Monday, February 28, 2011

HUYNH ĐỆ HỒI GIÁO (Trần Khải)


Tác giả : Trần Khải
(02/27/2011) (Xem: 599)

Vùng Trung Đông sẽ không còn như cũ nữa, sau một loạt cuộc cách mạng thành công ở Tunisia và Ai Cập, và vẫn đang diễn tiến ở một số nơi khác, hoặc bên bờ nội chiến như ở Libya, hoặc vẫn đang biểu tình ôn hòa như ở Bahrain, hoặc âm ỉ mạch ngầm như ở Saudi Arabia.

Thế giới Hồi Giáo bây giờ đã hoàn toàn khác những thập niên của quá khứ. Do vậy, Hoa Kỳ và Châu Âu cũng phải nhìn lại để có những chính sách mới, thích nghi hơn... trước những dòng chảy bất ngờ của lịch sử, khi tuổi trẻ Ả Rập tỉnh thức và xuống đường để làm cách mạng, lật đổ các chính phủ độc tài vùng Trung Đông – mà các lãnh tụ này vẫn được Tây Phương và Mỹ chiều chuộng, kết thân, viện trợ... vì các lý do để ổn định kỹ nghệ dầu, để giữ an ninh khu vực và để liên kết truy diệt al-Qaeda. Điều cũng cần để suy nghĩ: tình hình mới này sẽ ảnh hưởng gì tới chính trị Châu Á, đặc biệt là đối với Việt Nam và Trung Quốc?

Báo Telegraph  hôm 22-2-2011 ghi nhận lời Thủ Tướng Anh David Cameron nhìn nhận rằng chính Mỹ và Anh đã thực sự gây bất ổn định vùng Trung Đông khi ủng hộ các chế độ độc tài chuyên đàn áp nhân quyền.
Cameron cũng thú nhận rằng kiểu quan điểm Tây Phương truyền thống vẫn xem rằng các nước Ả Rập về mặt xã hội không thích nghi với nền dân chủ là “mấp mé bờ kỳ thị chủng tộc.” Ông nói, kiểu nhìn rằng có một cái “ngoại lệ Ả Rập” thực sự là “sai lầm và xúc phạm.”
Cameron nói như thế trước khoáng đại quốc hội của Kuwait.

Lời Thủ Tướng Anh David Cameron cũng hiểu được sang trường hợp Việt Nam và Trung Quốc. Thực tế lý tưởng dân chủ kiểu Tây Phương cho dù đã từng là ước mơ nung nấu tuổi trẻ Thiên An Môn ở Trung Quốc, là lý tưởng của các nhà dân chủ Việt Nam như Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định... vẫn chưa tạo được phong trào cụ thể, cho dù là số người sử dụng Internet đã tăng ở cả hai nước TQ và VN. Các dấu hiệu khởi dậy đều bị nhà nước một cách tinh vi có biện pháp cô lập, phân hóa, dập tắt.

Trong khi đó, những gì mà Thủ Tướng Cameron xem là bất ngờ, đối với tuổi trẻ Ả Rập không có gì là bất ngờ. Họ đã nỗ lực, đã hoạt động để tìm một chế độ khác từ lâu, từ nhiều năm rồi, nhưng vẫn bị đàn áp, không hình thức này thì hình thức khác.
Và bây giờ khi họ có tiếng nói, tất sẽ có một số trường hợp không như ý – và sẽ không chắc phù hợp quyền lợi -- của Mỹ và Châu Âu.

Bài báo trên tờ New York Times ngày 13-2-2011 nhan đề “A Tunisian-Egyptian Link That Shook Arab History” (Một nối kết Tunisia và Ai Cập làm rung chuyển lịch sử Ả Rập) đã phân tích về các phong trào tuổi trẻ hai nước, và sự nối kết từ 2 năm nay giữa các nhóm tuổi trẻ 2 nước này qua mạng Facebook.
Một tổ chức chủ lực xướng xuất cuộc biểu tình ngày 25-1-2011 là nhóm “April 6 Youth Movement” (Phong Trào Thanh Niên Ngày 6 Tháng 4) đã xuất hiện từ năm 2008, nghĩa là không phải tự nhiên bị lôi cuốn bởi cách mạng ở Tunisia, mà cảm hứng cho Phong Trào này lại có vẻ kiểu như Xô Viết, từ ngôn phong cho tới biểu ngữ, bích chương (hình nắm đấm, xiết chặt lại, những tua màu đỏ trắng đen lớn dần hướng lên cao).
Trước đó, còn có phong trào mang tên là Kefaya, nghĩa là Enough (Đủ Rồi), xuất hiện từ mùa hè năm 2004, nhưng được biết qua dư luận toàn quốc là khi Ai Cập trưng cầu dân ý về Hiến Pháp.
Trong khi đó, một thế lực đối lập lớn của chính phủ Mubarak lại là Huynh Đệ Hồi Giáo, khai sinh từ năm 1928, trải qua nhiều thời kỳ và chuyển biến khác nhau, và khi năm 2005 chiếm được 20% ghế trong quốc hội, thì Mubarak mới trấn áp phong trào có khuynh hướng tôn giaó naỳ.
Mới tuần này, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo tuyên bố rằng hòa ước của Ai Cập đối với Israel là vô giá trị.

Bản tin thông tấn Ahlul Bayt News Agency đăng trên mạng Weaselzippers hôm 24-2-2011, ghi lời Kamal Halbavi, một thành viên cao cấp của Huynh Đệ Hồi Giáo Ai Cập, nói như thế, và giảỉ thích rằng bởi vì quốc gia Israel không tôn trọng công lý và quyền của người dân Ai Cập.
Như thế, nếu nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo nắm được quyền lực ở Ai Cập, có thể thấy mây mù chiến tranh lơ lửng trên vùng này rồi. Thế là Mỹ lại phải bơm vũ khí cho Israel và các đồng minh để ghìm súng bên bờ Địa Trung Hải, và phải bơm tiền cho các tổ chức phi chính phủ đi làm công tác  dân sự vụ nhằm kêu gọi hòa bình, kêu gọi tôn trọng nữ  quyền, kêu gọi thăng tiến các sắc dân thiểu số, kêu gọi mở cửa cho đối thoại tôn giáo... may ra sẽ có hòa bình.

Chưa hết, bản tin khác từ thông tấn Womensenews hôm 25-2-2011 viết rằng một cán bộ cao cấp của Huynh Đệ Hồi Giáo có tên là Kamal El-Helbawy (cùng là ông Halbavi, một kiểu viết theo phiên âm khác) nói rằng Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ chỉ tìm kiếm việc thực hiện luật Sharia, tức là Luật Hồi Giáo, “nếu đa số dân chúng [Ai Cập] và việc thực thi dân chủ cho phép như thế.”

Rõ ràng là rách việc
. Thêm một đất nước Ả Rập áp dụng Luật Sharia, có nghĩa là sẽ tăng quyền cho các giáo trưởng, nghĩa là sẽ tăng cường độ kỳ thị tôn giáo (hiểu là thánh chiến, dù là thầm lặng hay công khai), nghĩa là sẽ nhìn Mỹ và thế giới Tây Phương là những kẻ ngoại đạo mà Luật Sharia vẫn thường cho là “sẽ mất linh hồn”...  

Nỗi lo về một Trung Đông đổi chiều như thế chỉ có thể xóa được nếu xã hội và thế hệ trẻ Ả Rập thiên về một chủ nghĩa thế tục. Câu hỏi nơi đây là, khuynh hướng thế tục có thể thuyết phục đa số dân chúng Ai Cập hay không?

Bài viết nhan đề “How not to promote democracy in Egypt” (Làm sao để đừng quảng bá dân chủ tại Ai Cập) của Thomas Carothers trên tờ Washington Post ngày Thứ Năm 24-2-2011 cũng nêu về quan tâm này.
Carothers nóí về một giải pháp đề ra thường được nghe tại Washington rằng để giúp Ai Cập sửa soạn bầu cử, chúng ta (người Mỹ) nên ủng hộ không chỉ là sự phát triển các đảng chính trị, mà còn là hãy thiên vị nên một phía thôi -- tức là Mỹ hãy ủng hộ khuynh hướng thế tục. Carothers nhận xét rằng khi Mỹ thiên vị  cho thế tục hóa, thì mọi chuyện lại càng hỏng thêm.

Bài viết kể rằng, cựu đại sứ Mỹ Martin Indyk mới đây kêu gọi chính phủ Mỹ vận dụng tiền tài trợ dân chủ để “có thể giúp lực lượng thế tục tuổi trẻ Ai Cập tổ chức cho các cuộc bầu cử sắp tới.”
Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen (Cộng Hòa-Fla.) nói rằng [Mỹ] đừng can dự với tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo.
Dân biểu Howard Berman (Dân Chủ-Calif.) nói rằng chúng ta [người Mỹ] không nên chỉ bảo người Ai Cập (những người có thể tham dự đời sống chính trị) nhưng “việc làm của chúng ta là tạo ra một [tổ chức] thay thế cho” nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo.

Tác giả Carothers nói rằng nếu Mỹ thiên vị và giúp một phe nào tại Ai Cập, thì sẽ không chỉ hại cho uy tín Hoa Kỳ mà sẽ còn phản tác dụng nữa.
Carothers nói, nếu dân Ai Cập cho phép Huynh Đệ Hồi Giáo tham dự tranh cử Tổng Thống và Quốc Hội sắp tới, một quyết định mà họ sẽ đưa ra từ việc cải cách  Hiến Pháp, thì chúng ta [Mỹ] sẽ phải có quyết định rõ ràng là có muốn trợ giúp phát triển đảng phái chính trị Ai Cập hay không. Carothers viết, “Hoặc là chúng ta mở chương trình cho tất cả các đảng phái bất bạo động có ghi danh, hoặc là chúng ta tách lìa ra khỏi việc hỗ trợ đảng phái chính trị.”

Ông cũng tiết lộ rằng, cơ quan có tên là National Democratic Institute (Viện Dân Chủ Quốc Gia), hoạt động bằng tiền chính phủ liên bang Mỹ, đã từ 10 năm nay ủng hộ việc phát triển các đảng chính trị tại nhiều quốc gia Ả Rập.
Carothers nói, Viện này đã giúp hướng dẫn phương pháp hoạt động dân chủ cho nhiều đảng Hồi Giáo, thí dụ như Islamic Action Front (Mặt Trận Hồi Giáo Hành Động) tại Jordan, the Party for Justice and Development (Đảng Vì Công Lý và Phát Triển) tại Morocco, và Islah tại Yemen. Việc hỗ trợ đảng phái Hồi Giáo bình đẳng với thế tục như thế không làm hại quyền lợi của Mỹ, mà còn tạo ra đối thoại hữu ích giữa người Hồi Giáo Ả Rập và người Mỹ.

Carothers viết rằng, “Điều tốt là, chính phủ Mỹ đã tỉnh thức sau nhiều thập niên hỗ trợ chế độ độc tài tại Ai Cập và sẵn sàng đứng về phe dân chủ. Tuy nhiên, chúng ta nên tỉnh táo nhận biết, rằng không như Trung Âu và Đông Âu năm 1989, các chính khách địa phương trong thế giới Ả Rập mang nhiều nghi ngờ cay đắng về sự chân thành dân chủ của chúng ta. Quá khứ ủng hộ độc tài của chúng ta trong vùng thì ai cũng biết, và lập trường mới của chúng ta thì còn đang  hình thành: một thời gian ngắn sau khi TT Obama nói rằng chính phủ Mỹ đang sẵn sàng hỗ trợ Ai Cập trong việc tìm dân chủ, Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mike Mullen đã tới thăm vùng vịnh để ‘tái bảo đảm’ các bạn đồng minh độc tài của Mỹ nơi đó về tình bạn Mỹ vẫn duy trì.”

Carothers nói, nếu Mỹ muốn dân chủ bén rễ ở Ai Cập, thì việc đầu tiên Mỹ phải làm là tạo uy tín, nghĩa là không thiên vị cho phe nào và cũng không loạị trừ  phe nào.

Ghi nhận: Tác giả Carothers là phó chủ tịch nghiên cứu của viện nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace.

Tuy nhiên, một thực tế rằng, nếu Huynh Đệ Hồi Giáo được tranh cử, và nếu Tổng Thống Ai Cập tương lai là người của nhóm naỳ, và nếu Ai Cập xóa bỏ hòa ước với Israel, và nếu Luật Hồi Giáo Sharia được công nhận và áp dụng... chuyện có thể sẽ tệ hại hơn là thời Mỹ làm bạn với nhà độc tài Mubarak hay không?

Nếu dân Ai Cập bầu cử tự do, và nếu Huynh Đệ Hồi Giáo thắng thế... có phải đó sẽ là ác mộng của nhiều chính khách Hoa Kỳ hay không? Chuyện dĩ nhiên còn phải chờ xem.
.
.
.

No comments:

Post a Comment