Sunday, February 27, 2011

ĐỂ ĐI ĐẾN "XÁM TRẮNG ĐEN" NGUYỄN TRUNG ĐÃ LÀ . . . (Đinh Cường)

Ðinh Cường
Thứ Tư, 23 tháng 2 2011

Xám trắng đen là tên cuộc triển lãm tranh Nguyễn Trung tại Galerie Quỳnh nơi chuyên bày tranh trừu tượng và nghệ thuật xếp đặt của những họa sĩ tiên phong, nổi tiếng ở đường Đề Thám, Sài Gòn từ 9.12 .2010 đến 26.2.2011. 

Với 19 bức tranh trừu tượng khổ lớn, nhưng theo Lý Đợi: “Dự kiến treo 19, nhưng chỉ treo 12 tác phẩm, khổ lớn, từ 100x100 cm trở lên, phòng tranh Quỳnh trên lầu và duới đất đã kín vách… Theo chủ quan, triển lãm này đáng chú ý, không phải vì đã có 3 tác phẩm được bán (hôm khai mạc, giá tranh từ 20.000 USD đến 30.000 USD một bức, chú thích của ĐC) mà vì nó có thể mang đến cho người xem mấy cách nhìn khác nhau: thích, không thích, hoặc băn khoăn… Cuối cùng, khi đứng ngoài sự thích, không thích, hoặc băn khoăn, xét về lịch sử và tiến trình hội họa, tôi vẫn cho rằng Nguyễn Trung là một trong những họa sĩ đáng nể của Việt Nam” (Mấy cách nhìn về Nguyễn Trung vanchuongviet.org).

Không về xem được tận mắt, nơi xa này tôi vẫn theo dõi tin tức, bởi vì theo tôi đây là cuộc triển lãm đáng chú ý nhất của người bạn mà tôi đã được biết qua mấy chặng đường anh đã đi trong hội họa.
Và nhân có anh chị bạn về đúng dịp, tôi nói anh chị thế nào cũng phải ghé xem phòng tranh rất đáng để xem này. Khi anh chị về lại Virginia tôi hỏi cho biết ý kiến, Ben nói: “I love the simplicity and clarity of his work” - tôi yêu nét đơn giản và trong sáng trong những tác phẩm cuả anh ấy – (Ben là tên bạn bè thường gọi của Dr. Sharp, tiến sĩ vật lý, chuyên về âm thanh hàng không, nghiên cứu ảnh hưởng của âm thanh phát từ các máy bay phản lực với sinh hoạt của người thành phố, tại miền quê, ảnh hưởng của máy bay phản lực với mức tăng trưởng và sinh sản của thú vật ở nông trại hoặc ở vùng hoang dã) - vài hàng về Ben là để thấy một người đã quen với cái nhìn không gian trắng tinh khiết khi xem cái không gian trong tranh Nguyễn Trung, một không gian của sự chắt lọc để không còn… tiếng động của xanh đỏ tím vàng trông choá mắt mà đôi khi chẳng làm ta xúc động.

Tranh Nguyễn Trung từ bao giờ cũng làm tôi xúc động bởi tình yêu tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Từ thời hai mươi tuổi Nguyễn Trung đã phát biểu: “Hội họa sẽ hi vọng có cuộc sống thực (kịp thời và đầy đủ) với điều kiện là phải cố tránh những hành động vô tình cản trở sự khai sinh của nó (vô ý thức, hủ lậu, kênh kiệu) bằng cách phải yêu cho thật tình, như chính ý nghĩa của cuộc sáng Thượng Đế, như chính ý nghĩa Yêu đối với người con gái vậy.” (Cuộc phỏng vấn về Quan niệm Hội Họa do Nguiễn–Ngu-Í phụ trách. Bách Khoa số 138 ngày 1.10.62). Tôi thấy anh Yêu thật tình con đường nghệ thuật mà anh đã chọn lựa, im lặng, miệt mài làm việc, luôn hướng đến một dấu mốc mới.

Từ vẽ chất liệu tổng hợp trên chiếu (gallery Vĩnh Lợi, Feb.1999 – Presents 9 contemporary Vietnamese Painters from Hochiminh City: Nguyen Trung – Buu Chi – Do Hoang Tuong - Ho Huu Thu – Hua Thanh Binh – Le Vuong –  Nguyen Lam – Nguyen Tan Cuong – Tran Van Thao). Anh còn được xem là người nhen nhóm ngọn lửa sáng tạo cho các hoạ sĩ trẻ trong nhóm. Cũng như ngày xưa được bạn bè bầu làm chủ tịch Hội Hoạ Sĩ Trẻ kế tiếp chủ tịch đầu tiên Nguyễn Cao Nguyên (Ngy Cao Uyên, hiện ở Washington DC) và chủ tịch sau cùng là Mai Chửng (đã mất vào tháng 9 năm 2001 tại Dallas,Texas)  Hội Hoạ Sĩ Trẻ thành lập năm 1966 tại Sài Gòn hoạt động cho đến năm 1974…”có thể nhìn nhận họ là những đại biểu đặc sắc nhất của một giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam trước đây …” (Huỳnh Hữu Uỷ - Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, trang 133, VAALA. California 2008)

Đến cuộc triển lãm tại Gallery Tràng An Hà Nội tháng 12-1999, tiếng vang của tranh trừu tượng Nguyễn Trung thật nồng nàn, như tiếng chuông được lan xa từ một chuông đồng quý - như chiếc chuông đồng chùa Thiên Mụ, làm nhớ Nhã Ca, người bạn thi sĩ thân nhất của anh:

…  “Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
Những mảnh đồng đen như da đêm tối
Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
Những mảnh đồng đen như máu phục sinh
Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới …”

(Tiếng chuông Thiên Mụ - Nhã Ca Thơ, trang 27 - Vietbook, USA 1999)

Nhã Ca, bút chì Nguyễn Trung 1964

Tháng Mười năm 2005, Nguyễn Trung qua New York nhân có cuộc bày tranh do bà Judith Hughes Day tổ chức, sau đó anh đã ở lại Texas trong vòng 3 tháng để vẽ và có cuộc bày tranh tại Việt Báo của Trần Dạ Từ - Nhã Ca, một triển lãm đáng ghi nhớ trong lòng bạn bè và những người yêu hội hoạ, yêu tranh anh tại California, được dịp cùng anh hát vang trong chiều khai mạc…

Trần Dạ Từ -Nguyễn Trung cùng hát chiều khai mạc triển lãm tranh Nguyễn Trung tại Việt Báo 21.1.2006

Trên Việt Báo Xuân 2006, California, có bài phỏng vấn Nguyễn Trung của Sông Văn khá dài thật thú vị, xin trích ra đây một, hai trong rất nhiều câu hỏi…
SV: Và ông cảm giác thế nào về sự khác biệt (khi làm việc) giữa Figurative Art & Abstract Art?
NT: Xin lưu ý một điều, bởi vì tôi đã chuyển bước từ figurative sang abstract mà không phải vì thế mà abstract là hiện đại hơn figurative, một khuynh hướng nghệ thuật vẫn còn tiếp tục phát triển một cách đa dạng. Vậy thì vì sao tôi chọn abtract, vì sao nó thích hợp với tôi hơn là cái kia?
Là bởi vì với nó, tôi có thể nói lời thô mộc giản dị mà không phải bóng bẩy rườm rà, trực tiếp mạnh mẽ mà không phải vòng vo tiểu xảo .Với nó tôi có thể đưa ra những hình ảnh sâu xa từ vô thức chứ không phải hình ảnh bên ngoài, nhiều màu sắc. Nói chung, một đàng là cái đẹp ngoại hình, có tính cách trang trí nhiều, một đàng là cái đẹp nội giới có thể chiêm nghiệm về lâu.

SV: Hội họa có ảnh hưởng nhiều đến đời sống riêng của ông không?
NT: Rất nhiều, rất nhiều! Hay nói cách khác chính xác hơn, hội hoạ chính là đời sống của tôi và ngược lại. Không có nó tôi không biết làm gì. Không có nó không biết sống bằng gì, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vật chất lẫn tinh thần.

Gia đình chài cá, sơn dầu trên bố 137 x 177 cm Nguyễn Trung 1980

Nguyễn Trung, để đi đến Xám Trắng Đen năm nay hay Bảng Đen năm 2004 là cả một chuổi dài rượt nà theo nghệ thuật. Kể từ những năm năm mươi tại Đàm trường viễn kiến của Nguyễn Đức Quỳnh, những năm sáu mươi ký Anh Oanh viết phê bình mỹ thuật trên Văn Nghệ chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký toà soạn Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu), những năm tám mươi trông coi tờ Mỹ Thuật cùng Ca Lê Thắng, Nguyễn Trọng Chức … Anh còn dịch Thiền của Suzuki rất sớm

‘’… có lẽ là một trong những hoạ sĩ có nhiều cá tính , tài năng và trí tuệ bậc nhất của giai đoạn vừa qua …” (Huỳnh Hữu Uỷ -NTTHVNHĐ trang 222).

Thật vậy, từ những dessins tài hoa đến những tranh thiếu nữ một thời là thứ ánh sáng như âm bản, anh có quyền buông thả hết để hôm nay chỉ vẽ như không vẽ mà thấy vẫn là những tác phẩm nghệ thuật đạt mức thượng thừa, hay nói như Nguyễn Thuyên: “Ông giống như một võ sư đã ra chiêu suốt đời rồi, bây giờ chỉ cần một động tác thật nhẹ cũng tạo nên một kình lực.”
(DNSG CUỐI TUẦN .17.2.2010 )

Café buổi sáng, sơn dầu trên bố 800x100 cm, Nguyễn Trung 1962 (coll. of Mr. & Mrs. John T. Bennett Marinka, Alexandria, Virginia)

Những họa sĩ bậc thầy hiện đại mà Nguyễn Trung yêu thích như Cy Twombly, Rothko, Barnett Newman, Antoni Tàpies … những người mà anh thấy là có quá trình làm việc và tự vượt hơn người, “Tôi nghĩ họ phải vô cùng can đảm, đam mê, ý chí của họ mạnh mẽ để theo đuổi con đường mình đi. Tâm hồn của họ thật thanh cao, cô đơn, tịch mịch.”
(Nguyễn Trung California 2006, Sông Văn - Việt Báo Xuân)

Tôi vẫn luôn nhớ một buổi chiều, năm ngoái khi về Sài Gòn, Nguyễn Trung hẹn tôi ở quán Annam Gourmet góc Hai Bà Trưng – Đông Du uống hai chai chát đỏ ngon… bạn gọi tôi là cố tri, và nhắc đến mùa tuyết lớn Virginia. Trong tuyết trắng xoá chiều nay, năm nay, tôi nhớ bạn vô cùng. Mong sao sẽ có một triển lãm retrospective Nguyễn Trung tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam như triển lãm của Soulages ở Centre Pompidou, Paris cách đây hai năm. Để thấy một Nguyễn Trung với:

…cái đẹp thần ziệu mà anh mang nặng
cái thiên đàng huyền ẩn của tiềm thức
Để trên thế giới này không còn gì nưã
đã hé mở và thoáng hiện
một chân trời thanh khiết sau cùng của đời mình
.
(Huyền Thoại gửi Nguyễn Trung –Nuages Mây – thơ Ngô Văn Tao, trang 185 .Montréal 88)

Nguyễn Trung đã là một trong vài ba nghệ sĩ lớn của Miền Nam (là sản phẩm của Miền Nam -chữ của Đặng Tiến), xuất sắc nhất của mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Virginia 8 Feb. 2011
Đinh Cường

Đinh Cường - Nguyễn Trung ,Virginia 2005

Vài dòng về Nguyễn Trung
Nguyễn Trung tên đầy đủ là Nguyễn Thành Trung
Sinh ngày 20 tháng 9 năm 1940 tại Sóc Trăng
Học năm thứ hai trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định năm 1958 thì tự ý bỏ dở, không theo tiếp trường quy .Thầy Lê văn Đệ không biết đâu tìm kêu về học lại như  Hiệu Trưởng truờng Mỹ Thuật Đông Duơng – Victor Tardieu - đã đi tìm Nguyễn Gia Trí cũng bỏ ngang , vế học tiếp ra trường
Huy chương Bạc phòng Triển Lãm mùa Xuân 1960
Huy chương Vàng phòng Triển Lãm mùa Xuân 1963
Tranh có ở các sưu tập:
-Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
-Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật đương đại Singapore
-Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Bassano del Grappa, Italy
-Tại rất nhiều sưu tập tư nhân trong nước và trên thế giới
.
.
.

No comments:

Post a Comment