Monday, January 3, 2011

Bán Nguyệt San TỰ DO NGÔN LUẬN - Số 114 - Ngày 1-1-2011

Bán Nguyệt San TỰ DO NGÔN LUẬN -  Số 114 - Ngày 1-1-2011
Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận




Tại Việt Nam hiện giờ, có một biến cố chính trị đang gây chú ý với nhiều mức độ khác nhau. Đó là đại hội lần thứ 11 của đảng Việt Cộng. Có thể nói có 3 mức độ chú ý đến sự kiện này.

Mức độ cao nhất là mức độ của những đảng viên còn mang trong mình tham vọng lợi dụng quyền lực để vơ vét quyền lợi, vì làm gì mà có cái lý tưởng cao đẹp “vì nước vì dân” nơi những người Cộng sản chủ trương đảng trị độc tài ? Trước hết họ mơ được làm đại biểu đi dự đại hội đảng. Từ ghế đại biểu mơ được vào Trung ương đảng. Vì vào Trung ương đảng thì hoặc đứng đầu các bộ, đứng đầu các tỉnh, hoặc đứng đầu các cơ quan quan trọng. Tha hồ mà vơ vét, ứng xử như những ông trời con tại địa phương, đố “thằng nào” dám chống cưỡng ! Giả như có bỏ ra vài tỷ hay vài chục tỷ để mua một cái ghế thì thu hồi vốn cũng rất mau lẹ, từ đó lãi ròng cho hết nhiệm kỳ. Vào Trung ương đảng thì lại mơ được vào Bộ Chính trị. Ngồi ở ghế Bộ Chính trị rồi thì sẽ là quyền uy tột bậc, hơn cả vua chúa thời xưa, sẽ là lợi lộc vô song, trở thành tỷ phú đô la không mấy hồi, sẽ là bất khả xâm phạm, mặc sức chà đạp hiến pháp, luật pháp, tha hồ bất chấp dân ý, lòng người.

Mức độ thứ hai là mức độ của những nhà quan sát từ trong ra tới ngoài nước mà còn ngây thơ không biết chủ nghĩa, chế độ và chính đảng Cộng sản là gì, dù lịch sử về cái thực thể tội ác này còn sờ sờ ra đó, chưa chìm vào sự quên lãng của nhân loại. Họ bàn ra tán vào về từng nhân vật một ở hàng chóp bu lãnh đạo đảng, lục vấn quá khứ hiện tại, truy tìm điểm khuyết điểm ưu, nhận xét thế mạnh thế yếu, phân tích thành công thất bại của những con người sẽ ngồi vào trên chục ghế của Bộ Chính trị và cũng từng ấy ghế trong Nội các chính phủ. Nào là ông này trẻ trung, ông kia có học, ông ni thân Tàu, ông nọ thân Mỹ. Nào là ông này bảo thủ, ông kia cấp tiến, ông ni cuồng tín, ông nọ cởi mở… Họ tưởng như thể các tính cách khác nhau của những nhân vật này sẽ làm cho chính sách cai trị thêm hay bớt độc tài, sẽ làm cho đường lối lãnh đạo thêm hay bớt cứng rắn, sẽ làm cho bầu khí xã hội thêm hay bớt dễ thở, sẽ làm cho khuynh hướng chính trị thiên về chuyên chế hay dân chủ… Cũng thuộc mức độ chú ý thứ hai này là những người trong hoặc ngoài đảng lên tiếng hay viết lách góp ý cho đảng, cho các dự thảo văn kiện của đại hội cách chân thành, với lòng mong mỏi đảng lắng nghe tâm tư, nhìn tới thiện ý và phục thiện sửa đổi. Đây cũng là hạng ngây thơ, chưa học được bài học lịch sử qua hơn 10 kỳ đại hội và bài học lịch sử từ các đại hội cộng đảng toàn thế giới!

Mức độ thứ ba là mức độ của những nhà dân chủ đối kháng và của đại khối toàn dân, vốn đã quá hiểu rõ chủ nghĩa, quá thấm thía chế độ, quá nhẵn mặt các đảng viên từ địa phương tới trung ương. Họ nhìn vào cuộc tranh chấp, đấu đá, thanh trừng, mặc cả, giành giựt bên trong chợ trời đại hội với con mắt dửng dưng, khinh thường và chẳng chút hy vọng. Có thể nói, phản ảnh tư tưởng của họ là lời của một giáo sư đại học Hà Nội trong bài “Cá mè một lứa” của tác giả Lê Duy Nhân gần đây : “Anh nghĩ ai sẽ thay ông Nông Đức Mạnh?” - “Tôi chả nghĩ ngợi gì cả. Ai cũng vậy thôi. Cỗ xe cũ kỹ này sẽ lăn bánh theo con đường mòn đã vạch sẵn thì ai làm xà ích cũng không thay đổi được gì” - “Nhưng cũng có người này thông minh hơn người kia, hoặc viễn kiến chính trị của ông này khác ông kia chứ ?” - “Khi chưa có quyền hành thì còn có người này người nọ. Khi ngồi vào ghế lãnh tụ thì ông nào cũng sa đọa bởi quyền lực tối thượng, chỉ nghĩ đến củng cố địa vị và tạo vây cánh, còn đâu trí tuệ cho ích quốc lợi dân nữa. Cơ chế độc tài toàn trị là cỗ máy biến họ thành những bạo chúa vô cảm và tàn nhẫn”. Tóm lại thì “vô ra cũng thằng cha khi nãy” như tục ngữ dân mình thường nói.

1- Vô ra cũng thằng cha khi nãy.
Quả thế, hôm 16 tháng 12 vừa rồi, mạng Dow Jones cũng như tờ Asahi Shimbun (Hồng Kỳ) của đảng CS Nhật cho biết Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa, ủng hộ ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Trung ương, giữ chức Chủ tịch nước, ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành uỷ Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Quốc hội, và nhất là tiến cử đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lên giữ chức Tổng bí thư đảng. Theo nhà báo Bùi Tín thì ông Nguyễn Phú Trọng, 67 tuổi, được tiến cử vào chức vụ quyền lực nhất nước đó là do ý muốn của Trung Cộng, cho dù Bộ Chính trị từng quyết nghị rằng những ai từ 66 tuổi trở lên sẽ không được ở lại trong Bộ Chính trị nữa. Nhân vật này từng được nhân gian gọi là “Trọng Lú” khi ông ta còn là Bí thư Thành uỷ thủ đô (trong bộ tứ nhơ nhớp của Hà Nội: “Giàu như Phú (Phùng Hữu Phú), lú như Trọng, lật lọng như Nghiên (Hoàng Văn Nghiên), tiêu tiền như Triệu (Nguyễn Quốc Triệu)”. Lú là phải, vì trong thời gian làm chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng luôn lèo lái để cho cơ chế gọi là quyền lực cao nhất này luôn trở thành bù nhìn, con rối trong tay Bộ chính trị (dù theo một nghĩa nào đó cũng là thông, theo kiểu giảo hoạt, bỏ lợi dân lấy lợi đảng). Lú là phải, vì cho tới giờ phút này, sau bao nhiêu kinh nghiệm thê thảm của chế độ cộng sản tại Đông Âu và tại Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng vẫn còn kiên định 4 điều: kiên định học thuyết Mác-Lênin, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định chế độ độc đảng và kiên định kinh tế quốc doanh như chủ đạo.

Tiếp đến, với vô vàn “thành tích” phản dân hại nước như ký giấy cho Trung Cộng vào tận Tây Nguyên khai thác bauxite, ém quân xâm lăng ngay trong nội địa, treo quả bom bùn đỏ trên đầu mấy chục triệu dân đồng bằng Nam Bộ, như bảo trợ cho hai tập đoàn đại tham nhũng là Than Khoáng sản và Vinashin, làm thất thoát của đất nước đến hàng triệu tấn quặng, hàng ngàn triệu mỹ kim, như tiếp tục dự án Đường sắt cao tốc đầy phiêu lưu và tốn kém, dù cho Quốc hội đã thẳng tay bác bỏ, như làm cho vật giá ngày càng leo thang và đồng tiền ngày càng xuống giá, khiến dân tình ngày càng khốn khổ v.v… Nguyễn Tấn Dũng lẽ ra đã phải từ bỏ chức vụ để về hưu, hay đúng hơn để đi vào nhà đá, thì lại được ngồi ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa!?!

Tiếp nữa là Phạm Quang Nghị, nguyên bộ trưởng bộ văn hóa, với 2 “thành tích văn hóa” nổi bật là tham nhũng tiền bạc do nước Pháp tài trợ để tu sửa Nhà hát Tây ở Hà Nội và cho công an “đánh bỏ mẹ” các nhà thư pháp nhân tết Kỷ Sửu; rồi trong chức vụ bí thư thành ủy Hà Nội, lại lập thành tích làm cho thủ đô ngày càng điêu đứng vì nạn kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm, xã hội đen và xã hội đỏ tung hoành, làm cho dân tình khốn đốn qua việc cướp đất cư trú, đất làm ăn, thậm chí cả đất nghĩa địa của họ, làm cho tôn giáo cũng khổ sở vì đoạt thánh địa, bỏ tù giáo dân, trục xuất lãnh đạo… Thế mà giờ đây lại làm chủ tịch Quốc hội thì Phạm Quang Nghị sẽ còn tác oai tác quái đến mức nào nữa.

Nhưng điều đáng nói là nhân sự mới này của Bộ Chính trị vẫn là thân Bắc Kinh, gia nô của Trung Cộng, thần tử của Đại Hán, thái thú của Thiên triều, nên đại họa mất nước là chuyện có thể xảy tới ngày một ngày hai.

2- Vô ra cũng bài ca khi nãy.
Như vừa nói trên, tân Tổng bí thư là con người có “4 kiên định”: kiên định học thuyết Mác-Lênin, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định chế độ độc đảng và kiên định kinh tế quốc doanh như chủ đạo. Nhưng không phải chỉ mình ông ta, mà đây cũng là lập trường chung của bộ sậu lãnh đạo đảng, là thái độ của nhóm quyền lợi trong đảng. Hết thảy đều tiếp tục ca bài ca cũ kỹ này, bất chấp sự phản đối của vô số đảng viên còn nhất điểm lương tâm và còn ưu tư vận nước, chẳng hạn biên bản của 22 nhà trí thức hàng đầu, đảng viên kỳ cựu trong cuộc hội thảo khoa học hôm 7-10-2010 về dự thảo Cương lĩnh của Đại hội. Họ đã lên tiếng đòi cải cách chính trị chứ không chỉ kinh tế, thay mô hình cộng đảng toàn trị, đấu tranh giai cấp bằng một mô hình văn minh hơn, coi quan niệm công hữu và doanh nghiệp Nhà nước như chủ đạo, như nền tảng kinh tế quốc gia là thập phần nguy hiểm, xác nhận đất nước có phần đổi mới là nhờ chuyển sang thị trường chứ không phải do định hướng xã hội chủ nghĩa, phê liệt Cương lĩnh là tư duy lý luận mâu thuẫn, xa thực tiễn, hết sức lạc hậu. Ngay cả một công thần chế độ như cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An -trong cuộc phỏng vấn ngày 06-12-2010 trên trang mạng Tuần Việt Nam- cũng cho rằng quan điểm đường lối của đảng đang mắc phải một số lầm lỗi có hệ thống, từ gốc đến ngọn, cần sửa chữa triệt để; rằng cách mạng dân tộc dân chủ mới hoàn thành một nửa là phần dân tộc; rằng chế độ hiện hành thiếu dân chủ trong đảng lẫn trong xã hội, đảng bao biện quan liêu xa rời quần chúng, Bộ Chính trị ôm đồm độc đoán, xử sự như một “ông vua tập thể”, nắm lập pháp, hành pháp và tư pháp trong tay, khiến tam quyền này rơi vào tình trạng phân công thay vì phân lập; rằng phải tái lập quyền sở hữu tư nhân, nhất là về đất đai, để kinh tế tư nhân phát triển, chớ nên nâng sở hữu quốc doanh lên hàng chủ đạo; rằng ở Liên Xô và Đông Âu, các chính quyền Cộng sản sụp đổ không phải do bàn tay can thiệp tác động bên ngoài, mà chủ yếu do sự bất mãn của đông đảo đảng viên và toàn thể dân chúng, muốn từ bỏ thể chế độc tài để xây dựng thể chế dân chủ.

Thế nhưng, theo bản tin trên BBC ngày 24-12-2010, Bộ Chính trị đã bày tỏ dứt khoát với các ý kiến bị cho là có “động cơ xấu” trong quá trình nhân dân, cơ quan góp ý cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội đảng, gọi tác giả của các ý kiến này đã "lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối phá hoại". Lãnh đạo cộng đảng cho hay họ “kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ” các ý kiến này nhưng “trân trọng và cám ơn” những ý kiến đóng góp củng cố sự thống trị của đảng. Quả là một gáo nước lạnh dội vào mặt những ai còn tin tưởng CS có thể thay đổi.

Không, "Cộng sản không thể nào thay đổi, mà cần phải bị thay thế" (Boris Yeltsin), thay thế triệt để bằng một cuộc cách mạng của toàn dân tộc, như bên Đông Âu và Liên Xô. Có như thế, mọi vấn đề của Việt Nam hôm nay mới được giải quyết trọn vẹn.
Ban Biên Tập (số 114, ngày 01-01-2011)
.
.

No comments:

Post a Comment