Saturday, January 1, 2011

ẢNH HƯỞNG GIẢI NOBEL HÒA BÌNH TRÊN TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA TRUNG HOA và VIỆT NAM (Đào Tăng Dực)

Nhân lọai trong thế kỷ thứ XX là nhân chứng của một hiện tượng đặc thù trên phương diện chính trị học: Đó là hầu như có một tương quan thuận chiều giữa trình độ dân chủ của một quốc gia và sự đóng góp của dân tộc đó vào nền hòa bình thế giới.
Dĩ nhiên đây không phải là một định luật bất di dịch. Tuy nhiên, mọi người đều phải thừa nhận rằng, nếu không có chế độ độc tài Đức Quốc Xã của Hitler tại Đức, không có độc tài Phát Xít của Mussolini tại Ý, không có độc tài cộng sản của Lê Nin cũng như Stalin tại Liên Bang Xô Viết và nếu không có độc tài quân phiệt tại Nhật Bổn thì thế giới đã có những ngày hòa bình tốt đẹp hơn là cuộc đệ nhị thế chiến tàn khốc vào giữa thế kỷ thứ 20.
Lập luận từ một góc cạnh khác thì, nếu Hoa Kỳ bây giờ đang bị thống trị bởi một chế độ độc tài tương tự Stalin hoặc Hitler thì liệu các quốc gia yếu hơn, nằm cạnh biên giới như Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ, có thể có những ngày bình yên, phồn vinh và giữ vững được nền độc lập như ngày hôm nay hay không? Lập luận này cũng áp dụng cho một Liên Hiệp Âu Châu dưới chế độ độc tài đối với những nước nhỏ gần biên giới như Băng Đảo (Iceland), Na Uy (Norway), Thụy Sĩ (Switzerland), Serbia Montenegro và Croatia.
Dĩ nhiên một quốc gia càng hùng mạnh thì tiềm năng gây chiến tranh hay ngược lại tiềm năng đóng góp cho nền hòa bình thế giới càng cao. Trung Hoa là một thí dụ điển hình. Nếu lập luận trên có giá trị thì một nước Trung Hoa dân chủ thật sự sẽ chú trọng nhiều hơn đến công bằng xã hội, nhân quyền, dân quyền và phúc lợi của người dân. Cũng như tôn trọng các công ước quốc tế, thay vì là một đe dọa về an ninh các quốc gia trong khu vực như Nam Hàn, Nhật Bổn và Việt Nam. Ngược lại, sẽ có xác suất đóng góp cao vào sự ổn định khu vực và nền hòa bình thế giới.
Có nhận thức như thế, chúng ta mới hiểu tại sao Ủy Ban Nobel lại có khuynh hướng trao giải Nobel Hòa Bình, không những cho những cá nhân trực tiếp đóng góp vào phúc lợi trực tiếp của con người, như Đức Mẹ Theresa mà họ còn chú trọng cấp giải Nobel Hòa Bình cho những chính trị gia hay nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền chủ trương bất bạo động.

Sự kiện một nhà tranh đấu cho dân chủ Trung Hoa là Tiến sĩ Lưu Hiểu Ba, nhận được giải Nobel Hòa Bình năm 2010, là một điều hợp lý
Ủy Ban Nobel chỉ làm trách nhiệm bình thường là đóng góp cho hòa bình nhân loại qua những quyết định chí công vô tư của họ mà thôi.
Bài này không nhằm mục đích viết lại tiểu sử của nhân vật lịch sử của thời đại TS Lưu Hiểu Ba làm gì. Độc giả chỉ cần sưu tập trên mạng là sẽ có nhiều chi tiết về nhân vật này. Nơi đây chúng ta chỉ cần ghi ra một vài nét chấm phá về ông mà thôi.
Ông sinh năm 1955, đậu bằng Tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh (Beijing Normal University). Ông là một nhà đối kháng từ trong nước, không chịu xuất ngọai, từng là một trong những người lãnh đạo sinh viên trong biến cố Thiên An Môn năm 1989, đã nhiều lần ra vào chốn lao tù vì quan điểm chính trị của ông.
Ông nổi tiếng nhất vì đã tham gia vào công tác viết Hiến Chương 08. Và theo Wikipedia, ông đã ký vào hiến chương này cùng với 300 công dân nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Bản hiến chương này được phổ biến ngày 10/12/2008 tức là 60 năm ngày kỷ niệm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Bản Hiến Chương viết theo văn phong bản Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc, đòi hỏi tự do phát biểu tư tưởng, nhân quyền và bầu cử tự do. Tính đến tháng 9/2010 Hiến Chương có được 10.000 chữ ký.

Những nét nổi bật của TS Lưu Hiểu Ba gồm:
1. Ông gắn- bó chân thật với người dân và đất nước Trung Hoa. Mặc dầu có nhiều cơ hội định cư ở nước ngoài, nhưng ông quyết định ở lại tranh đấu từ bên trong đất nước;
2. Ông quan tâm thật sự đến những sinh viên tranh đấu tại Thiên An Môn, nhất là những người trẻ. Từ nước ngoài, ông đã quyết định trở về Trung Quốc để giúp đỡ họ. Ông tranh đấu để đòi hỏi chính quyền trả tự do cho những người này, dù biết làm điều đó ông sẽ bị vào chốn lao tù;
3. Ông không phải là một người độc tài với một cái “tôi” vĩ đại. Trái lại Ông là một người khiêm tốn trong những hành vi đấu tranh cũng như trong đời sống cá nhân của hai vợ chồng. Ông tranh đấu trong tinh thần tập thể và team-work;
4. Ông chủ trương ôn hòa bất bạo động, không chủ trương lật đổ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chỉ chủ trương xây dựng một nền chính trị đa đảng trong đó nhân quyền và các quyền tự do căn bản được tôn trọng;
5. Vì tính khiêm cung và đức độ của ông, ông được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều giới trí thức Trung Quốc , ngay cả trong hàng ngũ cấp tiến của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chính vì thế ông trở thành một nhân vật nguy hiểm cho chế độ và họ kết án ông 11 năm tù.

Chúng ta phải nhận định ngay rằng, trong thế kỷ 21, ngày nào vấn đề Trung Quốc chưa giải quyết xong, ngày ấy thế giới chắc chắn chưa thoát khỏi hiểm họa chiến tranh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một tập đoàn trong bóng tối - không hoạt động trong vòng cương tỏa của luật pháp quốc gia hoặc quốc tế; nắm trong tay võ khí nguyên tử và toàn bộ tài nguyên của 1.3 tỷ người cũng như vốn liếng đầu tư hằng ngàn tỷ Mỹ Kim; thao túng thị trường cũng như chính trường của mọi quốc gia trên quả địa cầu - sẽ đưa đến hậu quả nào?

Thế giới sẽ không bao giờ được bình yên trừ phi tập đoàn đó bị giải thể?
Chúng ta hãy thử tưởng tượng thêm một thế giới gồm 7 tỷ người, dưới sự thống trị nếu không trực tiếp thì gián tiếp của 24 nhân vật trong Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lý do là vì họ sở hữu tuyệt đối sức làm việc cần cù của người dân Trung Quốc qua guồng máy độc tài có hệ thống của đảng Cộng Sản Trung Quốc, với số đảng viên chỉ khỏang 5-6% dân số 1.3 tỷ. Qua 1.3 tỷ người này, họ ảnh hưởng cuộc sống con người tòan thế giới. Các con số thống kê cho thấy Hoa Kỳ nợ Trung Quốc, tức là nợ 24 nhân vật trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc những số tiền khổng lồ. Tính đến năm 2010 thì Trung Quốc đã mua 8.467 tỷ đô la “công phiếu ngân khố” (treasury securities) của Hoa Kỳ.
Trong nhiều thập niên từ khi Trung Quốc cải tổ kinh tế thị trường, cán cân mậu dịch của họ lúc nào cũng thặng dư.
Các công ty thương mại Trung Quốc hoặc là những công ty của chính phủ (tức đảng CSTQ), hoặc tư nhân nhưng chịu ảnh hưởng đảng, tích cực đầu tư vào thị trường các quốc gia khác trên thế giới, lũng đọan thị trường và thao túng chính trường khi thuận tiện.
Chính vì thế, tiềm năng băng họai trật tự xã hội của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không nhất thiết giới hạn trong nước Trung Hoa mà thật sự là một tệ nạn xuyên quốc gia.

Nhiều quốc gia Tây Phương hôm nay nợ như chúa chổm. Theo tờ International Business Times thì món nợ quốc gia bên ngòai (national external debt) của Hoa Kỳ, năm 2010, tính theo cấp ngàn tỷ là 13.3, Anh Quốc 9.2, Đức 5.2, Pháp 5.02, Tây Ban Nha 2.4, Lục Xâm Bảo 1.99, Ái Nhĩ Lan 1.84, Belgium 1.31...
Trung Quốc là một nước thặng dư ngọai tệ, dĩ nhiên sẽ sử dụng ngân khoản để thao túng không những thị trường mà trật tự xã hội nói chung, dưới sự chỉ đạo của một băng đảng 24 người đứng trên và ngòai vòng cương tỏa của luật pháp quốc gia và quốc tế.
Một bằng cớ hiển nhiên là Trung Quốc không ngại sử dụng uy lực của mình để buộc các quốc gia yếu bóng vía khác tẩy chay buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình cho TS Lưu Hiểu Ba.
Tính đến ngày 8/12/10 thì đã có 19 quốc gia, kể cả Trung Quốc, tuyên bố sẽ không tham dự lễ phát giải Nobel Hoà Bình. Trong các quốc gia này, dĩ nhiên có chư hầu trung thành của họ là Việt Nam:
Afghanistan, Colombia, Cuba, Egypt, Iran, Iraq, Kazakhstan, Morocco, Pakistan, the Philippines, Russia, Saudi Arabia, Serbia, Sudan, Tunisia, Ukraine, Venezuela và Việt Nam.

Có thể nói rằng, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc bị chấn động vì giải Nobel này, đến mức độ phản ứng một cách thiếu suy nghĩ. Không những họ sử dụng ảnh hưởng kinh tế và tài chánh của mình để ngăn chận các quốc gia khác gởi đại diện tham dự buổi lễ trao giải Nobel cho TS Lưu Hiểu Ba mà còn sử dụng quyền kiểm duyệt trong nước, không cho các cơ quan truyền thông đăng tải hình ảnh chiếc ghế tại buổi lễ, dành cho TS Lưu Hiểu Ba, còn để trống vì cá nhân ông đang bị tù đày và vợ của ông không được Cộng Sản Trung Quốc cấp chiếu khán sang Oslo, Na Uy, nhận giải thay chồng mình.
Trung Hoa như là một quốc gia đang lên và ảnh hưởng của dân tộc này rất lớn đối với nền hòa bình lâu dài của nhân lọai. Chính vì thế, khi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cho TS Lưu Hiểu Ba, Ủy Ban Nobel đã có một quyết định chiến lược vô cùng sáng suốt, góp phần vào tiến trình xây dựng hòa bình lâu dài cho nhân lọai. Nhân lọai sẽ không bao giờ có hòa bình trường cửu, trừ khi Cộng Sản Trung Quốc từ bỏ độc quyền chính trị để cho tòan dân Trung Quốc gia nhập vào đại gia đình nhân lọai văn minh.
TS Lưu Hiểu Ba không phải là nhà tranh đấu, hoặc chính trị gia đầu tiên, hoặc duy nhất, nhận giải Nobel Hòa Bình. Có rất nhiều nhà tranh đấu khác, trong số đó có một số đã tranh đấu thành công, cũng như trở thành những nhà khai sáng ra kỷ nguyên dân chủ trên quốc gia của họ.

Chúng ta có thể nhắc đến các nhân vật sau đây:
- Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Tôn Giáo và Quốc Gia Tây Tạng;
- Tổng Thống José Ramos-Horta của nước Đông Timor;
- Bà Aung San Suu Kyi lãnh tụ đối lập Miến Điện;
- Các cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela and Frederik Willem de Klerk;
- Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo Desmond Tutu của Nam Phi.
Giải Nobel Hòa Bình đã nâng cao tầm vóc của Nelson Mandela, Jose Ramos-Horta và biến họ thành biểu tượng của người dân thấp cổ bé miệng, chống lại độc tài hoặc ngọai xâm. Và khi đất nước độc lập hay có dân chủ, họ đã những người khai sáng cho nền độc lập và dân chủ của dân tộc mình.
Bà Aung San Suu Kyi và TS Lưu Hiểu Ba cũng sẽ có những cơ hội như thế.

Trách nhiệm tinh thần của giới tư bản và trí thức Tây Phương đối với tệ nạn cộng sản tại Đông Á:
Khi duyệt xét lại lịch sử nhân lọai, chúng ta không thể tránh khỏi sự thật là cộng sản chủ nghĩa phát xuất từ những suy tư của giới trí thức Tây Phương khi đối đầu với giai đọan kỹ nghệ hóa tại các quốc gia Tây Âu, nhất là Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên các quốc gia này đã khôn ngoan vượt thoát hiểm họa cộng sản. Trong khi các quốc gia kém mở mang hơn như Nga Sô, Trung Quốc, Việt NamCuba ... lại u mê rơi vào gông cùm của chủ nghĩa này. Càng làm cho tiến trình phát triển kinh tế, dân chủ và dân trí trì trệ hơn.

Thay vì ý thức nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình và tích cực giúp đỡ giải thóat cho các dân tộc bị cộng sản thống trị, các nhà trí thức và lãnh đạo chính trị Tây Âu lại phạm một lỗi lầm nghiêm trọng nữa là dung túng cho sự sống còn của các chế độ Cộng Sản này qua các chính sách bình thường hóa bang giao và mậu dịch, bất kể những đàn áp về nhân quyền thô bạo bên trong các quốc gia cộng sản.

Mặc khác, chính các chế độ độc tài cộng sản cũng vi phạm những quy luật đấu tranh làm nguy hại đến sự sống còn của họ. Tính cho đến nay, sai lầm lớn nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc là hà hiếp quá đáng đàn em bé bỏng và hết dạ vâng lời là đảng Cộng Sản Việt Nam, dồn đảng này vào chân tường không lối thóat, qua sự chiếm đọat các hải đảo, vùng biển và lãnh thổ gần biên giới hai quốc gia.

Ngược lại, sai lầm lớn nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam lại là quá hèn nhát, không hề phản đối dù là lấy lệ, đối với sự quá trớn của đàn anh mình, làm suy giảm vị trí pháp lý của dân tộc trên bình diện công pháp quốc tế, trong viễn ảnh tranh tụng giành lại chủ quyền tương lai.

Điển hình nhất là trên tờ báo điện tử VietNamNet ngày 03/11/2010, trong bài báo trang trọng: “Thủ Tướng: Bảo vệ từng tất đất, tấc biển của tổ quốc” có viết một đọan buồn cười như sau:
“Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban tiếp tục thúc đẩy đàm phán với các nước láng giềng trong việc hoạch định biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển, cả trên bộ và trên biển. Trong đó, cần quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên quyết bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước láng giềng”.
Té ra Ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam chủ trương “không làm gì cả mà tự nhiên sẽ được tất cả” (dĩ bất biến ứng vạn biến) để bảo vệ non song gấm vóc của tổ tiên.

Chỉ có điều 4 hiến pháp kỳ cục mới có phép mầu là chống lưng được cho một chính quyền chủ trương không làm gì cả khi ngọai xâm chiếm cứ đất đai và lãnh hải, chứ thực tế làm gì có chuyện hoang tưởng như thế?

Thế môi hở răng lạnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc và đảng Cộng Sản Việt Nam:

Thế chiến lược quốc cộng trên thế giới đã hòan tòan bất lợi cho phe cộng sản kể từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào thập niên 90. Tuy trên thế giới còn thoi thóp một vài đảng Cộng Sản cầm quyền như Cuba, Bắc Hàn... nhưng thực chất của khối Cộng Sản chỉ còn nằm nơi Trung Quốc và Việt Nam.
Ngay cả tại Trung Quốc và Việt Nam, chính các lãnh đạo Cộng Sản cả 2 nước đã vi phạm những lỗi lầm chiến lược trầm trọng.
Họ đã quên đi lời dặn dò chỉ dạy của hai “tiền bối” Cộng Sản là Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông về thế môi hở, răng lạnh giữa 2 đảng. Trong giai đọan thoái trào của xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay, thế môi hở răng lạnh này lại càng quan trọng hơn. Thật vậy, không những sự sụp đổ của Cộng Sản Trung Quốc chắc chắn sẽ đem đến sự sụp đổ tức khắc Cộng Sản Việt Nam, mà sự sụp đổ của Cộng Sản Việt Nam cũng sẽ tạo một cơn địa chấn kinh hòang, đem đến sự cáo chung nhanh chóng của Cộng Sản Trung Quốc.
Trong tình huống đó, Cộng Sản Trung Quốc chỉ còn một đàn em chiến lược duy nhất là Cộng Sản Việt Nam, đáng lẽ phải cưng chiều đàn em bé bỏng này “nưng như nưng trứng, hứng như hứng hoa”, thì họ lại đối xử còn tệ bạc hơn một lãnh chúa đối xử với một nông nô. Kết quả là đảng Cộng Sản Việt Nam, sẽ hầu như không còn mặt mũi nào để đứng vững trong lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam nữa. Làm sao một tập đòan dã tâm buôn bán đất đai và lãnh hải của tiền nhân có thể tiếp tục cộng sinh với dân tộc họ?
Sự rạn nứt thế răng môi giữa Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc sẽ nhanh chóng đưa đến sự cáo chung của cả hai chế độ. Chúng ta có thể phỏng đóan tương đối chính xác rằng Ủy Ban Nobel cũng ý thức được điều này, và trong một tương lai gần, sự kiện một nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền từ bên trong Việt Nam, nhận được giải Nobel Hòa Bình, có một xác xuất rất cao.
Lý do đơn giản là vì mỗi chế độ độc tài tòan trị có thể ví như một đế quốc của tội ác (evil empire) và mỗi giải Nobel Hòa Bình, nếu trao cho đúng người, có thể ví như một quả bom nguyên tử có khả năng tiêu diệt chế độ. Cộng Sản Trung Quốc là một đế quốc tội ác to lớn, có thể cần đến nhiều giải quả bom nguyên tử Nobel Hòa Bình mới làm sụp đổ được.
Một chiến thuật cao minh hơn mà Ủy Ban Nobel có thể cứu xét đến, là tập chú đến tầm vóc giới hạn và thế đứng mong manh hơn của đảng Cộng Sản Việt Nam so với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Có thể chỉ cần một giải Nobel cho một nhà tranh đấu cho dân chủ chân chính thì Cộng Sản Việt Nam đã cáo chung, gây chấn động kinh hòang, và kéo theo sự sụp đổ của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Đất nước chúng ta không thiếu những bậc anh hùng hay anh thư hào kiệt.
Chúng ta có rất nhiều nhân vật đã tranh đấu gian khổ từ trong quốc nội như:
- Hòa Thượng Thích Quảng Độ;
- Linh Mục Nguyễn Văn Lý;
- Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ;
- Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế;
- Nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân;
- Luật Sư Nguyễn Văn Đài;
- Luật Sư Lê Công Định và nhiều nhân vật hào hùng khác...

Một khi thế liên hoàn giữa Cộng Sản Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam bị xuyên phá, hai chế độ cáo chung thì các chế độ độc tài khác trên thế giới như Cuba, Bắc Hàn... cũng sẽ không còn lý do tồn tại.
Thiên hạ lúc ấy mới thật sự thái bình.

Khi buôn bán và giao dịch thuần thương mại với những chính quyền độc tài tại các quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam, Miến Điện, Iran và Cuba, bất chấp chính quyền tại các quốc gia này có phản dân chủ hay vi phạm nhân quyền hay không, thì lãnh đạo chính trị các quốc gia tây phương có thể chỉ vi phạm các nguyên tắc đạo đức.
Tuy nhiên khi họ giao dịch như thế đối với một đảng Cộng Sản Trung Quốc khổng lồ, thì họ không những vi phạm các nguyên tắc đạo đức mà còn chắc chắn vi phạm những sai lầm chiến lược quan trọng, có tiềm năng phá họai trật tự xã hội và nền tự chủ dân tộc và những định chế dân chủ của chính họ.
Trách nhiệm quan trọng nhất của giới lãnh đạo chính trị tây phương ngày hôm nay, để bảo vệ các định chế dân chủ nội tại, nền hòa bình và ổn định thế giới, là phải bằng mọi cách, qua các phong trào và nhân vật đối kháng như TS Lưu Hiểu Ba, chấm dứt chế độ độc tài đảng trị của Cộng Sản Trung Quốc.

Trong mục tiêu này, họ không thể quên thế chiến lược của Việt Nam. Trao giải Nobel Hòa Bình cho một nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, và giải thể đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng là một biện pháp khả thi để nhanh chóng thu ngắn tiến trình dân chủ hóa Trung Hoa.

Đào Tăng Dực
Sydney
.
.
.

No comments:

Post a Comment