Friday, December 31, 2010

RẮC RỐI (trong vụ án CÙ HUY HÀ VŨ)

Đông A

Ông Cù Huy Hà Vũ quả là người có thể tạo ra những rắc rối bất ngờ. Mới đây, tôi thấy trên mạng, thư của ông gửi cho ông Nguyễn Minh Triết và đài VOA đề nghị tham gia quá trình tố tụng. Chuyện đề nghị ông Nguyễn Minh Triết tham gia tố tụng quá tầm phào và dễ giải quyết, bởi vì Viện Kiểm sát đã có thể là một đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước Việt Nam. Nhưng chuyện đề nghị đài VOA tham gia tố tụng là một chuyện hấp dẫn và chưa từng có tiền lệ, theo như sự hiểu biết của tôi.

Tôi chưa được đọc văn bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nên không rõ trong đấy viết cụ thể như thế nào. Nhưng theo thư đề nghị của ông Cù Huy Hà Vũ, trong cáo trạng có đưa ra hai bài đài VOA phỏng vấn ông Cù Huy Hà Vũ, và như vậy đài VOA là cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Luận điểm này không phải không có cơ sở. Chẳng hạn báo Tuổi trẻThanh niên từng là cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi phóng viên của họ bị truy tố trong vụ PMU. Điểm khác biệt ở đây chỉ là đài VOA là một cơ quan truyền thông của nước ngoài.

Tôi thấy chuyện này khá rắc rối. Đài VOA không phải là một cơ quan truyền thông thông thường. Đài VOA là một cơ quan truyền thông của Mỹ, đại diện cho nước Mỹ và thể hiện chính sách của Chính quyền Mỹ. Tôi giả sử như Tòa án Việt Nam tuyên án ông Cù Huy Hà Vũ vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự, và như vậy là đã gián tiếp tuyên bố đài VOA hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, cũng có nghĩa là đấy là tuyên bố Chính quyền Mỹ có chính sách tuyên truyền chống lại Nhà nước Việt Nam. Tôi chưa từng thấy một vụ việc nào tương tự như vậy xảy ra, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Liệu một phán quyết của Tòa án như vậy có thể coi là một tuyên bố chiến tranh được không? Người ta có thể nói bên này tuyên truyền chống bên kia, nhưng một phán quyết của Tòa án là một vấn đề không đơn giản.

Vấn đề bây giờ nằm trong chân người Mỹ. Nếu Chính quyền Mỹ coi các dissident là những người cần được hậu thuẫn thì sẽ nhúng mũi vào chuyện này. Nếu Chính quyền Mỹ có các quyền lợi quan trọng khác thì bỏ ngoài tai chuyện này, có phản ứng thì chỉ theo phong cách chiếu lệ cho phải phép. Như vậy tùy theo cách phản ứng của Mỹ mà có thể thấy được sự thật thế này hay thế khác. Nếu Mỹ nhúng mũi vào thì đài VOA sẽ tăng uy tín lên rất nhiều, và đài VOA sẽ là cái ô để che cho các dissident. Một vấn đề không thú vị chút nào cho Chính quyền Việt Nam. Giả sử Mỹ nhúng mũi vào và Mỹ sẽ tham gia vào quá trình tố tụng. Liệu Việt Nam có cho phép hay không? Liệu Việt Nam có thể ra một phán quyết mà nội dung của nó gián tiếp khẳng định rằng Mỹ đang tuyên truyền chống Việt Nam? Nếu như vậy thì sao Bộ Ngoại giao Việt Nam không lên tiếng phản đối đài VOA đang tuyên truyền chống Việt Nam ngay từ khi bài phỏng vấn được phát sóng? Đâu là quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam?

Phiên tòa xử ông Cù Huy Hà Vũ không khéo lại thành một tấn phong cho ông Cù Huy Hà Vũ thì thật là...
.
.
.

No comments:

Post a Comment