Thursday, January 27, 2011

MỘT BÀI CHÍNH LUẬN NGỤY BIỆN, NÓI LẤY ĐƯỢC (Bùi Tín)

Bùi Tín viết riêng cho VOA  
Thứ Năm, 27 tháng 1 2011

Tin liên h


Tôi rất mừng khi đọc trên báo Quân đội Nhân dân trong nước số ra ngày chủ nhật 23-1-2011 trong mục “Chính luận” bài của tác giả Xuân Bằng với đầu đề là: “Cái nhìn siêu thực về một hiện tượng sống động”, nhằm tranh luận với bài viết của tôi trên VOA về Đại hội XI của đảng Cộng sản Việt Nam: Nội dung siêu thực, nhân sự lên gân, đe dọa”.

Tôi vui vì bài báo của tôi đã được chú ý, được phản hồi từ trong nước, và có thể mở ra một cuộc tranh luận công khai bổ ích và lý thú về kết quả của Đại hội XI vừa kết thúc. Bài này là để đáp lễ ông Xuân Bằng.

Tôi cho rằng nội dung của 3 ngày thảo luận các văn kiện dự thảo nhìn chung là xa rời cuộc sống, tránh né những vấn đề lý luận và thực tiễn nóng bỏng nhất, và tôi vẫn cho đó là một nhận định chính xác, phản ánh đúng sự thật.

Tại sao không mở ra cuộc tranh luận sôi nổi lý thú vể vấn đề liệu chủ nghĩa Marx – Lenin còn cần thiết, còn có giá trị hay không? về chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít còn cần thiết hay không? về chế đô độc đảng có ưu việt hơn chế độ đa đảng hay không? và có nên coi sở hữu quốc doanh là then chốt và chủ đạo trong nền kinh tế hay không?
Đó là những vấn đề nóng bỏng, thiết thực, có nhiều ý kiến khác nhau, trái ngược nhau, sao không nêu lên để thảo luận?

Nhà báo Xuân Bằng có thấy trong cả 27 bản tham luận ở hội trường, đã có đại biểu nào nêu lên vấn đề có nên khai thác bauxite trên vùng Tây Nguyên, có nên làm đường xe lửa cao tốc lúc này, giải quyết quyền sở hữu ruộng đất của nông dân ra sao, hay vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ, hải đảo quốc gia trong cuộc khủng hoảng ở vùng biển Đông ra sao hay không?

Tránh né một loạt vấn đề thực tiễn quan trọng cực lớn như vậy thì không phải là quay lưng lại với cuộc sống thật, không phải là siêu thực hay sao?

Tác giả Xuân Bằng chỉ lấy một dẫn chứng là đại hội có sửa vài chữ trong nhận định về quan hệ sở hữu, thay “chế độ công hữu tư liệu sản xuất” bằng “quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp”, thì thực tế chỉ là lấy một sự thay đổi còn rất mơ hồ, không rõ ràng dứt khoát, nhằm chứng minh rằng đã có thảo luận dân chủ (!) và sinh động (!). Lẽ ra đại hội cần xác định rõ thực tế các tập đoàn kinh tế quốc doanh đã hư hỏng do được đảng và nhà nước nuông chiều quá đáng tai hại ra sao, và nền kinh tế vừa và nhỏ của tư nhân đã bị kìm hãm nặng nề ra sao, nguyên tắc cạnh tranh công bằng giữa các hình thức sở hữu quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân đã bị vi phạm nghiêm trọng ra sao, nhưng không ai đề cập đến. Vẫn là xa rời cuộc sống thật, xa rời các vấn đề thiết yếu nhất, không siêu thực thì là gì?

Tất nhiên các đại biểu đều có nói đến những vấn đề mà xã hội quan tâm, nhưng rất chung chung, hời hợt, nhạt nhòa, nhìn chung toàn cảnh, trên đại thể là siêu thực.

Chỉ cần quan sát thái độ thờ ơ, có thể nói là chán nản, thất vọng của quần chúng lao động, nông dân, trí thức, tuổi trẻ đối với kết quả Đại hội XI là rõ.

Tất nhiên không thể kể đến những luận điệu tuyên truyền, tô vẽ khiên cưỡng, kiểu nói lấy được như bài báo trên đây của ông Xuân Bằng nào đó xưa nay ít ai biết.

Về nhân sự, ông Xuân Bằng càng đuối lý, chỉ viện được ra là kỳ này bầu cử đều có số dư khác các đại hội trước. Đây lại là lấy một vài chi tiết để che giấu cái toàn thể, cái bản chất. Có những vấn đề hệ trọng hơn nhiều. Xin hỏi ông có tin 200 vị được bầu là thuộc những phần tử ưu tú vào loại nhất, những người có tâm và có tầm cao, vào loại nhân tài của đất nước và của đảng CS hay không? Ông có tin là ông Nông Quốc Tuấn từ nơi khác “nhảy dù” xuống đảng bộ Bắc Giang chỉ 5 tháng trước đại hội của tỉnh là tinh hoa của đảng bộ Bắc Giang và được toàn đảng bộ này tín nhiệm thật hay không? Ông có tin là trong 200 vị trúng cử, không có ai là “làm giàu nhanh”, “có tài sản nghi là bất minh”, “lý lịch có điểm chưa rõ ràng”, như tiêu chuẩn đã đề ra hay không? Vậy theo ông lý lịch ông Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã minh bạch rõ ràng ngay trong toàn đảng hay chưa?

Trong Bộ Chính trị có bổ sung 5 vị mới, sao không có ai là nhà kinh tế, nhà tài chính, nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa kiệt xuất, làm tăng thêm chất lượng lãnh đạo? Sao lại là 3 viên chức bàn giấy: ông Ngô Dụ, Chánh văn phòng Trung ương đảng; ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng chính phủ; bà Tòng Thị Phóng,Trưởng ban Dân vận của đảng; thêm ông Đinh Thế Huynh, hội trưởng Hội nhà báo nhưng không thể viết báo, chỉ làm cái việc cai quản chặt chẽ gần 10.000 nhà báo theo ý muốn của đảng. Và kỳ lạ nhất là thêm một ông Trung tướng Công an Trần Đại. Thêm một nhân vật chuyên chính trong Bộ Chính trị, bên cạnh Đại tướng Công an Lê Hồng Anh, để làm gì vậy? Thế không phải là “lên gân, đe dọa”, như tôi nhận định hay sao, thưa ông?

Trong Trung ương vừa bầu, có 1 đại tướng bộ trưởng và 7 thứ trưởng công an, chưa kể 1 tướng công an làm Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Bộ Quốc phòng củng không có nhiều thứ trưởng là ủy viên Trung ương như thế. Các Bộ Kinh tế Công thương, Lao động, Tài nguyên-Môi trường, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học Công nghệ lại càng hiếm, vắng.

Giữa thời kỳ xây dựng hoà bình, thế không phải là lên gân, là đe dọa cả xã hội đang khao khát tự do, dân chủ và nhân quyền, đang thật lòng mong muốn sớm hội nhập với xã hội dân chủ văn minh hay không? Thế mà không siêu thực sao?

------------------------------

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments:

Post a Comment