Tuesday, December 28, 2010

VĂN KHỐ THUYỀN NHÂN VIỆT NAM 5 NĂM NHÌN LẠI - Phần 2 (RFA)

Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-12-27

Trong bài trước, quý vị đã nghe hoạt động của Văn Khố Thuyền Nhân VN về di tích, sưu tập, triển lãm liên quan vấn đề thuyền nhân VN.
Riêng trong công tác di tích, nhất là việc trùng tu mộ phần của thuyền nhân, thì VKTN đã chăm lo ra sao đối với ngôi mộ tập thể mai táng 123 thuyền nhân ở Cherang Ruku thuộc bang Kelantan phía Bắc Malaysia?

Kế hoạch trùng tu

Ông Trần Đông, Giám đốc Văn Khố Thuyền cho biết:
Trong năm 2011, chúng tôi dự trù trùng tu mộ tập thể của thuyền nhân - địa điểm mộ phần còn lại cuối cùng ở đất liền của Malaysia. Các mộ thuyền nhân trên đất liền Malaysia đã được trùng tu cả rồi, ngoại trừ ngôi mộ tập thể này tại vùng Cherang Ruku thuộc bang Kelantan phía Bắc Malaysia, nơi mai táng 123 thuyền nhân của chiếc tàu Mỹ Tho 065 bị chìm vào cuối tháng 12 năm 1978, khiến tổng cộng 170 người chết.
Khi 120 xác trong số này tấp vào bờ ở đó thì người ta chôn trong mộ tập thể Cherang Ruku. Lý do chúng tôi phải chờ tới bây giờ mới thực hiện công tác trùng tu là bởi vì ngôi mộ này quá lớn, trùng tu tốn nhiều tiền. Đồng thời chúng tôi cũng trùng tu khoảng 100 ngôi mộ thuyền nhân khác không người thừa nhận mà chúng tôi vừa tìm được ở vùng A-nam-bas tại Indonesia, tức ở các tại thuyền nhân trước kia trên đảo Kuku và Araya cũng như ở vùng đảo
Pa-ram-pa phía Bắc Malaysia thì có khoảng 100 mộ mà chúng tôi tìm được trong 2 chuyến đi vừa qua. Trong khi đó, chúng tôi cũng tiếp tục tìm kiếm thêm mộ thuyền nhân ở những đảo khác trong vùng A-nam-bas và Na-tu-na vừa nói.

Thanh Quang: Trở lại ngôi mộ tập thể mà ông vừa nói, xin ông cho biết phương cách trùng tu ngôi mộ này như thế nào ?
Ông Trần Đông: Tại ngôi mộ tập thể tại Cherang Ruku mai táng 123 người có 5 tấm bia nằm ở một đầu ngôi mộ. Ngôi mộ này dài 30 mét, bề ngang khoảng 8 mét. Mỗi lần chúng tôi đến, tổ chức cúng bái, đốt nhang…ở chỗ mấy tấm bia ấy thì phải bước lên trên ngôi mộ.
Trong khi ở đầu còn lại của ngôi mộ có đất trống. Cho nên chúng tôi sẽ dời 5 tấm bia đó về phần đầu kia của ngôi mộ, tức là nơi có phần đất trống, đồng thời cũng cần làm một mái che lợp ngói và 4 cột bê-tông cốt sắt chung quanh. Khu nghĩa trang này trống trải, hoàn toàn không có cây cối, cho nên khi đoàn cựu thuyền nhân tới thăm, gặp khi trời mưa thì ướt hết, hoặc khi trời nắng thì quá nóng, nhiều khi quý Sư phải ngồi tụng kinh ở ngoài nắng và quý Cha cầu nguyện cũng ngoài nắng.
Do đó chúng tôi phải làm mái che để vừa bao phủ 5 tấm bia đó, vừa có chỗ thuận tiện khi chúng ta đến cầu nguyện, đồng thời, sự trùng tu như vậy khiến ngôi mộ tập thể này trông nghiêm trang hơn so với những mộ cá nhân của người địa phương vốn nguy nga, bề thế. Ngoài ra, cũng cần phải làm một hàng rào sắt chung quanh mộ, vì thành mộ cao khỏi mặt đất chừng 5-6 tấc, trâu bò vào đó, dẫm lên mộ, phóng uế trên mộ thì không được hay.
Chúng tôi có liên lạc với giới chức địa phương, họ đề nghị cho đất quanh ngôi mộ thêm một mét nữa để chúng ta làm một hàng rào sắt bao bọc xung quanh, ngăn chận trâu bò vào mộ.

Thanh Quang: Nhân tiện xin ông có thể cho biết qua về chi phí trùng tu này ?
Trần Đông: Tổng trị giá cho việc trùng tu ngôi mộ tập thể này như vừa nói tốn khoảng 20 ngàn mỹ kim, và cho 100 ngôi mộ còn lại vùng phía Bắc Indonesia dự trù một ngôi mộ tốn khoảng 200 mỹ kim để chúng ta làm bia cho mỗi ngôi mộ, cũng giống như chúng ta đã làm bia mộ ở Malaysia, tức mỗi bia là một tấm bê-tông cốt sắt, mỗi cạnh khoảng 50 cm, phía trên có ghi tên người quá cố.
Trong trường hợp không rõ tên tuổi thì sẽ ghi là một của thuyền nhân vô danh để chúng ta biết chỗ đó là mộ thuyền nhân.
Nói chung, nỗ lực của chúng tôi là đánh dấu rằng đây là mộ của thuyền nhân. Còn cần phải làm gì nữa về sau thì thế hệ kế tiếp, họ sẽ có những điều kiện tốt hơn để lo phần đó. Tại vì vùng những ngôi mộ này nằm ở trong rừng, nếu chúng ta không đánh dấu thì các di tích ấy bị mưa bão rồi cây rừng che lấp thì trong thời gian 5-10 năm nữa, chúng ta khó có thể tìm được mộ.
Thậm chí ngay bây giờ, chúng ta trở về đó tìm mộ thì đã gặp khó khăn rồi. Do đó mà ngay bây giờ, biết nơi nào là mộ thuyền nhân thì chúng ta đánh dấu để rồi sau này có những kế hoạch cần thiết khác.

Thanh Quang: Cảm ơn ông Trần Đông.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------------

Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-12-27

.
.
.

No comments:

Post a Comment