Thursday, December 2, 2010

TÌNH BÁO NGOẠI GIAO QUA WIKILEAKS CÓ THỰC GÂY SỐC?

02/12/2010  

Có thể, với nhiều người thì những gì mà Wikileaks công bố là mới và sốc. Nhưng sự thật thì việc các cơ quan ngoại giao tham gia vào công tác tình báo chẳng có gì mới lạ trên thế giới, vấn đề chỉ là người ta chưa chính thức công nhận mà thôi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton gọi hành động của Wikileaks là “tấn công thế giới“, một số nhận định còn cho rằng đây chính là một vụ 11-9 của ngành ngoại giao. Quả thực, đây là lần đầu tiên những thông tin hậu trường của ngành ngoại giao đã bị phơi bày trước công chúng. Lần đầu tiên, nhiều công chúng biết được các nhà ngoại giao cũng đi làm công tác tình báo. Chính vì thế, với nhiều người thì những gì Wikileaks công bố là rất sốc, rất mới.

Thế nhưng, khi những bức điện tín đầu tiên được Wikileaks công bố, dù nhiều lãnh đạo trên thế giới bị các nhà ngoại giao Mỹ nói đến với những ngôn từ không lấy gì làm đẹp đẽ, các nước cũng không có phản ứng gì nặng nề về mặt ngoại giao. Dẫu các nước có thể không hài lòng, nhưng Hoa Kỳ chưa gặp phải một chỉ trích nào đáng kể từ các chính phủ khác. Ngay cả Trung Quốc cũng chỉ lên tiếng mong muốn Hoa Kỳ nhanh chóng “xử lý vấn đề liên quan một cách thích đáng“.

Có vẻ như, các quốc gia còn cố chứng tỏ rằng họ đang cùng nhau đứng chung một chiến tuyến trước Wikileaks, ví dụ như Bắc Kinh thì nói rằng: “chúng tôi không muốn thấy bất kỳ sự xáo trộn nào trong quan hệ Mỹ – Trung“.

Dù tổng thống Pháp bị mô tả trong các bức điện tín là: “ông vua không quần áo” nhưng Paris chỉ nhẹ nhàng phản ứng: “Chúng ta sẽ phải rất lưu tâm và thống nhất ở cấp độ nhà nước để chống lại mối đe dọa đối với quyền dân chủ và chủ quyền“.

Nói một cách khác thì dù “không bằng lòng” nhưng các nước vẫn tỏ ra “bằng mặt”.

Không những thế, các quốc gia còn tỏ ra hết sức “đồng thanh đồng khí” khi cùng nhau chỉ trích Wikileaks và muốn đưa người sáng lập Wikileaks, ông Julian Assange ra tòa. Từ Nhật đến Pháp, Úc đều khẳng định sẽ hậu thuẫn cho Hoa Kỳ trong việc truy tố Julian Assange, người sáng lập trang Wikileaks, về tội làm lộ bí mật quốc gia. Trên các tờ báo lớn của châu Âu, người ta đều ghi nhận sự giận dữ của các chính phủ dành cho Wikileaks.

Tại sao có một phản ứng như thế từ các nước được xem là “nạn nhân” của giới ngoại giao Mỹ, bởi đối với các chính trị gia thì những gì mà Wikileaks công bố chỉ là một dạng “bí mật Polichinelle”, tức một thứ bí mật mà ai cũng biết. Từ lâu, chuyện các nhà ngoại giao làm công tác tình báo không có gì mới lạ, chính xác hơn thì ngoại giao và tình báo và hai lĩnh vực luôn gắn liền nhau.

Mặc dù, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói Wikileaks “tấn công thế giới” nhưng người phát ngôn bộ ngoại giao Hoa Kỳ Philip J. Crowley thẳng thắng thừa nhận: “họ đại diện cho đất nước chúng tôi trên khắp thế giới và tham gia làm việc một cách công khai, minh bạch với đại diện của chính phủ nước ngoài. Thông qua quá trình này, họ thu thập thông tin để định hình chính sách và hành động của chúng tôi. Đây là những gì mà những nhà ngoại giao, của nước ta lẫn các nước khác, vẫn làm hàng trăm năm qua“. Phim ảnh Hollywood cũng thường xuyên cho thấy chính các cơ quan ngoại giao là điểm ra vào của các điệp viên, tình báo.

Sự thực là như thế, vì các cơ quan ngoại giao, các tổ chức hợp tác vẫn được dùng làm nơi tổng hợp thông tin tình báo. Sở dĩ các cơ quan ngoại giao được giao nhiệm vụ như thế vì họ là những đại diện hợp pháp nhất được tồn tại ở nước khác.

Bên cạnh đó, có những thông tin nhìn vào tưởng chừng hết sức bình thường nhưng với nhiều người thì nó rất có giá trị. Đó là lý do nhiều tổ chức tình báo mượn những vỏ bọc để làm công tác tình báo, thu thập những thông tin mà họ hiểu giá trị thực của nó. Đó cũng là sự khác biệt giữa những người làm công tác tình báo với người bình thường.

Trong những năm 1980, một phái đoàn các chuyên gia kinh tế Mỹ, có cả cựu chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang (FED) Alan Greenspan, đã đến Liên Xô với hình thức là chuyến tham quan có tính chất ngoại giao. Trong chuyến thăm ấy, phái đoàn Mỹ đã cẩn thận ghi chép lại những đánh giá về kinh tế của Liên Xô, dù những nơi họ đến do Liên Xô dẫn đi.

Những ghi chép đánh giá ấy đã trở thành thông tin quan trọng để tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Ronald Reagan quyết định thực hiện chương trình chạy đua vũ trang Chiến tranh các vì sao để “khích tướng” làm cho Liên Xô cũng phải chạy đua vũ trang khiến kinh tế kiệt quệ nhanh hơn nữa, khi kinh tế Liên Xô bắt đầu kiệt quệ.

Câu chuyện trên cho thấy những thông tin từ quan hệ ngoại giao cũng có giá trị như thế nào để đưa ra chính sách và hành động.

Chính phủ các nước đều hiểu tất cả những điều trên. Cho nên, có thể họ hơi buồn lòng vì bị nhận xét thế này thế kia nhưng sẽ chẳng bất ngờ chuyện các nhà ngoại giao làm công tác tình báo. Chính vì vậy, sự kiện Wikileaks  lần này chỉ mới và sốc đối với những người “ngoại đạo”, còn đối với ngoại giao quốc tế thì nó chỉ là bí mật mà ai cũng biết, chỉ là không nói ra. Cho nên, Wikileaks sẽ không gây nhiều ảnh hưởng sâu rộng trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Tất nhiên, sự kiện này cũng để lại một cột mốc trong công tác tình báo và ngoại giao.


--------------------------------------

.
.
.

No comments:

Post a Comment