Wednesday, December 1, 2010

SỰ ĐỂU CÁNG THỜI VƯƠN RA BIỂN LỚN (Lê Diễn Đức)

Lê Diễn Đức
03/04/2009 | 5:00 chiều

Hắn là T., học chung tiếng Ba Lan với tôi tại trung tâm dành cho người nước ngoài. Hồi đó, bà giáo bắt chúng tôi phải học thuộc lòng địa chỉ nơi ở, nên đã mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ đường phố Kopcinskiego 16/18, thành phố Lodz.
Tình cờ tôi được biết T. hiện là chủ tịch thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá và khoa học của cả nước.

Sau Tết Đinh Sửu 2009 vừa rồi, gặp mặt đầu Xuân, nhân tiện tạm biệt tôi quy mã (tức qua Mỹ) một thời gian, anh Trần Ngọc Thành, lớn tuổi nhất nhà, gọi điện cho đám “lạc loài dăm bảy đứa” của Đàn Chim Việt, mà cộng đồng đối lập gọi là bọn Đàn Chim Việt hay những thằng phản động, tụ tập ăn tối tại nhà hàng “China Town”.
Vẫn những khuôn mặt quen thuộc từ chục năm nay, thiếu mất mấy thằng ở xa, một thằng khác phải đưa con vào viện vì bé bị té từ cửa sổ. Tuy không phải tất cả còn làm báo Đàn Chim Việt, mấy đứa ở Ba Lan tụi tôi, dù có lúc choảng nhau ra trò, vẫn quý mến nhau, còn nhắc nhau tạo cớ ăn nhậu để tình không phai nhạt. Không như một số người khác, uỵch nhau một trận rồi “em đi đường em, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”.

Bữa ăn có cả ông bạn tên Đ. cũng cùng học tiếng Ba Lan với T. và tôi. Đ. không làm báo, chỉ giữ vai mạnh thường quân, thường đến vui với chúng tôi khi có điều kiện. Hắn ta làm ăn thành đạt, từng trải, sống ngang tàng, có xe đẹp, nhà sang ở Ba Lan lẫn Việt Nam, mua bằng tiền tươi, thóc thật chứ không thấp thỏm sợ ngân hàng kéo khi bị lay-off như ở Mỹ trong cơn khủng hoảng tài chính. Hắn về nước xoành xoạch, quan hệ rộng nên rất sành các chuyện bí ẩn của sân sau Ba Đình, của Con Cháu Các Cụ hay các đại gia ở Việt Nam. Không ít trong số những đại gia hiện thời đã cùng Đ. thuê thẻ đỏ (*), chung lưng đấu cật đánh hàng từ Thái Lan, Singapore, Hongkong… cung cấp cho bà con nước Nga túng thiếu hồi thập niên 90, giai đoạn của “thời cơ vàng, hiểm hoạ đen”, nghĩa là có thể hốt bạc triệu nhưng cũng có thể mất trắng tay, nhiều khi mất mạng.

Qua Đ. tôi biết được thêm nhiều khái niệm thú vị của ngôn ngữ dân gian Việt Nam, phát triển từ thời “gió to đổ tường, đổ tường tượng lo, tượng lo là lọ tương”, cho đến thi đua là thua đi, rồi đầu tiên là tiền đâu, theo đường bác đi là đường bi đát, v.v… Giờ thì, ví dụ, đầu tư là đầu riêng, đầu riêng bắt buộc phải có đầu chung. Tức là làm chung (với ai đó) hay chung chi (cho ai đó) để yên ổn, không bị sách nhiễu. Lấc láo, định ăn cả gốc lẫn ngọn là có nguy cơ trở thành Trịnh Vĩnh Bình ngay. Tôi hỏi kỳ này về làm gì. Hắn nói xây nhà thổ, bao giờ Việt Nam có dân chủ, ông Đức về được thì cho xài miễn phí. Con gái Việt Nam làm điếm vừa nhiều vừa rẻ, chỉ sợ không đủ sức hoặc chết toi trước ngày hy vọng mông mênh ấy.
Khi nhắc đến T., hắn cười khẩy. Dân tỉnh leo lên chức chủ tịch thành phố quan trọng nhất nước đâu phải giỡn! Chức này còn là cái đà danh vọng tiếp theo. Mày biết không? Đ… mẹ, mất đứt hơn ba chục tỷ đấy – Hắn nói.

Bia vào, lời ra, biết thêm cái giá vài chục tỷ cho một chức vụ nào đó đôi khi vẫn bèo bọt, thu hồi vốn, tạo lãi mấy hồi. Tuy nhiên, không phải cứ có tiền là mua được, còn phải có giây mơ, rễ má, gửi gắm, dắt mối tầm cỡ “Thuyết Buôn Vua” trong vụ án Năm Cam.
Cho nên, về chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam, nhà nước cho nói chút chút, biểu diễn tý cho phải đạo. Không nói gì hoá ra ủng hộ à, thế giới nhìn vào còn ra thể thống gì nữa.

Một góc vườn trong dinh thự của đại gia Sơn Báo tại Hà Nội với những chậu cây kiểng trị giá nhiều ngàn đôla - Nguồn: LDĐ

Làm báo chí ở xứ rừng rú này tuyên truyền cho chính sách của đảng là bắt buộc, nhưng nếu khôn ngoan, biết tận dụng ngược chính cái cơ chế thì có thể hái ra tiền, như đại gia “Sơn báo” của một tờ quốc doanh nọ. Đừng chọc gậy bánh xe, châu chấu đá voi như Nguyễn Việt Chiến mà ngồi bóc lịch, khổ vợ con, bè bạn khóc nhưng bó tay. Đạo đức giả ư? Làm gì có mà giả với thật! “Chợ trời thực giả đâu chân lý, hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa”. Tiền cà phê, bồi dưỡng, cảm tạ, lại quả, hối lộ, ăn cắp, ăn cướp đều tôm, cá như nhau hết ráo trọi. Phong bì, bao thơ đã trở thành một thứ ung thư văn hoá làm mục rữa các giá trị của xã hội, đố có danh y nào trị nổi.

Mua bán chức tước ở Việt Nam chẳng việc gì phải quá bí mật, đôi khi còn là câu chuyện mang màu sắc giang hồ, có thể huyênh hoang trong bữa nhậu. Trong bộ máy khổng lồ của đảng và nhà nước, ai cũng làm, ai cũng biết, tuỳ theo cấp bậc, thân phận mà thực hiện cho đúng lệ làng. Định chơi nhau hả? Bố thách đấy! Thứ nhất là chứng cớ quả tang, quả tớm đâu? Thứ hai, đủ sức chơi không, coi chừng mạt nghiệp và mạt cả vận nữa! Ở xứ Việt ngày nay chả ai dại gì dây với ổ kiến lửa.

Trí thức (còn gọi là trí ngủ) – thành tố quan trọng của sự tiến hoá, thì mười hết chín phẩy chín là sợ mất niêu cơm, cam kiếp nô lệ, “sống chung với lũ” như Lê Đắc Sơn (cũng dân từ Ba Lan), giám đốc một ngân hàng tư ở Hà Nội, đã nói trên đài BBC Việt ngữ trong cuộc phỏng vấn.
Một nghịch lý là những thằng có tý quyền hành, cao giọng hà hiếp dân đen, bắt nạt kẻ dưới, lại thường là những thằng cực hèn, thích ăn tạp, ăn bẩn. Chúng chỉ là thứ người cầm c… cho thằng khác đái. Loại này dễ câu.

Nuật đã dzõ dzàng, việc em em nàm - Nguồn: NQĐ/LDĐ

Một cuộc cách mạng nhung lụa nào đó, lạy Trời, nếu có phép mầu xảy ra, thì chỉ có thể là sự nổi dậy đồng loạt của hàng trăm ngàn công nhân bị bóc lột tận cùng với đồng lương chết đói và nông dân, giáo dân bị trấn áp, cướp đất oan trái mà thôi. Nhưng còn lâu Việt Nam mới có một Václav Havel hay Lech Walesa!

*
Cách đây không lâu, tôi ngồi nhậu với N., một người quen khác sang Ba Lan thăm dò thị trường. Hắn đã giữ chức giám đốc một công ty nhà nước, từng đưa sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Bulgaria hàng chục ngàn lao động Việt Nam thời bốn phương vô sản đều là anh em và sang Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản thời các nhà tư bản và đại diện của giai cấp vô sản liên hiệp, cấu kết nhau xiết cổ người lao động.

Mới về hưu, vẫn sung sức nên hắn muốn tiếp tục sự nghiệp. Hắn nói rằng, ở Việt Nam, buôn công nhân đi nước ngoài là business hợp pháp ít vốn nhiều lời nhất, hơn cả ma tuý. Ai ai cũng muốn làm nhưng không dễ. Hắn có nhiều kinh nghiệm và vẫn còn giữ được các mắt xích quan trọng nên nhiều tân binh, mới vào nghề mời hợp tác.

Trước hết phải có 200 ngàn đôla để chạy giấy phép kỳ hạn một năm của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Tại sao chỉ một năm? Họ nói ăn một năm là đủ rồi, muốn gia hạn thêm thì phải triều cống tiếp. Bao nhiêu? Cái đó còn tuỳ ở tổng thu nhập năm qua! Không giấu được, vì hợp đồng khung và từng đợt đi cụ thể của công nhân đều phải qua Bộ duyệt và chấp nhận.

Từ chăm chú đến kinh ngạc, tôi nghe hắn ta giải đáp sự hoài nghi của mình.

Này nhé. Tao làm phép tính cho mày hay. Lương của một công nhân đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, ví dụ, 700 đôla, lấy mức bình quân của các nước Đông Âu, còn Nhật Bản hay vài nước khác thì nhiều hơn, Malaysia ít hơn. Thông thường công nhân được đối tác nước ngoài cam kết trong hợp đồng là cho ăn trưa, nơi ở và vé máy bay đi về miễn phí. Trong thực tế còn tuỳ, muôn hình vạn trạng, biến hoá khôn lường. Cái này chẳng cần quan tâm, tiền đã trao và cháo đã múc rồi!

Theo quy định của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội Việt Nam, môi giới Việt Nam và nước ngoài, mỗi bên được hưởng một tháng lương của một người cho một năm lao động, gọi là “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài“. Hay chưa! Ai chi à? Tất nhiên là công nhân. Hợp đồng ký với người lao động ghi thời hạn một năm, có thể gia hạn tới 3 năm hoặc hơn! Như vậy, một công nhân muốn đi phải nộp trước phí này cho môi giới là 700 đô nhân với 2 bằng 1.400 đô, cho 3 năm thành 5.200 đô. OK? Mày xem, nếu tống được 100 thằng đi, môi giới sẽ có hơn nửa triệu đô!

Khoản thứ nhì. Có sự chấp thuận bất thành văn của mọi bên gọi là “chi phí ngoài”, nói trắng ra là tiền làm thủ tục chiếu khán nhập cảnh. Các bố môi giới có hối lộ cho toà đại sứ nước nọ hay không, hay là bịa ra để bỏ túi riêng thì chỉ có trời biết. Đồn rằng, môi giới ở Cộng Hoà Czech thời gian qua đòi tới 2.500 đôla cho một visa lao động. Chẳng biết việc ông đại sứ CH Czech bị triệu hồi và CH Czech tạm ngưng cấp visa cho công dân Việt Nam có liên quan gì tới vụ này không, nhưng vỉa hè thì râm ran. Số tiền này môi giới nước ngoài cũng san sẻ đẹp một phần cho môi giới trong nước. Mày bấm xem con số có giật mình không? Tính với số chục hay trăm thôi, đừng tính số ngàn mà đứng tim!

Chưa hết! Hợp đồng bắt buộc công nhân phải thế chấp để tránh trường hợp bỏ trốn. Hầu hết công nhân là những người nghèo (chỉ một số rất ít lợi dụng để vượt biên hợp pháp) nên phải cầm đất, bán nhà, vay ngân hàng hoặc thế chấp tài sản. Nếu bỏ việc, tiền bạc hoặc tài sản thế chấp này sẽ mất đứt, các bên môi giới và chủ tuyển dụng ngoại quốc được quyền ăn chia, với cách nói mỹ miều là “tiền bồi thường thiệt hại”…

Như vậy chưa biết tương lai mô tê, tròn méo ra sao ở xứ lạ, khi đi mỗi công nhân phải nộp trước ba thứ: phí dịch vụ, phí visa và tiền thế chấp. Chưa kể tới các khoản hộ chiếu, công chứng, bảo hiểm, đi lại…
N. còn luyên thuyên nhiều thứ khác nhưng tôi bảo tốp. Tôi ù tai, choáng váng.

Khổ thân cho những người như anh Trần Ngọc Thành trong Uỷ ban Bảo vệ Công nhân, lặn lội đến Đài Loan, Malaysia… để tranh đấu quyền lợi cho những người công nhân bị lừa gạt, cùng đường. Có phải đây là những hiệp sĩ Don Kichote đánh nhau với cối xay gió không, khi đã hiểu ra nguyên nhân cốt lõi vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại làm ngơ trước việc hàng ngàn công nhân ở các nước Malaysia, Nam Hàn, Đài Loan, CH Czech… không chịu nổi sự đối xử bất công, tàn nhẫn của chủ xưởng, phải bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp, làm lậu, hành nghề mãi dâm, trộm cướp?

Càng quảng cáo thật hấp dẫn để lôi cuốn, càng tạo ra sự khắc nghiệt điều kiện sống và làm việc bao nhiêu, càng có nhiều công nhân ra đi và… bỏ trốn. Những tên tư bản đen và đỏ tha hồ ngồi mát ăn bát vàng.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết vô cùng chính xác: “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”!
Năm 2007, tôi lấy câu nói của Đỗ Mười (do một cán bộ thuộc cấp của ông ta thuật lại) làm tựa cho bài: “Chống tham nhũng? Bộ muốn chống đảng hả?” (**). Sau khi bài được đăng, anh bạn gọi qua Ba Lan trách tôi rằng, ông già kể nghe cho vui, sao anh cho lên mặt báo làm gì để ông lo lắng, sợ về nước bị lộ diện, phiền phức lắm. Tôi xin lỗi và trấn an rằng, trong đám bạn học cũ của tôi có nhiều thằng làm lớn lắm, biết thằng nào chơi với Cụ Mười hay đại gia Phương Phò mã của Cụ, nói ra. Không ai để ý đến cụ già hưu trí đâu.

Dù sao, rút kinh nghiệm, tôi không nói quá rõ về vài nhân vật trong bài này, nhưng cam đoan với bạn đọc là những người thật bằng xương bằng thịt. Có gì sai trái tôi xin chịu hoàn toàn trước… ai cũng được. Câu này gần như bị bắt buộc đối với mọi công dân Việt Nam XHCN khi khai báo gì đó. Tôi học mót cách đùa của tác giả Phạm Lưu Vũ khi giới thiệu mình trên Talawas Blog. ●

Chú thích:
(*)  Trong những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, hộ chiếu công vụ dành cho cán bộ bình thường đi công tác hoặc hộ chiếu ngoại giao với quyền ưu đãi miễn trừ dành cho các cán bộ cao cấp hoặc nhân viên ngoại giao của Việt Nam rất ít bị khám xét ở cửa khẩu biên phòng, được miễn chiếu khán nhập cảnh qua các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô. Chúng là phương tiện rất hữu hiệu, được người Việt ở đây khai thác triệt để trong việc buôn thuốc lá, thuốc tây, tem cốc (loại giấy dán vào ly, sẽ hiện lên hình cô gái khoả thân khi rót nước lạnh vào), đồng hồ điện tử, computer… Hộ chiếu ngoại giao có bìa màu đỏ nên được gọi là thẻ đỏ.
(**) Đọc trọn bài  “Chống tham nhũng? Bộ muốn chống đảng hả?” tại http://ledienduc.wordpress.com
© 2009 Lê Diễn Đức
© 2009 talawas blog

Phản hồi :

Sự đểu cáng thời vươn ra biển lớn
By ntzung, on April 14th, 2009

Tình cờ xem trên Talawas thấy bài báo này của tác giả Lê Diễn Đức về Sự đểu cáng thời vươn ra biển lớn. Những chuyện mua bán chức tước và tham nhũng ở Việt Nam ngày càng phổ biến, đến mức gần như “công khai”. Cứ mỗi lần tôi về VN lại được kể thêm nhiều chuyện mới,  nghe ù cả tai (tuy phần lớn là chuyện nghe lại, không có chứng cớ và không có “first hand knowledge” nên không viết lại được). Nhưng quả là con người sống ở VN hiện tại rất dễ bị xã hội tha hóa, và người ngay thì lại sợ kẻ gian.

Kể lại đây một vài chuyện “nhỏ như con thỏ” mà tôi được “đương sự” kể trực tiếp:
- Một ông làm chức Vụ phó nói: đã có hai lần có quyết định tôi lên làm vụ trưởng được đặt trên bàn của “thủ trưởng”, nhưng cuối cùng người ta cất quyết định đi không ký, vì người ta thấy tôi “có khả năng”, nhưng người ta còn muốn tôi xem tôi “có nguyện vọng không” mà tôi “không biết bày tỏ nguyện vọng”.
- Một người bạn làm trưởng 1 dự án khá lớn, có cả “Tây” tham gia làm tư vấn. “Tây” cũng biết chuyện “lại quả” ở VN, nên hỏi người đó lấy bao nhiêu %. Người này không quen như vậy nên bảo không lấy gì cả. Bạn bè liền bảo mày dại thế, không lấy % thì bị chê là dốt, không có tiền lại quả cho thủ trưởng thì sớm muộn cũng bay khỏi ghế thôi.
- Một người bạn khác bán dụng cụ y tế, và “hiển nhiên” là mỗi khi bán phải lại quả cho tên chịu trách nhiệm mua đồ cho bệnh viện một tỷ lệ % đáng kể. Tiền đó là tiền nhà nước. Họ mua đồ, đặt hàng không phải theo tiêu chí “hiệu quả sử dụng”, mà theo tiêu chí “lượng tiền lại quả”.
- Một người quen khác được cấp trên  “gợi ý” là có thể lên làm Phó TGĐ 1 tập đoàn nhà nước lớn, nhưng vì không chịu đi “bày tỏ nguyện vọng” nên cũng không lên. Trong khi người khác trình độ kém hơn nhưng “bày tỏ nguyện vọng rõ ràng” thì được lên.
- Một người bạn làm lãnh đạo một Viện, khi Viện xây dựng cơ sở hạ tầng thì công ty đấu thầu xây dựng lại quả cho người này. Người này dùng tiền lại quả đó để chi cho các hoạt động của Viện, nhưng các giấy tờ liên quan phải ỉm đi, vì nếu “bị phát hiện” là tiền từ “quĩ đen” thì “người ngay lại thành kẻ gian”.
- Một người bạn làm tư vấn tự do. Vì đã “quen cơ chế” nên cứ mỗi khi có cơ quan nhà nước mời làm tư vấn thì hỏi ngay “% lại quả là bao nhiêu”. Nếu không quá 30% thì có thể nhận, trên đó thì không nhận. Có người “dại dột” không chịu hỏi trước khi nhận hợp đồng tư vấn, đến lúc nhận xong thì bị cắt béng luôn 50% tiền lại quả.
- Một SV giỏi có học bổng nhà nước đi học nước ngoài, nhưng từ khi biết mình được nhận học bổng cho đến khi lấy được giấy tờ và vé máy bay phải đi qua 8 “cửa”, mỗi cửa một “phong bì”, vì nếu ở cửa nào mà không có “phong bì” thì đều được trả lời kiểu như “thủ trưởng đang đi vắng, hãy đợi đấy”, và có thể đợi cho đến khi quá khai giảng luôn.
Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu như chỉ số ICOR (hiệu quả đầu tư) của đầu tư công ở VN trên 10, cao gấp hơn 3 lần ở các nước khác. (Con số này tỷ lệ ngược với hiệu quả, tức là đầu tư công ở Việt Nam có hiệu quả chưa bằng 1/3 hiệu quả đầu tư ở các nước khác). Một phần kém là do chiến lược kém, sáng tạo kém, tài quản lý kém … nhưng ắt hẳn một phần quan trọng là do tiền đầu tư đã bị rơi rụng rất nhiều trong “cơ chế lại quả”. Như một tác giả khác có nói, tham nhũng ở các nơi khác là “lỗi của hệ thống” còn ở Việt Nam thì là “đặc trưng của hệ thống”.
.
.
.

No comments:

Post a Comment