trong một tương lai không xa. Có nhiều bài viết nhắc đến hiện trạng phong trào dân chủ Việt Nam chưa được tổ chức tốt và có nhiều bài viết lo ngại một sự chuyển đổi không được chuẩn bị kỹ càng, không được một lực lượng đối lập đủ sức tiếp nhận. Có nhiều ý kiến so sánh một Tunisia và Ai Cập không có đối lập đủ lớn vẫn có thể thành công chóng vánh thì liệu một Việt Nam nếu xảy một cuộc biểu tình có đem lại thắng lợi và thời điểm nào là thích hợp cho sự chín muồi của một cuộc cách mạng? Đâu là nhân tố để đảm bảo sự thắng lợi? Chúng ta phải làm gì và tổ chức ra sao để một sự chuyển đổi có thể diễn ra trong thế chắc thắng? v.v. và v.v.

Vì vậy, người viết nhận thấy không thể chậm trễ hơn để hoạch định một lối đi khả dĩ trong nhận thức chung của mọi người dân và là lúc cần đưa ra một sự nhìn nhận sát thực để có thể đánh giá thời cơ và vận hội của con đường dân chủ. Với việc để ngỏ bài viết (các bài đều có tiêu đề nghi vấn) sẽ giúp chúng ta cùng nhau bàn đến các vấn đề mà con đường dân chủ sẽ phải đối diện để từ đó, rút ra những kết luận hay tìm ra những bước đi thích hợp trong một tiến trình được chuẩn bị đầy đủ.

I. Nền dân chủ Việt Nam sẽ đến từ đâu?

1) Nền dân chủ Việt Nam có thể đến từ sự chuyển hóa chế độ cộng sản?

Chế độ độc đảng cộng sản hiện nay có thể tự chuyển hóa hay không và nếu có thì nó sẽ chuyển hóa như thế nào và làm sao để nó tránh khỏi một con đường mà cũng khá nhiều quốc gia đã rơi vào khi vừa thoát chế độ độc tài lại rơi vào chế độ dân chủ giả hiệu một đảng khác Đảng Cộng Sản (ĐCS) thống lĩnh độc tôn? Để trả lời được câu hỏi này thật không dễ dàng và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhau đánh giá những khả năng có thể xảy ra khi chế độ độc tài tìm con đường thoát thân khỏi vũng lầy mà vẫn giữ được những lợi thế nhất định cho họ:

Khả năng 1: Chính quyền nới lỏng cho các lực lượng đối lập phát triển và dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử dân chủ đa đảng.

Có lẽ con đường này là mong muốn của nhiều người vì nó là con đường để tránh được những tổn thất cho tất cả các phía, mặc dù vậy thì trong lịch sử chưa từng xảy ra kiểu chuyển hóa này vì ĐCS thường lo sợ nếu điều này xảy ra thì ĐCS sẽ không thể cạnh tranh được với các chính đảng khác trong thế đuối do hình ảnh mà tất cả các ĐCS để lại là những vết nhơ khó xóa lấp. Thực tế thì tại một số quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ sau cách mạng nhung thì ĐCS vẫn hoạt động bình thường nhưng không thể đánh bại các chính đảng khác để tái lập chính quyền. Điển hình của thực tế này là lãnh tụ ĐCS Nga Duganov đã nhiều lần tranh chức Tổng thống nhưng đều thất bại. Thực tế tại Việt Nam thì hình ảnh ĐCS còn xấu hơn các đảng Marxist khác vì Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển kinh tế thị trường và hầu hết các quan chức đảng đều bị chìm trong cơn bão tham nhũng trầm trọng và tệ mua quan bán chức trắng trợn nên trong mắt người dân nói chung, ĐCS đồng nghĩa với một đảng xấu xa vừa đáng sợ, đáng xấu hổ vừa đáng ghét.

Vì vậy, khả năng 1 khó xảy ra và thực tế đến tận bây giờ đã có thể khẳng định là chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy khả năng này xảy ra. Nếu tới đây Quốc hội đi tới việc sửa chữa Hiến pháp 1992 và bỏ điều 4 thì khả năng 1 vẫn còn là một bí ẩn khó đoán.

Khả năng 2: ĐCS tự chia tách thành hai đảng theo hai nhóm cấp tiến và bảo thủ, nhóm cấp tiến sẽ lấy tên khác và từ bỏ chủ nghĩa Marx–Lenin, phát triển lực lượng và cạnh tranh với ĐCS.

Khả năng 2 trùng với suy nghĩ của một số các vị lão thành cách mạng muốn có sự “đa nguyên” để tránh độc tài nhưng ngại đặt ra vấn đề mất – còn của ĐCS, tuy nhiên nếu suy xét thì thấy khả năng 2 tồn tại nhiều vấn đề khiến cho ĐCS né tránh hoặc con đường dân chủ sẽ phát triển theo xu hướng cực đoan, phi dân chủ (dân chủ giả hiệu) sau:
Nếu ĐCS tách thành hai thì cũng đồng nghĩa với việc cho phép đa nguyên chính trị, điều này đồng nghĩa với việc ĐCS sẽ phải cho phép thành lập các đảng phái khác ngoài ý muốn của họ, điều mà ĐCS đang lo sẽ dẫn tới mất độc quyền kiểm soát quốc gia. Vì vậy, nếu ĐCS chọn xu hướng này cũng có nét tương đồng với khả năng 1 nhưng ĐCS chủ động hơn trong việc khởi đầu con đường dân chủ đa nguyên – đa đảng.

Nếu cho phép tách đôi thì ĐCS sẽ nhanh chóng trở nên lép vế trước “nửa đối lập” kia và về phía nửa đối lập mới chia tách sẽ có thể trở thành một dạng như đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin hay đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Xen .v.v. và đảng này sẽ trở thành một đảng thống soái xã hội và gây sức ép lên đời sống chính trị quốc gia và kết quả là đất nước vẫn không có được dân chủ và các tệ nạn xã hội do các đảng viên ĐCS gây ra vẫn tồn tại lâu dài và con đường dân chủ của đất nước sẽ còn kéo dài không biết đến bao lâu.
Nếu tách đôi thì giới chóp bu ĐCS vẫn có thể thống lĩnh cả hai đảng, trong khi đó, họ chưa hề được trang bị những kiến thức dân chủ nên các đảng này khó từ bỏ con đường đã dẫn đất nước đến sai lầm. Mặt khác, khi một đảng phái tách ra từ ĐCS, sẽ có nhiều người dân xin gia nhập vào đảng mới này và sẽ khiến cho đảng mới thành lập chiếm thế áp đảo, làm mất sự đối trọng cần thiết cho một trật tự chính trị dân chủ cần có sau khi chuyển đổi.

Khả năng 3: Một số nhân vật chủ chốt trong ĐCS liên kết và thoả thuận ngầm làm một cuộc chính biến tương tự Liên Xô năm 1991, điều này dễ xảy ra nhất khi đất nước bị rơi vào trì trệ sâu không thoát ra được khiến người dân oán thán gây áp lực cao lên ĐCS. Tình hình Việt Nam sắp tới có nét giống Liên Xô những năm 1985-1990 (giai đoạn cải tổ trước đảo chính) khi ĐCS tìm cách nới lỏng sự kiểm soát tập trung của Đảng và nhà nước trong một số lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội (ở Việt Nam chưa thể hiện rõ như ở Liên Xô). Về tự do hóa ngôn luận mà Liên Xô đã áp dụng thì vẫn còn là điều chưa thể dự đoán ở Việt Nam. Về bầu cử cạnh tranh và tiến đến loại bỏ sự can thiệp của các cơ cấu đảng vào kinh tế và một số mặt của đời sống chính trị xã hội đã được Liên Xô thực thi trong giai đoạn này thì ở Việt Nam đang hô hào trước kỳ bầu cử quốc hội sau đại hội XI của ĐCS. Nhưng những nỗ lực cải cách của Liên Xô đã không thu được kết quả như mong đợi và một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Liên Xô vào năm 1991. Với những diễn biến chính trường Việt Nam thì nếu khả năng này xảy ra sẽ theo hai kịch bản sau:

a) Nền chính trị sẽ dễ dẫn tới một sự lệch cực, các thành viên chóp bu của ĐCS sẽ trở thành những Yeltsin, Putin… của Việt Nam và nhanh chóng thiết lập một trật tự mới mà không có ai bị trầy da trốc vảy gì cả, bộ mặt mới của thế chế có vẻ giống dân chủ được tạo nên giống một hình chiếu từ phiên bản cũ, các chính đảng khác có thể ra đời nhưng không thể cạnh tranh với đảng vừa thoát thai từ ĐCS.

b) Các thành phần cấp tiến chiếm ưu thế và thực hiện một lộ trình dân chủ thực sự tương tự như các quốc gia Đông Âu. Điều này khó xảy ra ở Việt Nam hơn do phe bảo thủ vẫn mạnh hơn phe cấp tiến và điều quan trọng là đa số họ đều đã nhúng chàm và lo sợ sẽ bị “dính đòn hồi mã thương” nếu chính biến hướng tới một nền dân chủ thực sự.
2) Nền dân chủ VN đến từ phong trào dân chủ của nhân dân


Phong trào dân chủ được hiểu là từ trào lưu trải rộng và không ngoại trừ bất cứ thành phần nào của xã hội, nó xuất phát từ trong nước hay từ nước ngoài, nó đến từ ước vọng của những người dân bình thường cho đến mong muốn thoát khỏi vũng lầy giả dối của chính những người cộng sản. Nó là hệ quả của bất cứ chế độ cai trị độc tài nào và chế độ độc tài càng hà khắc bao nhiêu càng khiến cho khát vọng dân chủ của mọi người dân càng lớn bấy nhiêu. Vậy, đâu là những khả năng có thể xảy ra mà điểm xuất phát là từ phong trào dân chủ, chúng ta sẽ cùng xem xét các khả năng và những giả định theo chủ quan của người viết.

Khả năng 4: Một số tướng lĩnh quân đội và nhiều vị lão thành cách mạng, nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cùng ký vào một bản kiến nghị Quốc Hội cho phép lập một đảng (ví dụ) Đảng Dân Chủ Xã Hội (ĐDCXH) bên cạnh ĐCS, đảng này chủ trương một nước Việt Nam tự do, dân chủ và bình đẳng. Số người ký vào bản kiến nghị lên tới hàng chục, sau đó tăng lên hàng trăm ngàn người.
Sau đây là những giả định:
Một bản “thỉnh nguyện thư” cho phép thành lập ĐDCXH tương tự như “kiến nghị dừng dự án khai thác bauxite (cả hai năm 2009 và 2010 lên tới 5-6 ngàn chữ ký)” được khỏi xướng từ một hay một số trang mạng như boxitvn, DanLuan, ĐCVonline… chẳng hạn nhưng lại được hưởng ứng rầm rộ và số chữ ký tăng nhanh.
Một số tờ báo như báo điện tử ĐCSVN, QĐND, CAND, ANTG.v.v. lên tiếng phản bác và kêu gọi ĐCS mạnh tay với những kẻ “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, “những kẻ phản động”.
Trước yêu cầu khó chối từ vì nó phù hợp với hiến pháp nước CHXHCNVN, Quốc Hội với gần 100% đảng viên ĐCS chọn giải pháp im lặng.
Mặc dù không được chấp thuận thì ĐDCXH được thành lập vào một ngày đẹp trời trên cơ sở của một bản cương và những người ký vào bản thỉnh nguyện thư (TNT) sẽ trở thành những đảng viên ĐDCXH.
Con số đảng viên mới ngày càng đông, một số đảng viên ĐCS trả thẻ đảng và xin gia nhập ĐDCXH.
Một số người dân cũng bắt đầu xin phép lập đảng phái khác theo như những gì mà ĐDCXH đã làm.
Một xã hội đa nguyên chính trị hình thành nhanh chóng.
ĐCS họp phiên bất thường quyết định thay đổi số phận của đảng bằng cách đổi tên, từ bỏ chủ nghĩa Marx–Lenin và con đường XHCN.
Trước yêu cầu của ĐDCXH và một số đảng phái khác, một cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra với sự giám sát của Liên Hợp Quốc, đánh dấu một chặng đường dân chủ của đất nước.

Khả năng 5: Một cuộc biểu tình trong cả nước được bắt đầu từ một cuộc biểu tình cỡ vài ngàn người tại Hà Nội, Đà Nẵng hoặc Sài Gòn… sau đó lan nhanh trong cả nước.

Sau đây là những giả định:
Trên mạng internet và điện thoại di động (ĐTDĐ), nhiều tin nhắn được truyền đi kêu gọi xuống đường tiếp sức cho cuộc biểu tình.
Chính quyền cho lực lượng an ninh truy bắt một số người, một số vụ đụng độ xảy ra khiến một số người bị thương hoặc tử nạn, đoàn biểu tình đưa nạn nhân (hoặc quan tài) tiến thẳng về UBND các thành phố lớn.
Lực lượng an ninh được tăng cường với hơi cay, bom xăng, vòi rồng để chặn đoàn biểu tình.
Lực lượng dân chủ bắt đầu phát đi tuyên bố “ngày xuống đường vì dân chủ, chống tham nhũng độc tài”.
Ngày “xuống đường vì dân chủ, chống tham nhũng độc tài” được hưởng ứng rộng khắp cả nước, trên khắp các nẻo đường ở Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ v.v., hàng trăm ngàn người tràn xuống các ngả phố trung tâm giương cao các biểu ngữ đòi tự do, dân chủ, chống độc tài đảng trị, chống tham nhũng, đòi quyền bầu cử dân chủ, đòi bọn tham nhũng và bọn tham quyền cố vị từ chức và trao quyền cho nhân dân…
14 thành viên Bộ Chính Trị ĐCS họp khẩn cấp, nhiều ý kiến được đưa ra khá xung đột, một số ý kiến chọn giải pháp nói chuyện với đoàn biểu tình, một số ý kiến chọn giải pháp răn đe bằng việc huy động xe tăng và thiết giáp.
Sau cuộc họp của Bộ Chính Trị, giải pháp đưa ra là điều động các binh chủng tăng – thiết giáp án ngữ các lối vào trung tâm các thành phố lớn, sẵn sàng chờ lệnh. Bộ Thông Tin và Truyền Thông (4T) được phép gây tắc nghẽn mạng internet và dịch vụ tin nhắn trên ĐTDĐ.
Tổng thống Mỹ và một số nguyên thủ ở Châu Âu và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ra lời kêu gọi lãnh đạo Việt Nam hãy tôn trọng ý kiến người dân để thực thi một nền dân chủ. Các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia trên thế giới (ngoại trừ Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn, Lào, Campuchia và một số các quốc gia còn dưới ách độc tài) lên tiếng ủng hộ cuộc xuống đường của người dân Việt Nam đòi tự do và dân chủ, đòi quyền con người và chống tham nhũng.
Lực lượng quân đội có xu hướng đứng về phía nhân dân để đòi quyền tự do dân chủ, họ không thể bắn vào đồng bào ruột thịt của mình, họ sẽ đứng về phía nhân dân.
Bộ Chính Trị ĐCS họp phiên khẩn thứ hai để tìm cách đối phó tình hình, lệnh giới nghiêm ở các thành phố lớn được ban bố.
Người dân bất chấp lệnh giới nghiêm, thậm chí càng nhiều người đổ xuống đường vì đây là cơ hội đem lại cuộc sống tự do, chống lại bọn tham nhũng hại dân hại nước.
Bộ Chính Trị ĐCS họp phiên thứ ba ra tuyên bố sẽ thương lượng với người dân, hứa sẽ thay đổi hiến pháp, tổ chức bầu cử “dân chủ”.
Người dân không chấp thuận lời kêu gọi giả dối đó, họ đòi ban lãnh đạo ĐCS từ chức để mở ra một cuộc tổng tuyển cử công bằng.
Tóm lược:


Trên đây là 5 khả năng có thể xảy ra cho một cuộc chuyển hóa dân chủ Việt Nam. khả năng 4 có nét tương đồng với khả năng 1 nhưng có những khác biệt. Ở khả năng 4 thì phe dân chủ đã chủ động thực hiện một phong trào đòi đa nguyên chính trị sau đó thì ĐCS mới thay đổi theo, còn khả năng 1 thì ĐCS bắt buộc phải mở cửa cho đa nguyên chính trị ra đời để có thể cứu vớt ĐCS. Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu ĐCS còn đủ tỉnh táo để chọn một lối thoát cho mình trước khi họ có thể bị đánh đổ bởi khả năng 5 hay khả năng 3 trong sự xem xét để né tránh xảy ra khả năng 2 hay không?

Chuyển hóa dân chủ ở Việt Nam là tất yếu sẽ xảy ra theo bất cứ khả năng nào nói trên. Để tránh sự trả giá bằng máu và sự huỷ hoại kinh tế, văn hoá và để con đường dân chủ có thể tới nhanh nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, ĐCSVN cần có những quyết định chính trị kịp thời và phù hợp với xu thế của thời đại. Về phía những con người đang mong muốn đất nước đổi mới thực sự, muốn một đất nước tự do dân chủ và minh bạch, muốn đất nước nhanh chóng thoát khỏi những thảm hoạ khôn lường về chính trị, kinh tế, quốc phòng, giáo dục, đạo đức xã hội v.v. hãy hành động sáng suốt và kịp thời, hãy gác bỏ mọi ý nghĩ ngờ vực và chia rẽ, hãy vì chính cuộc sống của những người dân khốn khổ để cứu nguy cho dân tộc. Lịch sử sẽ không chờ đợi ai nếu người đó chần chừ.


II. ĐCSVN có dễ dàng chủ động con đường dân chủ?

Xin nói ngay là không và không! Vậy, lý do nào khiến cho ĐCS không thể chủ động con đường dân chủ đúng nghĩa (không phải là con đường biến thể từ độc tài cộng sản sang độc tài phi cộng sản bằng cách chia tách đảng hay làm một cuộc chính biến). Để thấu rõ câu trả lời này, chúng ta cần mổ xẻ tất cả các yếu tố tạo nên nhận định nói trên:

1) ĐCSVN luôn chống lại những diễn biến theo xu hướng dân chủ và họ coi những diễn biến này là “tự diễn”, “diễn biến hòa bình”, là “cách mạng màu”, “cách mạng nhung”. “Chiến lược chống diễn biến hòa bình” đã trở thành một cụm từ có trong mọi tài liệu của Đảng. Sau đại hội XI, ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí Thư, người dự kiến sẽ ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước còn dành hẳn một bài viết dài nói về vần đề này. Vì vậy, khi đã coi là “đảng sách” là tránh phải “tự sát” thì ĐCS sẽ không dễ dàng từ bỏ “chiến lược” mang màu sắc phản dân chủ này.

2) Mô hình tổ chức của ĐCS là không cho ai có một thực quyền tuyệt đối có tiếng nói quyết định, kể cả Tổng Bí Thư, mọi vấn đề lớn nhất đều do biểu quyết của một tổ chức (đảng trong đảng) là Bộ Chính Trị và trong trường hợp nếu hai phần ba trong số 14 UVBCT đồng ý thì vấn đề cũng chưa hẳn đã ngã ngũ, vì vậy, nếu một vài ý kiến nêu ra việc chuyển hóa theo xu hướng của “tự diễn” thì họ sẽ “dính đòn hồi mã thương” ngay lập tức nên cách tốt nhất là cứ “vũ như cẩn” mà làm. Lịch sử đã chứng kiến một số UVBCT phải lập tức ra đi vì đề đạt con đường đa nguyên chính trị như Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách.

3) Trong một thể chế đảng lãnh đạo toàn diện như hiện nay và Bộ Chính Trị được coi là một ông “vua tập thể” thì những lợi thế đang cho 14 UVBCT mọi quyền hành tuyệt đối đi đôi với quyền lợi sát sườn không dễ gì buộc họ phải nhường cho ai khác “quyền lực là thứ ma túy khó cưỡng”. Vì vậy các ông “vua tập thể” sẽ chỉ nói không và không với việc họ bị san sẻ quyền lực, bị đe dọa mất đi quyền lực cũng như gián đoạn quyền lực do có sự cạnh tranh chính trị và chiêu bài về công trạng của riêng ĐCSVN trong việc dành độc lập từ Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ vẫn là cái tấm lá bùa hộ mệnh thường xuyên được sử dụng một cách có ý đồ, có tổ chức, có bài bản và bản thân người viết đã từng nghe một người cùng cơ quan nói ra khi anh tham dự lớp học đối tượng ĐCS tại Học viện Hành chính Quốc gia, đường 3-2 Sài Gòn, nguyên văn như sau: “Ông thầy dạy lớp đối tượng nói có lý, chẳng lẽ ĐCSVN dành được chính quyền nay lại trao cho người khác”. Tương tự lời ông Đinh Thế Huynh, UVBCT, Tổng biên tập báo Nhân Dân:
“Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Bởi một lẽ đơn giản, chúng tôi đã từng thử nghiệm đa nguyên đa đảng thông qua cuộc tổng tuyển cử năm 1946, với nhiều đảng tham gia Quốc Hội. Nhưng đến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước tôi thì chỉ có Đảng Cộng sản cùng với nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại và giành thắng lợi trước thực dân Pháp. Và nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”.

4) ĐCSVN chủ trương thực hiện dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN mà thực chất là kiểu dân chủ trá hình, dân chủ giả hiệu, dân chủ mị dân cao siêu. Thực chất thứ dân chủ mà ĐCS đang thực hiện chỉ là “Bộ Chính Trị chủ” nằm trong “dân chủ trong đảng” giả hiệu và pháp quyền XHCN với “giam giữ không cần án”, “xử kín”, “án bỏ túi”. Vì vậy, khi đã đi theo một dạng thức được định hình như vậy thì việc thay đổi về mặt nhận thức là không tưởng và ĐCSVN “đâm lao cứ phải theo lao” là điều nằm trong tầm nhận thức chung của họ.

5) ĐCSVN đã chìm sâu vào tham nhũng thể chế có hệ thống và nạn mua quan bán chức len lỏi từ cấp cơ sở đến trung ương, điều này làm cho họ ý thức về việc phải trả giá nếu đất nước có được dân chủ và minh bạch. Khi đó, khối tài sản khổng lồ sẽ bị các tổ chức tài chính, các ngân hàng nước ngoài phong tỏa trong khi họ chưa kịp tẩu tán an toàn. Mặt khác, quyền lợi con em, gia tộc dự kiến sẽ tiếp nối sợi chỉ đỏ gắn liền với chức quyền của họ và sự tồn tại của thế chế sẽ bị mất. Vì vậy, ĐCSVN bắt buộc phải nói không với dân chủ và minh bạch.

6) ĐCSVN đã lún sâu vào sai lầm trên mọi phương diện quản lý nhà nước và xã hội. Chính sai lầm sẽ chỉ đẻ ra sai lầm thêm vì khi sai lầm, họ sẽ cố bưng bít thông tin, bưng bít dư luận, khi càng bưng bít thì những sai lầm, thiếu sót, sự bất hợp lý, sự thiếu khoa học, sự vô trách nhiệm sẽ có cơ hội ngoi lên cao và chính những điều này lại làm cho họ càng phải bưng bít nhiều hơn nữa, cứ vậy, cái vòng kim cô xoay tròn ngày càng thắt chặt làm cho ĐCSVN chẳng những không bớt đi sai lầm mà còn sai lầm nhiều hơn và trầm trọng hơn và vì vậy, việc mở rộng dân chủ sẽ bị từ chối vì trong vòng xoáy của sự sai lầm, sẽ không có chỗ cho cái tốt và cái thiện.

7) Châm ngôn có câu “con khóc mẹ mới cho bú”. Đòi hỏi dân chủ thường xuất phát từ những người dân gây nên áp lực lên chính quyền buộc chính quyền phải nhìn nhận quyền lợi của người dân và trao trả quyền lợi cho họ nhưng trong điều kiện người dân Việt Nam bị bịt tai, che mắt, bị cách ly, chia tách và thông qua hệ thống tuyên truyền đồ sộ một chiều nhằm ru ngủ, nhồi sọ, làm hoa mắt. Với hệ thống triết lý, tư tưởng rập khuôn, bó buộc chỉ trong mớ thuyết lý Marx–Lenin đã bị lịch sử đào thải thì người dân Việt Nam đa phần bị ngu hóa. Họ luôn sống trong nỗi lo sợ và phải e dè khi nói lên chính kiến của mình vì với các điều luật 88 và 79 Bộ Luật Hình Sự, sẵn sàng nhốt bất cứ ai nói và viết ra những điều mà họ cho là tốt cho đất nước. Trong điều kiện đó thì những đòi hỏi hầu như là phân tán và yếu ớt và ĐCS dễ dàng phủ tấm màn nhung đẹp đẽ che đậy cái hũ “dân chủ XHCN” thối hoắc của họ.

8) Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, Việt Nam đang tham gia vào tất cả các tổ chức quốc tế, điều này giúp nền kinh tế phát triển, đời sống người dân đỡ hơn trước nhưng nó lại làm giảm vai trò gây áp lực đối với VN của Liên hợp quốc, các chính phủ dân chủ, các tổ chức quốc tế đang tài trợ và làm ăn với VN và cộng đồng kiều dân VN ở nước ngoài để buộc chính quyền VN phải có sự thay đổi theo hướng dân chủ.

Đó là 8 lý do để có thể khẳng định là ĐCSVN sẽ không chủ động đưa đến một con đường dân chủ đúng nghĩa và con đường dân chủ của Việt Nam sẽ chỉ có thể được tạo nên bằng một cuộc chính biến hay từ chính người dân tự đứng lên dành lấy. Điều này cho phép chúng ta loại ra ngoài những ý nghĩ mong muốn cho một sự đổi thay tốt đẹp được chính những người cộng sản.

Hồng Lạc
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments:

Post a Comment