Wednesday, December 1, 2010

SỰ SUY ĐỒI CỘNG SẢN (Bùi Quang Vơm)


Không có gì được giải đáp- đó là cảm nhận nhưng cũng là thực tế kết quả của ba ngày chất vấn (22/11 tới ngày 24/11/10) trên diễn đàn Quốc Hội.
Người ta đã chờ đợi và hy vọng rất nhiều.
Người ta cũng hồi hộp và lo sợ không kém.
Nhưng thực tế đã diễn ra như chưa hề có gì xảy ra, chưa hề có chuyện đối chất. Mặc dù phải thừa nhận rằng có rất nhiều cái mới ở phía người chất vấn: sôi nổi, can đảm, thẳng thắn, thậm chí gay gắt. Nhưng không có gì khác ở phía những người trả lời. Không có một câu hỏi mấu chốt nào được giải đáp.
Sau 3 ngày chất vấn, nhìn lại, vẫn còn nguyên những bức bối của những ngày trước đó.

Không một tổ chức nào, không một cơ quan nào, không một Bộ nào chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ của Vinashin. 86.000 tỷ đồng, một lượng tiền tương đương ngân sách một năm của một tỉnh 10 triệu dân, đã được Bộ chính trị, thông qua Thủ tướng giao cho một Tập đoàn thí điểm một mô hình chưa từng có trong lịch sử lý thuyết và thực tiễn kinh tế.  Nhưng bây giờ, khi tiền của dân, của nước, mồ hôi của hàng chục triệu con người đã biến mất, Đảng và Chính phủ không ai có lỗi. Cả 4 ông Bộ trưởng liên quan trực tiếp tới Vinashin đều nói đã làm “đúng chức năng”, trách nhiệm thuộc về “người đứng đầu Chính phủ, chủ quản cao nhất đối với vốn chủ sở hữu của kinh tế Nhà nước”. Còn Thủ tướng thì nói đã làm đúng “theo chỉ đạo của Đảng”, tức là Bộ Chính trị và “pháp luật của nhà nước”, tức là của Quốc hội. Sự đùn đẩy này phản ánh đầy đủ thái độ tùy tiện, vô trách nhiệm của Đảng khi sử dụng tiền của và công sức của dân, của nước. Mồ hôi, nước mắt của dân, tài sản của quốc gia, ai cho quyền đảng đem ra thí nghiệm, “thử chơi” như vậy?

Các Tập đoàn kinh tế Quốc doanh vẫn tiếp tục được cấp vốn bằng tiền ngân sách. Kinh tế Nhà nước tiếp tục là kinh tế chủ đạo, sẽ tiếp tục hút hết năng lực vốn ngân sách tích lũy từ đồng tiền đóng thuế của nhân dân cả nước. ” 50% ĐBQH phản đối cấp tiếp 3.500 tỷ cho Tập đoàn Dầu khí”. Nhưng, đáng lẽ biểu quyết như khoản mục riêng, thì chủ tịch Nguyễn Phú Trọng lại cho ghép tất cả, và biểu quyết một lần, như vậy ”chẳng lẽ vì có một mục không đồng ý mà bỏ phiếu phủ quyết tất cả?”- ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói. Và bằng cách đó, đảng đã lừa Quốc hội vào cái bẫy tiếp tục chịu trách nhiệm vì đã nhất trí ”biểu quyết quyết nghị”.

Bô-xít vẫn giao cho Trung Quốc làm, bất chấp tất cả. Không phải lỗi của Thủ tướng. Không do Thủ tướng chủ trương. Và không phải chính Thủ tướng chống lại ý dân, chống lại những kiến nghị tâm huyết của hơn 2000 nhân sĩ đại diện cho tinh hoa ưu tú nhất của đất nước. Bộ Chính trị là người quyết định chủ trương đầu tư từ trước khi thủ tướng cầm quyền. Còn bây giờ, chỉ ”khi nào đảm bảo an toàn thì mới tiếp tục”. Chấm hết.! Đảng là tất cả, nhưng chẳng là ai. Bộ Chính trị là một nhóm người ra quyết định tất cả mọi chuyện, nhưng không một ai trong Bộ chính trị chịu trách nhiệm về bất cứ quyết định nào.

Nếu ”dừng ngay ta chỉ mất 35 triệu USD, nếu tiếp tục thì dự án này sẽ chung số phận với Vinashin, mất 4,5 tỷ USD hoặc hơn” – (ĐB Trần Thị Dung -Điện Biên), thì cái gì đang cản trở Đảng không đáp ứng nguyện vọng của toàn dân? Sức ép nào, lợi ích nào thúc ép Đảng lội ngược dòng dư luận?. Trong những nguyên nhân ấy, có bao nhiêu phần trăm là vì ”tiền đã nhận rồi, đã xài rồi, đã biến sang cái khác rồi, lấy gì mà hoàn lại cho chủ thầu Trung Quốc?”. Và có bao nhiêu phần trăm là do ”Tổng bí thư đảng đã ký”?

Ông Nguyễn Huy Hoàng thú nhận: ”Lũ lụt miền Trung đúng là có phần do thủy điện”. Hàng triệu người dân miền Trung vốn chưa bao giờ thoát khỏi nghèo đói đang càng đói và rét. Nhưng Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ nông nghiệp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, thủ tướng nguyễn Tấn Dũng vẫn không biết lỗi của ai.Và ai phải bồi thường tổn thất cho dân? Chẳng có ai cả, chỉ có dân thương dân bằng cách ”lá lành đùm lá rách”, còn những kẻ đột nhiên trở thành tỷ phú nhờ những dự án thủy điện thì vẫn ung dung đầu tư tiếp những dự án khác!

Đồng bằng sông Cửu Long rồi sẽ khô cằn do thiếu nước và thiếu phù sa, túi gạo của Việt Nam sẽ dần dần biến mất. Bao năm nữa thì Việt nam sẽ không còn là quốc gia sản xuất gạo.

Đường sắt cao tốc vẫn tiếp tục được “nghiên cứu” và sẽ “lách” vào lúc sự chú ý của dư luận chùng xuống. Bởi vì, dự án nào cũng vậy, đã khởi sự thì đã có ràng buộc của sự ăn chia? Đã trót ăn rồi, ”chạy làng” làm sao được nữa!

Có một chuyện không kém nguy hiểm và nóng bỏng là chuyện cho thuê đất rừng biên giới, nhưng người ta đã cố lờ đi. Không có trong chương trình nghị sự, chẳng lẽ lại bới ra?
Đành rằng vẫn biết vậy. Đại hội IX, rồi Đại Hội X, đại hội nào Đảng cũng”lắng nghe”. Cương lĩnh của Đảng từ xưa đến nay vẫn khẳng định ”Đảng cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích dân tộc”.
Nhưng dân nói mãi đảng vẫn trơ như gỗ đá. Còn lợi ích của đảng gắn liền với ”Chủ nghĩa xã hội”,với ”chuyên chính vô sản”, trong khi rõ ràng, lợi ích dân tộc lại gắn liền trước hết với tự do cá nhân và dân chủ xã hội. Đảng mượn danh ”chủ nghĩa xã hội” để bóp méo mọi thứ luật theo ý đảng. Đảng lợi dụng ”chuyên chính vô sản” để tiêu diệt, trấn áp mọi mầm mống của tự do và dân chủ. Có gì chung giữa Đảng với Dân?. Đối tượng cai trị của Đảng là Dân. Phải chia dân ra để trị. Phải bưng bít sự thật, ngăn cấm thông tin tự do để thực hiện ngu dân  Phải sử dụng bạo lực để tạo sự sợ hãi thường trực. Phải tạo ra môi trường tố cáo lẫn nhau để gây sự ngờ vực và chia rẽ. Phải giám sát từng bước đi, từng hành vi, từng diễn biến tư tưởng của từng người dân để sẵn sàng bóp chết phản kháng từ trong trứng.

Và lần này nữa, đại hội XI, đảng vẫn kêu gào ” góp ý cho đảng”. Nhưng không chỉ góp ý, ngay cả những kiến nghị khẩn thiết nhất, của cả những nhân sĩ trí tuệ nhất, tâm huyết nhất của đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, của phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, của Giáo sư tiến sĩ, nguyên phó thủ tướng chính phủ Trần Phương, của những nhân sĩ tinh túy như Việt Phương, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan….hàng triệu con người, hàng nghìn nghìn ý kiến, tất cả sẽ lại được xếp vào một chỗ. Và tất cả vẫn như vậy.

Không có gì khác trong cương lĩnh bổ sung và sửa đổi. Vẫn ”chủ nghĩa Mác Lê nin là nền tảng tư tưởng”. Vẫn nền ”kinh tế thị trường do nhà nước quản lý định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vẫn ”kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Bộ Chính trị- bộ não của đảng đã trở nên chai lỳ, vô cảm.

Nhưng nếu trước những diễn biến chưa từng có trong lịch sử sinh hoạt của Quốc hội, thể hiện một sự thật về trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân, một sự bức bối thật sự đã mấp mé giới hạn,  mà giới lãnh đạo đảng vẫn ” trơ” như đá, thì người ta phải tự hỏi: ” Cuộc chất vấn trong kỳ họp Quốc hội này có nhằm giải tỏa bức xúc của dân, có nhằm tìm kiếm đồng thuận giữa dân và đảng, hay nhằm vào một mục tiêu khác?”
Nếu đặt kỳ họp Quốc hội kỳ này vào bối cảnh cuộc đấu đá đang diễn ra gay gắt và không khoan nhượng giữa các phe cánh trong Bộ Chính trị cho chiếc ghế Tổng bí thư, thì thấy Quốc hội đã được sử dụng như một loại Tòa án để xử Thủ tướng và bộ máy Chính phủ. Đã có một sức ép buộc Nguyễn Tấn Dũng phải công khai nhận trách nhiệm cá nhân về vụ đổ vỡ và tài sản thua lỗ của Vinashin. Nguyễn Tấn Dũng đã phản ứng: ” …trách nhiệm của Thủ tướng và Chính phủ là thực hiện tốt nhất chức trách và nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị…”

Ý ông ta muốn thanh minh rằng, thực ra ông ta chỉ là thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy. Chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế Nhà nước là của Bộ Chính trị. Đưa các Tập đoàn thành lực lượng kinh tế chủ đạo, thành công cụ vật chất và kinh tài cho Đảng là chủ trương của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị mới là nơi chịu trách nhiệm cao nhất. Trước hết là ông Tổng Nông Đức Mạnh, tiếp đến là thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, và tiếp là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng, ông đã rơi vào bẫy của những người đang tìm cách gạt ông. Với danh nghĩa để xoa dịu dư luận, vì an toàn và uy tín của Đảng, ông đã được khuyến khích để tuyên bố:  ”Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ”.
Chỉ cần có thế. Ông đã thừa nhận không xứng đáng ngay cả với vị trí Thủ tướng. Ông đã bị loại. Và ông nên biết điều. Một mình ông chống lại Trung Quốc, một mình ông chống lại Bộ chính trị. Như vậy thì sự nghiệp chính trị của ông phải kết thúc. Nếu có bàn tay của Trung Nam Hải thì thậm chí ông sẽ còn phải ra tòa. Vì, nếu Phạm Bình Minh khó thoát được án tử hình, thì ông có thể cũng khó vô can!

Theo thông tin từ nhà báo tự do Bùi Tín, người ta đang họp kín để lựa chọn ông “Tổng” trong bốn nhân vật Nguyễn Phú Trọng, Trương tấn Sang, Hồ Đức Việt và Phùng Quang Thanh, không có Nguyễn Tấn Dũng.
Như vậy, rất có thể, ngay cả trò hề bắt Cù Huy Hà Vũ vừa rồi cũng do mấy “tay chơi” này đạo diễn, nhằm chỉ điểm cho dư luận hạ gục Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải ra đi, không phải chỉ do trình độ yếu kém. Mặc dù đúng là ông hơi “ít chữ”, nhưng trong đám 15 ông Bộ Chính trị, chẳng có ai hơn gì ông. Ông Bùi Tín gọi mấy ông bà này là những “người lùn”. Chắc là lùn về kiến thức văn hóa, lùn năng lực trí tuệ, lùn tầm tư tưởng, và lùn phẩm chất đạo đức. !

Ông ra đi là đúng, còn vì lý do ông chống lại dân chủ, chống lại tự do chân chính của công dân. Ông sợ trí thức. Ông sợ tranh biện. Ông sợ phản biện. Ông sợ một tổ chức chính trị khác với đảng cộng sản. Ông sợ báo chí độc lập. Ông sợ Dân. Vì vậy mà ông không có dân, mặc dù có thể, vì chống Trung Quốc (chưa xác định được là do ông lỡ hay non) lẽ ra trong đảng, ông là người duy nhất có dân.

Xem ra thì sau khi loại được ông Dũng, cuộc chiến đang giảm phần gay gắt.
Và mới ngày 27/11, lại thấy sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Chí Vịnh đại diện thương thảo với phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc.
Cùng sự kiện này là sự xuất hiện lần đầu tiên của Trương Tấn Sang, với tư cách người cao nhất của Đảng tiếp xúc đại diện quốc phòng Trung Quốc.
Đây là tín hiệu cuộc chiến Tổng Bí thư đã kết thúc, hay vẫn chỉ là những trò “đội váy nát khỉ”?

Hình như vẫn đang còn cuộc mặc cả chưa xong giữa Hồ Đức Việt với Nông Đức Mạnh về vụ vào Trung ương của Nông Quốc Tuấn và Nguyễn Chí Vịnh. Nếu chịu, thì rất có thể, ông Việt ngồi ở chỗ mà ông Trương Tấn Sang đang lăm le. Tuy nhiên, nếu mấy ông, mấy bà đều có nỗi sợ chung là : bỏ Chủ nghĩa Mác- Lê sẽ mất tất, thì Nguyễn Phú Trọng sẽ chiếm thế thượng phong và cuộc chiến sẽ không dễ dàng kết thúc cho đến phút cuối cùng.

Những ĐBQH đúng nghĩa, có trình độ nghiệp vụ, có kiến thức, có tâm huyết với dân, với nước, có nhận thức đầy đủ tư cách đại diện và trách nhiệm với cử tri như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết , như Doanh nhân Phạm Thị Loan, như ĐB Lê Văn Cuông, như ĐB Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc… rồi sẽ biến khỏi danh sách bầu đại biểu Quốc hội XIII tới đây. Bởi vì nếu những người này có tên trong danh sách, nhất định họ sẽ được dân bầu trở lại.

Không thể được. Đảng là người duy nhất quyết định cơ cấu danh sách đại biểu. Mặt trận chỉ là cái bể mạ kẽm, chỉ để mạ những đồ vật chuyển sang từ Bộ chính trị, chỉ là nơi dùng để vẽ thêm chân cho nhũng con rắn của đảng. Sẽ phải bớt ồn ào mất trật tự. Sẽ phải nhất trí cao, phải “đoàn kết từ trên xuống dưới”. Vì vậy, cần phải tăng đại biểu trẻ, đại biểu thuộc tầng lớp lao động, tăng phụ nữ và tăng người dân tộc.
Không cần phải có văn hóa cao. Đại biểu phải hòa mình với quần chúng lao động và nêu cao đạo đức khiêm tốn học hỏi lãnh đạo. Những doanh nhân ngoài đảng, các vị giáo sư, tiến sĩ sắp về hưu thì xin miễn. Có kinh nghiệm rồi.

Đấy là chưa nói, khi không thể tạo sự quy tụ, đồng thuận bằng sự hơn hẳn về trí tuệ và đạo đức, thì phải tạo ra sự quy tụ cưỡng bức bằng bạo lực. Càng “lùn”, càng man rợ và tàn bạo.
Đó là sự suy đồi cộng sản

Nói tóm lại là sẽ chẳng có sự thay đổi nào xảy ra như phép mầu trên đất Việt Nam, ít nhất cũng nhiều nhiệm kỳ năm năm nữa, nếu không có một sự kiện.
Thật buồn cho những ai ngong ngóng chờ đợi một Xã hội dân sự, một Nhà nước công dân tự đến.
Sẽ chẳng có gì tự đến.. Muốn có chuyển động phải có lực. Muốn có lực phải có năng lượng. Mà “năng lượng không tự nhiên sinh ra”.

28/11/2010
© Bùi Quang Vơm
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments:

Post a Comment