Saturday, January 1, 2011

HỒ CHÍ MINH SINH BÌNH KHẢO - THIÊN IV [2] (Hồ Tuấn Hùng, Đài Loan)

Hồ Tuấn Hùng

Thái Văn chuyển ngữ
Đăng ngày 25/12/2010 lúc 02:22:41 EST

Hồ Chí Minh sinh bình khảo
(Khảo cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh)

Hồ Tuấn Hùng
Thái Văn chuyển ngữ

Thiên IV
Khúc ca buồn về chuyện hôn nhân tình ái
(Hôn nhân luyến tình đích bi ca)


1 2

Tăng Tuyết Minh, người vợ đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc

Câu chuyện hôn nhân, ái tình của Nguyễn Ái Quốc và Tăng Tuyết Minh

Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc (NAQ) đến Quảng Châu đổi tên thành Lý Thụy. Vào một ngày cuối năm 1925, Tăng Tuyết Minh (TTM) đến trụ sở “Hội Phụ nữ Vận động Diễn tập” tìm gặp Thái Sướng, lúc xuống lầu, bất ngờ gặp Lý Thụy ở chỗ rẽ cầu thang. Khi ấy, hai người chẳng để ý gì đến lễ tiết mà cùng đối mặt nhìn nhau. Lý Thụy bị phong thái cao nhã, dáng vẻ rạng rỡ của cô bắt mất hồn, khi lên gác, không nén được bèn hỏi Thái Sướng: “Vị tiểu thư vừa rời khỏi đây tên là gì và có quan hệ thế nào với Hội Phụ nữ?”. Thấy Lý Thụy dường như đã có tình ý với TTM nên Thái Sướng đã có nhã ý giới thiệu nhân thân cô gái Quảng Châu với anh ta, đồng thời, cùng Đặng Dĩnh Siêu đứng ra làm mối cho cuộc nhân duyên này.

Cô Tăng Tuyết Minh thời trẻ

Tăng Tuyết Minh sinh tháng 10 năm 1905 tại Quảng Châu, nguyên quán trấn Tông Khẩu, huyện Mai, tỉnh Quảng Đông. Cha là Tăng Khai, nhà buôn, đã từng kinh doanh ở Đàn Hương Sơn (nước Mỹ), cả nhà theo đạo Cơ Đốc. Tăng Tuyết Minh là con gái út của gia đình. Từ năm 1912 đến năm 1917, Tăng Tuyết Minh học tư thục tại Quảng Châu qua các trường Trấn Quang tiểu học và Đệ thập tứ Quốc dân tiểu học. Mùa xuân năm 1923, TTM vào học trường Nữ Hộ Sinh, năm 1925 tốt nghiệp. Sau khi được Hiệu trưởng Hoàng Ngọc Anh giới thiệu, cô đến làm nữ y tá trợ sản Sở Y vụ La Tú Vân, Quảng Châu. Lúc ấy, TTM vừa tròn hai mươi tuổi. Đương thời, Quảng Châu được xem như trung tâm cách mạng. Hà Hương Ngưng, Đặng Dĩnh Siêu, Thái Sướng sáng lập tổ chức “Phụ nữ Vận động Diễn tập”. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng, TTM thường đến trụ sở Hội nghe diễn thuyết, tham gia hoạt động, kết bạn thân thiết với Đặng Dĩnh Siêu và Thái Sướng.

TTM có người anh thứ hai là Tăng Cẩm Tương là bạn cũ của Tôn Trung Sơn, tinh thông năm ngoại ngữ, văn bút tinh xảo, là giảng viên đại học. Tăng giáo thụ mời Lý Thụy đến nhà. Trong khi nói chuyện, thấy Lý Thụy khiêm nhường, tự tin, thiết thực, nhiệt tình, có viễn kiến, lịch duyệt và biết nhiều ngoại ngữ, ông đã thay mặt gia đình tác thành cho đôi lứa. Ngày 18 tháng 10 năm 1926, hôn lễ được cử hành long trọng tại nhà hàng Thái Bình Dương trước sự chứng kiến của đông đảo quan khách do Đặng Dĩnh Siêu, Thái Sướng chứng kiến và chủ trì. Cố vấn Nga Xô Mikhail Borodin, trợ thủ đắc lực của Trương Thái Lôi cũng đến chúc mừng.

Cuối năm 1926, Tăng Tuyết Minh mang thai. Lý Thụy khấp khởi mừng thầm vì sắp được hưởng niềm vui làm bố. Có điều, mẹ TTM là Lương Thị, sau khi biết việc này, sợ con gái sinh cháu bé sẽ theo chồng đi mất nên đã tìm mọi cách ép nàng phá thai. Tuy TTM có những mười anh chị em, nhưng trừ anh hai Tăng Cẩm Tương, còn lại đều sống xa gia đình. Cha mất sớm, mẹ tuổi già cô độc, vì chữ hiếu, nàng khó mà trái lời khuyên của mẹ nên đã gặp Lý Thụy nói sự thật rồi nuốt nước mắt bỏ đi cốt nhục của mình, để lại mối hận cho đến cuối đời. Từ khi kết hôn đến lúc hai người chia tay chưa đầy một năm.

Tình hình cách mạng Trung Quốc biến chuyển nhanh. Ngày 12 tháng 4 năm 1927, Tưởng giới Thạch gây ra sự kiện Trung Sơn Hạm triệt để phản bội cách mạng, điên cuồng truy sát các đảng viên cộng sản, tạo thành vụ khủng bố trắng tanh máu người làm chấn động dư luận quốc tế. Trước tình hình nghiêm trọng, Lý Thụy nhận chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản, theo đoàn cố vấn Nga Xô đi Vũ Hán, chuyển qua Thượng Hải, sau đó đến Vladivostok để sang Mạc Tư Khoa. Từ đó vợ chồng mỗi người một phương.

Năm 1929, Lý Thụy đến Hương Cảng đổi tên thành Tống Văn Sơ, tháng 2 năm 1930, theo chỉ thị của QTCS, thành lập ĐCSVN tại Cửu Long, Hương Cảng. Tháng 6 năm 1931, Tống Văn Sơ bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam tại nhà lao Victoria. Tống Văn Sơ tìm cách báo tin cho Tăng Tuyết Minh biết việc mình bị câu lưu. Được tin, các chị gái TTM nhiệt tình giúp đỡ bằng cách mời luật sự biện hộ để em rể thắng kiện trước tòa. TTM theo các chị đến nơi mới biết Tống Văn Sơ chính là Lý Thụy, chồng mình, vội đến nhà giam thăm nhưng không được gặp đành gạt nước mắt ra về.

Năm 1958, Viện Vệ sinh Y vụ Quảng Châu tiến hành chỉnh phong với phương châm “đại minh, đại phóng”. Trong đám đống sự có người tố cáo, trước đây TTM và HCM có quan hệ hôn nhân mờ ám làm kinh động cả giới lãnh đạo ngành y tế. Sau mấy lần tra vấn, truy hỏi, TTM chỉ nói, người có sự trùng tên, vật có sự đồng dạng, chuyện hôn nhân có tính chất quốc tế này là bịa đặt. Căn cứ vào sự phủ nhận của đương sự, hơn nữa, đây là sự việc trọng đại, lãnh đạo ngành y tế bèn làm văn bản gửi lên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc Thái Sướng. Thái Sướng liền gửi công văn cho Tỉnh ủy Quảng Đông nói rõ, Lý Thụy là một bí danh của HCM thời kỳ ở Quảng Châu, đồng thời cũng xác nhận Tăng Tuyết Minh và Hồ Chí Minh đã từng là vợ chồng. Tuy nhiên, chuyện này liên quan đến quan hệ hai nước, không được làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Trung – Việt, sự việc mới lắng xuống.

Liệu Hồ Chí Minh có biết Tăng Tuyết Minh vẫn còn sống hay không? Vì sao ông ta không thông qua Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhờ tìm người vợ đã mất tin nhiều năm? Tăng Tuyết Minh một thân cô quả, thủ tiết chờ chồng từ năm hai mươi mốt tuổi, làm nghề nữ hộ sinh, trải qua sóng gió Cách mạng Văn hóa rồi nghỉ hưu, một thân một mình cho đến năm 1991 thì qua đời ở tuổi 86.

Vợ tôi, đối với Tăng Tuyết Minh thuộc hàng cháu, thường gọi bằng “cô Mười”. Từ khi sinh ra đến lúc qua đời bà đều sống ở Quảng Châu, là tín đồ trung thành của đạo Cơ Đốc, ngày đêm cầu khấn cho Lý Thụy bằng an. Năm 1988, khi tôi cùng vợ về Quảng Châu viếng thăm bà cô Mười, trong ký ức bà vẫn nhớ đến Hồ Chí Minh lúc chia tay từ mấy chục năm trước. Bà kể tường tận cho chúng tôi nghe về thời kỳ quen biết Hồ Chí Minh, nảy sinh tình cảm nam nữ rồi quá trình tổ chức hôn lễ rất xúc động. Tôi gửi lại bà tấm ảnh quý và bức thư ngày trước viết cho HCM mà bà gửi tôi giữ hộ. Lúc ấy trong tay vợ tôi còn có chiếc nhẫn hồng ngọc mà Lý Thụy đã tặng lúc đính hôn cùng với tấm rèm cửa được cố vấn Mikhail Borodin chúc mừng hôn lễ. Những vật kỷ niệm này được gia đình tôi coi như bảo vật truyền gia của người bà để lại. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh 111 năm của Hồ Chí Minh và 96 năm của Tăng Tuyết Minh, tôi, với tư cách là thành viên Sở Nghiên cứu Văn sử thành phố Vũ Hán, Ủy viên Chính hiệp Thành phố, là nhà thư pháp, hiểu rất rõ trách nghiệm và nghĩa vụ của mình khi soạn cuốn sách này. Bởi vì cuốn sách chính là tấm lòng kính yêu của một kẻ hậu sinh tưởng nhớ đến người cô TTM, cho dù tình cảm bị tổn thương vẫn một lòng chung thủy chờ chồng, suốt đời cam chịu sống độc thân, và lãnh tụ HCM, chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, suốt đời sống độc thân, không mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Dù thời gian qua đi nhưng tình cảm của hai người vẫn không thay đổi, một lòng một dạ trung trinh, đời đời ghi vào lịch sử.
Hồ sơ về hôn nhân, tình ái giữa Nguyễn Ái Quốc và Tăng Tuyết Minh
Viết về hôn nhân và tình ái của HCM, có thể điểm đến các tác phẩm “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, dài khoảng 4200 chữ, do Từ Song Minh (cháu của người chị gái bà Tăng Tuyết Minh viết), Khổng Khả Lập phê bình, chú giải tại Nguyệt san “Vũ Hán Văn sử Tư liệu”, năm 2001, kỳ 1; William J. Duiker, với “Truyện Hồ Chí Minh” gồm hai phần, cả hai phần này đều lấy tư liệu từ “Trung tâm Quân viễn chinh Bảo hộ” thuộc “Hồ sơ Pháp quốc Hải ngoại”, hòm số 367, tiêu đề “Hồ sơ Nguyễn Ái Quốc, 1926 – 1927).

Phần thứ nhất, chương 4 – “Long đích truyền nhân” (Người nối dòng rồng), trang 143, nội dung như sau: “Mùa xuân, năm 1927, NAQ dừng lại ở Quảng Châu già nửa năm. Ông ta đã trở thành nhân vật trọng yếu được các thành viên trong đảng đoàn kính nể, đồng thời cũng kiến lập được mối quan hệ rất tốt với nhà cách mạng Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi và các lãnh tụ Quốc Dân Đảng cánh tả (là đảng viên ĐCSTQ) Liêu Trọng Khải v.v. Đến lúc ấy, chẳng những NAQ đã ổn định cuộc sống tại Trung Quốc mà còn muốn tìm một người vợ để học Trung văn, đồng thời lo liệu mọi sinh hoạt gia đình. Không lâu sau, một người đồng sự là Lam Đức Thư (Lâm Đức Thụ?!) giới thiệu với NAQ một thiếu nữ là Tăng Tuyết Minh để hai người làm quen. Tuy cô gái là con một gia đình có giáo dục nhưng một số đồng nghiệp vẫn không tán thành. NAQ bất chấp mọi phản đối, quyết định cầu hôn. Sau hôn lễ, hai người chuyển đến ở một phòng trên tầng 2 biệt thự của Mikhail Borodin. Việc này đã được báo cáo với Mạc Tư Khoa”.

Thư gửi Tăng Tuyết Minh bị Mật thám Đông Dương chặn được ngày 14.8.1928, hiện tàng trữ tại C.A.O.M.
(Aix en Provence). Xuất xứ Daniel Hémery, HO CHI MINH De L’Indochine au

Một phần khác, ghi chép tại chương 6 – “Xích sắc Nghệ Tĩnh” (Màu đỏ Nghệ Tĩnh), trang 188-189 viết: “Tình yêu giữa NTMK và NAQ không phải mọi người đều biết, thậm chí cũng chẳng biết có hay không hôn lễ cử hành chính thức”. Từ tháng 4 năm 1927, tuy NAQ đã rời TQ, vẫn còn chưa mất hết dấu tích, chứng cứ là, vào năm 1930, TTM ngẫu nhiên gặp lại chồng ở Hương Cảng nhưng cuối cùng quan hệ giưa hai người vẫn không nối lại. Theo một đồng chí của NAQ là Lam Đức Thư (Lâm Đức Thụ?!) nói với một người quen ở Cục Bảo An: “TTM chê NAQ nhiều tuổi, không hợp với mình, đồng ý kết hôn chỉ vì lý do kinh tế”. Khoảng gần một năm sau, khi NAQ rời Quảng Châu có gửi cho TTM một bức thư: “Hai ta phân ly gần một năm, cho dù không nói được lời nào nhưng anh vẫn thấy tình cảm chẳng khác gì ngày trước. Anh viết gửi em mấy dòng này làm vật chứng, xin em chắp tay trước nhạc mẫu chuyển lời của anh chúc phúc đến bà”. Khi quan hệ hôn nhân của NAQ và TTM chấm dứt, vào năm 1931, ông bắt đầu có quan hệ luyến ái với với một nữ đồng chí trẻ tuổi người đồng hương là NTMK, đồng thời đề nghị Cục Viễn Đông tổ chức đám cưới cho hai người. Giáo sư Hoàng Tranh, viện trưởng Viện Khoa học lịch sử Quảng Tây, đã dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu về mối quan hệ Trung Việt và HCM. Sau nhiều năm điều tra, khảo chứng, ông đã viết trên tờ “Đông Nam Á tung hoành” (Dọc ngang Đông Nam Á), kỳ 12, tháng 11, năm 2001, kết luận Hồ Chí Minh đích xác có một người vợ Trung Quốc là Tăng Tuyết Minh.
Trung Cộng ẩn giấu chuyện hôn nhân Tăng Tuyết Minh
NAQ và TTM, năm 1925 bắt đầu có quan hệ luyến ái, năm 1926 kết hôn, vậy vì sao, người cháu con bà chị là Từ Song Minh đến năm 2000 mới công bố bài viết “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh” kể về chuyện hôn nhân của bà Cô Mười? Qua sử liệu và quá trình nghiên cứu, đối chiếu, ta có thể thấy bên trong sự kiện này có nhiều vấn đề phức tạp. Sự thật cuộc hôn nhân này dường như đã bị ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam bưng bít, xem như một loại tài liệu cơ mật không thể công bố. Năm 2000, William J. Duiker xuất bản cuốn “Truyện Hồ Chí Minh”, tập 1, tác giả có đề cập đến chi tiết, một đồng chí của NAQ là Lam Đức Thư (Lâm Đức Thụ?!) tố cáo với Cục Bảo An Pháp như sau: “TTM chê NAQ nhiều tuổi, không phù hợp với mình, chấp nhận kết hôn chẳng qua là do nhu cầu kinh tế”. Đoạn này rất không phù hợp với sự thực lịch sử, bởi nó đã vu khống tình yêu chân chính (sinh tử luyến) và tấm lòng trung trinh của TTM với NAQ, bôi nhọ nhân cách và danh dự của bà làm cho Từ Song Minh vô cùng phẫn nộ đối với W.J. Duiker. Vì thế, năm 2001, ông mới viết bài “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh” do Khổng Khả Lập phê bình, đăng tại Nguyệt san “Vũ Hán Văn sử Tư liệu”. Bài báo cực lực phản bác Lam Đức Thư vu khống, đồng thời khẳng định tình cảm của bà cô TTM đối với NAQ trước sau như một không hề thay đổi. Qua bài viết, Từ Song Minh cũng đã làm sáng tỏ giai đoạn bị ẩn giấu sau 75 năm quan hệ hôn nhân của Nguyễn Ái Quốc và Tăng Tuyết Minh, từ đó cũng chứng minh được Trung Cộng và Việt cộng luôn tìm cách che giấu sự thật lịch sử này.

Nguyệt san Vũ Hán Văn Sử Tư Liệu

Trong “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc” có đoạn viết: “Ngày 19 tháng 5 năm 1950, Tăng Tuyết Minh đọc tờ “Văn Hối Báo” thấy in ảnh chân dung Hồ Chí Minh cùng điện văn chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Trung ương ĐCSTQ và Chủ tịch Mao Trạch Đông (MTĐ) kèm theo bài viết về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp văn chương của ông. Đến lúc ấy bà mới biết, hình bóng người chồng thân thương lúc nào cũng thấp thoáng hiện về trong giấc ngủ hàng đêm chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên mọi cố gắng của Tăng Tuyết Minh liên hệ với Hồ Chí Minh đều không có kết quả. Trong “Thê thiếp, nhân tình của Hồ Chí Minh”, “Lĩnh Nam di dân” viết: “Tháng 5 năm 1950, Tăng Tuyết Minh đọc “Nhân Dân Nhật Báo” mới biết người chồng xa cách hơn hai mươi năm là Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước VNDCCH. Bà đã mấy lần gửi thư đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cho Hoàng Văn Hoan nhưng không bao giờ nhận được hồi âm. Sau năm 1954, TTM lại đề nghị với nhà nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa sang Hà Nội gặp HCM nhưng cuối cũng vẫn bị lãnh đạo Trung Cộng cự tuyệt.

Theo tinh thần của bài viết, rõ ràng cho thấy, NAQ của năm 1926 và HCM của năm 1950 là không cùng một người. Trung Cộng và Việt Cộng vì muốn che giấu thân phận thật của HCM nên không dám dể TTM gặp mặt ông ta. Người chủ trì hôn lễ lúc ấy là Thái Sướng và Đặng Dĩnh Siêu biết rõ HCM năm 1950 không phải là NAQ (Lý Thụy) năm 1926, chỉ biết giả câm giả điếc, biết rõ TTM đau khổ mà không làm gì được.

Hôn nhân Tăng Tuyết Minh, thật giả - một vụ án kép

Trong “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh” có đoạn: “Năm 1958, Viện Vệ sinh Y vụ Quảng Châu tiến hành chỉnh phong với phương châm “đại minh, đại phóng”. Trong đám đồng sự có người tố cáo trước đây TTM và HCM có quan hệ hôn nhân mờ ám làm kinh động cả giới lãnh đạo ngành y tế. Sau mấy lần tra vấn, truy hỏi, TTM chỉ nói: “người có sự trùng tên, vật có sự đồng dạng”, chuyện hôn nhân có tính chất quốc tế này là bịa đặt. Căn cứ vào sự phủ nhận của đương sự, hơn nữa, đây là sự việc trọng đại, lãnh đạo ngành y tế bèn làm văn bản gửi lên chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TQ Thái Sướng. Thái Sướng liền gửi công văn cho Tỉnh ủy Quảng Đông nói rõ, Lý Thụy là một bí danh của HCM thời kỳ ở Quảng Châu, đồng thời cũng xác nhận TTM và HCM đã từng là vợ chồng. Tuy nhiên, chuyện này nếu xử lý không thận trọng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị hai nước, nội vụ mới được dẹp yên.
Liệu HCM có biết TTM vẫn còn sống hay không? Vì sao ông ta không thông qua Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhờ tìm người vợ đã mất tin nhiều năm?
Trong “Mối tình nồng thắm giữa Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan” có đoạn viết: “Năm 1958, bên bờ sông, tại Hà Nội, hai ông già thong thả buông cần câu cá, đó chính là Hồ Chí Minh và Đào Chú. Hồ Chí Minh thần sắc khác thường trịnh trọng nói với Đào Chú: “Trung Quốc có câu ‘Lúc trẻ là vợ chồng, về già là bạn’. Tôi và Lâm Y Lan quen biết nhau đã hơn 20 năm, vì sự nghiệp cách mạng đành gác lại tuổi thanh xuân, giờ muốn đón Y Lan sang Hà Nội, bí mật cử hành hôn lễ để thỏa nguyện mong ước bấy lâu”. Sau khi về nước, Đào Chú báo cáo với Chủ tịch Mao Trạch Đông đề đạt nguyện vọng của Hồ Chí Minh. Khi ấy Thủ tướng Chu Ân Lai và các vị lãnh đạo cao cấp cũng có mặt, vô cùng kinh ngạc. Về phía mình, Bắc Việt vội triệu tập cuộc họp Bộ Chính Trị để biểu quyết về sự kiện đặc biệt này.

Hai bài báo trên đều xuất hiện vào năm 1958. “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh” xuất hiện vào thời kỳ Trung Cộng “đại minh, đại phóng”, sự kiện hôn nhân của TTM và NAQ bị hiểu sai. Thân phận nhân vật nam chính NAQ bị biến thành HCM theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hay “hồn Trương Ba da hàng thịt” tạo nên sóng gió của một vụ án kép (song bào án). Bài “Mối tình nồng thắm của Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan” kể về việc HCM nhờ ĐCSTQ nối lại mối quan hệ hôn nhân với người phụ nữ Quảng Đông Lâm Y Lan. Hai sự kiện hôn nhân và tình ái trên đã thể hiện rất rõ sự khác nhau của mỗi trường hợp. Hoàn cảnh xuất hiện con người và tình yêu cũng không giống nhau. Tình yêu của Nguyễn Ái Quốc với Tăng Tuyết Minh có Đặng Dĩnh Siêu, Thái Sướng, Mikhail Borodin, Trung Cộng và QTCS chứng kiến. Tình yêu giữa Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan có Mao Trạch Đông, Đào Chú của Trung Cộng, Tổng Bí thư Lê Duẩn và các Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam biết rõ.

Có thể khẳng định, bất cứ ai, nếu không biết rõ, sẽ không dám tự tiện đưa sự kiện này lên báo chí, càng không thể có gan bịa đặt, hư cấu. Cho nên, hai bài báo về hai sự kiện hôn nhân mâu thuẫn nhau như đã trình bày phải được khẳng định là có cơ sở thực tế.

“Tăng Tuyết Minh lúc tuổi già” Trên tường treo ảnh chân dung Hồ Chí Minh

Bài “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, phần cuối có kèm thêm hai tấm ảnh chân dung, một trong hai tấm có dòng chữ “Tăng Tuyết Minh lúc tuổi già”. Trên tường treo ảnh chân dung Hồ Chí Minh chụp năm 1960, nhưng nếu so với tấm ảnh Lý Thụy, tức NAQ treo trước tủ gương thì hai khuôn mặt rất không giống nhau. Tấm ảnh NAQ chụp năm 1930 có đeo cravate. Tác phẩm “Truyện Hồ Chí Minh”, của giáo sư William J. Duiker, trong một trang ảnh kèm theo có hai tấm chân dung NAQ và tấm chân dung TTM để trong hộp gương gần như giống nhau hoàn toàn. W.J. Duiker nói rõ về tấm ảnh bên cạnh: “HCM và bạn bè thanh minh, suốt đời ông chưa bao giờ thắt cravate”, nhưng căn cứ vào tấm ảnh chân dung, có thể chứng minh, HCM bảo mình chưa bao giờ thắt cravate là chuyện hoang đường. Từ chi tiết trên, bất giác tôi nhận ra được cái lý trái ngược của sự hoang ngôn ấy. Bởi vì, từ đầu chí cuối William J. Duiker luôn cho rằng NAQ và HCM chỉ là một người nên mới có chuyện nghi ngờ HCM suốt đời chưa từng thắt cravate. Khẳng định NAQ và HCM không phải là hai người, William J. Duker giải thích thế nào về lời thanh minh của ông ta?

Kiểm tra tỷ mỉ các tấm ảnh chân dung từ sau năm 1933 kèm theo hồ sơ, bất kể là HCM chủ trì các hội nghị lớn nhỏ, phát biểu trước đồng bào toàn quốc, cũng như các chuyến xuất ngoại sang Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ hay nước Pháp… đều chưa thấy ông đeo cravate. Nói chung, trang phục thường xuyên của Hồ Chí Minh chỉ là loại quần áo đồng màu như Lenine hoặc Tôn Trung Sơn. Cách ăn mặc này có phần chất phác, không mấy coi trọng hình thức, thậm chí còn có vẻ quê mùa. Đây là kiểu sinh hoạt rất đặc biệt của Hồ Chí Minh.

Ngược lại, cách ăn mặc của Nguyễn Ái Quốc lại tỏ ra rất hợp thời trang. Ví dụ, năm 1907, lúc NAQ 17 tuổi, rời nhà vào Huế học hệ sơ học Trường Quốc học, bị bạn bè trêu chọc, chế giễu đã chủ động cắt tóc ngắn, trang phục như trào lưu thời thượng. Tại nước Pháp, Liên Xô hay Trung Quốc, cho dù gặp lúc kinh tế quẫn bách, nhưng tại các cuộc họp, NAQ vẫn tạo mọi điều kiện để mặc Âu phục, thắt cravate. Những tấm ảnh còn lại được lưu trong hồ sơ của ông đã chứng thực nhận xét trên. Trong “Thê thiếp và nhân tình của Hồ Chí Minh”, “Lĩnh Nam di dân” từng viết: “Con gái Vera Vasilieva từng nói với Sophie Quinn Judge ‘Nguyễn Ái Quốc ăn mặc cực kỳ chỉnh tề và đúng mốt thời trang’. Ông ta thường phối hợp màu sắc một cách hài hòa khiến mọi người đều phải chú ý vào chiếc cravate. Hơn nữa, trên người Nguyễn lúc nào cũng phảng phất mùi nước hoa càng tăng thêm vẻ lịch lãm”. Phía sau tấm ảnh chân dung dường như còn ẩn giấu nỗi đau buồn của câu chuyện tình thời trai trẻ.
(Còn tiếp)

Hồ Tuấn Hùng
Thái Văn chuyển ngữ
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments:

Post a Comment