Sunday, January 30, 2011

"TÔI BIẾT SỢ" : "TOÀN DÂN TRĂM NGƯỜI NHƯ MỘT" . . . ĐỀU BIẾT SỢ (Nguyễn Hữu Chi)

Nguyễn Hữu Chi
Tiến Sĩ Tâm Lý Chính Trị Học
Sunday, January 30, 2011

Trong bài khảo luận này, tôi sẽ trình bày một khía cạnh đặc biệt về tâm lý sợ hãi. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao người đạo đức lại hay lo sợ, và ghét người vô đạo đức? Tại sao người có quyền thế lại sợ người yếu thế? Tại sao các lãnh tụ độc tài lại sợ dân, rồi tìm đủ mọi cách làm cho dân sợ? Ðây không phải là một bài “chống Cộng” vì> nhiều người đã viết về vấn đề này rồi.[1] Tôi chỉ dựa vào sử liệu [2] để chứng minh vài định lý bắt nguồn từ lý thuyết về sợ hãi mà trước đây tôi đã có dịp trình bày.
1. Người Ðạo Ðức Sợ Hãi: Từ “Chữ Trinh” Ðến “Chữ Trung”
(a) “Chữ Trinh”
Ai cũng biết các cô gái điếm thuộc về hạng người lỳ lợm vì không bao giờ sợ mất “chữ trinh.” “Tay đã nhúng chàm” (tục ngữ) thì còn có gì đâu nữa mà sợ! Trái lại, các cô gái nhà lành coi “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”(tục ngữ) nên luôn luôn sợ “cái thằng phải gió nó đè em ra” (ca dao). Sợ như vậy cũng phải, vì ở trên cõi đời này thiếu gì những “thằng phải gió” thèm thuồng “của quý.” Ngày xưa, các cụ cấm trai gái gần nhau cũng chỉ vì sợ con gái hư hỏng như sợ cháy nhà vậy, cũng chỉ vì các cụ tin rằng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” (tục ngữ). Ðược giáo hóa cẩn thận như vậy, nên các cô, các cậu cũng không muốn giáp mặt nhau vì sợ mình không cuỡng nổi sự cám dỗ của thú nhục dục. Như trong truyện Lục Văn Tiên, khi nàng ngồi trên xe thấy chàng đi tới, nàng vội vã xuống xe để tiếp chàng, chàng hoảng hốt la om sòm: Khoan khoan ngồi đó chớ ra.
Nàng là phận gái, ta là phận trai.


Các nước Trung Ðông còn bảo vệ “chữ trinh” cẩn thận hơn nữa: đàn bà con gái ra đường phải chùm kín từ đầu đến chân để đàn ông không có dịp thấy bàn chân hoặc cái lỗ tai của mình rồi đâm ra thòm thèm những “chỗ khác.” Trong các xứ cổ kính này, cô nào hay cậu nào không biết “giữ mình” thì có thể mất mạng như chơi. Theo tục lệ “honour killing” trong các gia đình Hồi giáo nghiêm khắc: nhiều bậc cha mẹ vì quá hăng say bảo vệ nền tảng “đạo đức,” nên cảm thấy có bổn phận phải lấy đá đập vỡ sọ người con gái vì tội chểnh mảng không biết gìn giữ “đồ gia bảo,” rồi sau đó họ lại còn đi lùng “thằng phải gió” để giết cho bằng được, có như vậy mới được tiếng là người biết bảo vệ danh dự gia đình. Trái lại, trong các xã hội Âu Mỹ, mạng sống con người rất là có giá, nhưng “chữ trinh” bị nạn hạ giá khủng khiếp. Vì vậy, ở các nước giầu có này, sự lo sợ “mất trinh,” cũng như sự thèm muốn “phá trinh,” không mãnh liệt bằng ở các nước hậu tiến. Hình như, trong các nước nghèo đói, đời sống con người càng rẻ bao nhiêu, thì “chữ trinh” lại càng cao giá bấy nhiêu! Cũng may, trong thời đại “kỹ thuật cao siêu” hiện nay, chuyện giết người vì thiếu “đạo đức” không còn thịnh hành như trước nữa. Tuy vậy, trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, dù “tiến bộ” (?) đến thế nào đi chăng nữa, các cô gái nhà lành thường tỏ vẻ khinh bỉ các cô gái điếm, có biết đâu rằng chính các cô gái điếm đã có công bảo vệ danh dự của các cô gái nhà lành. Công lao tầy trời của các cô gái điếm đã được nhà hiền triết nổi tiếng Bertrand Russell hết lời ca tụng như sau:
Một khi tiết hạnh các cô gái nhà lành được coi là tối ư quan trọng, thì thể chế hôn nhân cần phải phụ bổ bằng một thể chế khác nữa - đó là thể chế mãi dâm. Thực ra, ta có thể coi thể chế mãi dâm đi liền với thế chế hôn nhân... Thiệt là tội nghiệp cho các cô gái điếm, đi đâu cũng bị thiên hạ khinh bỉ tuy rằng các cô đã có cống hiến một dịch vụ hiển nhiên [thoả mãn nhu yếu đàn ông], và đã có công bảo vệ tiết hạnh các bà mẹ và các cô con gái...[3]

Ở trên cõi đời đầy đạo đức này, có ai có can đảm bênh vực các cô gái điếm bằng ông Russell! Dù sao đi chăng nữa, chối bỏ công lao các cô gái điếm không nguy hiểm đến tính mạng bằng “chối bỏ công lao Bác.”

Trong phạm vi tôn giáo cũng vậy. Người nào càng tin vào Thượng Ðế bao nhiêu, thì lại càng sợ bị Quỷ Sa-Tăng cám dỗ bấy nhiêu. Có người quá sợ hãi, nên hàng ngày họ phải cầu nguyện cho đỡ sợ. Các Phật tử chân chính thì lại sợ “phạm giới” - nhất là “sát sinh,” có khi con ruồi mang vi trùng e-coli vào chùa cũng không dám giết. Ngoài ra, còn có những Việt kiều coi văn hóa cổ truyền là một gia tài quý báu, rồi sợ “mất gốc,” nên hàng năm kéo nhau đi “Giỗ Tổ Hùng Vương,” tuy rằng trước kia ở Sài-Gòn có mấy ai nghĩ đến chuyện này đâu.

Sợ vi phạm tín ngưỡng đôi khi đi liền với lòng căm thù. Ta đã từng thấy các tín đồ quá khích coi các Ðấng Thiêng Liêng của họ trọng hơn mạng sống con người. Ở Trung Ðông, dân Do Thái và dân Hồi giáo giết nhau hơn nửa thế kỷ nay, tuy rằng hai dân tộc này thờ cùng một Chúa, và đều tâng ông Moise lên bậc thánh. Ở Bắc Ái Nhĩ Lan, trước đây, người Tín Lành (Anglican) kỳ thị và bóc lột người Công Giáo, bây giờ hai giáo phái này thù ghét nhau cực độ, tuy rằng cả hai phe đều thờ Ðấng Cứu Thế và đều dùng một cuốn Thánh Kinh. Ở Tích Lan cũng vậy, các tín đồ Phật giáo và Ấn Ðộ giáo đều tin vào điều ngăn cấm “sát sinh,” họ không muốn giết súc vật hay sâu bọ, nhưng họ sẵn sàng giết người mà không gớm tay. Thiệt là oan nghiệp: vì mải tranh đấu cho thần quyền hoặc nhân quyền gì đó, mà không biết bao nhiêu tín đồ đã bị “hóa kiếp.”

Từ những thí dụ trên, tôi xin suy diễn ra ba định lý về sợ hãi như sau:

Ðịnh Lý 1: Ta sợ vi phạm những tín điều mà ta coi là linh thiêng; tín điều nào càng linh thiêng bao nhiêu, thì ta càng lo sợ bấy nhiêu.
Ðịnh Lý 2: Ta thường ấp ủ trong lòng sự thèm muốn vi phạm những tín điều mà ta cho là linh thiêng; tín điều càng linh thiêng bao nhiêu, thì sự thèm muốn thầm kín trong lòng càng mãnh liệt bấy nhiêu.
Ðịnh Lý 3: Ta thường nghiêm khắc phán xét những người vi phạm những tín điều mà ta cho là linh thiêng; tín điều càng linh thiêng bao nhiêu, thì sự phán xét càng nghiêm khắc bấy nhiêu.


Trong các định lý trình bày ở trên, tôi dùng từ “tín điều” (belief) theo nghĩa thường được dùng trong tâm lý học hoặc xã hội học.[4] “Tín điều” có thể là một truyền thống đạo đức mà ta cảm thấy có bổn phận phải tôn trọng (thí dụ như trung, hiếu, lễ, nghĩa, v.v. ). “Tín điều” cũng có thể là những nguyên tắc căn bản trong một ý thức hệ hoặc những giáo điều trong một tôn giáo nào đó. Thí dụ như ở Mỹ, Bản Hiến Pháp được coi là nền tảng cho chế độ tự do dân chủ, nên được công dân Mỹ tin tưởng và kính trọng, và các luật gia không dám làm điều gì trái với tín điều này. Ngay cả Tổng Thống Mỹ trước khi lên nắm chính quyền phải dơ tay lên thề với Chúa, và xin Chúa giúp họ bảo vệ Hiến Pháp. Chắc các vị này cho rằng họ phải nhờ ơn Chúa mới có đủ can đảm cưỡng lại cái bả độc tài. Nghĩ đến người, lại thương dân mình, khi thấy hiến pháp nước mình chỉ là một “chậu cảnh” được bày ra cho đẹp mắt dân gian. Hành động này cũng dễ hiểu. Trong chế độ tự do pháp trị, người cầm quyền kính trọng tất cả mọi nhân quyền đã được quy định rõ ràng trong luật pháp; còn trong chế độ độc tài đảng trị, luật pháp bị coi rẻ như một tờ giấy lộn dùng để lau tay hoặc chùi mép các đảng viên mà thôi.

Ba định lý trình bày ở trên cho ta thấy tâm lý con người quả thật là nhiêu khê: Tại sao ta thích “ăn trái cấm” (sợ vi phạm tín điều, đồng thời lại thèm vi phạm tín điều)? Tại sao “trâu buộc lại ghét trâu ăn” (thèm vi phạm tín điều, đồng thời lại ghét những người vi phạm tín điều)? Ðể giải thích những hiện tượng “trái cẳng ngỗng” này, tôi đành phải dựa vào thuyết phân tâm học của Freud [5]. Theo lý thuyết này, bản ngã (personality) gồm có ba thành phần: thú ngã (id), thực ngã (ego), và siêu ngã (super-ego). Khi đứa trẻ mới sinh ra đời, nó chỉ biết phản ứng theo sự đòi hỏi của thú ngã, mà trọng tâm là thỏa mãn những thú tính (“tứ khoái”) để duy trì sự sinh tồn. Nếu một trong “tứ khoái” mà nó khao khát không được thỏa mãn, thì nó nổi cơn tức giận cực độ, biểu lộ bằng những tiếng gào thét hoặc rên rỉ. Tuy nhiên, trong một thời gian rất ngắn, nó thấy ngay rằng nó không có quyền lực vạn năng (omnipotence) để có thể bắt tất cả mọi người phải lập tức chạy đến phục vụ nó khi nó thèm muốn một điều gì. Ðể giảm thiểu nỗi lo sợ triền miên khi sự thèm muốn của nó đôi khi không được bố mẹ đáp ứng tức thời, nó cần phải thích ứng với thực tế. Nhờ vậy, thực ngã của nó được phát triển, giúp nó tìm hiểu thú dục nào được thỏa mãn, lúc nào được thỏa mãn, và được thỏa mãn đến mức độ nào. Không những thế, nó cũng nhận thấy rằng nó phải phụ thuộc vào quyền thưởng phạt của cha mẹ, tức là nó phải sống theo khuôn mẫu đạo đức mà bố mẹ đã truyền lại cho nó. Những tín điều đạo đức này được ghi sâu trong siêu ngã của nó, và được coi như một kim chỉ nam hướng dẫn đời sống nó trong xã hội.

Theo Freud, con người luôn luôn sống trong sự dằng co giữa ba khía cạnh gần như đối nghịch với nhau:

• Thú ngã đòi hỏi thỏa mãn những thú thể xác, tức là những đòi hỏi vật chất cần thiết cho sự sống còn của loài người.
• Siêu ngã hướng về những vấn đề siêu hình như lương tâm, đạo đức, tôn giáo, v.v..
• Thực ngã giúp con người thích ứng với thực tế.


Người lành mạnh (mentally healthy) biết điều hòa ba thành phần này của bản ngã, tức là không để một thành phần nào lấn át các phần khác của bản ngã. Ðôi khi ta gặp trường hợp thú ngã lấn át bản ngã: đó là những người chỉ biết sống theo “tứ khoái” và nổi giận nếu những lạc thú này không được thỏa mãn; họ không nghĩ đến đạo đức, và cũng không cần biết hậu quả cho mình và những người xung quanh của mình. Trái lại, có những trường hợp siêu ngã lấn át bản ngã: đó là những người “đạo đức cùng mình,” sống một đời sống khắc khổ vì họ chỉ biết theo lệnh của “lương tâm”: “lương tâm” bắt họ chết, thì họ sẵn sàng chết vì “lương tâm”; “lương tâm” bắt họ giết người “vô đạo đức” thì họ sẵn sàng giết người vì “lương tâm.” Lại có trường hợp thực ngã lấn át bản ngã: đó là những người rất “thực tế,” sống theo nguyên tắc “cơ hội chủ nghĩa,” “gió chiều nào, theo chiều đó.”

Ta đừng tưởng những người cộng sản sống theo thực ngã khi họ hành động theo lý thuyết Mác-Xít mà họ cho là một lý thuyết “khoa học,” đi sát với “thực tế.” Cái nguy hiểm là họ cố bám vào một thứ “thực tế” đã bị bóp méo bởi một quan điểm hẹp hòi của Các-Mác. Tiếc thay, “thực tế” thể hiện ra trong đời sống con người dưới muôn hình vạn trạng (multi-dimensional), làm sao ta có đủ minh mẫn để nhìn toàn diện “thực tế” được. Vì những lãnh tụ cộng sản luôn luôn nhìn thực tế một cách phiến diện như vậy, nên họ không giải quyết được những khó khăn trầm trọng cho đất nước. Sau những thất bại liên tiếp - từ chương trình cải cách ruộng đất cho đến chính sách quốc doanh và bao cấp - họ vẫn không dám nhìn vào thực tế để nhận ra nguồn gốc của sự thất bại. Suy luận theo kiểu Freudian, người cộng sản mù quáng vì thực ngã của họ suy nhược (weak ego), nên bị siêu ngã và thú ngã lấn át. Dưới áp lực của siêu ngã, lý thuyết Mác-Xít trở thành một tôn giáo, và người cộng sản trở thành những tín đồ cuồng tín, tự cho mình là người có “đạo đức cách mạng.” (Ta cũng nên biết, Các-Mác không đả động đến vấn đề đạo đức trong lý thuyết của ông; thực ra ông ta chỉ suy luận rằng giai cấp lao động là giai cấp “tiến bộ,” chứ không “đạo đức” hơn những giai cấp khác.) Ðồng thời, dưới áp lực của thú ngã, họ lồng lộn như đàn thú dữ khi những điều mong muốn của họ không được thỏa mãn. Nói tóm lại, người cộng sản không được thực ngã hướng dẫn để nhìn thẳng vào thực tại, nên mới mơ tưởng xây dựng những “thiên đàng” dưới trần thế - đúng là Những Thiên Ðàng Mù mà Dương Thu Hương đã phải trải qua. [6]

(b) “Chữ Trung”
Nói đến trinh tiết và đạo đức mà không bàn qua về các đấng quân tử và những kẻ tiểu nhân thì thiệt là thiếu sót. Quả thực, tôi thấy tâm trạng hai loại người này cũng ná ná như tâm trạng các cô gái nhà lành và các cô gái điếm. Theo sự hiểu biết của tôi về Khổng giáo, tôi thấy các ông quân tử Tàu ngày xưa cũng rất lo lắng “giữ mình,” như mấy cô gái nhà lành vậy. Tuy các vị Nho gia không sợ mất “chữ trinh,” nhưng lại rất sợ mất chữ “chữ trung” (Ðịnh Lý 1), và rất khinh bỉ những tên tiểu nhân không biết sống theo “chữ trung,” có lẽ vì cảm thấy những tên tiểu nhân có một đời sống thảnh thơi hơn mình (Ðịnh Lý 2 và Ðịnh Lý 3).

Vậy các đấng quân tử lo sợ như thế nào? Câu hỏi này đã được cụ Trần Trọng Kim trình bày rõ ràng khi giải thích thuyết Trung Dung như sau:

“Nhân tâm nghĩa là cái phần sáng suốt riêng của người ta, tuy là một phần thiên lý ... nhưng thường hay bị vật dục làm bế tắc, hơi sai một ly là chếch lệch ngay, ... hễ sai một ly là mất cái trung rồi, cho nên ta phải lo sợ, phải cố hết sức mà giữ nó không trệch lệch.”[7]


Vì “chữ trung” thiêng liêng và “đáng giá ngàn vàng” như vậy, nên Tử Tư (“cháu ngoan” của cụ Khổng) đã phán rằng:
“Ðạo là cái chẳng nên rời xa giây phút nào, hễ rời ra được thì chẳng phải đạo nữa rồi. Vậy người quân tử răn đe và cẩn thận về những điều cho rõ [thêm về lý thuyết Trung Dung], e sợ ở những điều mình chưa nghe chắc [về lý thuyết]... vì vậy người quân tử giữ gìn cẩn thận trong khi chỉ một mình mình đối với mình...[8]

Nói một cách khác, nếu ta muốn trở thành một người quân tử và muốn giữ vững danh vị quân tử thì ta phải tự phê bình kiểm thảo hàng ngày, không khác gì một cán bộ trung kiên muốn trở thành “cháu ngoan” của “Bác”. Ôi, đời sống của người quân tử quả thiệt là gian truân! Còn gì khổ hơn là tự mình tẩy não mình, tự mình mở rộng cửa lòng của mình để cho một tên công an vô hình lẻn vào kiểm soát đầu óc của mình từng giờ từng phút! Thế cho nên tìm ra được một đấng quân tử, hay một “cháu ngoan của Bác” quả là khó hơn là đi mò kim dưới đáy biển Ðông. Cũng vì thế, ở trên cõi đời này, ta chỉ thấy đầy rẫy những tên “ngụy quân tử” giả nhân giả nghĩa, không khác gì những tên cán bộ “ngụy cách mạng,” nhân danh “tự do” để kìm kẹp dân, nhân danh “công bằng xã hội” để bóc lột dân. Nói tóm lại,
• Các đấng quân tử chỉ có một nỗi lo sợ: sợ không theo đúng giáo điều mà các “Thánh Hiền” đã “phịa” ra trong lúc ngồi rảnh rang, rồi bắt người đời phải triệt để tuân theo.
• Những tên “ngụy quân tử” lại có hai nỗi lo sợ: (1) sợ không đủ gian manh để che mắt thiên hạ, nên phải luôn luôn tìm đủ mọi cách cải tiến phương pháp lừa bịp; và (2) sợ người hiểu biết lật tẩy và lên án là đã đi ngược lại lời dạy của các “Thánh Hiền” (tuy rằng trong bụng coi “Thánh Hiền” như cỏ rác).
• Còn những kẻ tiểu nhân không sợ cái gì cả, nhất là không sợ người đời chê bai, nên sống rất ư là “ung dung tự tại,” theo đúng câu châm ngôn “Ai chửi mặc ai, tiền thầy bỏ túi” - không khác gì các cán bộ thối nát bị chửi sa sả mà vẫn “tỉnh bơ như người Hà-Nội” (thành ngữ mà người Miền Nam đã truyền khẩu cho nhau sau khi có dịp tiếp súc với đám cán bộ Miền Bắc).
2. “Bác” Sợ Các “Cháu”
Nhiều người thường nghĩ rằng dân sợ “Bác,” chứ ít ai cho rằng “Bác” sợ dân. Theo tôi nghĩ, “Bác” sống trong tình trạng lo sợ vì “Bác,” cũng như ba tên sư phụ của “Bác” (Lê-Nin, Sì-Ta-Lin và Mao) đều là thứ “ngụy quân tử,” tự vỗ ngực là con người Mác-Xít, nhưng không làm theo đúng những giáo điều mà “Thánh Hiền Các-Mác” đã dạy. Thực ra, có tên Mác-Xít nào theo đúng lý thuyết của Các Mác đâu? Ngay cả Các-Mác cũng chê bai những người mang danh “Mác-Xít” khi ông thanh minh rằng ông là Các-Mác chứ không phải là người Mác-Xít. [9] Vì thế, “Bác” (cũng như tất cả những lãnh tụ “Mác-Xít” khác) rất sợ bị lộ tẩy, nên tìm đủ mọi cách tiêu diệt những người sáng suốt đã nhận ra những cái sai lầm của “Bác.” (Thí dụ: “Bác” cũng như Mao-Trạch Ðông đã phong chức đám bần cố nông lên địa vị “giai cấp tiến bộ,” thay thế giai cấp thợ thuyền để làm cách mạng lao động; Lê-Nin cũng muốn đốt giai đoạn nên đã tiêu diệt đám Men-Sơ-Vích để nắm độc quyền, làm một cuộc cách mạng lao động cưỡng ép, trái với lối suy luận về “diễn tiến lịch sử” trong lý thuyết mà Các Mác đã sáng tác ra).

Hơn nữa, “Bác” lại là người gian ngoan nên cũng thừa biết là các “cháu” của “Bác” đều là một tụi “hư đốn,” không đủ “ý thức giai cấp lao động” (“proletarian class consciousness), nên “Bác” cũng sợ chúng lắm, vì bất cứ “thằng phải gió” nào cũng thèm cái địa vị độc tôn của “Bác”. Trong đám này, thế nào mà chẳng có thằng quá ư “đồi trụy” và liều lĩnh (tức là không biết sợ “Bác”), hễ có dịp là là lật tẩy “Bác,” và có thể cho “Bác” về hưu non, hoặc đi “mò tôm” như “Bác” đã ra lệnh dìm Khái Hưng xuống sông cho đến chết. Ðó là lý do tại sao “Bác” sợ các “cháu.” Cho nên “Bác” phải dùng mọi phương pháp khủng khiếp để làm cho các “cháu” sợ “Bác.” Cuối cùng, cả “Bác” lẫn “cháu” đều sợ lẫn nhau. [10]

Nói chung, bất cứ tên độc tài khát máu nào cũng bị dằn vặt bởi hai nỗi sợ: (1) sợ bị chỉ trích là đã sai lầm, và (2) sợ đám đàn em nổi lên cướp quyền sinh sát của mình. Ðến đây, tôi xin dựa trên những định lý về sợ hãi đã trình bày ở trên để đưa ra một số định lý về quyền lực như sau:


Ðịnh Lý 1 : Kẻ nào càng có nhiều quyền lực bao nhiêu, thì kẻ đó lại càng sợ mất quyền lực bấy nhiêu; hơn nữa, quyền lực tuyệt đối tạo ra nỗi lo sợ tuyệt đối.

Ta đã từng thấy người lãnh đạo trong các chế độ dân chủ pháp trị không có toàn quyền thống trị (vì bị ràng buộc bởi luật pháp), nên không mấy lo sợ dân nổi loạn, hoặc đám cận thần tạo phản. Trái lại, những tên độc tài khát máu thì ngày đêm lo sợ đến mức khiếp đảm (paranoia), nhìn đâu đâu cũng thấy kẻ thù. Do đó, chế độ độc tài nào cũng áp dụng triệt để chính sách “nhổ cỏ phải nhổ tận rễ,” đi đôi với chính sách “thà giết nhầm còn hơn thả nhầm.” Trái lại, người không có một chút quyền lực nào, kể cả quyền sinh sống thì không sợ giới quyền lực tước quyền của mình. Vì thế, hiện nay “Ðảng và Nhà Nước” rất sợ đám bần cố nông nổi lên “thí mạng cùi” (như vụ nổi loạn Thái Bình đã xẩy ra cách đây mấy năm). Trái lại, trong các nước dân chủ như ở Mỹ, người dân có đầy đủ nhân quyền, nên đại đa số rất sợ người nắm quyền lực trong tay tước đoạt mất quyền tự do và quyền sinh sống của mình (quyền “pursuit of happiness” trong Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Mỹ).

Ðịnh Lý 2: Ðộc quyền sinh sát tạo ra sự tranh dành nội bộ tàn bạo và những cuộc thanh trừng đẫm máu.


Ðộc quyền sinh sát tạo ra thèm muốn trong số những tên chưa nắm được quyền chúa tể. Thế là tranh dành nhau. Ðộc quyền này thường đi liền với khẩu hiệu “Thề phanh thây uống máu quân thù” (quốc ca Việt Nam XHCN). Khi “quân thù” không còn nữa, tất nhiên các đồng chí đành phải tiếp tục “phanh thây uống máu” lẫn nhau. Chuyện quá dễ hiểu nếu người nào tin vào lý thuyết “ác giả, ác báo” trong Phật giáo. Thí dụ như Sì-Ta-Lin lúc còn sống đã dùng tên chúa chùm công an Bê-Ria-A tiêu diệt hàng trăm ngàn đảng viên trung kiên chỉ vì những người này bị nghi ngờ là thuộc thành phần chống đối. Ðến lúc Sì-Ta-Lin qua đời, Bê-Ri-A được mời đến họp Bộ Chính Trị, thế là các đồng chí sợ tên đao phủ này lên nắm quyền lãnh đạo, bèn xúm nhau vào giết hắn ngay trong phòng họp. Mao Trạch Ðông cũng không thoát khỏi định lý này, nên trước khi nắm được quyền toàn trị đã tìm cách thanh toán những người ở địa vị cao hơn mình để chiếm quyền lãnh đạo đảng; đến khi leo lên tới địa vị chúa tể thì lại tìm cách loại bỏ những tên “công thần” manh nha muốn làm chúa tể. [11] Sống trong môi trường tranh dành vô giới hạn này, bất cứ tên nào nắm được quyền lực trong tay (dù ở thứ vị cao hay thấp) đều phải giữ thế thủ, bằng cách kéo bè bạn hoặc thân thuộc vào guồng máy đảng, và cho đám đàn em “ngồi dưới dù” được hưởng lợi nhuận bất chính của quyền lực. Ðó là nguyên nhân của nạn bè phái, thối nát trong tất cả mọi chế độ độc tài đảng trị.
Ðịnh Lý 3: Những người sợ mất quyền lực thường rất ghét những kẻ không biết sợ quyền lực.


Còn gì bực mình hơn nữa khi mang quyền lực ra hù đời mà người đời vẫn tỏ vẻ không sợ hãi. Người dùng quyền lực đi hù đời nếu gặp phải một người yếu thế không sợ hắn, hắn sẽ nổi cơn giận lôi đình, và dùng quyền lực đàn áp tàn bạo người không biết sợ. Hành động hung hãn này nhằm hai mục đích chính:
• Ðể tự chứng minh là hắn hãy còn nắm quyền lực trong tay, còn có khả năng hù đời (power testing).
• Ðể biểu diễn quyền lực làm cho những người yếu thế khác phải sợ hắn (power demonstration).

Ngay cả trong những chế độ tự do trọng luật, người nào bị cảnh sát công lộ chặn hỏi mà tỏ vẻ lễ độ với điệu bộ sợ hãi, thì dễ được khoan hồng hơn là người có vẻ mặt “xấc láo, đáng ghét.” Nếu can phạm nào bị điệu ra tòa mà biết sợ hãi và tỏ vẻ hối hận (plead guilty) thì quan tòa cũng không nỡ mạnh tay trừng phạt. Trái lại, những tên can phạm nào đã có bộ mặt “cô hồn,” rồi lại còn không biết đóng vở kịch “Em lỡ chót dại, xin quan tòa khoan hồng” thì tất nhiên sẽ được “lãnh đủ.” Khi bị bắt vào tù rồi mà can phạm vẫn không có vẻ sợ hãi đám cai ngục thì sẽ bị hành hạ (biệt giam), và còn có thể bị xếp vào loại người “bất trị” nên mất luôn quyền được tạm tha trước khi mãn hạn tù (parole). Còn trong các trại “cải tạo” thì khỏi cần phải nói nhiều về quyền sinh sát của các tên “quản giáo” ngu dốt, thiếu tự tin nên trở nên kiêu căng quá lố; nạn nhân nào muốn được “nhân dân khoan hồng” đều không dám làm trái ý những tên hung thần này. [12]


Nói tóm lại, người có quyền lực thường sợ người yếu thế coi thường mình. Trong chế độ độc tài, tên lãnh đạo nào cũng sợ dân, nhiều khi còn sợ dân hơn là dân sợ hắn. Hãy nhìn vào lịch sử nhân loại từ Ðông sang Tây, ta đều thấy những tên nắm toàn quyền trị dân trong tay luôn luôn ngấm ngầm sợ hãi. Thời xưa thì có Tần Thủy Hoàng. Tên bạo chúa này bắt toàn dân đổ mồ hôi nước mắt ra xây bức Lũy Trường Thành chỉ vì hắn sợ đám man rợ miền Bắc tiến quân sang làm rung chuyển ngai vàng của hắn. Sau khi lập được công thống nhất đất nước, hắn lại sợ đám Nho gia giở trò “hư đốn,” bèn ra lệnh đốt những sách “đồi trụy” và chôn sống những người nào không biết sợ. Hắn đã thoát nhiều vụ mưu sát chỉ vì hắn biết sợ, và biết dùng đủ mọi cách làm toàn dân run sợ, nên không ai đụng được tới lông chân của hắn (Kinh Kha định vào giết hắn, nhưng khi nhìn thấy hắn thì đã run sợ đến nỗi đánh rơi thanh đoản đao, nên không làm được trò trống gì). Cuối cùng tên bạo chúa chỉ còn biết sợ Trời bắt chết, nên đã chi rất nhiều vàng bạc cho các danh lang đi tìm thuốc “tràng sinh, bất tử” cho hắn. Nhưng “người trần mắt thịt” làm sao mà có thể cướp được quyền sinh sát của Trời. Thế là dân Tàu tạm thoát nạn. Sau khi Tần Thủy Hoàng thảnh thơi đi thăm “Suối Vàng,” thì các sĩ phu được dịp ngồi viết hàng ngàn trang sử chửi bới thậm tệ tên bạo chúa đáng ghét này. Hành động hiên ngang của các sử gia này cũng không giúp gì cho dân Tầu thoát khỏi cảnh cùm kẹp thường xuyên xảy ra. Các vị Nho sĩ khả kính vẫn tiếp tục dạy dân Tầu phải có bổn phận “Quân, Thần, Tử,” tức là phải quỳ lạy hết đời bạo chúa này sang đời bạo chúa khác.

Trong thời đại mới, không tên độc tài nào lại mơ tưởng đến chuyện “tràng sinh, bất tử,” nhưng tên nào cũng sợ đám cận thần xông vào giết như trường hợp Brutus đã thỉa dao con chó vào bụng Jules César ngay trước hoàng cung ở La-Mã. (Ta cũng nên biết, Brutus là một cận thần được César yêu mến và tin cẩn, rồi sau đó Brutus cầm đầu đám Thượng Nghị Sĩ nổi lên giết César). Các tên độc tài thời mới không ngây thơ như César. Ta đã thấy từ Hitler tới Sì-Ta-Lin, Mao-Trạch Ðông và Hồ Chí Minh, những tên khát máu này không sợ địch thủ ngoài tiền tuyến bằng sợ đám “công thần” trong cung cấm. Ðiều này Hàn Phi Tử đã từng nhận thấy cách đây hơn hai ngàn năm (cùng thời với Tần Thủy Hoàng). Như ông đã viết: “Loạn sở dĩ do sáu hạng người này [gây ra]: (1) mẹ vua, (2) hậu phi, (3) con cháu, (4) anh em, (5) đại thần, (6) người nổi danh là hiền”. [13]

Nhìn vào lịch sử cận đại ở Việt Nam thì ta mới thấy Hàn Phi Tử quả là một nhà chính trị học tài ba, đã nhìn thấy những nét đặc thù của một xã hội suy vi. Ông Ngô Ðình Diệm lãnh đạo một chế độ suy nhược vì loạn lạc, đã bị giết một cách thê thảm, vì không biết sợ đám người thân cận của ông, vì ông không tin rằng đám người này lại có thể hại ông. Ông đã đi ngược lời khuyên răn của Hàn Phi Tử, nên đã để bốn loại người thao túng chế độ một cách dễ dàng. Ðó là:

(2) Hậu phi - bà Ngô Ðình Nhu (tuy bà này không đóng vai trò một quý phi, nhưng rất được ông Diệm sủng ái nên có nhiều quyền lực trong Dinh Ðộc Lập);
(4) Anh em - ông Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Cẩn, Ngô Ðình Thục;
(5) Ðại thần - đó là các tướng được ông Diệm coi như “con nuôi”;
(6) Người nổi danh là hiền - đó là các chính khách có uy tín trong xã hội và các vị tu sĩ cao cấp (kể cả giám mục lẫn thượng tọa).


Cái lầm của ông Diệm là ông không biết sợ, không muốn dùng quyền độc tài sinh sát, hoặc không nắm được toàn quyền sinh sát, để bảo vệ chế độ như các lãnh tụ Cộng Sản thường làm. Nói cho cùng, lối suy nghĩ và hành động của ông Diệm cũng không khác gì những người Việt “Quốc Gia.” Ðại đa số chúng ta đều có khuynh hướng đặt tình cảm gia đình, bạn bè lên trên quyền lợi công cộng. Không một ai trong chúng ta có thể nhẫn tâm như các người cộng sản mang cha mẹ ra tòa án nhân dân đấu tố (Trường Chinh). Giờ đây, ta mới thấy một định lý rất đau lòng: trong một cuộc nội chiến ngang ngửa giữa hai phe, phe nào tàn bạo và biết làm cho dân sợ, thì phe đó có nhiều hy vọng thắng hơn. Vì thế, phe Quốc Gia thua trận cũng không có gì là ngạc nhiên. Những trái tim đầy tình người làm sao chọi lại được những trái tim đầy căm hờn!
3. “Bác” làm Các “Cháu” Sợ
Trước hết, chúng ta đều biết trong bất cứ một quốc gia nào, đại đa số công dân đều không ít thì nhiều phải tuân hành theo ý muốn người lãnh đạo, vì người lãnh đạo nắm trong tay một hay nhiều quyền lực như sau: [14]

(1) Quyền uy

Người lãnh đạo nắm được quyền uy vì có uy tín nên được toàn dân mến phục (charisma) vì đã có công lập quốc (như Georges Washington ở Mỹ), hoặc cứu quốc (như Mustafa Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ghandi ở Ấn Ðộ, v.v.), hoặc dựa vào truyền thống hay luật pháp có uy tín lâu đời (“Thiên Mệnh” ở Trung Hoa dưới thời phong kiến, Hiến Pháp Mỹ, v.v.). Quyền uy của người lãnh đạo sẽ mai một dần dần nếu người lãnh đạo không biết thích ứng với thời cuộc để giải quyết những khủng hoảng trầm trọng cho đất nước. Thí dụ như các vua chúa Nhà Nguyễn, các vị này không biết tìm cách đương đầu với sức mạnh Âu Tây nên đã mất hết quyền uy, và làm cho truyền thống quân chủ cũng mất hết uy tín luôn. Trái lại, vua Chu-La-Long-Quốc ở Thái-Lan, cũng như Minh-Trị-Thiên-Hoàng ở Nhật, đã biết thực hiện những chương trình cải cách cần thiết, nên không làm tổn thương đến truyền thống quân chủ, vì thế con cháu vẫn còn giữ được ngai vàng của mình cho tới ngày nay.
(3) Quyền Tưởng Thưởng
Người lãnh đạo nắm được quyền tưởng thưởng vì có công tạo ra một đời sống an hòa và trù phú cho toàn dân. Ta cũng nên biết quyền tưởng thưởng không làm cho người dân sợ hãi hay mến phục bằng quyền uy. Vì lý do đó, quyền này có tính cách đoản kỳ và sẽ mất hiệu lực khi người lãnh đạo không còn “khả năng nuôi dân.” Lúc đó dân có thể nổi lên lật đổ người lãnh đạo, bằng lá phiếu hoặc bằng những cuộc biểu tình bạo động (như các cụ đã dạy chúng ta câu “bạc như dân”). Ta cũng nên biết, trong các nước tự do dân chủ, người lãnh đạo (tổng thống hoặc thủ tướng) chỉ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế chứ không trực tiếp “nuôi dân.” Trái lại, trong các chế độ toàn trị (totalitarian regime) người lãnh đạo tìm đủ mọi cách cướp quyền tự lực cánh sinh của dân để nắm độc quyền nuôi dân với mục đích làm cho dân hoàn toàn tùy thuộc vào chế độ. Cuối cùng, “nồi cơm” là “Bác,” “Bác” là “nồi cơm,” theo “Bác” thì ấm no, không theo “Bác” thì đói rách.
(3) Quyền Trừng Phạt
Người lãnh đạo dùng võ lực trừng phạt những hành động “bất tuân thượng lệnh” để bắt người dân phục tòng vì sợ hãi. Trong các chế độ tự do pháp trị, quyền trừng phạt của Nhà Nước bị hạn chế bởi luật pháp, vì thế người dân bình thường chỉ cần phục tòng luật pháp chứ không cần phục tòng tất cả sở thích của người lãnh đạo. Trái lại, trong các chế độ toàn trị, ý muốn của người lãnh tụ có sức mạnh ngang hàng với Ý Trời. Vì thế, dưới chế độ này, luật pháp rất mơ hồ, và thay đổi hàng ngày tùy theo ý thích của người lãnh tụ. Ta cũng nên biết, luật pháp càng mơ hồ bao nhiêu, quyền tự do trừng phạt của người lãnh tụ càng gia tăng lên bấy nhiêu. Như Phạm Văn Đồng đã tuyên bố một câu bất hủ: “Làm luật làm gì ?? nó trói tay mình vào.” Nhiều người không hiểu rõ đặc tính toàn trị của chế độ, nên thường coi luật pháp mơ hồ là một loại “luật rừng.”

Sau khi trình bày vài nét đại cương về quyền lực, bây giờ tôi xin cứu xét phương thức ông Hồ Chí Minh đã dùng để cướp quyền lãnh đạo quốc gia, rồi bành trướng quyền lực đã nắm trong tay thành quyền toàn trị. Bắt “toàn dân trăm người như một” sợ hãi và làm theo ý muốn của mình là một công tác đại quy mô, đòi hỏi những gian kế quỷ quyệt. Ông Hồ không thiếu khả năng này, nên đã thành công trên con đường tiến thủ vì ông biết đi từng giai đoạn, và dùng phương pháp “chia để trị” để tiêu diệt đối phương.

Khi mới bước chân về nước, ông Hồ không có một lực lượng gì đáng kể. Trong hai năm đầu (1945-46), ông không đặt trọng tâm vào nông thôn, vì các đảng “Quốc Gia” không có lực lượng chống đối ông trong các thôn xã hẻo lánh. Hơn nữa, đại đa số nông dân lúc đó rất thờ ơ với thời cuộc, tuy bao nhiêu năm họ đã bị thực dân và phong kiến bóc lột nên phải sống trong cảnh đói khổ cùng cực. Lại còn vụ đói kinh hồn năm Ất Dậu đã làm cho thôn quê miền Bắc hoàn toàn kiệt quệ về tinh thần cũng như thể xác, nên không còn bụng dạ nào nghĩ đến ủng hộ hay chống đối bất cứ một phong trào chính trị nào. Vì thế, ông Hồ chỉ cần lôi cuốn một số trí thức, và tiểu tư sản sinh trưởng nơi thành thị bằng lá bài “Cứu Quốc.” Ta cũng nên biết, giai cấp tiểu tư sản thành thị (nhất là đám trí thức) là thành phần biết rất nhiều về chính sách thực dân của Pháp, nên hồ hởi chui vào bẫy của ông Hồ. Trong khi đó, ông Hồ dùng phương pháp Lê-Nin-Nít (agitprop - vừa tuyên truyền vừa tiêu diệt thành phần đối lập trong các thành phố lớn) để trở thành “Bác,” một hình ảnh “cha già dân tộc.” (Chương trình tuyên truyền này quả là siêu việt, vì theo tiếng ta, “bác” còn có quyền uy hơn “cha” một bậc, dù sao “bác” là người anh của cha. Nhờ đó, “Bác” đã nắm trong tay một chút quyền uy, nhất là trong đám người yêu nước một cách rất ư là lãng mạn - “chỉ biết yêu thôi, mà chẳng biết gì” (thơ).

Sau khi tiêu diệt các đảng phái “Quốc Gia” ở các thành phố một cách dễ dàng vì các đảng này thiếu lãnh đạo, thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết, thiếu sự ủng hộ quần chúng, “Bác” trở thành lãnh tụ tối cao, và “Ðảng” trở thành một tổ chức độc nhất nắm độc quyền “chống thực dân.” Khi chiến tranh bùng nổ, thành phần tiểu tư sản thành thị tản cư về nông thôn, tiếp tục hồ hởi giúp “Bác” tổ chức công cuộc chiến đấu dành độc lập. Ở đây, “Bác” phải cạnh tranh quyền uy với giới địa chủ vì nhóm người này có uy tín truyền thống trong đám nông dân đã bao nhiêu thế kỷ nay (tuy rằng giới địa chủ và phú nông thẳng tay lợi dụng cổ tục phong kiến để bóc lột các nông dân nghèo đói). Vì không đủ hậu thuẫn, “Bác” đành phải dựa vào giới tiểu tư sản thành thị đã tản cư về làng để thực hiện chương trình đánh đổ lực lượng “cường hào ác bá.” Các cô, các cậu từ tỉnh về sống nơi bùn lầy nước đọng tự nhiên cảm thấy có bổn phận phải theo “Bác” để giải quyết nạn “Lý Toét” và “Xã Xệ” mà nhóm Tự Lực Văn đoàn đã nhiều năm bôi nhọ trong báo Phong Hóa và Ngày Nay trước hồi 1945.

Sau khi đập tan nền móng quyền lực cổ truyền ở nông thôn, “Bác” dùng quyền tưởng thưởng để lôi cuốn đám bần cố nông: “Bác” tịch thu ruộng đất và nhà cửa của các địa chủ và phú nông, rồi mang ra chia cho đám nông dân nghèo đói. Thế lực của “Bác” càng ngày càng mạnh, thì chương trình cải cách ruộng đất ở nông thôn bắt đầu đi vào giai đoạn quyết liệt sau khi Mao Trạch Ðông nắm quyền thống trị ở Trung Quốc (1949-1954). Một số trí thức phản đối một cách tích cực thì bị “Bác” thủ tiêu (cho đi “mò tôm,” hoặc đầy ải vào trại Ðầm Ðùn). Còn một số phản đối tiêu cực thì bỏ nông thôn chạy vào “thành,” theo Bảo Ðại, hoặc đóng vai “chùm chăn.” Thế là “Bác” nắm toàn quyền thống trị ở nông thôn vì lúc này nông thôn không còn một lực lượng nào chống đối “Bác,” trừ một số bần cố nông còn nuôi hoài bão tư sản nông nghiệp - tức là lòng ham muốn tự lực cánh sinh bằng cách tự mình canh tác mảnh đất đã được Nhà Nước cấp phát. Sau khi “Bác” được ngoại bang tiếp sức để toàn trị Miền Bắc, “Bác” bèn thẳng tay bắt giới bần cố nông vào khuôn phép trong chương trình “hợp tác xã” dập theo kiểu mẫu bên Trung Quốc (1954-1956). Thế là nông dân trở thành một thứ phu đồn điền tận lực kéo cầy nuôi dưỡng các tổ chức quyền lực của “Bác.” Nói tóm lại, “Bác” dùng tuyên truyền và nhất là quyền trừng phạt để phát huy quyền lực của mình, rồi lại còn tước quyền “tự lực cánh sinh” của nông dân để tạo ra độc quyền nuôi dân cho chính mình. Ðến giai đoạn này, nông thôn hoàn toàn bị đặt dưới quyền toàn trị của “Bác”![15]

Sau khi thành thị rơi vào tay của “Bác” (1954), “Bác” bèn thực hiện chương trình “nông thôn hóa” thành thị, dùng quyền trừng phạt và độc quyền nuôi dân để cải hóa dân thành thị thành một đám người nhẫn nhục và sợ hãi, không khác gì đám bần cố nông sống trong các hợp tác xã nông nghiệp. Chế độ “hộ khẩu” và “bao cấp” giúp “Bác” tổ chức nhân dân thành một đàn cừu ngoan ngoãn dưới sự dẫn dắt của “Bác.” Ða số văn nghệ sĩ trước kia theo “Bác” vì yêu nước, chứ không phải vì muốn duy trì quyền toàn trị của “Bác.” Vì thế một số chưa biết sợ “Bác,” nên không chịu dùng khả năng của mình để ca tụng “Bác.” Thế là “Bác” thẳng tay hành hạ một cách vô nhân đạo những người đã hy sinh cho “Bác” hơn 10 năm trời: người thì bị tù đầy, người thì mất hết nguồn sinh sống (vụ “Nhân Văn-Giai Phẩm”). [16] Ngoài ra, một số cận thần liều lĩnh manh nha muốn “Bác” về hưu để họ lên thay thế, thì bị “Bác” thanh lọc hoặc trừng trị một cách rất là khắc nghiệt (vụ án “Xét Lại”).[17] Tuy vậy, “Bác” vẫn còn sợ những công thần có uy tín và có khả năng cướp quyền toàn trị của “Bác.” “Bác” không dám giết những người có danh tiếng, nhưng “Bác” không cho họ có dịp nắm thực quyền lãnh đạo. Những tên “mã tấu răng đen” hoặc “vô danh tiểu tốt” (như Lê Duẩn) thì được “Bác” cất nhắc lên nắm quyền điều hành công việc Ðảng và Nhà Nước. Kỹ thuật lãnh đạo của “Bác” là luôn luôn ngồi đằng sau giật dây, nếu thành công thì “Bác” có thêm uy tín (thêm quyền uy), nếu thất bại thì tên thi hành ý muốn của “Bác” trở thành vật hy sinh để “Bác” chạy tội và giữ nguyên vẹn uy tín của “Bác” (thí dụ như Trường Chinh sau vụ cải cách ruộng đất và đấu tố đẫm máu và nước mắt).

Ðến giai đoạn này thì toàn dân Miền Bắc đều sợ “Bác.” Tuy vậy, “Bác” vẫn còn cảm thấy mình chưa có đủ uy tín (chưa đủ quyền uy) đối với toàn dân. “Bác” thấy truyền thống Việt Nam trọng thơ văn, “Bác” bèn dở trò làm thơ với hy vọng lợi dụng uy tín của truyền thống này để nâng cao uy tín của mình. Lẽ dĩ nhiên những câu vè của “Bác” không ai dám phê bình hoặc ngợi khen một cách quá lộ liễu. Biết vậy, “Bác” đành giở trò đạo văn, tức là tự gắn cho mình là tác giả cuốn “Ngục Trung Nhật Ký” - một tập thơ rất hay do một thi sĩ người Hoa sáng tác. [18] Thế là đám văn nô có dịp ca tụng tài thơ phú của “Bác” mà không sợ ngượng mồm. Tuy thế, “Bác” vẫn còn cảm thấy là mình chưa có đủ uy tín. “Bác” sợ ít người biết đến công trình đi tìm đường cứu quốc của “Bác.” “Bác” bèn tạo ra một cán bộ tưởng tượng, và kể chuyện đời của “Bác” cho người tưởng tượng này viết và in thành sách làm tài liệu cho toàn dân học tập. [19] Lẽ dĩ nhiên, tác giả tưởng tượng chỉ có thể viết những chuyện “Phong Thần,” nên trong cuốn tiểu sử của “Bác,” người ta thấy chi tiết thần thoại thì nhiều, mà sự thật thì chẳng có bao nhiêu! Những cận thần của “Bác” đều biết tác giả cuốn này chính là “Bác,” mãi sau này mới lộ ra rằng “Bác” dùng tên một “cán bộ ma” để tự mình nâng bốc uy tín của mình.

Nhờ vậy, “Bác” nắm được quyền toàn trị cho đến lúc chết. Sau đó, đám đàn em của “Bác” tiếp tục dùng quyền toàn trị mà “Bác” đã tạo ra để huy động toàn dân chiến đấu chống Mỹ “cho đến giọt máu cuối cùng.” Tập đoàn lãnh đạo mới lên nắm chính quyền không có đủ uy tín, nên phải dựa vào uy tín của “Bác” (rêu rao là theo đúng “di chúc của Bác”). Ðám thừa kế “Bác” thừa biết rằng “Bác” càng “vĩ đại” bao nhiêu, thì “các cháu ngoan của Bác” càng có quyền uy nhiều bấy nhiêu. Vì vậy, một chương trình tuyên truyền nhằm tăng uy tín xác chết của “Bác” được phát động rất ư là trọng thể, ngay từ ngày “Bác” nằm xuống và kéo dài cho đến tận bây giờ. Cuối cùng, “Bác” đã chết rồi mà toàn dân vẫn còn sợ “Bác,” nên không ai dám “chối bỏ công lao của Bác.”

Khi chiếm được Miền Nam, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội thấy dựa vào quyền uy của “Bác” cũng không đủ làm Miền Nam mến phục. Như dân Cần Thơ đã truyền khẩu cho nhau nghe hai câu thơ vịnh “Bác” như sau:
Chiều chiều ra bến Ninh Kiều,
Sau lưng tượng “Bác” đĩ nhiều hơn dân!


Trong một xã hội thiếu “đạo đức cách mạng” như vậy, Hà Nội chỉ còn cách dùng quyền trừng phạt và độc quyền nuôi dân để bắt dân Miền Nam vào khuôn phép XHCN. Miền Nam đã phải sống trong kinh hoàng gần một thập niên. Sau khi đã kéo cả Miền Bắc và Miền Nam vào khuôn phép, thế là đất nước bị “thống nhất” trong vòng sợ hãi. Tuy vậy, nhóm lãnh đạo Hà Nội vẫn còn quá lo sợ mất quyền toàn trị, nên làm những hành động điên khùng không ai hiểu nổi. Việc gì phải đàn áp tôn giáo để mang tiếng với thế giới? Phải chăng vì quá sợ mất quyền cai trị nên tưởng rằng vài vị tu sĩ hay mục sư truyền đạo có đủ khả năng lật đổ chế độ công an trị. Việc gì phải triệt hạ đài tưởng niệm các thuyền nhân xấu số? Phải chăng vì quá mê sảng nên nghĩ rằng hành động bất nhân này sẽ làm cho chế độ vẻ vang hơn, vững vàng hơn, và Việt Kiều sẽ gửi về nước nhiều tiền hơn. Ôi, truyền thống “cường hào, ác bá” này biết bao giờ mới triệt tiêu được!

Chú Thích
[1] Trong số những tài liệu chống cộng, nổi tiếng nhất là cuốn sách xuất bản ở Pháp do năm tác giả Stéphane Courtois, Nicolas Werth, Jean-Louis Panné, Andrzej Paczkowski, Karel Bartosek và Jean-Louis Margolin, tựa đề là Le Livre Noir du Communism, Crimes, terror, répression (Paris: Editions Robert Laffont, 1997) được Joanathan Murphy và Mark Kramer dịch ra tiếng Anh dưới tựa đề The Black Book of Communism, Crime, Terror, Repression (Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1999). Chỉ tiếc là phần viết về Việt Nam chỉ vỏn vẹn có hơn 10 trang (tr. 565-575), hiển nhiên là quá sơ sài. Bù vào đó, xin đọc Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam (Toronto: Non Nước, 2001).
[2] Sách nói về chế độ cộng sản Việt Nam nói chung, và Hồ Chí Minh nói riêng thì quá nhiều, nên tôi không liệt kê ra ở đây. Về thư tịch, sách đáng dùng để tham khảo thư tịch là cuốn dày gần 800 trang, tựa đề là Hồ Chí Minh, Nhận Ðịnh Tổng Hợp (Virgnia: Tiếng Quê Hương, 2003) trong đó tác giả Minh Võ đã có công giới thiệu và phê bình hàng chục cuốn sách do những tác giả quen biết viết về Việt Nam. Ngoài ra, trong cuốn sách dày gần 700 trang tựa đề là Phản Tỉnh, Phản Kháng, Thật Hay Hư (California: Thông Vũ, 1999), tác giả Minh Võ cũng phân tích và nhận định gần 20 cuốn sách khảo luận và ký ức của những tác giả đã từng có kinh nghiệm sống trong chế độ cộng sản Việt Nam.
[3] “So long as the virtue of respectable women is regarded as a matter of great importance, the institution of marriage has to be supplemented by another institution which may really be regarded as a part of it ố I mean the institution of prostitutionà She, however, poor woman, in spite of the undoubted service she performs, in spite of the fact that she safeguards the virtues of wives and daughters, is universally despised à” Bertrand Russell, Marriage and Morals (New York: Liverright Publishing Corporation, 1929), tr. 145-146
[4] Rokeach, Milton, Beliefs, Attitudes, and Values; a Theory of Organization and Change, (San Francisco: Jossey-Bass., 1972).
[5] Có rất nhiều sách về lý thuyết phân tâm học đã được xuất bản từ đầu Thế Kỷ 20 đến giờ. Ðể có một khái niệm căn bản về vấn đề này, xin đọc C. S. Hall, A Primer of Freudian Psychology (Cleveland: World Pubplishing Co., 1954). Muốn biết thêm, xin đọc những sách sau đây của Freud: A General Introduction to Psychoanalysis (Garden City, N. Y., Garden City Publishing Co., 1943), New Introductory Lectures of Psychoanalysis (New York: Norton, 1933), và An Outline of Psychology (New York: Norton, 1949).
[6] Dương Thu Hương, Những Thiên Ðường Mù (Hà-Nội: Nhà Xuất Bản Phụ Nữ, 1988).
[7] Trần Trọng Kim, Nho Giáo (Sài-gòn, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1971), tr. 39
[8] Phan Khoang, Trung Dung (Sài-gòn, Nhà Sách Mai Lĩnh, 1959), tr. 18, 844-885. Những chữ trong ngoặc [à] do tôi thêm vào cho rõ nghĩa.
[9] Những người vỗ ngực tự hào mình là người “Mác-xít” thực ra là những người trắng trợn lợi dụng học thuyết Karl Max để thực hiện tham vọng cá nhân của mình. Ngay Karl Max cũng đã thú nhận rằng: “Tôi, Karx Max, không phải là người Marxiste.” Tôi xin cám ơn bạn Nguyễn Hoài Vân đã tìm ra nguồn gốc câu nói bất hủ này khi viết một bài khảo cứu rất xuất sắc về “Những Ngộ Nhận Về Học Thuyết Marx”, Thế Kỷ 21, số 194, June 2005, tr. 80-86.
[10] Xin đọc Vũ Thư Hiên, Ðêm giữa Ban Ngày (California: Văn Nghệ, 1997). Nhưng tác giả không được sống gần “Bác” hàng giờ hàng phút, nên chỉ biết lối xử tàn ác của “Bác” đối với các “công thần,” nhưng không nhìn thấy nỗi sợ hãi âm ỉ trong lòng “Bác.” Trái lại, ông Li Zhisui là một vị bác sĩ ngày đêm phải lo sóc sức khoẻ cho Mao Trạch Ðông, nên có dịp nhận thấy tên độc tài này bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi triền miên, nên nghi ngờ hết tất cả mọi người, trừ một số nữ cán bộ xinh đẹp được lựa chọn vào “hầu hạ” thú nhục dục của “Mao Chủ Tịch.” Xin đọc cuốn The Private Life of Chairman Mao, The Memoirs of Mao's Personal Physician (New York, Random House,1994).
[11] Clare Hollingworth, Mao and the Men Against Him , (London, Johnathan Cape, 1985), Chương 12, “Final Purge of Liu”, pp 196-213; Chương 13 “The Fall of Lin Biao”, pp. 214-255, Chương 19, “Notes on the Ten Men Who Rose Against Chairman Mao” pp. 345-357.
[12] Nguyễn Chí Thiệp, Trại Kiên Giam
[13] Nguyễn Hiến Lê, Hàn Phi Tử : (California: Văn Hóa), tr. 439.
[14] Amitai Etzioni coi “tuân hành” (compliance) là nền tảng của mọi tổ chức. Muốn mọi người trong một tổ chức nào đó phải tuân hành, thành phần lãnh đạo phải áp dụng “quyền lực” (power). Ông phân biệt ba loại quyền lực: “coercive power,” “remunerative power,” và “normative power.” Xin đọc cuốn A Comparative Analysis of Complex Organizations; On power, Involvement, and Their Correlates, (New York: Free Press of Glenco, 1971), tr. 5-6.
[15] Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, op. cit. , 109-148
[16] Hoàng Văn Chí, Trăm Hoa Ðua Nở Trên Miền Bắc (Sài-gòn: Mặt Trặn Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, 1959); Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, op. cit. tr. 149-216.
[17] Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, op. cit. 217-270.
[18] Học giả Lê Hữu Mục (trước đây là giáo sư tiếng Việt và Chữ Nôm kiêm trưởng ban Việt Hán tại Ðại Học Văn Khoa) đã dựa vào sử liệu để phanh phui hành động gian trá của Hồ Chí Minh trong cuốn Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả “Ngục Trung Nhật Ký” (Toronto: Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, 1990).
[19] Trần Dân Tiên hết mình ca tụng lòng hy sinh và tài siêu việt của “Bác” trong cuốn Những mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng của Hồ Chủ Tịch . Sau này mọi người mới được biết cán bộ “ma” Trần Dân Tiên chính lại là “Bác.” Muốn biết “văn chương... loạng quạng” và tài khoác lác không mạch lạc của “Bác,” xin đọc cuốn sách phê bình của Kiều Phong, tựa đề là Chân Dung “Bác” Hồ (San Diego, Calif.: 1989).
.
.
.

No comments:

Post a Comment