Monday, December 27, 2010

TRUNG QUỐC : GIÁO HỘI TỰ TRỊ - VIỆT NAM : TÔN GIÁO LỄ HỘI (LM Nguyễn Ngọc Tỉnh)

LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
Dec 27th, 2010

Giáo Hội tự trị bên Trung Quốc
Giữa lúc thế giới đang lao đao vì tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, thì trong những tháng cuối năm 2010, Trung Quốc xuất hiện như một cường quốc hung hăng, đầy tham vọng, gây lo lắng, đặc biệt cho các lân bang ở miền đông và đông nam Á Châu.
Trong lãnh vực tôn giáo, cách riêng trong cách đối xử với Giáo Hội Công Giáo, bất chấp hành động đầy thiện chí, bất chấp thái độ thân thiện, cởi mở của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI thể hiện qua lá thư gửi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc năm 2007, thì mới đây, chính xác là ngày 20-11-2010, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã cắt đặt cha Guo Jincai (hình phải) làm giám mục trước sự phản đối mạnh mẽ của Toà Thánh Vatican. Có ít nhất là 8 vị giám mục trung thành với Đức Giáo Hoàng đã bị nhà nước Trung Quốc gây áp lực buộc phải tham gia lễ tấn phong cha Guo Jincai làm giám mục. Chưa hết. Các giám mục nói trên còn buộc phải tham dự Hội nghị của Hiệp hội Công Giáo yêu nước nhằm tiến cử vào chức Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục một vị không được Toà Thánh nhìn nhận. Hậu quả là Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc tiếp tục là một “Giáo Hội tự trị”.

Tự trị như thế nào ?
Do áp lực của chính quyền cộng sản Trung Quốc, Giáo Hội Công Giáo tự trị không nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, do đó tự tách mình ra khỏi Giáo Hội tông truyền, không còn hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Đây hẳn là nét đặc thù tiêu biểu nhất. Nhưng cũng từ đây, ta có thể hiểu ra là Giáo Hội chỉ “tự trị” đối với Toà Thánh Vatican, nhưng lại hoàn toàn bị nhà nước cộng sản chi phối. Điều này chẳng có gì khó hiểu, vì một khi nhận chức tước do nhà nước ban cho, thì nhất cử nhất động các giám mục phải làm theo chỉ thị của nhà nước. Điều ta không rõ là bên Trung Quốc, các giám mục của Giáo Hội tự trị phải lệ thuộc nhà nước đến mức nào, có sợ làm mất lòng nhà nước đến độ cắt xén Lời Chúa để biện minh cho lập trường của mình hay không.

Việt Nam khác với Trung Quốc
Sự việc không thể chối cãi là tại Việt Nam, không có Giáo Hội tự trị, không có giám mục được bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Còn Đức Giáo Hoàng được tự do đến mức nào trong việc bổ nhiệm các giám mục thì lại là một chuyện khác. Ai cũng biết là năm 1975, đức cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn với quyền kế vị, nhưng ngài đã bị nhà nước cộng sản thẳng tay bác bỏ. Đến lượt đức cha Ni-cô-la Huỳnh Văn Nghi được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Toà cũng bị nhà nước bác bỏ luôn. Phải chờ đến năm 1998, gần 3 năm sau khi đức cha Phao-lô Nguyễn Văn Bình tạ thế, Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn mới chính thức có người lãnh đạo, đó là đức cha Gio-an Bao-ti-xi-a Phạm Minh Mẫn, lúc đó đang là Giám mục Phó giáo phận Mỹ Tho. Xin nhắc lại một chi tiết có ý nghĩa trong ngày lễ nhậm chức Tổng Giám Mục Sài Gòn của đức cha Mẫn. Theo nghi thức phụng vụ thì lẽ ra vị Giám Quản Tông Toà là đức cha Nghi phải đứng trước mặt tiền nhà thờ Chính Toà trao chìa khoá cho vị Tân Tổng Giám Mục, nhưng vì chức Giám Quản của đức cha Nghi đã không được nhà nước công nhận, nên hôm đó ngài chỉ được phép đứng ở trong nhà thờ để đón tiếp lãnh đạo mới của Tổng Giáo phận Sài Gòn mà thôi. Thế thì, để được nhà nước đồng ý cho làm Tổng Giám Mục Sài Gòn, đức cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn đã phải chấp nhận những điều kiện nào thì không ai biết, nhưng qua những gì mắt thấy tai nghe suốt mười hai năm nay thì thật khó tin là không có điều kiện. Và chuyện này không phải là chuyện cá biệt của chiếc ghế Tổng Giám Mục Sài Gòn: Ứng viên giám mục của bất cứ giáo phận nào cũng phải trải qua nhiều cuộc sát hạch của các viên chức cấp cao của nhà nước, trước khi tên tuổi được trả về cho Toà Thánh bổ nhiệm. Từ đó ta hiểu ra rằng: cho dù tại việt Nam không có Giáo Hội tự trị, không có giám mục được bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, nhưng một khi phải được nhà nước chuẩn nhận trước khi được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm, thì đối với nhà nước, các giám mục chỉ có thể có một sự tự do tương đối mà thôi.

Từ một ví dụ cụ thể
Chính vì hiểu được vị thế, hiểu được quyền hành to lớn của giám mục trong một giáo phận, mà nhà nước không chỉ quan tâm đến việc bổ nhiệm các giám mục, nhưng còn theo dõi tư tưởng, đường lối, hành động của các ngài. Ta hãy đưa ra một ví dụ cho cụ thể: Phải được nhà nước chấp nhận, linh mục Giu-se Ngô Quang Kiệt (hình trái) mới được bổ nhiệm làm giám mục Lạng Sơn, rồi Giám quản Hà Nội, cuối cùng là Tổng Giám Mục Hà Nội. Thế nhưng khi Đức Tổng Kiệt kêu gọi các tín hữu cầu nguyện để được trả lại thửa đất Toà Khâm Sứ, vốn dĩ là đất của Tổng Giáo phận Hà Nội, và lời kêu gọi của ngài được mọi tầng lớp nồng nhiệt hưởng ứng, linh mục cũng như giáo dân, không chỉ ở Hà Nội nhưng là khắp nơi, ở trong cũng như ngoài nước, thì nhà nước đã nhận ra nơi con người đó uy tín cũng như khả năng quy tụ quần chúng của một nhà lãnh đạo. Đến khi Đức Tổng Kiệt dõng dạc tuyên bố trước mặt bá quan văn võ ngay tại trụ sở Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ xin-cho”, thì đối với nhà nước, mối nguy đã sừng sững trước mắt. Vì Đức Tổng Kiệt được sự hỗ trợ của các giám mục giáo tỉnh miền Bắc, đứng đầu là giám mục Cao Đình Thuyên, nhà nước đã sớm nhận ra nguy cơ chế độ nếu không bị đốt cháy thì cũng sẽ lao đao nghiêng ngả. Phải dập tắt ngọn lửa ngay từ điểm xuất phát, đó là giám mục Ngô Quang Kiệt. Nhưng dập bằng cách nào?
Điều ai cũng biết là ngọn lửa Toà Khâm Sứ – Thái Hà, ngọn lửa đấu tranh cho công lý, cho sự thật, đã bị dập tắt một cách nhanh chóng đến tàn nhẫn, không phải do uy quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam, nhưng là do chỉ thị của Toà Thánh Vatican qua văn thư của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone ngày 30.1.2008 gửi đức cha Giu-se Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội. Đức Hồng Y nói: “Nhân danh Đức Thánh Cha, luôn luôn được thông tin về diễn biến của tình thế, tôi xin đức cha can thiệp để người ta tránh những hành vi có thể gây xáo trộn trật tự công cộng, hầu có thể trở về trạng thái bình thường. Và như vậy, trong một bầu khí thanh thản hơn, có thể lại tiếp tục đối thoại được với chính quyền hầu tìm được một giải pháp thích hợp cho vấn đề tế nhị này.”

Chuyện dài đối thoại
Đối thoại là phương thế tối ưu để đạt tới đồng thuận, nên nếu đối thoại nằm trong sách lược của Toà Thánh Vatican, chuyện đó chẳng có gì khó hiểu. Có điều Việt Nam đang sống dưới một chế độ độc tài, người dân chỉ được quyền đi xin. Khi phản bác cơ chế xin-cho, Đức Tổng Kiệt vừa chứng tỏ là người có bản lĩnh, có khả năng đối thoại, là một đối tác phải được tôn trọng. Thế nhưng cùng lúc, ngài đụng đến uy quyền tối thượng của chế độ độc tài. Đó là lý do sâu xa khiến nhà nước cương quyết loại trừ Đức Tổng Kiệt bằng mọi giá. Trong khi đó, ngài không nhận được sự hỗ trợ từ phía anh em giám mục của ngài (đồng cảm chứ không đồng thuận!), do đó, ngài trở nên đơn độc, lẻ loi. Đây mới là lý do chính dẫn đến việc từ chức, còn chuyện sức khoẻ chỉ là chuyện “râu ria”.
Một khi đã không công khai phản bác cơ chế xin-cho như Đức Tổng Kiệt, các vị khác trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mặc nhiên chấp nhận quyền tuyệt đối của chế độ độc tài, nên dù có hô hoán đối thoại với hợp tác, thực chất chỉ là nhận chỉ thị để ngoan ngoãn thi hành, và làm những gì được phép làm mà thôi. Mất bao nhiêu tiền để tổ chức cuộc toạ đàm về học thuyết xã hội của Giáo Hội với nhiều quan chức cấp cao của nhà nước. Để được cái gì? Đòi Giáo Hoàng Học Viện, nhà nước không trả. Làm gì nhà nước?

Đối thoại hay đổi chác?
Cho dù các quan chức nhà nước cũng như các chức sắc của Giáo Hội không ngừng lặp đi lập lại điệp khúc “đối thoại”, nhưng điều ta có thể dễ dàng ghi nhận, đó là một sự đổi chác: Giáo Hội được xây dựng những cơ sở hoành tráng, mở trường đào tạo nhân sự, tổ chức các cuộc lễ lạc, chức sắc mọi cấp được tự do đi ra nước ngoài. Giáo dục: chỉ được phép mở nhà trẻ. Y tế: chỉ được lo cho những bệnh nhân bị nhiễm HIV vì nhân viên nhà nước không chịu làm. Ngoài ra, đừng đụng tới người nghèo, người lao động, hay đám dân oan. Đừng đả động gì đến những vấn đề xã hội: bạo lực, bất công, tham nhũng, độc tài, đảng trị… Cứ ở trong nhà thờ thì không sao. Có ra ngoài thì “đừng làm chính trị.” Loại tôn giáo được chấp nhận (có khi còn được khuyến khích) hôm nay là loại “tôn giáo lễ hội”.

Tôn giáo lễ hội
Có một thời, do việc nhà nước viện đủ thứ lý do, các sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế đến mức tối đa: chẳng hạn giờ lễ phải tổ chức thế nào để không ảnh hưởng đến việc lao động sản xuất. Rất khó tổ chức các lớp giáo lý cho giới trẻ vì ở trong diện quản lý của nhà nước. Xin phép sửa nhà thờ đã hết sức khó khăn chứ đừng nói chi đến việc xây dựng nơi thờ phượng mới. Cách đây mười mấy năm, tôi nghe kể chuyện tại một địa phương, trong một cuộc họp giữa các viên chức chính quyền với các linh mục về việc xin xây nhà thờ, khi nghe một cán bộ nói: “Xin quý vị chịu khó chờ dăm bảy năm nữa, hoàn cảnh thuận lợi hơn, khi đó sẽ được cấp phép dễ dàng”, một linh mục bực mình mới hỏi giật lại: “Lúc đó liệu có còn cộng sản nữa không?” Phải can đảm cùng mình mới dám hỏi câu đó !
Nay cộng sản vẫn còn, nhưng trong gần hai thập niên qua, đã có biết bao nhiêu cơ sở hoành tráng được xây dựng. Có những ngôi thánh đường nguy nga, những toà giám mục đồ sộ. Không chỉ có các lễ truyền chức linh mục, nhưng ngay cả các lễ mừng ngân khánh, kim khánh, thậm chí mừng 10 năm, 15 năm… tha hồ tổ chức. Các cuộc lễ linh đình trọng thể bao nhiêu cũng được. Nói chung, cách tiếp cận các vấn đề tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thay đổi: không tiêu diệt được thì đành lòng chấp nhận, nhưng loại tôn giáo được chấp nhận hôm nay chỉ là loại tôn giáo lễ hội. Càng rình rang càng tốt, vì nhờ vậy mà bàn dân thiên hạ thấy được là tại Việt Nam “có tự do tôn giáo”. Tôn giáo thành món đặc sản được chế biến cho hợp với khẩu vị nhà cầm quyền cộng sản vô thần Việt Nam.

Nguy cơ tôn giáo bị biến dạng
Được thoải mái trong một số lãnh vực như vừa nói, đó là điểm tích cực, đáng mừng. Vấn đề là cái giá phải trả. Dưới chế độ độc tài cộng sản, xã hội Việt Nam hôm nay đang phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề: đạo đức xã hội bị băng hoại, nền giáo dục bị phá sản, người nghèo bị bỏ rơi, nông dân bị cướp đất không ai bảo vệ, phụ nữ thậm chí trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục; những người đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do dân chủ bị sách nhiễu, bắt bớ; môi trường bị tàn phá; đất đai, biển đảo bị ngoại bang lấn chiếm; an ninh quốc phòng bị đe doạ; dân tộc có nguy cơ rơi vào ách thống trị của Trung Hoa… Trước bao nhiêu vấn đề quan trọng và cấp bách như thế, Giáo Hội Công Giáo không mảy may quan tâm. Không có một tiếng nói. Giáo Hội Công Giáo đã chối bỏ vai trò ngôn sứ của mình.

Kết luận
Không chấp nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, bị tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, Giáo Hội tự trị tại Trung Quốc là một Giáo Hội có vấn đề. Sự hiện hữu của một Giáo Hội như thế đủ để chứng minh là tại Trung Quốc không có tự do tôn giáo. Giáo Hội như một phần thân thể đã bị cắt lìa khỏi cơ thể, có được bảo quản bằng hoá chất thì cũng không có được sự sống bình thường.
Tại Việt Nam, trên danh nghĩa, không có Giáo Hội tự trị. Kinh nghiệm cho thấy: không tiêu diệt được tôn giáo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chấp nhận tôn giáo như một thực tại, nhưng cùng lúc, dùng đủ mọi biện pháp, mọi thủ đoạn nhằm gây ảnh hưởng lên các lãnh đạo tôn giáo, để chính các vị này lèo lái tôn giáo của mình theo ý muốn của nhà nước.
Năm Thánh 2010 sắp kết thúc với đại lễ bế mạc tại La Vang với sự tham dự của Đức Hồng Y Dias, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng. Ngài sẽ tham dự một cuộc lễ hết sức hoành tráng, sẽ chứng kiến lòng mộ đạo của các tín hữu, cũng như lòng gắn bó của họ đối với các mục tử, đối với Đức Giáo Hoàng do ngài đại diện. Liệu ngài có biết rằng khi không còn khả năng chu toàn sứ mạng ngôn sứ, thờ ơ với vận mạng dân tộc, quay lưng lại với người nghèo, liệu Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có còn là Giáo Hội của Chúa Ki-tô, hay đang tự biến mình thành một thứ tôn giáo lễ hội?

Sài Gòn, ngày 27 tháng 12 năm 2010
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
pascaltinh@gmail.com
.
.
.

No comments:

Post a Comment