Sunday, January 2, 2011

DIỄN VĂN TRAO GIẢI NOBEL HÒA BÌNH 2010

Chuyển ngữ: Anh Anh
2.01.2011

Cái ghế trống của Lưu Hiểu Ba trong buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình. Đây là lần đầu tiên, trong 75 năm lịch sử Giải Nobel Hòa Bình, ghế người nhận lại một lần bị để trống

LTS: Trong tinh thần ủng hộ tự do ngôn luận, cùng những nỗ lực nhân quyền của Lưu Hiểu Ba, Da Màu xin đăng toàn bộ bản dịch bài diễn văn trao giải Nobel Hòa Bình năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban Nobel Na-Uy Thorbjorn Jagland, do dịch giả Anh Anh chuyển ngữ. Bản dịch đã được đối chiếu với bản Anh ngữ và nhuận sắc bởi BBT Da Màu. Da Màu hân hạnh chào đón mọi ý kiến của quý độc giả về dịch thuật. 
(Diễn văn do Chủ tịch Ủy ban Nobel Na-Uy Thorbjorn Jagland đọc trước cử tọa ở Oslo ngày 10 tháng 12 năm 2010)
-----------------

Thưa các quốc vương, các quý ngài, quý bà, quý ông,

Ủy ban Nobel Na-Uy quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba vì sự đấu tranh bất bạo động và lâu dài cho những quyền cơ bản của con người tại Trung Quốc. Ủy ban Nobel Na-Uy tin tưởng mạnh mẽ có một mối liên hệ mật thiết giữa nhân quyền và hòa bình. Nhân quyền là điều kiện tiên quyết cho “tình huynh đệ giữa các quốc gia,” điều mà Alfred Nobel đã viết trong chúc thư của ông.
Đoạn văn trên là phần mở đầu thông báo quyết định trao giải Hòa Bình vào ngày 8 tháng 10 năm nay của Ủy ban Nobel Na-Uy.

Chúng tôi rất tiếc người được trao giải đã không có mặt hôm nay. Ông đang bị biệt giam tại miền Đông Bắc Trung Quốc. Chẳng những thế vợ ông – bà Lưu Hà, hoặc cả những họ hàng thân cận nhất của ông cũng không thể có mặt tại đây với chúng ta. Cho nên sẽ không có huy chương hoặc bằng công nhận được trao tặng vào lúc này, tại đây.
Sự thật này tự nó chứng tỏ rằng giải thưởng là cần thiết và xứng đáng. Chúng ta chúc mừng ông Lưu Hiểu Ba với giải thưởng Hòa Bình năm nay.

Đã có một số trường hợp trước đây khi người được trao giải bị ngăn cản tham dự lễ. Trong thực tế, những trường hợp như vậy với một số giải thưởng đã chứng tỏ nó có ý nghĩa và sự trân trọng nhất trong ánh sáng lịch sử. Thậm chí khi người được trao giải đến đây, họ cũng phải trải qua bao lần bị các nhà chức trách tại chính quốc gia của họ kết tội.
Năm 1935 có một rắc rối lớn khi Ủy ban trao giải thưởng cho Carl von Ossietzky [nhà tranh đấu hòa bình đã công khai xuất bản chuyện Hitler vi phạm Hiệp Ước Versailles bằng chuyện tái dựng lực lượng không quân Đức Quốc—tiền thể của Luftwaffe--và huấn luyện phi công ở Liên Xô]. Hitler đã tức giận và cấm tất cả công dân Đức được nhận bất kỳ Giải Nobel nào. Nhà vua Haakon đã không tham dự lễ trao giải. Ossietzky cũng đã không đến Oslo, và đã mất khoảng hơn một năm sau đó.
Có một sự giận dữ đáng kể tại Moscow khi Andrej Sakharov nhận giải thưởng năm 1975. Cũng như [trường hợp Ossietzky], ông đã bị ngăn cản đích thân đi nhận giải thưởng. Ông đã cử vợ đi nhận thay. Điều tương tự cũng xảy ra đối với Lech Walesa vào năm 1983. Chính quyền Miến Điện cũng tức giận khi bà Aung San Suu Kyi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1991. Một lần nữa, người được trao giải không thế đến Oslo [mà phải cử chồng và hai con đến nhận giải].

Năm 2003, Shirin Ebadi nhận giải Nobel Hòa Bình. Bà đã đến. Có nhiều điều có thể diễn tả phản ứng của các nhà chức trách Iran lúc đó, nhưng Đại sứ quán Iran thực sự vẫn đến tham dự lễ trao giải.
Ủy ban Nobel Na-Uy đã trao bốn giải cho Nam Phi. Tất cả những người được trao giải đó đều đến Oslo, nhưng các giải thưởng cho Albert Lutuli năm 1960 và cho Desmond Tutu năm 1984 đã gây ra một cơn phẫn nộ trong chính quyền kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi, trước khi có sự tán dương bùng phát qua các giải thưởng dành cho Nelson Mandela và F.W. de Klerk vào năm 1993.

Điều chính yếu của các giải thưởng này dĩ nhiên chẳng bao giờ có ý xúc phạm đến bất cứ ai. Mục đích của Ủy ban Nobel là gây sự chú ý đến mối tương quan giữa nhân quyền, dân chủ và hòa bình. Và điều đó rất quan trọng để nhắc nhở thế giới rằng các quyền đang được tận hưởng một cách rộng rãi ngày hôm nay đã được đấu tranh và chiến thắng bởi những người chịu những hiểm nguy to lớn.
Họ đã làm như thế vì người khác. Đó là lý do ông Lưu Hiểu Ba xứng đáng nhận được sự ủng hộ của chúng ta.

Mặc dù không có thành viên nào trong Ủy ban từng gặp ông Lưu, chúng tôi cảm nhận rằng chúng tôi biết ông ấy. Chúng tôi đã sát cánh tìm hiểu ông qua một thời gian dài.

Ông Lưu sinh ngày 28-12-1955 tại Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm Trung Quốc. Ông có bằng cử nhân văn học tại trường đại học Cát Lâm, một bằng thạc sĩ và một bằng tiến sĩ tại đại học Sư phạm Bắc Kinh nơi ông cũng đã giảng dạy tại đấy. Ông có những thời kỳ sống ở nước ngoài, gồm cả những thời gian sinh sống ở Oslo, Hawaii, đại học Columbia, New York.
Năm 1989, ông trở về quê hương tham gia vào hoạt động dân chủ ở buổi sơ khai. Vào ngày 2-6, ông và một số bạn bè bắt đầu đình công tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn biểu tình chống lại tình trạng khẩn cấp vừa được ban bố. Họ đã đưa ra tuyên ngôn dân chủ sáu điểm, do ông Lưu viết, phản đối chế độ độc tài và ủng hộ dân chủ. Ông Lưu phản đối bất kỳ các cuộc đấu tranh bằng thể lực chống lại chính quyền từ phía sinh viên đối lập. Ông cố gắng tìm giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa sinh viên và chính phủ. Tinh thần bất bạo động đã được thể hiện rõ ràng trong thông điệp của ông. Ngày 4-6, ông và bạn bè đã cố ngăn cản cuộc xung đột giữa quân đội và sinh viên. Ông chỉ thành công một phần. Rất nhiều sinh mạng đã mất đi, phần lớn nằm ở ngoài quảng trường Thiên An Môn.
Ông Lưu đã nói với vợ ông là ông mong muốn Giải Hòa Bình năm nay được dành cho những linh hồn đã mất vào ngày 4-6. Vinh dự của chúng tôi là cơ hội được hoàn thành ước muốn của ông.
Ông Lưu đã nói rằng “Sự vĩ đại của tinh thần phản kháng bất bạo động là ngay cả khi con người phải đối diện với bạo quyền và hậu quả của nó là sự đau khổ, nạn nhân vẫn đáp lại hận thù bằng yêu thương,  thành kiến với lòng khoan dung, ngạo mạn với đức khiêm tốn, tủi nhục với phẩm giá, và bạo lực với trí tuệ.”
Thiên An Môn đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời ông Lưu.

Năm 1996, ông Lưu đã bị kết án ba năm cải tạo lao động vì tội “phát tán tin đồn và xuyên tạc”. Ông là chủ tịch trung tâm Văn bút Trung Quốc độc lập từ năm 2003 đến 2007. Ông Lưu đã viết gần 800 bài bình luận, trong số đó có 499 bài được viết từ năm 2005. Ông là một trong các kiến trúc sư cốt yếu của Hiến chương 08, mà theo Lời Mở Đầu của bản hiến chương, đã được công bố vào ngày 10-12-2008, nhân dịp “kỷ niệm lần thứ 100 Hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc, kỷ niệm lần thứ 60 việc ban hành bản Tuyên Ngôn Hoàn Vũ Nhân Quyền, kỷ niệm lần thứ 30 ngày khai sinh Bức tường Dân chủ, kỷ niệm lần thứ 10 ngày chính phủ Trung Quốc đặt bút ký vào Công ước Quốc tế Quyền Dân sự và Chính trị.” Hiến chương 08 bảo vệ các quyền cơ bản của con người và cho đến nay đã được hàng ngàn người ở Trung Quốc và nước ngoài ký tên.
Vào ngày 25-12-2009, ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù và 2 năm bị tước các quyền về chính trị, vì theo lời lẽ của bản án, ông đã “kích động chuyện lật đổ chính quyền nhà nước, hệ thống xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính dân chủ của nhân dân.” Ông Lưu đã kiên trì cho rằng bản án đã vi phạm cả hiến pháp Trung Quốc và các quyền cơ bản của con người .

Có rất nhiều người bất đồng chính kiến tại Trung Quốc và những ý kiến của họ cũng khác nhau về nhiều điểm. Hình phạt nghiêm khắc áp đặt lên ông Lưu đã cho ông một vị thế bao quát hơn vai trò một phát ngôn viên chính yếu cho nhân quyền. Trong khoảnh khắc, ông trở thành một biểu tượng đích thực, không những trong Trung Quốc mà còn ở cả thế giới, cho sự đấu tranh nhân quyền tại Trung Quốc.
Thưa các quốc vương, quý bà, quý ông,

Trong suốt cuộc Chiến Tranh Lạnh, sự liên hệ giữa hòa bình và nhân quyền đã từng bị chất vấn. Tuy nhiên, từ khi Chiến Tranh Lạnh được kết thúc, hầu hết các nhà khảo cứu về hòa bình và các nhà khoa học chính trị đã nhấn mạnh sự mật thiết trong mối liên hệ này. Điều này được cho là một trong những khám phá “vững mạnh” nhất mà họ đạt tới. Các chế độ dân chủ có thể khai chiến chống các chế độ độc tài, và chắc chắn là đã gây dựng những cuộc chiến tranh thuộc địa, nhưng dường như không có một trường hợp nào mà một chế độ dân chủ lại đi khai chiến với một nền dân chủ khác.
Ý nghĩa sâu xa của “tình huynh đệ giữa các quốc gia” mà Alfred Nobel đề cập trong chúc thư, và cũng chính là điều kiện tiên quyết cho hòa bình đích thực, khó mà tạo dựng khi không có nhân quyền và dân chủ.
Hiếm có những trường hợp nào trong lịch sử thế giới mà một cường quốc đã đạt được đà phát triển nhanh chóng trong một thời kỳ dài lâu như Trung Quốc. Kể từ 1978, năm này qua năm khác, thập kỷ này tiếp đến thập kỷ kia, tỉ suất phát triển của xứ sở này luộn đứng ở mức từ 10% trở lên. Một vài năm trước sản lượng của xứ sở này đã lớn hơn của Đức, năm nay nó đã vượt qua Nhật Bản. Trung Quốc vì thế đã đạt được tổng sản lượng quốc gia lớn hàng thứ hai trên thế giới. Sản lượng quốc gia của Mỹ vẫn còn gấp ba so với Trung Quốc, nhưng trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến tới thì Mỹ vẫn còn những khó khăn nghiêm trọng.

Thành công trong kinh tế đã giúp vài trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh đói nghèo. Về việc giảm thiểu số lượng người nghèo trên thế giới, Trung Quốc phải được trao tín nhiệm chủ yếu.
Chúng ta có thể nói trong một mức độ nhất định rằng Trung Quốc với dân số 1,3 tỷ đang gánh số phận của nhân loại trên đôi vai của mình. Nếu quốc gia này chứng minh khả năng phát triển nền kinh tế thị trường xã hội với các quyền công dân đầy đủ, thì nó sẽ có tác động thuận lợi lớn lao trên thế giới. Bằng không, đây sẽ là mối nguy cơ cho những khủng hoảng xã hội và kinh tế khởi lên tại xứ sở này, với những hậu quả tiêu cực cho tất cả chúng ta.
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta có lý do tin rằng đà phát triển kinh tế nhanh chóng và liên tục tạo cơ hội cho việc nghiên cứu, đồng thời tự do trong tư duy và thảo luận. Thêm nữa, khi không có tự do ngôn luận thì tham nhũng, chuyện lạm dụng quyền lực, và sự cai trị sai lầm sẽ phát triển. Mọi hệ thống quyền lực phải được đối ứng với sự điều hòa qua bầu cử, truyền thông tự do, và quyền của từng công dân được phê bình.
Những nhà nước ít nhiều chuyên quyền có thể có những thời kỳ dài phát triển kinh tế mau lẹ, nhưng không phải ngẫu nhiên mà hầu như tất cả các quốc gia giàu nhất trên thế giới đều dân chủ. Dân chủ huy động các nguồn nhân lực và kỹ thuật học mới.
Địa vị mới của Trung Quốc đòi hỏi sự gia tăng trong trách nhiệm. Trung Quốc phải sẵn sàng nhận sự phê phán và xem điều đó là tích cực như một cơ hội cho sự cải thiện. Đây phải là trường hợp cho bất cứ cường quốc nào. Tất cả chúng ta đã hình thành các ý kiến về vai trò của Mỹ trong suốt nhiều năm. Thân hữu và đồng minh đã phê phán xứ sở này cả về cuộc chiến Việt Nam và về sự khiếm khuyết về quyền công dân cho người da màu. Rất nhiều người Mỹ đã phản đối giải thưởng Nobel Hòa bình cho Martin Luther King năm 1964. Nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng nước Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn khi người Mỹ gốc Phi châu được xử dụng nhân quyền của họ.

Nhiều người sẽ hỏi liệu có phải điểm yếu kém của Trung Quốc – dù với tất cả sức mạnh xứ sở này đang thể hiện – đã được bộc lộ nguyên hình khi bỏ tù một người trong 11 năm chỉ vì người ấy phát biểu ý kiến về việc xứ sở của ông ta nên được quản lý như thế nào.

Sự yếu kém này bộc lộ rõ trong bản án đối với ông Lưu, khi nó nhấn mạnh điều trầm trọng rằng ông đã phát tán ý kiến của mình trên mạng internet. Tuy nhiên, đám người sợ những tiến bộ kỹ thuật sẽ có đủ mọi lý do để sợ tương lai. Kỹ thuật thông tin không thể bị thủ tiêu. Nó sẽ tiếp tục khai mở các xã hội. Như Tổng thống Nga Dmitrij Medvedev đã tuyên bố trong bài diễn văn tại quốc hội Duma: “Kỹ thuật  mới trong lĩnh vực thông tin cho chúng ta một cơ hội được kết nối với thế giới. Thế giới và xã hội đang tăng trưởng cởi mở hơn cho dù giai cấp cai trị không ưa điều này.”
Không nghi ngờ gì chuyện TT Medvedev đã nghĩ về số phận Liên Xô. Sự đồng loạt cưỡng bách và kiểm soát tư tưởng đã ngăn cản xứ sở này tham gia vào cuộc cách mạng kỹ thuật diễn ra trong thập niên 1970 và 1980. Hệ thống này đã sụp đổ. Xứ sở này hẳn đã có thể lợi lạc rất nhiều nếu đã bước vào cuộc đối thoại ngay từ thoạt đầu với những người như Andrej Sakharov.

Thưa các quốc vương, quý bà và quý ông,
Ngày nay chẳng nhà nước nào hoặc phần tử đa số trong nhà nước nào có một quyền uy vô hạn. Nhân quyền giới hạn những gì nhà nước hoặc phần tử đa số trong nhà nước có thể làm. Điều này phải được áp dụng cho tất cả các nhà nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc và đã ký vào Bản Tuyên Ngôn Hoàn Vũ Nhân Quyền. Trung quốc đã ký và thậm chí đã phê chuẩn một số công ước quốc tế chính về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc Tế. Điều thú vị là Trung Quốc đã chấp nhận cơ chế giải quyết mâu thuẫn siêu quốc gia của Liên Hiệp Quốc.
Chính Hiến pháp của Trung Quốc nêu cao các quyền cơ bản của con người. Điều 35 trong Hiến pháp xứ sở này đã đặt định rằng “những công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do diễu hành, và tự do biểu tình”. Điều 41 bắt đầu bằng sự phát biểu rằng các công dân” có quyền phê phán và kiến nghị về bất cứ cơ quan hoặc viên chức nào của nhà nước”.

Ông Lưu đã thi hành quyền công dân của mình. Ông đã không làm gì sai trái. Vì vậy ông phải được phóng thích.

Trong khoảng thời gian từ 100 đến 150 năm qua, nhân quyền và dân chủ đã duy trì một vị thế ngày càng mạnh mẽ hơn trên thế giới. Và cùng với nhân quyền và dân chủ là hòa bình. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở Châu Âu, nơi có rất nhiều cuộc chiến giao tranh, và những chính quyền thực dân đã khởi sự biết bao chiến tranh trên khắp thế giới. Châu Âu ngày nay là một châu lục hòa bình. Việc giải trừ chế độ thực dân sau Thế chiến thứ Hai cho một số xứ sở, đầu tiên ở Châu Á và tiếp đến là Châu Phi, cơ hội tự trị với sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Với Ấn Độ dẫn đầu, rất nhiều quốc gia đã nắm lấy cơ hội. Đối với những thập niên gần đây nhất, chúng ta đã thấy dân chủ củng cố vị trí của nó như thế nào ở Châu Mỹ La-tinh và ở Trung và Đông Âu. Rất nhiều xứ sở trong khu vực Hồi giáo trên thế giới đang bước trên con đường tượng tự: Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia. Một vài xứ sở khác đang trong tiến trình khai mở hệ thống chính trị của họ.
Những nhà hoạt động cho nhân quyền tại Trung Quốc chính là những người bảo vệ trật tự quốc tế và là các trào hướng chính trong cộng đồng toàn cầu. Trong ánh nhìn này, họ không phải là những người bất đồng chính kiến, mà thực ra là những đại biểu cho các đường lối chủ yếu cho sự phát triển trong thế giới ngày nay.

Ông Lưu không chấp nhận sự phê phán của ông về Đảng Cộng Sản Trung Quốc đồng nghĩa với sự xúc phạm quốc gia và nhân dân Trung Quốc. Ông lập luận rằng “Cho dù Đảng Cộng Sản là đảng cầm quyền, nó vẫn không thể được đồng nghĩa với xứ sở, chứ đừng nói đến chủng tộc và văn hóa”. Những thay đổi ở Trung Quốc có thể phải cần thời gian, một thời gian rất dài: những cải cách chính trị nên, như ông Lưu nói: được đi “từng bước, ôn hòa, trật tự và được kiểm soát”. Trung Quốc đã phải trải qua quá nhiều những mưu đồ cách mạng dưới danh nghĩa cải tiến. Chúng chỉ dẫn đến sự hỗn loạn. Nhưng như ông Lưu cũng viết “đã có một chuyển biến lớn lao hướng đến tính đa nguyên trong xã hội, và nhà chức trách không còn có thể kiểm soát toàn bộ xã hội.” Cho dù  quyền lực của chế độ có tỏ ra mạnh đến đâu đi nữa, mọi cá nhân đơn lẻ phải cố hết sức mình để sống, trong ngôn từ của ông, “một đời sống lương thiện với phẩm giá”.
Giới chức Trung Quốc phản ứng qua cách phê phán rằng giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay sỉ nhục Trung Quốc, đồng thời họ cũng có những mô tả xúc phạm về cá nhân ông Lưu.

Lịch sử đã cho thấy có nhiều trường hợp mà các nhà lãnh đạo chính trị đã lợi dụng chủ nghĩa quốc gia để chụp mũ và bôi nhọ những người bất đồng chính kiến, làm nhóm người này trở thành tay sai cho ngoại bang. Điều này đôi khi xảy ra dưới danh nghĩa dân chủ và tự do, nhưng hầu hết luôn luôn có một kết cục bi thảm.
Chúng ta nhận ra điều này trong luận điệu đấu tranh [của Hoa Kỳ] nhằm chống ý đồ khủng bố: “một là bạn về phe tôi hoặc bạn chống lại tôi”. Những phương pháp phi dân chủ như tra tấn và bỏ tù không cần xét xử đã được sử dụng dưới danh nghĩa tự do. Điều này đã gia tăng sự phân cực trên thế giới và gây tổn hại đến cuộc chiến đấu chống lại ý đồ khủng bố.

Lưu Hiểu Ba là một người lạc quan, dù cho ông trải qua nhiều năm trong tù. Trong kháng cáo cuối cùng với tòa án vào ngày 23-12-2009, ông nói: “Tôi, với hy vọng tràn trề, hiện mong đón ngày chào đời của một Trung Quốc tự do. Không một thế lực nào có thể cắt đứt hành trình tìm kiếm tự do của con người, và Trung Quốc rồi sẽ trở thành một quốc gia được hướng dẫn bởi luật pháp, nơi nhân quyền ngự trị tối cao.”
Isaac Newton từng nói rằng: “Nếu tôi đã được nhìn xa hơn, đó là bằng cách đứng trên vai của những người khổng lồ”. Khi chúng ta có thể nhìn về phía trước ngày hôm nay, đó là vì chúng ta đang đứng trên vai của rất nhiều người, những người đàn ông và đàn bà—ròng rã qua nhiều năm tháng– thường với nguy cơ lớn – đã đứng lên cho những điều họ tin tưởng và như thế đã làm quyền tự do của chúng ta được tồn tại.
Vì vậy, trong lúc những người khác ở thời điểm này đang đếm tiền, chuyên chú vào những lợi ích quốc gia ngắn hạn, hoặc còn thờ ơ, thì Ủy Ban Nobel Na-Uy một lần nữa đã chọn cách ủng hộ những người chiến đấu cho tất cả mọi chúng ta.

Chúng tôi chúc mừng Lưu Hiểu Ba với giải Nobel Hòa bình năm 2010. Những quan điểm của ông trong lâu dài sẽ làm Trung Quốc hùng mạnh. Chúng tôi gửi đến ông và Trung Quốc những lời chúc tốt đẹp nhất cho tương lai.
.
.
.

No comments:

Post a Comment