Friday, January 28, 2011

ÔNG ĐINH THẾ HUYNH & BÁO NHÂN DÂN (Tưởng Năng Tiến)


Tưởng Năng Tiến

Xuân Diệu, Xuân Xanh, Xuân Tóc Đỏ
Báo đời, báo hại, báo Nhân Dân!
Ca dao thời đổi mới

Trên trang Dân Luận, đọc được hôm 13 tháng 01 năm 2011, có bài viết (Tuyên Ngôn Của Họ Đinh) xin được trích dẫn vài câu – đọc chơi cho biết:
“Tổng biên tập báo Nhân Dân ông Đinh Thế Huynh, tờ báo cơ quan phát ngôn của Đảng CSVN phát biểu trước thềm đại hội ĐCSVN toàn quốc lần thứ 11 rằng: Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng...”
Tác giả bài viết – Người Buôn Gió – cũng đưa ra một tuyên ngôn khác, nghe có vẻ , mỉa mai :”Gia súc, gia cầm ở Việt Nam không có nhu cầu dùng cám khác ngoài Cám Con Cò!”

Ông Lái Gió – rõ ràng – có vẻ hậm hực về kiểu ăn nói (hàm hồ) của ông Lái Báo. Chuyện ăn cám của đám gia cầm và gia súc hay chuyện kết bè kết cánh, đàn đúm tụ tập (và ăn bẩn) của đám đảng viên của ĐCS Việt Nam ra sao – nói thiệt tình – tôi không bận tâm gì cho lắm. Tôi chỉ hơi băn khoăn về với lời chú thích, ghi bên dưới bức hình chụp ông Đinh Thế Huynh, của anh em Dân Luận thôi: “Tổng biên tập báo Nhân Dân, một tờ báo ít người đọc.
Bộ “ít” thiệt sao?

Cứ theo như báo Nhân Dân thì tình trạng, xem ra, cũng không đến nào đâu. Cơ quan “truyền thông trung ương” này tự nhận là “người bạn đồng hành tin cậy của bạn đọc,” và tổng cộng có đến “6 ấn phẩm” (sic) cơ – xin ghi lại đầy đủ (và nguyên văn) để rộng đường dư luận:
“-   Báo Nhân Dân hằng ngày có số phát hành khoảng 220.000 nghìn bản/ngày.
-          Báo Nhân Dân cuối tuần 16 trang  ra hằng tuần  khoảng 110.000 bản/kỳ. Báo Nhân Dân cuối tuần in tại Hà Nội, Đà Nẵng chuyển bằng máy bay, xe lửa, ô-tô đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
-          Báo Nhân Dân hằng tháng ra hằng tháng, mỗi số 48 trang, số lượng phát hành khoảng 130.000 bản/kỳ. Báo Nhân Dân hằng tháng in ở 2 nhà in : Nhà in báo Nhân Dân tại Hà Nội và Đà Nang, được vận chuyển bằng máy bay, xe lửa, ô-tô đi các tỉnh, thành phố trong cả nước
-          Báo Nhân Dân điện tử. Ngày 21-6-1998, báo Nhân Dân điện tử chính thức phát hành trên mạng Internet, trở thành nhật báo chính thức đầu tiên của Việt Nam lên mạng ở địa chỉ www.nhandan.org.vn và hiện phát hành đồng thời cả ở hai địa chỉ www.nhandan.org.vn www.nhandan.com.vn.”

Coi: tờ báo bề thế và tầm vóc (tới) cỡ đó mà lại “ít người đọc” thì kỳ thiệt! Và tình trạng kỳ cục này xẩy ra từ lâu lắm rồi, chớ chả mới mẻ gì. Sự phát hiện của anh em Dân Luận, về số độc giả (vô cùng) khiêm tốn của báo Nhân Dân – nói nào ngay – là chuyện rất muộn màng.

Hồi thế kỷ trước, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan – trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFI – cũng đã (buồn rầu) cho biết rằng nhân dân không ai chịu đọc tờ báo này hết trơn hết trọi. Họ chỉ mua vì rẻ, và để dùng vào những việc khác thôi:
-          “I was reminded of the time when there was a severe shortage of paper across the country. People literally lined up daily to buy the inexpensive Nhan Dan for household uses”(Robert Templer, Shadows And Wind. Penguin Group. New York: 1988, 165).

Dùng vô chuyện (thổ tả) gì khác thì dù có bị tra tấn – thảm thiết, đến chết thì thôi – ổng cũng nhất định không chịu nói! Người phương Tây thì khác. Họ không có thói quen ăn nói lịch sự, hay “bóng và gió” thế đâu.

Tác giả cuốn sách dẫn thượng, Robert Templer –  sau ba năm làm đặc phái viên cho A.F.P. tại Việt Nam, từ 1994 đến 1997 –  đã thản nhiên tuyên bố :
“Dân Việt dùng báo Nhân Dân để đi cầu, chớ còn tin tức thì họ nghe từ chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC, RFI và VOA.” (Vietnamese may have found Nhan Dan useful in the bathroom, but for information they turned to their radios and the Vietnamese language services of BBC, RFI and VOA).

Thảo nào, hồi vừa mới nhận chức, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lật đật ban hành chỉ thị (37/2006/CT-TTg): “cấm tuyệt đối không cho phép sự có mặt của báo chí tư nhân.” Ai cũng tưởng là ổng lộ mặt độc tài, muốn bóp (nghẹt) quyền tự do ngôn luận – vốn đã nghẹt từ lâu – cho nó chết luôn. Sau mới vỡ lẽ ra là nguyên do chỉ vì chút tình … đồng chí.

Ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ muốn giúp ông Đinh Thế Huynh giữ vững cái ghế Tổng Biên Tập, thế thôi. Chớ bị báo tư nhân cạnh tranh thì Nhân Dân chắc chết, chết chắc. Nó sẽ đi từ tình trạng “ít người đọc” đến hết người đọc (luôn) trong một khoảng thời gian rất ngắn. Sau đó, Tổng Biên Tập – tất nhiên – sẽ phải khăn gói về vườn, theo gương Thánh Gióng, vui thú ….điền viên.
Đúng là ơn cứu mạng!  

Tình đồng chí, chí tình, đến cỡ đó hỏi ai mà không cảm động. Bởi vậy, không phải vô cớ mà mới đây ông Đinh Thế Huynh (bỗng dưng) tuyên bố một câu rất vụng: ”Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đã đảng.” Lú đến cỡ như chú Nguyễn Phú Trọng mà khi bi hỏi về vấn đề này còn biết nói tránh đi là “trước mắt chưa thấy có nhu cầu.” Không biết con cái nhà ai mà lại dại đến (nỗi) thế, hả Giời?

Cũng như cái đận ông Nguyễn Tấn Dũng ký chỉ thị 37/2006/CT-TTg (“cấm tuyệt đối không cho phép sự có mặt của báo chí tư nhân”) câu nói ngu xuẩn của ông Đinh Thế Huynh khiến thiên hạ (lại) một phen đùng đùng nổi giận. Bỉnh bút Hoàng Diệu, của trang Dân Làm Báo, phê bình lời phát biểu của ông Đinh Thế Huynh là “ngông cuồng và dốt nát” :
Nếu số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (2010) là đáng tin cậy, thì dân số cả nước Việt Nam năm 2010 được ước tính là 86,93 triệu người.
Dù có đại diện tiếng nói của tất cả 3,6 triệu đảng viên ĐCSVN (không sót một tên đi nữa) chỉ vỏn vẹn có 4.14% (3,6 triệu/86,93 triệu) thì có thể quyết thay cho 83.33 triệu dân (95.86%) hay không?
Nếu chỉ lấy số lượng của cái gọi là 1.377 “đại biểu” (không sót người) ở đây phải nói rõ rằng của đảng viên ĐCSVN chứ không phải của toàn dân tộc thì chỉ là một con số vô nghĩa 0.0015% (1,377 /86,93 triệu).
Còn nếu chỉ lấy một tên Đinh Cái Gì đi nữa thì mà phát biểu loạn ngôn thay một đảng chính trị tự cho là “đỉnh cao trí tuệ” mà những người lãnh đạo đảng đó không hiểu rằng lời phát biểu đó chỉ là ngông cuồng và dốt nát thì làm sao lãnh đạo và dìu dắt được tương lai và quyết định được cho sự tồn vong của hơn 86 triệu người dân Việt?”

Cùng lúc, tác giả Nguyễn Hữu Qúy kết luận rằng lời nói của ông Đinh Thế Huynh “là hệ quả của thói háo danh, tham lam vô độ, vô cảm…”

Hai ông Hoàng Diệu và Nguyễn Hữu Qúy – chắc chắn – đã không nặng lời (tới) cỡ đó, nếu biết rõ sự tình và những uẩn khúc bên trong chuyện này. Chỉ có người hiểu biết mới rõ nỗi khổ tâm (và dụng tâm) của gã họ Đinh. Đây chả qua chỉ là chuyện đền ơn đáp nghĩa, hay nói theo ngôn ngữ đương đại là một vụ “lại quả” –– để giữ cái tình – thế  thôi.

Nếu đa nguyên và đa đảng thì đảng nào cũng có thể vận động người của đảng mình ra làm thủ tướng. Trong trường hợp này, ông Nguyễn Tấn Dũng – người vừa được một công ty chuyên về các dịch vụ chế biến rác rưởi bầu làm Thủ Tướng Xuất Sắc Nhất Châu Á – mà phải ra tranh đua với thiên hạ thì … bốc rác (hay bốc cứt) là cái chắc.  Trước nguy cơ đó, ông Đinh Thế Huynh – cũng vì tình đồng chí – mới phải liều mình, nói (đại) một câu chí tình như thế: Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đã đảng.”
Qúi ông đảng viên CSVN đối xử (đẹp) với nhau như vậy (theo tôi) là phải giá –  vừa thắm tình đồng chí, vừa đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc:
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim

Tuy nhiên, câu hỏi (tưởng) cũng cần đặt ra là “tiền của ai” mới được chớ? Ông Đinh Thế Huynh dùng tiền thuế của người dân để làm báo (Đảng) đã là chuyện hơi kỳ, ông còn dùng cứ y như “phấn thổ” thì thiệt là quá quắt. Coi:
“Trụ sở chính Bộ Biên tập báo Nhân Dân đóng  tại: Nhà số 71, phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ quan thường trực tại TP Hồ Chí Minh, tại TP Đà Nẵng, tại TP Cần Thơ…”
“Ngày 21-8-1997, Thường vụ Bộ Chính trị T.Ư Đảng CS Việt Nam đã đồng ý cho phép báo Nhân Dân đặt cơ quan thường trú nước ngoài tại Paris (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bangkok (Thailand).”
“Báo Nhân Dân in tại 8 điểm in (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Đác Lắc, Điện Biên), phát hành trên phạm vi toàn quốc và một số lượng nhất định được gửi ra nước ngoài.”

Sản xuất giấy để… gói hay chùi thì chỉ cần nhà máy in là đủ. Chớ mắc mớ chi phải có trụ sở trung ương, cơ quan thường trực tại những thành phố lớn, và những cơ quan thường trú ở Paris, Bankok, Bắc Kinh…?  Đã thế, còn khoe rằng báo Nhân Dân có “một số lượng nhất định được gửi ra… nước ngoài” nữa cơ!

Gửi cái đồ thổ tả, như báo Nhân Dân, ra nước ngoài làm chi – cha nội? Giấy để gói thì ở đâu không có. Còn dùng để chùi thì bố ai mà dám đụng đến cái thứ của nợ, in ấn giấy má bẩn thỉu, như báo Nhân Dân!

Tưởng Năng Tiến
1/2011
.
.
.

No comments:

Post a Comment