Sunday, January 30, 2011

NGƯỜI RƠM (Tâm Thanh)

Tâm Thanh
Sunday, January 30, 2011

Khi mùa đông buốt giá tột độ ở đây, tôi biết nơi xa xôi bên kia là mùa xuân. Người nhắc nhở tôi điều này không phải cha mẹ tôi (ông bà chết trên đường vượt biên từ Hải Phòng sang Hồng-công, lúc tôi năm tuổi), mà một cô giáo người Thụy-điển, cô Anita. Nhưng từ ngày tôi bỏ học, xa cô, tôi không biết khi nào là mùa xuân ở bên kia. Nhiều lần tôi mỏi mệt nghề ăn cắp, định về thăm cô. Nhưng năm nay lại xảy ra nhiều chuyện.


Là đứa duy nhất trong băng có quốc tịch, và có cái xe ôtô con, tôi chuyên việc cầm vôlăng trong các chuyến ăn cắp 'butích', được gọi nghiêm túc là 'đi chợ.’ Ðịa bàn hoạt động của chúng tôi chủ yếu là các thành phố miền đông Thụy-điển như Stockholm, Uppsala, nhưng nếu có mối bở béo chúng tôi có thể đi sang miền tây như Gưteborg, Bohus. Ðược hai năm, hình như gần ba năm, cảnh sát thuộc lòng số xe của tôi và nhẵn mặt cả bọn sáu đứa, nhiều khi chúng tôi vào cây xăng mua cái xúc-xích cũng bị theo dõi.
Chúng tôi phải tìm đồng cỏ bên nước láng giềng Na-uy. Sang Na-uy mới biết việc đi chợ thanh nhàn như đi ăn đám giỗ. Thằng Tư đại huynh, nói “Chẳng trách Liên Hiệp Quốc xếp đây là nước sống sướng nhất thế giới, năm năm liền.” Trong chuyến đi chợ bên Na-uy, tôi gặp Tuyết Anh.

Tuyết Anh là tên ghi trong thẻ đăng ký tị nạn do cảnh sát Na-uy cấp, đương nhiên là tên giả. Tên thật của nó chắc phải đẹp hơn – đấy, cứ coi nước da trắng như thế, đôi mắt to như thế, và bộ ngực căng như thế!
Nó chỉ có mỗi một cái khó coi là cao, cao hơn tôi cái đầu, cẳng lại dài; hôm đi giới thiệu các địa điểm làm ăn với nó, tôi phải chạy mới kịp. Nó từ quê Quảng Ninh, đi xe lửa sang Trung Quốc, từ Trung Quốc sang Ukraina, ở Ukraina chừng sáu tháng thì được chở bằng xe thùng qua nhiều nước, cuối cùng tới Na-uy. Ấy là nó kể với tôi như vậy, như đã khai với cảnh sát, nhưng tôi biết trong mười điều nó nói có bảy điều dối. Nó là 'người rơm' mà! Một người đàn ông Việt Nam nhưng tên Jon cho nó ở nhờ miễn phí trong cái buồng mười hai mét vuông. Khi chúng tôi sang, ông nhét chung vào đó luôn. Chúng tôi ngăn buồng thành hai chuồng, bằng tấm vải nhựa, chuồng đựợc đặt hai tấm nệm cho bốn thằng đực – Tư, Hỉ, Long và tôi; chuồng cái với một tấm nệm, cho Tuyết và Nam. Chuồng đực có một đài tivi và máy chơi điviđi, chuyên chơi phim lợn. Thỉnh thoảng chúng tôi có chơi phim động và phim hình sự để trau dồi nghiệp vụ.

Hôm nay nghỉ chợ vì mấy đứa kia có việc về Thụy-điển, trong phòng chỉ còn lại hai đứa. Tuyết kể tiếp về chuyến đi của nó, sau tấm màn:
“Thằng dịch vụ tịch thu hết giấy tờ rồi mới thả em xuống một cái siêu thị, bảo vào ăn cắp cái gì thì tự động được nhập trại.”
“Vậy là em có duyên với nghề đi chợ ngay từ thuở ban đầu,” tôi ngắt lời. Tuyết không bình phẩm câu nói lảng nhách của tôi, tiếp:
“Em làm y như nó bảo – ăn cắp cái xì-líp, cảnh sát tới bắt, em xin tị nạn. Thế là nó chở em về bót, lăn tay, chụp hình, làm việc, rồi chở vào trại tị nạn. Ấy, trước khi đủn em ra khỏi xe, thằng dịch vụ nó còn khám người em...”
Tôi lại ngắt lời:
“Nó khám những chỗ nào?”
Tuyết vẫn không để ý lời tôi, tiếp:
“Nó thấy tấm hình mẹ em chụp chung với hai chị em em và hình thằng bạn giai, chửi rủa thậm tệ rồi bắt xé đi luôn.”
“Sao vậy?”
“Ðã bảo là người rơm mà lị, làm gì được có bố mẹ!”

Nhưng thằng dịch vụ và Tuyết vẫn hớ hênh – cảnh sát di trú khám túi quần con Tuyết, thấy cái vé xe lửa khởi hành từ MĂnchen biết nó đã từng xin tầm trú ở Ðức, nên đưa nó vào trại Tanum giam lỏng, chờ xác nhận lý lịch với cảnh sát Ðức và thu xếp giải giao về Ðức. Nó trốn trại, gia nhập bọn tôi. Trong lúc đi chợ, nó ít bị bọn an ninh nghi ngờ, nhờ vẻ lành thánh.
“Thằng cảnh sát nó khám quần em làm sao?” tôi hỏi.
“Thì nó bắt tụt ra. Một con, không phải thằng... Anh hỏi linh tinh thế!”
“Thì... thì bây giờ không linh tinh nữa: Tại sao không bị trả về Trung Quốc hay Ukraina?”
“Việt Nam còn không nhận người rơm, huống hồ mấy nước kia. Chỉ có mấy thằng tư bản nó nhận,” nó đáp. “Vẫn là linh tinh.”
Ngửi mùi nước hoa, tôi ngồi dậy hỏi:
“Anh sang bên đó thăm em nhá?”
“Không! Em đang thay đồ.”

Nếu đó là con Nam, tôi đã ghé mắt vào cái lỗ đục bằng thuốc lá để dòm, nhưng không hiểu tại sao đối với con Tuyết, tôi không dám. Từ hôm gặp nó, ban đêm tôi hay nằm mơ về nó, và lẫn lộn nét mặt của nó với cô Anita. Tôi nằm trở lại, úp cuốn Playboy lên bụng.
“Bạn giai em tên gì?” tôi hỏi.
“Hỏi làm gì?” nó hỏi lại. Tôi tưởng tượng nó đang ngồi trên đệm thoa son phấn, vú cơi ra ngoài cái singlet, như tấm hình trong Playboy.
“Hỏi cho biết...” tôi trả lời, chắc là vớ vẩn lắm; cha mẹ nó còn phi tang, tại sao nó lại khai tên bồ của nó cho tôi. Ðể đỡ phần vớ vẩn, tôi thêm: “Hừ, chẳng nên hỏi.”

Có tiếng gõ cửa mạnh và cửa mở ra ngay, không chờ ai mời vào gì cả – ai có đủ tư cách như thế ngoài ông chủ nhà? Ông Jon là con người đầy bí mật, không ai biết ông tiền rừng bạc biển hay là khố rách áo ôm chuyên nghề giật hụi, ai là vợ con ông ta; không ai biết ông gốc Việt, Tầu hay Căm-bốt. Thằng Hỉ nói thấy ông cặp kè với đào nhí trong quán nhảy Phi Thuyền ở Sài Gòn tuần trước, thằng Tư thề là cùng ngày đó thấy ông đứng trước khách sạn Radisson giữa Oslo. Cả hai thằng đều cả quyết mình không thể nhầm người được, cả hai cùng thấy một người phì nộn đội mũ phớt, đeo kính râm và hút tẩu...

“Tuyết Anh đâu?” ông Jon hỏi. Nghe giọng hơi xấc, tôi không trả lời, chỉ hất hàm sang chuồng bên, nói to:
“Em nghe rồi đấy nhá!”
“Nghe. Tôi ra ngay!” Tuyết nói.
Tuyết vạch màn đi ra. Áo lông gấu đen, giầy ủng đen, lộng lẫy.
“Ði luật sư lo việc tị nạn!” ông nói với Tuyết, nhưng tôi có cảm giác ông phân trần với tôi. Việc đéo gì phải phân trần, tôi nghĩ thầm trong đầu.

Tuyết không nhìn tôi, ưỡn ngực theo ông Jon xuống lầu, để lại cho tôi mùi nước hoa. Tôi bất bình, đồng thời cảm thấy mình bất xứng, bất lực. Tối, tôi tới Viện tắm hơi Alibaba ở số 3427C đường Tronheim chở về một con Thái-lan để giải tỏa ba cái 'bất' kia, và cái mùi nước hoa của con Tuyết. Một đêm bay hết 'tiền chợ' của tôi, hết luôn mấy trăm lẻ tụi nó giao tôi đi mua hai chục cái 'Norgespakken'. Cái thùng giấy có cái tên rất hách đó – 'Hộp Na-uy', đúng là siêu kỹ, bên Thụy-điển không có, chỉ có Bưu điện Na-uy biết chế ra, khoe rằng rất bền chắc, rất tiện lợi, lại in tem sẵn, nhét bao nhiêu tùy ý, đừng quá mười kilô.

Nhưng còn một điểm tinh vi mà chính người sáng chế cũng không biết hay không ngờ: nó cản được mắt thần; hàng hóa để bên trong, máy rà ở quầy tính tiền và cửa ra không phát hiện được. Tuy chưa được đăng ký bằng sáng chế, thật sự người đầu tiên trên thế giới khám phá ra khả năng tuyệt vời của cái Norgespakken là lão chú con Nam. Lão bán bản quyền sản phẩm trí tuệ cho chúng tôi với ba chục ngàn kroner, theo giá tình nghĩa với con cháu. Ðáng tiền, bởi vì việc đi chợ từ đó trở nên vô cùng giản đơn, chỉ hai lần đã đủ vốn. Trước kia chúng tôi bị bắt lia chia, từ ngày có cái thùng, trong vòng ba tháng chỉ bị bắt bốn lần. Tất nhiên, mấy thằng gác cửa hiệu bắt, giao cho cảnh sát, cảnh sát giải về bót, hỏi mấy câu vớ vẩn rồi lại thả.

Phiên họp trong chuồng đực. Thằng Tư cằn nhằn tôi trong lúc cả bọn hút cần sa, cuối cùng nó vẫn thảy cho tôi năm trăm.
“Ði mua thùng đi, đồ con khỉ!” nó nói. “Mua ở hai ba nơi khác nhau ấy, bị để ý rồi đấy.”
“Ðéo! Ðể ý thì làm đéo gì?” con Nam sủa. Nó cà lăm, nhưng lạ lắm, hễ đệm 'đ.' vào thì bớt cà lăm. Tôi nhìn nhanh con Tuyết đang ngồi ôm cái gối đen in hình chữ thọ vàng của tôi. Nó không hút.
“Câm mồm!” thằng Tư quát con Nam.
“Cũng phải biết để đề phòng,” Tôi trầm giọng. “Mày nói đi, Tư!”
“Hừ, Long Trảo thấy mình bắt đầu khấm khá, đã nhắn khéo đòi bảo vệ. Lại còn báo chí nữa, nó đăng rầm lên rồi. Chúng mày đéo chịu đọc báo gì cả.” Cả bọn cười hô hố.
“Mày làm như mày biết đọc báo,” thằng Hỉ nói.
“Thôi, không nói linh tinh nữa,” Tư vo tròn. “Ðánh vài lần nữa, đủ tiền về Việt Nam mỗi đứa cưới con vợ, rồi tạm nghỉ.”
“Tao cưới vợ Việt Nam ra tiền, chứ đời nào lại tốn tiền!” thằng Long thêm.
“Nhất là tiền mồ hôi nước mắt,” thằng Hỉ nhất trí.

Hôm nay Thằng Tư và con Nam, hai đứa có tay nghề cao, đi 'siêu thị'. Còn tôi, Tuyết và thằng Hỉ chơi đồ tầm thường như dao cạo râu Gillette, son phấn Max Factor, nước hoa Elisabeth Eden, bút chì kẻ lông mày Mascaca, dầu cá do Na-uy chế tạo. Ðược bao nhiêu, tôi lại chở đi giao cho 'chị Năm', bao nhiêu mụ cũng cân tất. Mụ làm gì với những thứ đó, quả tình tôi không biết.

Con Tuyết và thằng Hỉ vào tiệm, thằng Hỉ đứng một chỗ với cái thùng, con Thuyết đi lượm đồ chất vào thùng, lưng thùng thì thằng Hỉ lấy một xấp băng vệ sinh 'siêu mỏng siêu thấm' (tôi học được câu quảng cáo trong đài Việt Nam) phủ lên trên, hai đứa cùng ra quầy tính tiền. Trong khi con Tuyết móc tiền, thằng Hỉ làm bộ hổ thẹn vì phải dính tới cái đồ đàn bà con gái, nói ấm ớ tiếng Thụy-điển “Ba cái...” và chỉ vào xấp băng vệ sinh nằm trên, con ngồi két thấy chỉ có một xấp mà khách hàng nói ba thì tin là khách quá thành thật, không mở thùng ra coi, hoan hỉ tính tiền ba xấp băng, Tuyết trả tiền, hai 'vợ chồng' ung dung ra xe ôtô tôi chờ sẵn. Còi báo động ngủ im thin thít.

Nhưng tôi vừa mở máy xe thì một xe cảnh sát lao tới chận ngay trước đầu xe tôi. Bị bắt là chuyện thường, nhưng lần này Hiệp hội nhà buôn đã nhân danh ba mươi tám cửa hàng tố cáo một tổ chức ăn cắp làm thiệt hại hàng triệu bạc của họ. Khi mụ thông dịch đọc cho tôi nghe lời tố cáo đó, tôi thấy mình oan vô cùng.
“Làm gì nhiều như thế!” tôi nói.
“Vậy là bao nhiêu?” thằng cảnh sát hoạnh lại.
“Ðéo biết bao nhiêu,” tôi nói với mụ thông dịch. “Chị dịch lại cho nó nghe như thế, nhá.”

Ra tòa, cảnh sát cóc tìm được bằng chứng về những vụ trước, nên thằng cha chánh án chỉ phạt mỗi đứa 15 ngày tù hoặc phạt vạ 5000 kroner, muốn chọn đàng nào thì chọn. Chúng tôi chọn trả tiền thay vì ngồi tù. Xong, nó tống chúng tôi lên xe bít bùng chở về Thụy-điển. Trừ con Tuyết.

Tôi đổi ôtô, quay lại Na-uy, âm thầm, không cho mấy đứa bạn biết. Không phải để đi chợ, mà đi tìm con Tuyết. Thú thật: tôi thích nó mất rồi.
Mobil của nó đóng, sáng trưa chiều tối, lúc nào cũng phát ra một câu đáng ghét 'Ðiện thoại tắt hoặc ở ngoài tầm.' Ngoài tầm, hai chữ đó tôi nghe thường, nhưng bây giờ cảm thấy đau xót. Nó không còn ở nhà ông Jon ở Toeyen nữa, không ở trại tầm trú Tanum, không ở trại tầm trú Gardermoen, không ở nhà chính của ông Jon ở Vika. Vậy nó đã bị trả về Ðức rồi. Nó ở ngoài tầm. Tôi buồn bã tới nhà tắm hơi tìm con Thái điệu nghệ hôm trước, tên Lili.
“Lili bận, mày chờ được không?” mụ cai gà béo trả lời.
“Chờ bao lâu?” tôi hỏi và thả người xuống sopha, làm như sẵn sàng chờ bao lâu cũng được. Ở Oslo này tôi không có nơi nào để về; bên Thụy-điển, xã hội đã đòi lại căn hộ vì tôi không chịu bán ôtô để trả tiền nhà.
Mụ béo mở sổ hẹn coi, có điện thoại reo, mụ trả lời vắn tắt. Xong quay lại với cuốn sổ to như cuốn sổ hẹn bác sĩ, trả lời:
“Có thể khuya ạ!”

Tôi không trả lời, ngoảnh mặt ra cửa sổ có treo cái đèn ông sao. Qua cửa kính tôi thấy cây thông hình chóp ở sân sau lấp ló đèn xanh đỏ trong tuyết. Tôi biết sắp tới lễ Giáng Sinh. Tôi nghiêng đầu nhìn thấy một khoảnh trời đen kịt. Tôi nhìn đồng hồ, mới ba giờ chiều. Giáng Sinh, thiên hạ lại sắp lên cơn sốt.

Phần tôi rất dửng dưng. Tôi chỉ cảm thấy hơi nhớ cô giáo Anita, người đã tặng tôi cái mũ len đan tay mầu nâu, “Ðể hợp với mắt Con”, cô nói. Còn gia đình nuôi, tôi nửa nhớ nửa giận. Ðã ba bốn Giáng Sinh tôi không trở về gia đình đó, không biết con Linda lớn tới đâu. Tôi hay bóp vú nó, nó không chống cự, nhưng một lần tôi bóp nó ở bờ suối, bố mẹ nuôi bắt gặp, đuổi tôi. Tôi vào nhà tập thể ở chung với bọn Tây con, Tây con cũng không chơi với tôi. Ðủ mười tám tuổi, tôi đòi xã hội cho ra ở riêng. Nhưng ở riêng tôi càng thấy cô độc hơn. Người Việt gốc Hoa không chơi với tôi, người Sài Gòn cũng không chơi với tôi.

Tôi ra ngoài, đứng dưới cây thông châm điếu cần sa. Sương đặc, tôi thấy mình như con gà bị vặt lông chưa cắt tiết, đứng trong cái tủ lạnh đang bốc hàn khí, xung quanh là bốn bức tường cao, cửa sổ đèn mờ, mà tôi tưởng tượng thành những ngăn tủ đựng cà chua thối, trứng gà thối, xà-lách thối, phô-mai mốc. Hút xong điếu thuốc, tôi mất hứng, định đi ra.

Ði sao? Chơi đỡ con kia được không? Tôi đoán mụ béo nói vậy khi mụ hất hàm theo một đứa con gái đang đi lên cầu thang. Mụ nói tiếp cái gì đó, tôi bắt được hai chữ 'Thái-lan.'
Nhìn cái áo lông gấu đen, tôi nghĩ tới con Tuyết, vội vàng nói:
“Ok, ok.”

Ðứa con gái quay lại – Á đông, nhưng không phải Tuyết! Nhưng đã lỡ, tôi bước lại cầu thang, tính theo lên lầu. Nhưng nó nhìn tôi từ đầu tới chân, lắc đầu nói gì đó với mụ béo mà tôi hiểu là nó từ chối đi với tôi. Qua ánh mắt hai con đàn bà, tôi đọc thấy sự khinh thị. Nói xong con đĩ quay đi, không thèm nhìn tôi. Máu nóng trào lên đầu, tôi rút con dao bấm, bật lưỡi ra, chĩa vào con điếm đứng trên cao.
“Ðịt mẹ! Ðĩ mà đòi khinh người hử?” tôi quát. Bằng tiếng Việt.

Con điếm thối dừng bước và quay lại, ngơ ngác. Con mụ béo há hốc mồm. Con điếm đứng trên cầu thang, trông càng cao hơn, như một con gấu đen. Tôi ước có thể san bằng những bậc thang, để con điếm lăn xuống, nằm dưới chân tôi, rên rỉ. Tôi bước lên, vẫn chĩa mũi dao về phía trước. Tiếng quát tháo từ họng tôi tuôn ra tự nhiên bằng tiếng Việt trơn tru. Còn bốn năm bậc nữa thì nó quay đầu chạy, hô cầu cứu. Một thằng bảo vệ khệnh khạng đi ra, đá bay con dao trên tay tôi, và khóa tay tôi lại. Mấy phút sau có còi hụ xe cảnh sát.

Ðồng hồ đã bị tịch thu, cùng với con dao và cái bóp, tôi không biết mấy giờ. Tôi nằm trên đệm trải thẳng trên sàn ximăng, số tôi nằm đệm nhiều hơn nằm giường. Tự nhiên tôi muốn tự tử. Tôi tự tử để cho mấy thằng cảnh sát mang tội đối xử thô bạo với tôi, cho mụ mập và con điếm mang tội hkinh rẻ tôi, cho báo chí loan ầm lên rằng tôi bị ức hiếp. Tôi nhìn lên trần xà lim cao và bốn bức tường xi măng phẳng lì, không có một cái đà, cái móc để treo dây thòng lọng. Lao đầu vào cái cửa sắt sẽ rất đau đớn mà chưa chắc chết, lại thành trò cười cho chúng nó – hóa ra cả đời tôi làm trò cười! Có nên viết một lá thư tuyệt mệnh không? Hiện giờ trên mình không có bút giấy, tôi có thể đập cửa xin con mẹ gác; tôi cũng có thể viết bằng máu lên tường. Nhưng tôi sẽ viết gì? Tôi đọc những chữ viết sẵn trên tường của những thằng tù... tiền nhiệm, hiểu được một chữ: ÐỊT! Có lẽ tôi cũng sẽ viết chữ đó – vắn tắt, đầy đủ. Nhưng, như những thư tuyệt mệnh thê thảm khác, tôi cũng phải nhắn nhủ thế nhân điều gì. Câu trước tiên tôi nghĩ tới là 'Ở đời đừng bao giờ hất hủi ai.' Câu này có yếu đuối không? Không. Khi nó đi kèm với cái chết thì không thể gọi là yếu đuối được. Dù sao nó không ổn với tôi, vì nó tố cáo tôi mang chút mặc cảm. Tôi nghĩ ra rồi, một câu không mặc cảm mà oai hơn, đó là 'Không ai có quyền xét xử tôi!' Lâu lắm tôi không đọc sách, cuốn sách cuối cùng tôi đọc là cuốn học bạ, tôi đọc khi còn ở với gia đình nuôi, nhưng tôi đọc có một trang thì bỏ, vì viết dở quá; bởi vậy, ai nói cái câu khí phách kia, tôi quên mất; nhưng hôm nay viết vào thư tuyệt mệnh thì rất hợp. Tôi tưởng tượng trưa thứ hai, khi thằng chánh án ngồi chễm chệ trên ghế giữa tòa, bên dưới, tay phải là thằng kiểm sát đằng đằng sát khí, bên phải là con mẹ luật sư vô tích sự, chờ mãi không thấy tôi, cuối cùng thằng gác tù hoảng hốt chạy vào báo cáo “Thằng bị cáo chết rồi!” Thằng chánh án nện búa tuyên bố “Trắng án!”

“Ngạt quá!” tiếng rên từ phòng giam bên cạnh. Tôi lắng tai chờ đợi xem có phải mình nghe tiếng người hay chỉ tiếng rít của bản lề, tiếng dội cầu xí, hay tiếng tưởng tượng. Tôi nghe tiếng rên tiếp:
“Ngạt quá! Hãm lại, cho tôi ra ngoài...” Tiếng thét đàn bà, bằng tiếng Việt. Tôi đập rầm rầm vào cửa phòng giam, tôi định hô to “Có người chết ngạt! Mở cửa mau!” nhưng tôi không biết 'chết ngạt' tiếng Thụy-điển là gì, huống hồ tiếng Na-uy. Thay cho ngôn ngữ, tôi tiếp tục đập mạnh vào cánh cửa sắt để gọi lính gác. Nhưng cửa sắt dầy quá, tôi đập tới rát bàn tay mà chỉ nghe tiếng bèn bẹt. Kết quả, chỉ có tiếng cằn nhằn từ buồng đối diện của một thằng bị nhốt cùng một lúc với tôi, thằng Na-uy mặt mày sưng vêu, chắc là đánh lộn. Tiếng rên cũng im luôn.

“Ai bên đó đấy?” tôi lên tiếng. Gọi ba lần, mỗi lần lớn hơn, cuối cùng bên đấy hỏi lại:
“Ai đấy?”
“Việt Nam!” tôi đáp.
“Ðây cũng Việt Nam.”
“Nghe đằng ấy than bị ngạt. Ngạt thở?”
“Có than à?”
“Nghe đằng ấy rên.”
“Thật à! Có rên... rên to thế cơ à?”
“Ừ... Này, nghe giọng quen quen... Có phải Tuyết Anh đấy không?”
“Cổn, phải không?”
“Cổn đây,” tôi vui mừng đáp. “Không rủ mà vào đây cả lút. Bên đấy ngạt à?”
“Anh nói em mới để ý, trong này hơi ngột ngạt. Nhưng em không rên đâu, chắc em nằm mơ đấy.”
“Mơ cái gì?”
“Ác mộng...”
“Kể lại nghe.”
“Thôi.”
“Em nói gì? Nói to lên tí nữa.”
“Em nói thôi, không kể làm gì nữa.”
“Cứ kể cho anh nghe! Trong này toàn Tây cả, có ma nào hiểu mình nói gì đâu mà sợ nào.”
Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:
“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”
“Chết!?”
“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.
Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về... Anh có nghe không đấy?”
“Nghe rõ cả.”
“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”
“Chắc đúng.”
“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm 'Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.' Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.”
“Cô ấy mấy tuổi?”
“Tuổi rơm, ai hỏi làm gì!”
“Còn em? Em có muốn về không?”
“Không, thà chết!” Tuyết nói không do dự. Chắc nó đã cân nhắc kỹ rồi.
“Nhất trí!” tôi nói, hồ hởi.
Tôi không hiểu tại sao tôi lại hồ hởi như thế. Mươi phút sau, bọn gác gác tù mang nó đi đâu, tôi không biết. Nó không trở lại.

Tôi bị phạt tù ba mươi mốt ngày về tội mang vũ khí và toan hành hung. Trừ chín ngày tạm giam, tôi chỉ còn phải ngồi tù ba tuần, ở một nhà tù khác, cũng gần bót cảnh sát. Ra tù tôi bị giải thẳng về Thụy-điển. Như cóc bỏ đĩa, ba hôm sau tôi lại sang Na-uy tìm Tuyết. Tôi hy vọng nó vẫn kiên định lập trường hôm trước 'thà chết không về.' Tôi cố tìm nó trước khi nó đổi ý hoặc có tai ương gì xảy ra cho nó. Cũng mất hơn một tháng tôi mới truy ra nó đang ngồi trong nhà tù nữ ở Rdvedt. Vì nó khai tứ cố vô thân, không ai được phép thăm nó. Vì vậy tôi phải giả mục sư đi thăm tù. Ðó là một ngày sau lễ Nôen, mặt trời xuống thấp, chiếu thẳng vào mặt, lái xe cứ như là đâm vào những mũi tên lửa, không nhìn thấy xe ngược chiều. Một ngày thứ tư, ngày thăm tù thường xuyên của các thượng tọa Phật giáo, mục sư Tin lành, linh mục Công giáo, giáo sĩ Hồi giáo. Tôi bảo là điều may, vì cảnh sát không hỏi linh tinh gì cả. May nữa là những năm ở trong gia đình nuôi, tôi đã học được cách cầm và mở Thánh Kinh. Nhưng cái không may là tôi gặp một bà Việt Nam trong phòng đợi.
“Chào cha,” bà cung kính, “cha cũng đi thăm tù ạ?”
“Chào bà,” tôi đáp, và tự nhủ chớ có văng tục. Trong đời cũng phải có một ngày ăn nói lịch sự văn minh.
“Con là xơ, thưa cha,” bà đáp.
“Ð... , xin lỗi, con... tôi là mục sư, không phải cha.”
“Hân hạnh gặp mục sư. Mục sư có biết mục sư Trần Trung Trinh không?”
Chán thật, bố mẹ ruột mà có người còn không biết tên, huống hồ ông Trần Trung Trinh trời ơi đất hỡi ở đâu ấy, tôi nghĩ trong đầu, nhưng miệng nói bừa:
“Có biết sơ, nhưng chúng tôi không quan hệ nhiều. Tôi ở... Phần Lan sang. Còn ma xơ có biết giáo hoàng
Giăng Bôn không ạ?”
“Dạ, Ngài qua đời rồi!” Mặt bà xơ xịu xuống, không biết bà buồn thương vị giáo hoàng quá cố hay thất vọng vì tôi. Nếu bà thất vọng, tôi phải làm cho bà biết tôi không đến nỗi tệ lắm, tôi nói:
“Ngài Giăng Bôn Hai qua đời rồi, tôi biết chứ, xơ. Người tôi muốn nói đây là vị giáo hoàng mới, ngài Giăng Bôn Ba ấy...” Sau này tôi mới biết lẽ ra tôi không nên khoe khoang nhiều quá về kiến thức tôn giáo của tôi.

Cũng may, cuộc giao lưu tôn giáo sắp tới hồi cuồng lưu thì một mụ gác tù mở cửa vào, hỏi chuyện bà xơ, chắc hỏi đi thăm ai. Nhân tiện, tôi nhờ bà xơ thông dịch giùm tôi đi thăm một nữ tù nhân tên Tuyết Anh.
Bà xơ giúp tôi xong, chợt nhớ ra điều gì, tươi cười nói:
“Không biết lát nữa có gặp lại nhau không, xin chúc mừng năm mới mục sư!”

Tuyết mặc cái áo len cao cổ, dầy, màu tím rịm, váy trắng có thêu ren ở gấu, dài tới gót chân. Nó gầy, hai mắt quầng thâm, ngước lên nhìn tôi. Nó cao hơn tôi, muốn tạo ra cái vẻ ngước lên đó, nó phải cong lưng xuống, tay chống cằm. Nó cố ý làm như vậy, hay tự nhiên như thế, tôi đều thấy là thanh cao và tôi biết ơn.
“Chúc mừng năm mới Tuyết Anh!” tôi nói.
“Tết rồi hả anh? Em không biết! Hôm nay mùng mấy, anh?”
“Anh cũng không biết nữa. Ban nãy gặp một bà xơ Việt Nam ngoài phòng đợi, bà ấy chúc Tết, nên anh đoán hôm nay Tết ta. Thảo nào, tiệm Việt Nam có bán bánh chưng, anh lại tưởng họ gói bánh chưng quanh năm, không ngờ ngày Tết. Không Mồng Một thì ngày Rằm.”
“Vậy em mừng tuổi anh,” Tuyết nói, chắp hai bàn tay kẹp vào đùi như một đứa trẻ lễ phép. Cái lưng dài vẫn cong, như cổ con nai uống nước.
“Ở cổng nó giữ cái ví tiền với cái điện thoại, không thì bây giờ anh có thể lì-xì tiền mừng tuổi cho em...”
“Anh không cần mừng tuổi em. Anh tới thăm em, nhắc em ngày Tết là quí rồi, anh ạ.”
Tuyết càng dịu dàng, tôi càng lo âu. Biết đâu lần sau tới đây không thấy Tuyết nữa. Ðã ngoài tầm.
“Tình trạng em bây giờ ra sao?” tôi hỏi.
“Em sẽ bị trả về Ðức.”
“Cái đó anh biết rồi.”
“Nhưng Ðức chưa xác nhận.”
“Nếu Ðức không xác nhận thì sao, có bị trả về Việt Nam không?”

Tôi hy vọng Tuyết được ở lại Na-uy. Ðêm qua, trong lúc tuyết đổ trắng xóa trời đất, tôi nghĩ tôi có thể xin cưới Tuyết và bảo lãnh cho nó vào Thụy-điển. Cùng lắm là tôi ước hẹn với Tuyết, để nó về Việt Nam, rồi tôi làm thủ tục kết hôn và đoàn tụ sau. Chúng tôi sẽ lập lại cuộc đời, sẽ sống lương thiện bên nhau. Tại sao tôi lấy Tuyết mà không về Việt Nam lấy vợ như thằng Tư, thằng Hỉ, cho giản tiện? Ðó là vì tôi muốn được sống thật. Tôi muốn lập lại cuộc đời với một người cũng có quá khứ đen tối như tôi, biết tôi bê bối chừng nào, từng nhìn tôi ăn cắp vặt, thấy tôi nằm dưới đáy xã hội. Tôi không cần nói dối có bằng kỹ sư, phó tiến sĩ. Không cần đóng kịch mục sư.

“Họ không trả em về Việt Nam được đâu,” Tuyết nói. “Em không được ở Ðức thì cũng được ở Na-uy.” Nó đặt tay lên bụng: “Tùy theo cái thai này của ai...”

Câu trả lời của Tuyết làm cho tôi lạnh người từ đầu tới chân. Thế là người rơm cũng ngoài tầm tôi.

Bên ngoài nhà tù, nắng phản chiếu trên tuyết sáng lòa, lạnh ngắt. Tôi bơ vơ nheo mắt nhìn quanh. Ngọn tháp nhà thờ gần đó nhắc tôi nhớ tới một nơi nào, rất xa. Tôi cứ đứng yên lục lọi ký ức. Bỗng nhớ ra ngôi trường trung học ở Uppsala, nơi tôi học hành chẳng ra gì, một ngày mùa đông đầy nắng, cô Anita nói với tôi trong giờ chơi “Con ơi! Hôm nay là Tết Việt Nam, cô chúc mừng Con.” Cô không đọc được tên Cổn của tôi, nhưng tôi thích nghe cái chữ không bỏ dấu của cô trong một buổi sáng nắng thấp. Cô là người đã khóc khi tôi báo tin bỏ học.

Tôi quyết định trở về Uppsala gặp cô Anita. Rồi tính sau.
.
.
.

No comments:

Post a Comment