Friday, January 28, 2011

CÁCH MẠNG BẰNG INTERNET (Newsweek)

Mike Giglio, NEWSWEEK /26/01/2011

Hiếu Tân dịch
29.1.2011

Người dân Ai cập bắt đầu những cuộc biểu tình chống đối của họ trên mạng và sau đó bổ sung vào chiến thuật cứng trên mặt đất trong một cố gắng hạ bệ một nhà nước cảnh sát đang tồn tại một cách nhục nhã.

Basem Fathi, một nhà tổ chức của những cuộc biểu tình ngày thứ Hai ở Cairo, đang chạy khắp thủ đô, cố mua khăn mặt và lều trại. Trong một ngày mà hàng chục nghìn người đổ ra đường phố trong một loại biểu tình quy mô lớn mà nhà cầm quyền Ai cập chưa từng biết đến trong nhiều thập niên, những người biểu tình đã chiếm Quảng trường trung tâm Tahrir, tại đó họ bao vây nhà Quốc hội. Bây giờ trông họ có vẻ sẵn sàng ở lại cả đêm. Fathi dường như sửng sốt về thắng lợi. “Chúng tôi chưa có người lãnh đạo chuyện này, nhưng những người đứng đầu cuộc biểu tình đang cố gắng lo phần hậu cần,” anh nói. Anh nói thêm rằng anh không biết điều gì sẽ đến tiếp theo. “Không ai biết cả. Nhưng ít ra nhân dân đang bắt đầu tin rằng họ có thể làm nên một cái gì đó - mà không chỉ hôm nay.”

Được cách mạng ở Tunisia khích lệ, những cuộc biểu tình ngày thứ Hai bắt đầu cách đây hơn hai tuần với một chiến dịch trên một trang Facebook được nhiều người biết. Tuy nhiên, ngay cả khi trên mạng có sự đảm bảo 90.000 tham gia, thì một cuộc biểu tình quy mô lớn theo kiểu Tunisia có vẻ như không xảy ra. Cái gọi là cuộc cách mạng hoa Nhài là tự phát, được châm ngòi bởi sự hy sinh của một người bán rau quả có trình độ đại học, không phải là sự thúc đẩy của những nhà hoạt động có tổ chức. Ai cập là một nhà nước cảnh sát đang tồn tại bằng đàn áp , với một lịch sử dài bỏ tù những người bất đồng chính kiến và kiểm soát đám đông tay không. Những mưu đồ tổ chức những cuộc biểu tình phản đối ở Ai cập thường trở nên vô ích. Mohammed ElBaradeiMuslim Brotherhood, hai phong trào đối lập có khả năng lôi kéo người xuống đường nhất, chỉ ủng hộ về tinh thần. Đặc biệt Brotherhood  được coi như nhóm duy nhất ở Ai cập có khả năng huy động được một số lớn người xuống đường. “Hình mẫu trong quá khứ là có nhiều nhà hoạt động Internet, nhưng không phải luôn luôn có số lượng lớn người trên các đường phố,” Jason Brownlee nói (ông là một chuyên gia về các quan hệ Mỹ- Ai cập, học giả khách mời của Woodrow Wilson Center).

Tuy nhiên các nhà tổ chức biểu tình kết hợp một hiểu biết về Internet với những chiến thuật cứng trên mặt đất. Họ có những người trợ giúp mạng để phối hợp với các bạn bè và gia đình bằng văn bản và lời nói, và tham gia với các nhà hoạt động [theo phương thức] truyền thống để tung ra những tờ rời và tiếp cận nhân dân trên đường phố. Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, “ElShaheeed” nhà quản lý ẩn danh của trang chính Facebook đứng sau cuộc biểu tình, đã nói với NEWSWEEK rằng việc tổ chức cái gì đó có ý nghĩa thì những hoạt động trên mạng là không đủ. “Không chỉ là post lên mạng” Anh nói. “Để có nhân dân xuống đường, cần phải tập hợp. Tập hợp hết sức khẩn trương.”

Các nhà tổ chức biểu tình, trong đó có cả Phong trào Sinh viên 6 tháng Tư, và một số nhóm chống đối nhỏ hơn, cũng đi đến một chiến lược nhằm phá những cố gắng của chính phủ kiểm soát đám đông. Trong cuộc phỏng vấn ấy, ElShaheeed nói các những người biểu tình sẽ gặp nhau trên ba quảng trường gần với những khu vực nghèo trong thành phố và từ đó hội tụ lại trên một địa điểm chọn trước. Anh hy vọng điều ấy sẽ cho các cuộc biểu tình thêm thời gian để thu hút những người dân bình thường từ đường phố. Những hướng dẫn về tác dụng ấy được post lên trang Facebook. Kế hoạch ấy đã thành công, mặc dầu nghe đâu có mặt đến 20.000 cảnh sát. Những cuộc biểu tình ở Cairo bắt đầu từ các quảng trường Mostafa Mahmoud, Matraya, và Shubra, trước khi đám đông gặp nhau để chiếm quảng trường Tahrir.

Trong khi đó có đến 12 thành phố trong khắp cả nước có những cuộc biểu tình nhỏ hơn nhưng cùng một mục đích. Ở thành phố Mahallah châu thổ sông Nile, những cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra chỉ để lấy thêm nghị lực, theo Ahmad Abdel Fattah, một nhà báo phụ trách những sự kiện này cho tờ nhật báo Almasry-Alyoum. Một cuộc tuần hành buổi chiều của vài nghìn người tiếp theo bằng một cuộc lớn gấp ba lần, anh ước tính, và những người biểu tình đã táo bạo xé toang những tấm ảnh lớn của tổng thống Hosni Murabak treo trên các đường phố, thậm chí quẳng chúng vào lửa. Khi đêm đến, một cuộc biểu tình thứ ba đã hình thành. “Trong cuộc biểu tình đầu tiên, chủ yếu chỉ có các nhà hoạt động. Nhóm thứ hai là những người bình thường.” Fattah nói.

Những cuộc biểu tình quy mô lớn như thế có thể được tổ chức chủ yếu trên Internet và độc lập với phe đối lập truyền thống của Ai cập, đặc biệt là Muslim Brotherhood, có lẽ đã cho Mubarak nhiều lý do để lo lắng, Shadi Hamid, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm Doha của Viện Brookings nói. Nó cho thấy người dân Ai cập bình thường đã chán ngán ách thống trị độc tài đến độ nào, và nỗi thất vọng ấy có thể lan nhanh như thế nào - nó mang cái bóng đen của cuộc nổi dậy Tunisia. “Đây không phải là cuộc biểu tình do Islamist tổ chức. Điều này thật sự là chưa từng có. Đây chỉ là những người dân Ai cập bình thường nổi giận,” anh nói. “Nếu tôi là một quan chức chính phủ, thì lúc này hẳn tôi đứng ngồi không yên.”/.
.
.
.

No comments:

Post a Comment