Wednesday, December 29, 2010

TỐ HỮU : NHÀ THƠ TIÊN BI (Vũ Thế Phan)

Vũ Thế Phan
Đăng ngày 20/12/2010 lúc 13:37:49 EST

“Mai sau dù có bao giờ…
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!” (1)

Mưỡu: Hơn nửa thế kỷ qua, khi nói tới Tố Hữu Nguyễn Kim Thành, báo chí, sách vở thường chỉ theo nhau nhắc đi nhắc lại mấy câu tuyệt tác của ông, đại loại “thương cha, thương mẹ, thương chồng…”, “Hoan hô Sta-lin…”, “Hoan hô Hồ Chí Minh…”. Theo tôi, tụng ca chỉ là một khía cạnh nho nhỏ trong nguồn thi hứng mênh mông của “nhà thơ lớn của dân tộc”.

Cụ Hoàng Văn Chí trong cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc nhận định về Tố Hữu như sau: “Tố Hữu là nhà văn xưa nay vẫn trung thành với Cộng sản”; “Tố Hữu là thần tượng của thi ca cộng sản Việt Nam cũng như Maïakovski ngày xưa là thần tượng của thi ca Liên Sô”; “lời thơ của ông rất hay…”.

Tài gieo vần chọn chữ của Tố Hữu thì không ai có thể phủ nhận được, nhưng nếu chịu khó trực tiếp đọc nguyên tác của Từ Ấy, Việt Bắc, Gió Lộng… chứ đừng nên đọc những sách ca Thơ Tố Hữu như của nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân – Hà Nội 1971; của nhà xuất bản Giáo Dục Giải Phóng – Hà Nội 1974; của Lê Đình Kỵ nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên nghiệp – Hà Nội 1979… mà bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “khen phò mã tốt áo”. Tôi đã đọc kỹ Tố Hữu như thế và đã phát hiện vài khía cạnh thú vị khác, nên có bài này.

I. Nhà thơ tiên tri

1. Ứng vào Thuyền nhân tị nạn… đảng

Hình : http://www.thongluan.org/vn/images/ToHuu-TienBi-ThuyenNhan.jpg
“Đường xa bao nỗi truân chuyên
Ngọn đèn đêm gió, con thuyền biển khơi.
Đèn vẫn tỏ, thuyền bơi tới trước,
Đảng ta đưa dân nước ta đi…”
(30 năm đời ta có đảng, Thơ Tố Hữu - Tác phẩm chọn lọc,
dùng trong nhà trường, trang 132 - nxb Giáo Dục Giải Phóng, 1974)

2. Ứng vào hiện tình đất nước

Hình : http://www.thongluan.org/vn/images/ToHuu-TienBi-BaNam-Q4-Saigon.jpg
“Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay...
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?”
(Vú Em, Thơ Tố Hữu, sđd trang 26)
II. Nhà thơ nâng bi

3. Ứng vào duyên tình Tàu-Việt (xưa và nay)
“Đường sang nước bạn chiều xuân,
Con tàu liên vận vui chân dặm trường.
Đồng-đăng đây, nọ Bình-tường,
Song song đôi mặt như gương với hình.
Bên ni biên giới là mình,
Bên kia biên giới cũng tình quê hương.”

Hình:
Quân Đội Nhân Dân Việt Nam anh hùng
kỷ niệm 65 năm ngày thành lập
bằng hình quân đội Trung Quốc

Chào Trung-quốc, giang sơn hùng vĩ,
Quê Hồng-quân Vạn Lý Trường Chinh!
Hồn các anh xưa, những người chiến sĩ,
Đầu đỏ ngôi sao, không sợ thác ghềnh.
Từ Giang Tây lên Thiểm-Cam-Ninh,
Ăn tuyết nằm sương, mặt đầy máu bụi,
Lòng mạnh hơn sông, gan to hơn núi,
Vai làm thang, lưng làm cầu.
Rừng thẳm sông sâu,
Không thể gì ngăn được!
Ôi tiếng sáo Ly Quê thuở trước,
Hồng-quân đi đến đâu
"Sông phải rẽ nước,
Núi phải cúi đầu" (a)
Các anh đi, lay động địa cầu.
Từ thuở ấy, nước tôi còn nô lệ,
Máu Xô-viết mới đầm đià đất Nghệ.
Tôi lớn lên, nhưng chưa được làm người,
Thèm một quê hương, một mảnh đất, khoảng trời.
Vời vợi Diên An, mộng mười sáu tuổi!

Từ ấy, đã biết bao đèo suối,
Chúng tôi đi, theo lối các anh đi,
Mười lăm năm trường kỳ kháng chiến,
Như các anh đã đi, đã đến,
Như các anh, giành biển, giành trời,
Hai ngọn cờ đỏ máu thơm tươi,
Chiến thắng ôm nhau, biên cương mở hội.
Hôm nay tôi đi từ Hà Nội,
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Con tàu đưa tôi đến Trung-hoa:
Bốn hướng mênh mông, bao la trời đất,
Ồ tất cả của ta đây, sướng thật!

Hình : http://www.thongluan.org/vn/images/ToHuu-TienBi-LinhTQ-CoVN-where.jpg
Bánh xe quay trong gió, bánh xe quay
Cuốn hồn ta như tỉnh như say,
Như lịch sử chạy nhanh trên đường thép
Đưa ta đến một ngày mai tuyệt đẹp.
Ôi buổi bình minh dày dọc đường
Mướt xanh bờ liễu, vút hàng dương,
Trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết,
Ngạt ngào đồng xanh mịn phấn hương.
Vui nhỉ tiếng cười quanh giếng máy,
Hoa đào đôi bím nở trong sương.
Làng hay phố đó, tường vôi mới,
Băng đá tan trên dòng Trường-giang...
Mặt trời lên, nắng chói lưng đồi,
Hết khổ rồi em nhỉ, Hỉ Nhi ơi!
Em mặc áo hoa, cúi đi hài ấm,
Em nói em cười má em đỏ thắm;
Em đẹp em thơm như quả táo đầu cành,
Phơi phới đời em cao vút như dương xanh.


Trung quốc đó: Sức thanh xuân bừng dậy,
Có phải chăng xưa nàng tiên nữ ấy
Mấy nghìn năm đày đọa tháp Lôi-phong
Vươn mình lên rực rỡ dưới cờ hồng!
Trung-quốc đó: Bàn tay nào huyền diệu
Đã nắn lại cả dung nhan dáng điệu,
Mặt đồng khô xóa sạch những bờ ngăn,
Như mặt người tươi dần những đường nhăn,
Gót chân bước trên đường xanh nhún nhảy,
Như nhịp trống ương ca, như biển ngời sóng chạy!
Văn Thiên Tường ơi!
Nếu anh sống lại
Đến bến bờ Bột-hải
Thăm Sơn-hải-quan
Anh sẽ không còn khóc mãi
Nàng Mạnh Khương xưa mùa đông
Bơ vơ đi mang áo rét cho chồng
Đắp Trường Thành Vạn Lý (b)
Tôi đã gặp Mạnh Khương nhiều chị
Khắp công trường rộn rã như ong
Vui chồng vui vợ
Vai gánh vai gồng
Bạt núi khơi sông
Mùa đông không lạnh nữa
Tưng bừng đuốc lửa thâu đêm
Cướp thời gian thay búa thay liềm!
Ôi hai chữ Tự-do: Đôi hài vạn dặm,
Đôi cánh thần tiên bay lên xanh thẳm
Tôi đã trông, tôi đã thấy: Nơi đây
Hai mươi năm nhảy vọt một ngày
Sáu trăm triệu bàn tay: Một núi
Thép gang luyện từ bùn lầy, than bụi!
Quang vinh thay Đảng những con người
Cờ đỏ giương cao, đứng dậy làm trời
"Tia lửa nhỏ đốt cháy đồng cỏ rộng" (a)

Mao Trạch Đông!
Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng
Đẹp như một ngọn cờ Hồng
Trên mặt người, mặt đất mênh mông.
Video Clip: Làng Tàu trên đất Việt – Ngụ binh ư công (2)

Tôi đã thấy ngày xưa đâu đó
Một tia lửa nhỏ
Trong xóm nhỏ Tương-đàm (c)
Cháy lan dần, đỏ khắp Hồ Nam
Thành ngọn lửa hôm nay: Trung-quốc!
Soi sáng phương Đông, châu Phi, châu Úc,
Lửa dâng cao, lửa Cách Mạng Tháng Mười
Rát mặt loài lang nhung, ấm dạ loài người.
Video Clip: Ngư dân Việt Nam vái lạy hải quan Trung Quốc

Sáng thêm nữa, đời đời, ngọn lửa
Của Trung-hoa, của chúng ta, tất cả!
Của chúng ta, muôn ngọn lửa lên cao
Cho cả địa cầu thành một ngôi sao!
(Tố Hữu - Đường Sang Nước Bạn - tập Gió Lộng, Hà Nội 1961)
Chú thích của Tố Hữu:
(a) Mấy lời của Mao chủ tịch

(b) Chuyện ngày xưa có nàng Mạnh Khương mùa đông mang áo cho chồng đắp thành Vạn Lý, tìm không thấy chồng đâu, tuyệt vọng nhảy xuống biển Bột-hải mà chết. Nhà thơ Văn Thiên Tường thương thân nàng, làm mấy câu thơ còn ghi ở Sơn Hải Quan:
Tần hoàng an tại tại
Vạn lý trường thành trúc oán
Khương nữ vị vong gia
Thiên thu phiến thạch minh trinh.

Tố Hữu tạm dịch:
Vua Tần ngồi yên sao đành
Oán xây vạn lý trường thành
Khương nữ nàng ơi không chết
Nghìn thu bia đá chữ trinh!

(c) Tương-đàm: Quê hương Mao chủ tịch.
4. Sơ kết: Nghìn thu bia đá
Giuộc ông tôn ông là Vladimir Maïakovski nội hoá. Cả nước biết đến ông nhờ ông giàu thi hứng nâng và đỡ bề dưới của bề trên. Một hôm, ngồi ngâm lại bài thơ Đường Sang Nước Bạn của ông cho bề trên nghe. Chẳng hiểu vì vô tình hay cố ý, bề trên thí vãi ra một cái bũm. Maïa nội hoá nắc nỏm khen:

- Chà, chà ... cái rắm hôm ni răng mà thơm lọa rứa!

Bề trên sụ mặt, không vui:
- Tôi nghe nói, người ta ăn cao lương mỹ vị vào, có tiêu hoá thì mới tốt. Mà tiêu hoá đều theo lẽ rắm phải thối. Vậy mà bây giờ rắm tôi lại thơm, có phải là điều bất tường không?

Tức thời Maïa nội hóa cong bàn tay lại, vớt không khí một cái, đưa lên ngửi, xít xoa:
- Chu choa, bây chừ nó lại thúi rồi tề. Cái rắm của bề trên kể cũng hơn người, loạ hí!

Vào Đại lễ “Hai Ngàn Năm Thăng Long” (1010-3010) xuất hiện trên Con Đường Gốm Sứ 2:

Tố Hữu chàng ơi không chết,
Nghìn thu bia đá chữ Nịnh!

Vũ Thế Phan


Ghi chú:

(1) Tố Hữu, "Kính gửi cụ Nguyễn Du", sđd, trang 181.

(2) Ngụ binh ư nông (gửi việc binh vào nghề nông): Thời bình dân làm ruộng, khi có chiến tranh nông dân/công nhân sẽ trở thành lực lượng quân đội. Đây là kế sách của Quản Di Ngô / Quản Trọng tức Quản Tử - Tướng quốc triều Tề Hoàn Công thời Đông Châu - Trung Quốc (theo Hậu Năng Phạm Tất Đắc, Quản Tử, trang 17, nhà xuất bản Việt Nam – Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn 1967).

Ngoài ra Quản Di Ngô cũng là tác giả của quốc sách “Chung thân chi kế mạc như thụ nhân / Kế sách trăm năm không gì bằng trồng người”. Quản Tử, thiên “Quyền Tu”, trang 53.

© Thông Luận 2010


Vũ Thế PhanĐăng ngày 29/12/2010 lúc 02:52:15 EST


“Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
(Tố Hữu, Bài ca mùa xuân 1961)


Tôi không có ý định tiếp tục có cái nhìn khác… thường về Tố Hữu, nhưng đúng 24 giờ sau khi trang Thông Luận đăng phần I bài này, bạn bè cho tôi biết ở Việt Nam đã có người “dám” sửa thơ Tố Hữu, nhất là hai câu cuối của bài Vú Em:
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay...
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?

thành:
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay...
Biết chăng ai đó say chằn gối
Có kẻ đêm nay nước mắt đầy.

Hai câu cuối trong bản gốc là một câu hỏi mang tính khẳng định sâu sắc rất Tố Hữu, tóm tắt nỗi khổ tâm, niềm oán hận của một người mẹ đành lòng bỏ lại đứa con ruột của mình trong đói lạnh để nâng niu bú mớm con của chủ nhân (chứ không phải con của đầy tớ nhân dân). Tôi chịu bài Vú Em không chỉ tại nó hay ở ý tưởng, ở cấu từ rất phù hợp với thời chống Pháp, rồi chống Mỹ-Ngụy “kíu” nước mà đối với cá nhân tôi, hai câu cuối trong nguyên tác (05/1938) đúng là Một Lời Tiên Tri đã và đang ứng nghiệm thật khít khao vào hiện tình đất nước ta chẳng kém gì “sấm Trạng Trình”.

Bốn câu trong đoạn cuối bài Vú Em, tôi tin sẽ tiếp tục có giá trị tiên tri vào mọi chế độ, mọi xã hội bất luận dưới dạng kinh tế tư bản hoặc dưới dạng kinh tế thị trường còn đuôi hay đứt đuôi. Do đó tôi buộc phải đưa bản scan dưới đây lên để các soạn giả nào đã “dám” sửa thơ Tố Hữu - “nhà thơ hàng đầu của thế kỷ XX”, nên “xét lại” phong cách ca hót của mình.

Tài liệu :
Vú Em, Thơ Tố Hữu
Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường, trang 26
NXB Giáo Dục Giải Phóng, 1974

Xin nhắc lại, bài Đường Sang Nước Bạn có mặt trong tập Gió Lộng, ấn bản thứ nhất in năm 1961 tại Hà Nội. Tháng 2 năm 1979, tình nghĩa môi răng Việt-Tàu ngủng ngẳng cắn xé nhau toé máu, bài trường thi tuyệt diệu Đường Sang Nước Bạn biến mất trong Gió Lộng được tái bản năm 1980 và các ấn bản kế tiếp cho đến khi Tố Hữu về vườn và qua đời năm 2002. Xưa, trường hợp này văn trên giấy gọi là “đục”, nay văn trên “nét” gọi là “bóc”. Ngày 18 tháng 5 năm 1979, nhà thơ Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (phó thủ tướng) Tố Hữu có lời tuyên bố trong Đại sứ quán CHXHCN-VN tại Paris: “Nếu nói rằng năm 1975 chúng ta (cs) thắng Mỹ là nói sai. Đúng là năm 1975 chúng ta đã thắng Mỹ và…Trung Quốc”. (1)

Để “cẩn tắc vô áy náy”, tôi đã chụp hình được sáu nơi có hai câu bị / được sửa đổi nêu trên. Muốn biết gồm những ai khác - ngoài tác giả Sao Thụy, đã bạo gan tẩy rửa Tố Hữu, bạn đọc chỉ việc Gu-gồ “Biết chăng ai đó say chằn gối” là sự sự sẽ rõ ràng.

Tài liệu :
Hình tượng người phụ nữ trong thơ Tố Hữu, Song Thụy
Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, 22/10/2009


Tố Hữu là nhà thơ mang “ơn Đảng đời đời” nên nguyện trọn kiếp:
1) “Vì Đảng” trong mọi tình huống, dẫu hơn ai hết ông đã thấy rõ bộ mặt thật của Đảng Cộng Sản Việt Nam “vĩ đại” nói riêng: Sau 30/04/1975, đặc biệt dúm đảng viên chóp bu “thần thánh trong chiến tranh” như ông hoàn toàn hiện nguyên hình là “quỉ ma trong thời bình”, xem ra còn phàm tục gấp mười mọi phàm tục của dân đen.

2) “Vì Cách Mạng” do đó “sống vì cách mạng, anh em ta, chết vì cách mạng, chẳng phiền hà”, “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”. Dẫu cái lý tưởng cách mạng Mác Lê-Nin xương chất thành núi, máu chảy thành sông, ông hiểu rõ thực chất chỉ là “dịch chủ tái nô”, xem ra còn tệ lậu, bệ rạc, áp bức hơn hẳn thời thực dân, đế quốc. Vậy mà ông đã chọn cách giữ im lặng đến cuối đời hầu không bị mang tiếng mất… lập trường cộng sản(g)!

3) “Vì lãnh tụ”:
“Hoan hô Xta-lin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hoà bình
Đứng đầu sóng ngọn gió!

Hoan hô Hồ Chí Minh
Cây hải đăng mặt biển
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến!

Việt Nam có Bác Hồ
Thế giới có Xta-lin.
Việt nam phải tự do
Thế giới phải hoà bình!”
(Tố Hữu: Bài ca tháng Mười)

Mao Trạch Đông!
Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng
Đẹp như một ngọn cờ Hồng
Trên mặt người, mặt đất mênh mông.
(Tố Hữu, Đường sang nước bạn)

Rốt cuộc sự thật về các “lãnh tụ vô vàn kính yêu” nêu trên ra sao? Sinh thời ông thấy rõ hơn ai hết: Tất cả chỉ là hào nhoáng của lớp sơn… hồ quảng!

Thời trai tráng Tố Hữu đã chấp nhận:
Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
(Tố Hữu, Trăng trối)

Sống là đây mà chết cũng là đây
(Tố Hữu, Giờ quyết định)

Và cuối năm 2002 lúc chuẩn bị “theo chân Bác” tìm gặp tổ tiên (2) là “cụ Mác, cụ Lê”:
Sống là cho mà chết cũng là cho
(Tố Hữu: Bài thơ cuối cùng)

Tố Hữu tài năng “nhớn” như thế, nhân cách “nhớn” như thế cho nên tôi tự cho phép được miễn bàn qua 2 câu thơ bị / được tác giả Sao Thụy cạo sửa và “bứt giây thần kinh xấu hổ” nắn cục đất thành ông Táo, vì tôi nghĩ không nên cố gượng so sánh hai sự vật quá so le.

Thứ nhất:
Người ta lớn bởi vì ngươi quì xuống
(Tố Hữu, Hãy đứng dậy)

Thứ hai:
Sự thật vốn không ưa trang trí
Lịch sử thường đi những lối bất ngờ!
(Tố Hữu, Lều cỏ Lê-Nin)

Và tiện thể, xin hỏi 4 câu dưới đây nên sửa, đục ra sao cho mất tính chất Tố Hữu – “nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa hàng đầu của thế giới”:
Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ
Và tị hiềm, và gian dối, điêu vong!
(Tố Hữu, Ý Xuân)


Là nhà thơ sớm “lột xác”, sớm hoài bão lý tưởng văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa nên “thơ Tố Hữu chín hẳn lên với những đề tài thơ lấy từ những mẩu đời, mẩu người trong quần chúng”, “mang tính thời đại, tính thời sự nóng hổi, có tác dụng phục vụ rất ‘kịp thời’ ”… (2) nhìn từ bàn giấy Văn phòng quản lý văn nghệ rồi cơ quan phó thủ tướng đặc trách kinh tế… Hiện thực xã hội chủ nghĩa, do đó, sẽ chẳng bao giờ được thực hiện!

Tuy từ khi “nhà càng lộng gió thơ càng nhạt” (4), nhưng Tố Hữu rất ham làm thơ nên có nhiều thơ, ít vè ít khẩu hiệu. Hồ Chí Minh “không ham” làm thơ, “không thích nói về mình” nên có ít thơ, nhiều vè, rất nhiều khẩu hiệu nhưng lại được vô số sách vái mình.

Theo chỗ tôi biết, trong lãnh vực thi ca cách mạng VN, Tố Hữu chỉ đứng dưới cơ duy nhất một người, đó là:
Bác Hồ là bậc vĩ nhân
Cho nên sống mãi trong quần chúng ta.

Hy sinh “cúi đầu” ca tụng lãnh tụ để bù lại được hàng hàng lớp lớp phê gia bình giả trong văn đàn XHCN “quì xuống” tán tụng tận mấy xanh mà lịch sử đã và đang xét công tội. Đơn cử vài tư cách “nhớn” chuyên ngành “vị bề trên”:
1. Chế Lan Viên, Thơ Tố Hữu, Suy nghĩ và bình luận, NXB Văn Học Hà Nội, 1971.

2. Hoài Thanh, a) Từ Ấy - Tiếng hát của người thanh niên cộng sản; b) Tình yêu quê hương đất nước trong tập Việt Bắc – Phê bình và Tiểu luận, Tập 1, NXB Văn Học Hà Nội, 1960.

3. Hà Minh Đức, Ra Trận, khúc ca chiến đấu - Thực tiễn cách mạng và sáng tạo thơ ca, NXB Văn Học Hà Nội, 1977.

4. Hoàng Trung Thông, Việt Bắc tập thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chúng ta - Chặng đường mới của văn học chúng ta, NXB Văn Học Hà Nội, 1961.

5. Mai Quốc Liên, Mấy cảm nghĩ về thơ Tố Hữu những năm 1960, Văn nghệ Hà Nội, 1969.

6. Phong Lê, Tố Hữu, Thơ và cách mạng, NXB Trẻ, 2007.

Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!
(Tố Hữu: Một khúc ca xuân)

Đã có ai đem thơ Hồ Chí Minh – “nhà thơ vĩ đại, danh nhân văn hoá của nhân loại” Nô-Du-Nét-Cô, thơ Tố Hữu – “nhà thơ hàng đầu thế kỷ 20” ra Vịnh, Lẫy, Tập, Nhái, Hát… như đối với Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du từ hơn trăm năm trở lại đây và mãi mãi sau này?
Tôi chưa biết. Tôi có thử “vận dụng sáng tạo” Tố Hữu “vào điều kiện” của nước non:


Chém cha bốn đứa đánh phu
Choa đói choa rét, bay thù chi choa?
Bay coi Tàu lạ là cha
Sướng chi bay hại nước nhà bà con?
Liệu hồn bỏ thói du côn
Bằng không đòn lại trả đòn cho coi.
(Tố Hữu, Tiếng hát trên đê)

Lũ bán nước lột da dân nước
Tan mồ cha cũng rước voi giày
Máu đào nhúng đỏ bàn tay
Biết chi đau đớn cỏ cây đồng bào !
(Tố Hữu, 30 năm đời ta có đảng)

Ấy vì:


Bão ngày mai là gió thổi hôm nay!
Trời chớp giật, tất đến ngày sét đánh!

(Tố Hữu, Thù muôn đời muôn kiếp không tan)

Tựa bài này là “Tố Hữu: nhà thơ Tiên Bi”. Nguồn hứng Ni Bâng Lãnh Tụ “mênh mông tình dân” của ông cũng như phần chính ông được Ni Bâng thì thiên hạ trong ngoài đều nhẵn mặt chữ rồi, song phần Tiên tri e còn mới, chưa được phổ biến rộng khắp vậy xin tiếp bài này bằng thêm vài câu sấm truyền cho bõ công “khảo kíu”:
Video đầy tớ đàn áp chủ nhân:
1; 2; 3; 4

Song còn bao nỗi chua cay
Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh
Cùng loài hổ báo, ruồi xanh
Cùng phường gian ác hôi tanh hại người!
(Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Hình A (5)
Kiếp người cơm vãi cơm rơi
Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi!
(Tố Hữu, 30 năm đời ta có đảng)

Hình B (5)

Hình C (5)


Video Clip: “Đu dây qua sông Pô Kô là sáng tạo không ai ngờ tới!” (Hồ Nghĩa Dũng – Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải)

Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hoá những anh hùng!

(Tố Hữu, Ê-Mi-Li, con…)


Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục, giày vò năm canh
(Tố Hữu: Tiếng hát sông Hương)


“Đau đớn thay phận đàn bà”
Hỡi ơi, thân ấy biết là mấy thân!
(Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Hình : Công nhân Tàu tại công trường bauxite Tân Rai, Tây Nguyên

Rộn ràng thay, cảnh quê hương
Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao… (6)
(Tố Hữu, Tiếng hát sang xuân)

Đòi cơm áo, đòi quyền dân chủ
Đường càng đi đội ngũ càng đông
Suối ngàn đã chảy thành sông
Đố ai tát cạn được dòng nước xuôi!

Càng tức nước, càng xui bờ vỡ
Lòng dân ta như lửa thêm dầu
Lưỡi lê, mũi súng, nhà tù
Càng đau, càng khổ, càng thù, càng căm.
(Tố Hữu, 30 năm đời ta có đảng)


Tổng kết:
Đáng lẽ tôi nên chọn lối hành văn hàn lâm nghiêm túc dành cho Tố Hữu, cho xứng tầm “nhà thơ lớn của thời đại Hồ Chí Minh” nhưng sao tôi lại chọn lối u mặc? Dạ thưa, có lý do cả đấy. Thay vì cứ như mọi người, mọi nhà bị ráo riết thi đua “học và làm theo gương đạo đức” chi chi đó mà ai ai cũng biết toỏng vốn chỉ có tiếng trên giấy, trên mồm các ngài truyền giáo bố láo vì miếng nhuận bút “rẻ như bèo”, xin thú thật, có lẽ tôi - để tỏ ra ta đây khác thường, là người đầu tiên chịu thương chịu khó “học và làm theo” quan niệm thực tiển về cái… tự cười đã được bác Tố Hữu bốc đoán cách nay 33 năm:
“Người ta cười cái xấu: cái xấu gắn chặt với cái sai. Cái xấu là nguồn gốc của cái hài. Không ai cười cái đẹp, cái tốt bao giờ. Nhất là khi xấu mà lại không biết mình xấu, lại tô vẽ thành đẹp, muốn khoác vào mình một bộ áo thật sang, thì cái xấu càng thành đối tượng của tiếng cười. Thời đại đã đổi thay, kẻ thù giai cấp không còn là vua, quan, địa chủ, tư sản nữa, nhưng tư tưởng ăn trên ngồi trốc, tư tưởng ăn bám, tệ quan liêu, tệ tham nhũng, bệnh tự tư tự lợi, lười lao động, nịnh hót, hàng trăm thói hư tật xấu khác, những tệ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay, hội hè ... vẫn còn. Cái thói tham ô, móc ngoặc, quan liêu, độc đoán, chuyên quyền cần phải lên án mạnh mẽ. Văn nghệ ta nên có tiếng cười nói châm biếm sâu cay, quất cho mạnh những hiện tượng tiêu cực này. Nên có những "vai hề" mới để chỉ trích những loại người tiêu cực hiện nay trên sân khấu của chúng ta”.
(Phát biểu của Tố Hữu ngày 16/11/1977 - theo Trương Chính và Phong Châu: Lời nói đầu trong "Tiếng cười dân gian VN", in lần thứ 2, NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1986, trang 9-10)


Và xin dành cho bạn đọc quyền thẩm định chi tiết hơn khoản tài nghệ tiên tri bằng thơ, bằng văn của đương sự.
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu!
(Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Vũ Thế Phan

Ghi chú:
(1) Theo Hàn Lệ Nhân, Cười XHCN, trang 153, NXB Việt Publications, Canada 1986.
(2) Trong bài Bác ơi, Tố Hữu tin quyết:
Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác-Lê Nin thế giới Người hiền.
(3) Lê Đình Kỵ, Thơ Tố Hữu, trang 535, NXB Đại Học và Trung Học Chuyên nghiệp, Hà Nội 1979.
(4) Xuân Sách, 100 Chân dung nhà văn, bài kệ dành cho Tố Hữu:
“Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta.
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.”
(5) A, B, C: Ba bức ảnh trẻ thơ –
Tuổi thơ nhọc nhằn, Blog QuêChoa, ngày 18/12/2010.
(6) Xem lại chú thích 2: “Ngụ binh ư nông” trong bài
Tố Hữu: nhà thơ Tiên Bi – I

Copyright © 1988-2010 Thông Luận

.
.
.

No comments:

Post a Comment